Con đường đến với khủng bố của thanh niên Pháp
Thất nghiệp, phạm pháp, tù tội và thiếu sự quan tâm của xã hội là con đường nguy hiểm đẩy nhiều thanh niên Pháp đến với chủ nghĩa khủng bố.
Thanh niên Pháp gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Ảnh: AFP
Cả nước Pháp và thế giới vừa bàng hoàng chứng kiến một loạt những vụ xả súng và đánh bom ở thủ đô Paris, khiến ít nhất 120 người thiệt mạng. Dù chưa tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về những vụ khủng bố này, các chuyên gia phân tích nghi ngờ phiến quân Nhà nước Hồi giáo hoặc al-Qaeda là thủ phạm.
Những vụ khủng bố này phản ánh một thực tế đáng báo động là nước Pháp đang chứa trong mình những kẻ khủng bố vô cùng nguy hiểm, có khả năng thực hiện những vụ tấn công đẫm máu, trong đó có không ít những thanh niên bị đẩy vào con đường cực đoan hóa.
“Dù thế nào tôi vẫn yên tâm khi nó đang ở Pháp chứ không phải Syria. Tôi thà thấy con trai trong tù còn hơn phải hình dung ra cảnh nó cầm súng phục vụ quân khủng bố”, bà Liliane, một người mẹ 75 tuổi đau xót nói với phóng viên trang 20 Minutes sau khi thăm con trai tại nhà tù Fleury-Mérogis, thành phố Saint-Denis, ngoại ô Paris hồi đầu tuần.
Đây là lần đầu tiên bà được gặp Geoffrey kể từ khi cậu thụ án tại nhà tù này vào tháng 5/2015.
Tuy nhiên, từ lúc con trai vào tù, bà Liliane luôn sống trong tâm trạng sợ hãi khi nghĩ đến việc Geoffrey sẽ bị các phần tử cực đoan trong tù tiếp tục dụ dỗ đến với con đường khủng bố. Đối với bà, đó là nỗi bất hạnh lớn hơn cả cảnh tù tội mà Geoffrey đang trải qua.
Thật không may, nỗi lo lắng sau lần gặp gỡ này đã trở thành sự thật khi bà chứng kiến con trai mình để râu trở lại, nét mặt cũng trở nên lạnh lùng, vô cảm hơn.
Bất chấp lời trấn an của Geoffrey: “Mẹ đừng lo lắng gì cả, mọi việc sẽ ổn thôi”, người mẹ 75 tuổi vẫn thấy ớn lạnh sống lưng khi cảm nhận được sự bất cần trong từng lời nói của con.
Nhà tù trở thành nơi truyền đạo
Geoffrey năm nay 24 tuổi, từng một lần ngồi tù vì tội buôn bán ma túy, và có một quá khứ không mấy tự hào. Bị bố mẹ ruột bỏ rơi từ khi mới 4 tháng tuổi, dù được mẹ nuôi hết mực yêu thương, Goeffrey không thể tự tin trong học tập vì mặc cảm về nguồn gốc bản thân.
Do kết quả học tập kém, Geoffrey dần tỏ ra chán nản, thường xuyên bỏ học, giao du với những thanh niên lêu lổng không nghề nghiệp trong các khu phố của thủ đô Paris và sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay.
Video đang HOT
Sau một thời gian nghiện ngập, Geoffrey bị cảnh sát bắt giam vì tội buôn bán ma túy. Theo bà Liliane, chính quãng thời gian ngồi sau song sắt nhà giam Villepinte ở Saint-Denis đã khiến cậu thanh niên mới lớn này bị cực đoan hóa.
“Nhà tù là môi trường thuận lợi nhất để các phần tử Hồi giáo cực đoan tuyên truyền và nhồi sọ các thanh niên không may bị bắt vào đây. Mỗi lần vào thăm con là mỗi lần tôi nhận thấy nó có sự thay đổi. Nó cùng rất nhiều bạn tù để râu, mặc áo chùng và luôn mang theo thảm cầu nguyện bên mình. Điều này thật nguy hiểm”, bà Liliane cho hay.
Sau khi ra tù vào tháng 9/2014, Geoffrey bỏ nhà đi và bắt đầu mối quan hệ với các đối tượng Hồi giáo cực đoan. Đây là quãng thời gian đáng sợ nhất với bà Liliane. Bà luôn phải đối mặt với khả năng con trai sẽ vượt biên sang Syria bất cứ lúc nào.
Lo sợ cho tương lai của con, bà Liliane đã nhờ luật sư đưa Geoffrey vào một trung tâm chống cực đoan hóa tâm lý tại Saint-Denis. Tại đây, Geoffrey cùng rất nhiều thanh niên trở về từ Syria được trải qua các khóa huấn luyện tâm lý.
“Tôi đã thấy nó thay đổi rõ rệt, nó không còn mang theo thảm cầu nguyện và đã có bạn gái”, bà Liliane nói, đồng thời khẳng định bà như được sống lại lần nữa vì sự tiến bộ của con.
Thiếu sự quan tâm của xã hội
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tháng 5/2015, Geoffrey một lần nữa bị bắt và kết án ba năm tù vì tội môi giới mại dâm.
“Tôi nghĩ cậu ta đã thực sự muốn quên đi những thứ cực đoan và muốn thay đổi cuộc sống, nhưng thật không may, nguy cơ khủng bố một lần nữa lại hiện hữu khi cậu ta phải quay lại nhà tù”, một giáo viên từng huấn luyện Geoffrey cho hay.
“Nếu Geoffrey tiếp tục trở nên cực đoan trong tù, thì đó chính là lỗi của chúng ta, bởi khi khóa học kết thúc, chúng ta không có những biện pháp tiếp nối nhằm hỗ trợ học viên đoạn tuyệt hẳn với tư tưởng khủng bố”, Solia Imloul, phụ trách trung tâm Chống cực đoan hóa tâm lý ở Saint-Denis, nơi Geoffrey theo học, nói.
Mới đây, trung tâm này đã phải đóng cửa vì không có nguồn ngân sách để duy trì hoạt động.
Bà Liliane cho hay sau khi ra tù, Geoffrey và nhiều bạn tù khác không được giới thiệu việc làm, và không được hưởng bất kỳ sự trợ giúp xã hội nào.
Theo bà, chính sự thiếu quan tâm từ xã hội đã khiến con bà một lần nữa phải quay lại trại giam và đối mặt với nguy cơ trở thành một chiến binh khủng bố.
“Tôi không muốn đưa nó đi giáo dục nữa, mà sẽ theo dõi và chăm sóc chặt chẽ con trai mình. Nó chỉ còn tôi, chỉ có tôi mới có thể ngăn cản nó đến Syria. Nhưng tôi già rồi, không thể sống mãi được”, bà Liliane nói trong nước mắt.
Không ai có thể chắc chắn được trạng thái tâm lý của Geoffrey sẽ như thế nào khi mãn hạn tù sau hai năm rưỡi nữa. Với những biểu hiện như người mẹ mô tả thì khả năng anh ta quay lại với khủng bố là rất cao, các chuyên gia nhận định.
“Giống như nghiện ma túy, một khi tái nghiện thì con nghiện khó có thể từ bỏ được”, một chuyên gia về Hồi giáo cực đoan cho biết.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
'Chính sách của ông Obama có thể tạo ra một vụ khủng bố 11/9 khác'
Việc Mỹ thiếu một cách tiếp cận nghiêm túc về chủ nghĩa khủng bố có thể gây ra hệ lụy nghiêm trọng và dẫn đến một vụ khủng bố 11/9 khác.
Theo Sputnik News, tuyên bố trên được cựu nhân viên CIA Fred Fleitz đưa ra kèm theo lời khẳng định rằng, chiến lược của Mỹ ở Iraq và Syria không thể được gọi là "chính sách" bởi nó không giúp 2 nước này thoát khỏi tình trạng hỗn loạn hiện nay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh AP
Theo ông Fleitz, có vẻ như Tổng thống Obama sẽ để lại đống hỗn loạn này cho người kế vị mình.
Chính quyền của ông Obama đã 2 lần tiến hành những thay đổi lớn trong chính sách của mình liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria và cuộc chiến chống IS chỉ trong vòng 2 năm.
Tuy nhiên, ông Fleitz nhận định, cả hai lần, những thay đổi này đều nhằm "đánh bóng lại" danh tiếng của Chính phủ Mỹ sau khi đã bị tổn hại ít nhiều. Trong cả hai lần đó, cộng đồng thế giới đều coi những thay đổi này là bằng chứng cho thấy sự yếu kém và thiếu quyết đoán của Mỹ.
Lần thay đổi lớn đầu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ là trong bài phát biểu của ông Obama ngày 10/9/2014, sau khi IS liên tục tiến hành các vụ hành quyết công khai.
Tại thời điểm đó, ông Obama tuyên bố đã sẵn sàng để có thể giành được thắng lợi hoàn toàn trước IS bằng các cuộc không kích của Mỹ vào các vị trí của chúng tại Syria và Iraq cùng với việc Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí cho phe đối lập ôn hòa.
"Thất bại trong sự thay đổi chính sách hồi tháng 9/2014 là hiển nhiên ngay sau khi chính sách này được thực thi. Những cuộc không kích thiếu hiệu quả của Mỹ tại Syria không giúp ngăn đà trỗi dậy của IS.
Không những thế, tại Iraq, IS cũng chiếm được thành phố chiến lược Ramadi vào tháng 5 vừa qua bất chấp việc phải chiến đấu với tỉ lệ 1 chọi 10 với quân đội Iraq. Sau đó, quân đội Iraq và lực lượng người Kurd tại nước này lại đòi hỏi Mỹ phải cung cấp thêm vũ khí cho mình trong khi Mỹ vẫn lặng yên", ông Fleitz nói.
Dấu hiệu tiếp theo cho thấy chính sách của ông Obama thất bại đến vào năm cuối năm 2015 sau khi chương trình huấn luyện và trang bị cho phe đối lập ôn hòa tại Syria trị giá 500 triệu USD của nước này thất bại.
Cùng thời điểm đó, vào ngày 30/9, Nga bắt đầu các cuộc không kích của mình vào các vị trí của IS tại Syria và Iran cũng tham gia vào liên minh chống IS này cùng Nga.
"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoàn toàn phớt lờ Tổng thống Obama khi ông ta đưa Không quân vào Syria", ông Fleitz nói: "Nga, Syria, Iraq và Iran đã ký hiệp định chia sẻ thông tin tình báo. Các nhà lập pháp Iraq thậm chí còn yêu cầu Nga tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS tại nước này".
Phản ứng của Tổng thống Obama đối với sự thất bại này lại là một sự thay đổi chính sách ngoại giao khác, và có thể gây ra hệ lụy tồi tệ hơn so với chính sách ban đầu. Dù không có chiến lược nào rõ ràng, Tổng thống Mỹ Obama vẫn quyết định đưa khoảng 50 đặc nhiệm Mỹ vào Syria.
Sau đó, lại có thông tin rằng, nhóm đặc nhiệm này của Mỹ có nhiệm vụ ủng hộ các chiến binh người Kurd, vốn có lợi ích riêng của mình tại Syria thay vì chỉ chiến đấu chống IS. Ngoài ra, việc hỗ trợ nhóm người Kurd này của Mỹ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ kết sức tức giận.
Nhiều đồng minh của Mỹ đã bắt đầu hiểu rằng, "chính sách" của ông Obama chỉ là nhằm "câu giờ" cho đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Lúc đó, ông ta có thể nói rằng, mình "đã cố" làm gì đó để giải quyết tình hình, ông Fleitz nói, và điều đó khiến cán cân quyền lực trong khu vực thay đổi nhanh chóng.
"Nga đang lấp đầy khoảng trống quyền lực này và xây dựng lên một liên minh mới với Iraq, Iran và Syria", ông Fleitz nói thêm: "Ngoài ra, Nga cũng đã cải thiện được mối quan hệ với Ai Cập và Israel".
Theo ông Fleitz, sự trì trệ của ông Obama trong cuộc chiến chống khủng bố có thể khuyến khích các nhóm khủng bố tiến hành một vụ khủng bố tiếp theo như vụ 11/9./.
Trần Khánh
Theo VOV
Tổng thống Syria: Chiến dịch không kích của Nga là cần thiết để cứu Trung Đông Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng sự thành công từ một chiến dịch quân sự của Nga, Syria và các đồng minh có ý nghĩa sống còn nhằm cứu Trung Đông khỏi sự hủy diệt. Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ảnh: Sana) Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Iran ngày 4/10, nhà lãnh đạo Syria nói chiến dịch không kích kéo...