Con đường đúng của Đồng Tháp: “Tăng lực” từ những hội quán nông dân
Triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên 5 sản phẩm chủ lực, với phương châm hợp tác – liên kết – thị trường, Đồng Tháp đã cho thấy đây là con đường đúng của tỉnh.
Các nút thắt dần được gỡ
Đến nay, Đồng Tháp đứng đầu cả nước về sản lượng cá tra và các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng từ cá tra; đứng thứ ba về sản lượng lúa đồng thời là trung tâm chế biến của vùng; đứng trong nhóm đầu diện tích vườn cây ăn trái. Những nội dung, mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh được tóm tắt trong 6 vấn đề: “Hợp tác, liên kết, thị trường” và “giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”.
“ Cây cam vườn tôi” là một mô hình thành công của các hội quán ở Đồng Tháp. Ảnh: T.L
“Đồng Tháp đang thiết lập những công cụ quản lý để minh bạch, cung cấp thông tin nhiều nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp”.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp
Lê Minh Hoan
Trong các bản báo cáo ở nhiều cấp cho thấy, nông sản Việt luôn bị cho là có sức cạnh tranh kém, nhưng chưa có những lý giải thấu đáo về nguyên nhân. Nông sản cạnh tranh kém vì chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao. Ngoài ra, chất lượng được đánh giá là không đồng đều và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giải pháp tháo gỡ 2 nút thắt “chi phí cao” và “chất lượng kém” sẽ không thể làm được nếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Sản xuất nhỏ thì chi phí cao. Sản xuất tự phát sẽ không tuân thủ một quy trình chung để bảo đảm chất lượng, độ đồng đều cho nông sản. Sản xuất riêng lẻ thì ngay người sản xuất cũng sẽ tự cạnh tranh với nhau.
Video đang HOT
Để cạnh tranh, người nông dân có thể cắt giảm quy trình canh tác để giảm chi phí, có thể dùng những hoá chất độc hại để nông sản được lớn hơn, đẹp hơn. Đây là “điểm liệt” trên thị trường, làm cho nền nông nghiệp thiếu bền vững.
Những phân tích nêu trên cho thấy hợp tác xã (HTX) là giải pháp duy nhất giúp tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, doanh nghiệp và cả nền nông nghiệp. Rất tiếc vì nhiều lý do, nhiều HTX chậm chuyển đổi, hoạt động không đúng bản chất, chưa thật sự là “bà đỡ” cho mục tiêu “giảm chi phí và nâng cao chất lượng”.
Muốn tạo dựng lòng tin trong nông dân cần phải có một không gian cộng đồng để người dân đến với nhau, chia sẻ với nhau, bớt đi sự đố kỵ, hẹp hòi vì những va đập trong cuộc sống. Không gian cộng đồng đó, Đồng Tháp đặt tên là “ Hội quán nông dân”. Đến nay, chúng tôi có 58 hội quán ra đời gắn với một vùng nguyên liệu cụ thể.
Hội quán được thành lập với phương châm “Chăm chỉ – Tự lực – Hợp tác”, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn. Từ những buổi sinh hoạt của hội quán, chuyện xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ giảm nghèo, xử lý môi trường được chính người dân bàn luận và thực hiện. Từ hội quán, người nông dân kết nối với các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các viện trường, nhờ đó kiến thức của người dân được nâng lên.
Đến nay, toàn tỉnh có 129 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 949 tổ hợp tác và 58 trang trại đang được củng cố và thành lập mới. Cũng thông qua mô hình hội quán, người nông dân đã được hướng dẫn tiếp cận quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp thông minh. Các mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “ Ruộng nhà mình” đặt nền móng cho thương mại điện tử, nối kết nông sản ra thị trường.
Cần có luật riêng về hợp tác xã nông nghiệp
Đồng Tháp là một trong những địa phương đi những bước đầu tiên trên hành trình chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”; lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới.
Trục liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp, được phát huy bắt đầu từ những “cánh đồng mẫu lớn”, các Hội quán, HTX. Một trong những điểm yếu trong sản xuất và tiêu thụ trong là “thông tin bất cân xứng” – một trong các bên tham gia vào chuỗi ngành hàng không biết rõ thông tin về một hay các bên còn lại.
Đồng Tháp đang thiết lập những công cụ quản lý để minh bạch, cung cấp thông tin nhiều nhất, nhanh nhất, thuận tiện nhất cho nông dân, HTX và doanh nghiệp. Để tiếp tục phát triển nền nông nghiệp bền vững, trên cơ sở thực tiễn địa phương, Đồng Tháp kiến nghị cần có một luật riêng về HTX nông nghiệp, đủ mạnh sẽ làm cho HTX có đủ nguồn lực và sức mạnh dẫn dắt kinh tế hộ.
Hai là, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần phải có nhiều cơ chế, chính sách song hành. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng để đẩy mạnh hoạt động sản xuất theo chuỗi ngành hàng, trong đó tiếp cận công nghệ bảo quản, chế biến nông sản.
Ba là, để cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng Tháp đang có nhiều mô hình giảm diện tích đất trồng lúa để đan xen với những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện suy giảm nguồn tài nguyên nước. Tuy nhiên, chính sách giảm diện tích trồng lúa vẫn còn bất cập so với mong chờ của người dân, cần có sự tác động rõ ràng hơn ở tầm vĩ mô.
Theo Danviet
5 năm tái cơ cấu nông nghiệp: 3 trục sản phẩm mang về 40 tỷ USD
Một trong những thành quả ấn tượng nhất sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là đã hình thành rõ nét 3 trục sản phẩm: Nhóm ngành hàng cấp quốc gia; nhóm sản phẩm địa phương và nhóm sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm".
Biến bất lợi thành lợi thế
Theo đánh giá của chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo trục sản phẩm đã mang lại những kết quả vô cùng khả quan. Việc tập trung vào 4 trụ cột chính cộng với chính sách xoay trục linh hoạt đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương, nhất là trong 3 năm trở lại đây.
Trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng. Sau 5 năm, giá trị tăng thêm của lĩnh vực trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập trên 1ha tăng 4,8%; cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ mức 12% năm 2012 lên gần 32% năm 2017; các cây công nghiệp có giá trị cao đóng góp 43% cho tăng trưởng trồng trọt, tăng gần 16%.
Chất lượng đàn vật nuôi đã tăng rõ rệt, sản lượng thịt hơi các loại tăng 30%. Giá trị tăng thêm từ sản xuất chăn nuôi tăng 3,85%/năm, giá trị sản xuất tăng 4,0%/năm. Lĩnh vực thủy sản đã khẳng định được lợi thế; tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản trong giá trị sản xuất toàn ngành đã tăng từ 22,5% lên 25%, giá trị gia tăng đã tăng từ 18,8% lên 20,5%; tổng sản lượng thủy sản tăng 21,6%.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản năm 2018 có thể đạt 40 tỷ USD. Ảnh: Thanh Cường
Đánh giá về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp các địa phương, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có một số điểm đáng ghi nhận, nhiều địa phương như Đồng Tháp, Sơn La... đã biết biến bất lợi thành lợi thế.
Ví dụ như Sơn La, quá trình chuyển trục sản xuất rất rõ, họ biết tận dụng đất dốc để chuyển từ trồng ngô sang các loại cây ăn quả đặc sản (nhãn, cây có múi, chanh leo, xoài). Đáng nói là, cả trục chính trị cũng chuyển động theo, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đi tập huấn về triển khai cho địa phương, mời gọi doanh nghiệp, vận động sự hỗ trợ của Bộ NNPTNT trong việc tháo gỡ các vướng mắc.
Tây Ninh cũng là một địa phương không có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp do bất lợi về thời tiết nhưng đội ngũ lãnh đạo địa phương rất nhiệt tình, mời doanh nghiệp về khảo sát từng vùng sản xuất, sau đó cùng quá trình sản xuất căn cơ là xây dựng nhà máy chế biến.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chuyển động rõ nét nhất trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề chế biến sau thu hoạch đã được quan tâm. Theo đó, chỉ trong năm 2018 đã có 10 nhà máy chế biến nông sản đã và sẽ được xây dựng ở nhiều vùng sinh thái. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tháng 12 tới sẽ khởi công xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với quy mô 1,4 triệu con heo của Masan. Rồi đây thịt lợn của Việt Nam không chỉ xuất đi Myanmar mà còn nhiều thị trường khác, riêng thịt gà, từ quý III.2018, sản lượng thịt gà xuất sang Nhật Bản tăng lên 600 tấn/tháng.
Tiếp tục ưu tiên 3 trục sản phẩm
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo ý kiến nhiều chuyên gia, quá trình cơ cấu lại ban đầu diễn ra
chậm, chưa thích ứng kịp sự biến đổi về khí hậu và thị trường. Nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp; có tình trạng sản xuất vượt quy hoạch và theo phong trào.
Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, năng lực sản xuất của nông nghiệp nước ta đã rất lớn mạnh trong khi thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường; công tác dự báo cung, cầu yếu nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân. Khoa học công nghệ chưa phát huy hết vai trò; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản còn nhiều hạn chế. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém.
Mục tiêu từ nay đến năm 2020, Bộ NNPTNT sẽ tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường để phân loại thành 3 trục sản phẩm: Với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch, chiến lược và xây dựng vùng sản xuất tập trung.
Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương. Với nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương, có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể, sẽ được xây dựng và phát triển cùng với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình "Mỗi làng, xã một sản phẩm".
Theo Danviet
Thức thời bán cam trên mạng, dân Cao Lãnh thu bộn tiền Sau xoài, sản phẩm cam xoàn cũng được nông dân Đồng Tháp đưa lên mạng chào bán theo mô hình Cây cam vườn tôi. Với cách làm này, chỉ cần một cú click chuột, người tiêu dùng dù ở bất kỳ đâu cũng có thể được mua sản phẩm cam xoàn tận vườn, được giám sát quá trình chăm sóc, thu hoạch cam...