Con đường dẫn đến thảm sát Gạc Ma
So với trận hải chiến Hoàng Sa, thì trận cưỡng đoạt Trường Sa năm 1988 được chuẩn bị và toan tính kỹ hơn, Trung Quốc chọn đúng thời điểm tình hình Việt Nam đang gặp khó khăn.
Rắp tâm của Trung Quốc
Ngày 30/4/1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, đất nước Việt Nam liền một mối, bước vào giai đoạn tái thiết, tổ chức thống nhất hai miền Nam Bắc.
Dù bộn bề với bao việc phải làm sau chiến tranh, vấn đề bảo vệ chủ quyền với Hoàng Sa vẫn được đặt lên hàng đầu và được quan tâm đặc biệt.
Ngày 9/9/1975, tại Hội nghị Khí tượng Á châu ở Colombo, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam yêu cầu giữ nguyên đăng ký vào hệ thống SYNOP của OMM đài khí tượng của Việt Nam đặt tại quần đảo Hoàng Sa dưới danh số 48860.
Những chiến sỉ hải quân đã tham gia bảo vệ đảo Trường Sa năm 1988
Ngày 24/9/1975, tại cuộc gặp gỡ phái đoàn của Đảng và Nhà nước Việt Nam do Tổng bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, ông Đặng Tiểu Bình lúc này là phó chủ tịch Đảng Cộng sản kiêm phó thủ tướng Trung Quốc thừa nhận giữa hai nước còn tồn tại vấn đề Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Đặng Tiểu Bình hứa hẹn: ” Vấn đề sẽ được đưa ra giải quyết trong tương lai”.
Ngày 10/11/1975, Bộ ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc công hàm nhắc lại tuyên bố ngày 24/9 của Đặng Tiểu Bình và đề nghị ngưng tuyên truyền liên quan đến tranh chấp về các quần đảo nhằm tạo không khí thuận lợi cho việc thương thảo.
Tuy nhiên trong công hàm trả lời ngày 24/12/1975, Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ đề nghị này.
Ngày 3/12/1975, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bắc Kinh khẳng định với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 5/6/1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố Việt Nam sẽ giành quyền bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 2/7/1976, sau cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức ra đời.
Ngày 12/5/1977, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Tuyên ngôn về vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 7/10/1977, Việt Nam và Trung Quốc có cuộc họp đàm phán về biên giới. Trưởng đoàn Việt Nam Phan Hiền đề nghị đăng ký thảo luận về quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1974, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Hàn Niệm Long từ chối.
Pháo 37 ly của TQ bắn thẳng vào bộ đội công binh VN trên biển
Tháng 9 và tháng 10 năm 1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lần lượt đi thăm hai nước Philipines và Malaysia, ký thỏa thuận với Tổng thống và Thủ tướng hai nước để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Giai đoạn này quan hệ giữa hai nước ngày càng căng thẳng. Trung Quốc từ chỗ thừa nhận Hoàng Sa là “vấn đề tranh chấp” sang hẳn luận điểm “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không cần tranh cãi”.
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Sau hai tuần bị thiệt hại nặng nề, Trung Quốc rút quân.
Ngày 15/3/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng về biên giới Việt – Trung, trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 3/7/1979, cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc thiết lập 4 vùng nguy hiểm trong không phận Tây Sa (tức Hoàng Sa) với ý đồ buộc quốc tế phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa.
Ngày 7/8/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố bác bỏ hoàn toàn ý đồ xuyên tạc của Trung Quốc.
Video đang HOT
Ngày 8/9/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố tài liệu xác minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 25/3/1980, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo An Bang cũng như quần đảo Trường Sa.
Ngày 4/2/1982, chính phủ Việt Nam thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Ngày 9/12/1982, chính phủ Việt Nam lập huyện Trường Sa. Đến ngày 28 tháng 12 năm 1982, chính phủ Việt Nam quyết định huyện Trường Sa được nhập vào tỉnh Phú Khánh.
Năm 1984, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng hành chính tỉnh Hải Nam bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Từ ngày 16/5 đến 6/6/1987, hải quân Trung Quốc thao diễn trong vùng tây Thái Bình Dương và Nam biển Đông, gần quần đảo Trường Sa.
Ngày 10/11/1987, hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Louisa trên quần đảo Trường Sa…
Trung Quốc chọn thời điểm
Nhiều tài liệu, bài báo gọi sự kiện Trung Quốc dùng tàu chiến, pháo hạm quân sự tấn công ngày 14/3/1988 là “cuộc hải chiến Trường Sa”. Tuy nhiên, chuẩn đề đốc Lê Kế Lâm và một số học giả quốc tế nghiên cứu về biển Đông cho rằng, gọi là “hải chiến” hoàn toàn không chính xác. Bởi khi đó, lực lượng của Việt Nam trên các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma là công binh, không có vũ khí. Và các tàu của Việt Nam làm nhiệm vụ trong khu vực là tàu vận tải, không có vũ khí.
Tàu vận tải của VN bị pháo TQ bắn dữ dội và chìm sau đó
Trung Quốc đã sử dụng vũ khí từ súng và pháo trên các tàu chiến bắn vào bộ đội công binh và tàu vận tải của Việt Nam.
Theo tài liệu giải mật của cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA), Trung Quốc đã chọn thời điểm dư luận thế giới đang tập trung vào giải pháp chính trị ở Campuchia. Liên Xô, đồng minh quan trọng của Việt Nam đang sa lầy ở Apganistan, đang nối lại quan hệ với Trung Quốc nên không muốn dính líu rắc rối gì với Trung Quốc.
Trước khi ra tay hành động, một đoàn ngoại giao Trung Quốc đã đến các nước có liên quan đến biển Đông khẳng định “lập trường hòa bình” và tuyên bố Trung Quốc chỉ “tranh chấp” đảo với Việt Nam, Trung Quốc không hề có “tranh chấp” nào khác với các nước khác!
Đầu năm 1988, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc tới một số đảo trên quần đảo Trường Sa. Cụ thể, ngày 31/1/1988 chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18/2/1988 chiếm bãi Châu Viên; ngày 26/2/1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28/2 chiếm bãi Tư Nghĩa.
Trước tình hình Trung Quốc chiếm đóng hàng loạt đảo trên Trướng Sa, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền trên các đảo còn lại trên các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.
Trung Quốc, sau khi chiếm hàng loạt đảo, đầu tháng 3/1988 đã huy động lực lượng của hai hạm đội tiếp tục mở rộng lấn chiếm, tăng số tàu chiến từ 9 lên 12 tàu gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu kéo và 1 pông tông lớn.
Sáng ngày 14/3/1988, 4 tàu chiến Trung Quốc tiến đến bãi Gạc Ma. 6 giờ sáng Trung Quốc đổ bộ 40 quân lên đảo, xông lên giật cờ Việt Nam cắm trên đảo. Các chiến sĩ hải quân Việt Nam đang bảo vệ cờ Tổ quốc đã bị đâm bằng lưỡi lê và bắn chết gồm hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh, thiếu úy Trần Văn Phương…
Lực lượng công binh, hải quân dù tay không vẫn cương quyết bảo vệ cờ. Trung Quốc đã huy động hai chiến hạm bắn thẳng vào lực lượng bảo vệ đảo và tàu vận tải 604 đang neo đậu. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và một số chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Tàu 604 bị chìm.
Tại đảo Cô Lin (cách Gạc Ma 3,5 hải lý) và Len Đao, Trung Quốc tấn công quyết liệt ngay từ 6 giờ sáng ngày 14/3, bắn cháy tàu HQ 505 và sát hại nhiều chiến sĩ đang giữ đảo. Ở hướng Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3, tàu chiến Trung Quốc bắn cháy tàu HQ 605 của Việt Nam.
Cuộc thảm sát kéo dài 28 phút đã gây thiệt hại nặng cho Việt Nam, 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 3 chiến sĩ hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương và 74 chiến sĩ mất tích. Sau này Trung Quốc trả lại 9 chiến sĩ bị bắt. Số còn lại được xem là đã hy sinh.
Việt Nam đã phản đối gay gắt. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng không ngừng lấn chiếm thêm một số đảo nữa sau đó và huy động nhiều tàu đánh cá từ Quảng Châu đến hoạt động khai thác tại ngư trường Trường Sa.
Ngày 28/ 4/1990, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi công hàm cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, phản đối việc Trung Quốc đã cho quân lính xâm chiếm bãi Én Đất trên quần đảo Trường Sa.
Tháng 8/1990, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đề nghị tiến hành khai thác chung khu vực quần đảo Trường Sa.
Ngày 1/12/1990 trong cuộc đi thăm Philippines, Thủ tướng Lý Bằng nói: “Chúng ta có thể tìm ra một giải pháp thích hợp đối với vấn đề Trường Sa với các bên hữu quan vào lúc thích hợp, nếu không phải là vào lúc này. Tôi nghĩ chúng ta có thể gác lại vấn đề này và không để nó gây trở ngại trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng hữu quan”.
Như vậy, Hoàng Sa và Trường Sa của VN bị mất trong hai giai đoạn mà về danh nghĩa chính quyền quản lý đang là đồng mình của một trong hai siêu cường lớn nhất của thế kỷ 20. Các siêu cường đồng minh đều “bắt tay” với TQ để cho TQ ra tay thô bạo, thậm chí vô cùng tàn bạo như trên bãi Gạc Ma.
Tháng 3/2013, mạng Sina.com mở chuyên đề “Chiến đấu bảo vệ chủ quyền” ca ngợi quân đội Trung Quốc đã biết “nắm bắt thời cơ” để “đập tan sự ngỗ ngược của Việt Nam”. Dẫn lời tướng Nhạc Cương, Sina.com mạnh miệng tuyên bố: “Các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam cho thấy xu hướng không can thiệp của các nước lớn khi quyền lợi của họ không bị đụng chạm. Trung Quốc cần phải tận dụng và phát huy!”.
(Còn nữa)
Duy Chiến
Theo_VietNamNet
Khúc tráng ca Trường Sa: Anh nói đi 3 năm rồi về...
Ngồi trước ngôi mộ mới xây còn in màu vôi mới, mẹ đã khóc. Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ in hằn bao nếp thời gian. Mẹ bảo anh "dối" mẹ, anh nói chỉ đi 3 năm rồi lại về. Thế mà anh đi mãi...
Đã 26 năm trôi qua kể từ ngày anh Nguyễn Tất Nam hy sinh trong cuộc chiến giữ đảo tại quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988, đến nay mẹ Hồ Thị Khuyên (xóm 7, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã bước sang tuổi 75, mắt đã mờ, chân yếu, lúc nhớ lúc quên, nhưng hình ảnh người con trai thương yêu vẫn hiện rõ trong tâm trí.
Thi thoảng nhớ con, mẹ lại lấy chiếc tráp đựng hồ sơ của gia đình ra xem. Bên trong tráp, những bức ảnh anh Nam chụp cùng đồng đội ngày mới đi lính được xếp cẩn thận. Tờ giấy báo tử còn rõ nét mực mà ở phần địa chỉ mai táng chỉ vẻn vẹn hai chữ "Mất tích", luôn khiến tim mẹ nhói đau.
Mẹ bảo: "Ngày nó đi bộ đội (2/1985) còn trẻ lắm, mới 18 tuổi thôi. Nhà nghèo, cơm chẳng có mà ăn, các em sau còn nhỏ, nó nói đi hết nghĩa vụ thì về giúp mẹ làm ruộng nuôi em. Thế mà...". Bỏ lửng câu nói, mẹ lấy vạt áo thấm khô những giọt nước mắt nghẹn ngào.
Mẹ Lưu Thị Linh - mẹ liệt sĩ Hồ Văn Nuôi đã cạn nước mắt kể từ ngày con hi sinh.
Ngày đó, cùng đi bộ đội với anh Nam còn có một số người trong làng. Từ những bức ảnh chụp chung, tôi tìm đến anh Hồ Sỹ Hồng, cũng trú tại xóm 7, xã Thượng Sơn, là người bạn từ thuở nhỏ, đồng đội với anh Nam tại Lữ đoàn 215 trước lúc hy sinh.
Anh Hồng nhớ lại: "Ngày đi lính chúng tôi còn trẻ lắm, chưa đứa nào có người yêu cả, nghĩ rằng hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc đã rồi hẵng tính chuyện cá nhân. Thế mà, bây giờ đứa còn đứa mất. Hồi đầu, sau thời gian huấn luyện tại Hải Phòng, chúng tôi được điều động vào Cam Ranh tham gia các chuyến tàu vận tải để xây dựng đảo. Tôi ở tàu 503, còn Nam theo tàu 604. Khi nhận được thông tin 3 tàu bị bắn chìm, tôi cứ mong không có bạn mình trong danh sách những người hy sinh, mất tích. Bây giờ, cứ nghĩ đến cảnh thân xác bạn vẫn nằm đâu đó giữa mênh mông biển khơi mà day dứt lắm".
Rời Thượng Sơn, tôi tìm đến gia đình ông Phạm Văn Luật (xã Nam Kim, huyện Nam Đàn), là anh trai của liệt sĩ Phạm Văn Dương. Liệt sĩ Dương là 1 trong 64 người lính đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến giữ đảo năm 1988. Mỗi khi có ai nhắc đến người em ruột thịt đã ngã xuống cho biển đảo quê hương, nước mắt ông Luật lại trào ra như thác đổ.
Ông Đậu Xuân Thuốt - bố liệt sĩ Đậu Xuân Tư bồi hồi nhớ về sự hy sinh anh dũng của con trai.
Ông bảo: "Hồi đó chú ấy vừa tốt nghiệp lớp 10 thì xung phong đi lính (năm 1986). Tôi thì đang đi bộ đội ở Lào chưa về nên cũng không biết chú ấy đi. Khi tôi về thì chú ấy đã theo đơn vị huấn luyện ở Quảng Ninh. Sau đó tôi vào miền Nam lập nghiệp, nghĩ là sau này khi chú Dương ra quân sẽ ở nhà chăm ông bà. Kể từ đó, chú ấy đi mãi, thậm chí từ lúc ra đi đến khi hy sinh cũng chưa kịp về thăm nhà lần nào. Ngay trước khi ra đảo, chú ấy cùng đoàn có một lần hành quân đi qua ga Chợ Thượng gần nhà nhưng cũng không kịp ghé thăm. Tội lắm, mỗi lần nhớ đến em, chúng tôi chỉ biết thắp hương bái vọng mà như đứt ra từng khúc ruột".
Ông Luật còn bảo, mấy năm gần đây, đơn vị cũ của liệt sĩ Dương có gửi thư mời gia đình vào thăm tượng đài liệt sĩ Trường Sa tại tỉnh Khánh Hòa, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần vì đường xa nên chưa có dịp đi. "Năm 2009, khi có thông tin trục vớt được tàu và một số bộ hài cốt tại nơi tàu chìm ngày trước, đơn vị có về lấy mẫu xét nghiệm, gia đình đã hy vọng sẽ tìm được hài cốt chú ấy. Thế mà không phải" - ông Luật buồn rầu nhớ lại.
Ông Phạm Văn Luật cầm tập hồ sơ, giấy tờ của em trai mình khi kể về quãng đời hy sinh của liệt sĩ Phạm Văn Dương.
Trong số 64 chiến sĩ đã hy sinh ngày 14/3/1988, Nghệ An có 10 người con đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc: 1- Trần Văn Minh, quê Đại Tân, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An. 2- Nguyễn Tất Nam, quê Thường Sơn, Đô Lương, Nghệ An. 3- Đậu Xuân Tư, quê Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An. 5- Phan Huy Sơn, quê Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An. 7- Lê Bá Giang, quê Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An. 8- Phạm Văn Dương, quê Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An. 9 - Hồ Văn Nuôi, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An. 10 - Vũ Đình Lương, quê Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An.
Trong số những người con Xứ Nghệ hi sinh ngày đó, chỉ duy nhất liệt sĩ Phan Huy Sơn là đã có gia đình. Những ngày này, xứ Nghệ vẫn chìm trong mưa rét, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của gia đình anh tại xóm 2, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu. Trong căn nhà tối có người con trai lớn Phan Huy Hà năm nay đã 30 tuổi nhưng ngơ ngơ ngẩn ngẩn; cô con gái Phan Thu Trang nói "mẹ em (chị Trần Thị Ninh - vợ liệt sĩ Sơn) đi bỏ phân cho lúa chưa về".
Rồi Trang nhờ người đi gọi mẹ. Một lát sau, một người phụ nữ dáng liêu xiêu chân ống quần thấp cao, lấm bùn chạy về. Chị bảo: "Nhà có 4 sào ruộng khoán, không nhiều nhặn gì nên phải tranh thủ chăm bón lúa mới cho năng suất cao. Các chú chờ chị tý nha, nông dân nhà tôi khổ lắm...".
Bức thư của liệt sĩ Phan Huy Sơn gửi vợ trước ngày ra đảo làm nhiệm vụ. Chị Ninh xem đó là một kỷ vật, như người chồng đang ở bên mình trong suốt cuộc đời này...
Lật dở những hồ sơ về anh được gói cất cẩn thận, chị bảo, anh chị cùng tuổi, sau khi học xong cấp 3, cuối năm 1981 thì cưới nhau. Được 4 tháng thì anh lên đường nhập ngũ và được cử đi học y sĩ. Năm 1984 đứa con trai đầu lòng ra đời nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ khiến anh chị như đứt từng khúc ruột. Sau khi học xong, anh được điều ra công tác tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Được 2 năm thì đơn vị cho về phép 4 tháng. Thế nhưng khi còn 15 ngày nữa mới hết phép thì đơn vị điện ra bảo phải vào gấp để đi tăng cường cho đảo.
Chị Trần Thị Ninh bên tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng mình.
Thế là anh lại tạm biệt vợ con lên đường, những ngày anh về phép, cháu Trang được hoài thai. "Anh đi ngày 16, đến 27 tháng Giêng thì hy sinh. Khi nghe tin qua đài thông báo anh mất tích mà trời đất như sụp xuống, tôi cũng chẳng muốn sống nữa, nhưng cứ nghĩ đến đứa con tàn tật và đứa thứ 2 còn trong bụng chưa biết mặt bố mà phải gắng gượng" - chị Ninh nói đoạn rồi bật khóc.
Trong số 8 liệt sĩ người Nghệ An hy sinh tại đảo Gạc Ma, còn 6 người vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Có 2 liệt sĩ đã được tìm thấy và được đưa về an táng tại đất mẹ vào năm 2009, sau 21 năm nằm dưới lòng biển khơi.
Trong căn nhà tình nghĩa được Liên doanh dầu khí Vietsovpetro xây tặng năm 2010, ông Đậu Xuân Thuốt và bà Nguyễn Thị Nhơn - bố mẹ của liệt sĩ Đậu Xuân Tư (xã Nghi Yên, Nghi Lộc), chỉ loanh quanh trong nhà chứ không đi được đâu. Hai ông bà đã qua tuổi 80, yếu hẳn và trí nhớ có phần giảm sút. Riêng mẹ Nhơn, kể từ ngày anh Tư hy sinh, mẹ khóc hết nước mắt rồi đôi mắt bị mờ hẳn không còn nhìn thấy gì.
Kể từ khi anh Đậu Xuân Tư hy sinh, đôi mắt mẹ Nhơn vì khóc thương con quá nhiều nay đã mờ hẳn.
Gia đình ông bà sinh được 5 người con và nuôi thêm một người cháu mồ côi Đậu Xuân Chân, là con anh ruột của ông Thuốt. Anh Chân cũng đã hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1965. Nói về người con trai thứ 3 Đậu Xuân Tư, ông Thuốt bồi hồi nhớ lại: "Nó nhập ngũ tháng 8/1985, Ngày nó hy sinh, tôi nghe phát thanh viên đọc tên con trên sóng phát thanh mà không tin là sự thật".
Sau 21 năm anh Tư hy sinh, năm 2009 ông bà nhận được tin đã tìm thấy hài cốt của anh, dù không còn nguyên vẹn nhưng đó cũng là niềm an ủi lớn đối với gia đình.
Cũng như gia đình Liệt sĩ Đậu Xuân Tư, một phần hài cốt của Liệt sĩ Hồ Văn Nuôi (xã Nghi Tiến, Nghi Lộc) cũng đã được tìm thấy và đưa về an táng trên đất mẹ, ngay tại nghĩa trang liệt sĩ xã Nghi Tiến. Cách đó không xa là ngôi nhà nhỏ tại xóm 10, của mẹ Lưu Thị Linh, nay đã 82 tuổi. Anh Nuôi là con thứ 3 trong số 7 người con của mẹ, nhưng lại là con trai đầu. Ngày đó, dân biển đói khổ lắm, mới 16 tuổi nhưng anh đã trở thành lao động chính trong nhà, giúp bố mẹ làm lụng nuôi em ăn học. Năm 1985, khi đủ 18 tuổi, anh Nuôi đã trốn mẹ đi tuyển nghĩa vụ quân sự. Mẹ can thì anh bảo mẹ yên tâm.
Mẹ Linh bảo, thằng Nuôi nó bảo đi một thời gian ngắn rồi về, nhưng nó đã mãi mãi ra đi rồi...
Đầu năm 1988, khi chỉ còn 3 tháng nữa là ra quân, anh Nuôi được lệnh tăng cường từ Quảng Ninh vào Khánh Hòa tham gia lực lượng vận tải xây dựng Trường Sa. Một ngày cuối tháng Giêng năm 1988, đi làm đồng về gia đình nhận được hung tin anh Nuôi hy sinh. Mẹ như chết lặng. Bố anh thì sốc nặng, phát bệnh rồi qua đời 3 năm sau đó. Còn lại một mình mẹ chèo chống nuôi đàn con thơ dại và mong ngóng người con trai yêu thương của mình trở về. Sau 21 năm, khi một phần hài cốt của anh được tìm thấy đưa về quê hương thì mẹ mới tin rằng anh đã không còn.
Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, thỉnh thoảng mẹ vẫn đi bộ từ nhà ra nghĩa trang thăm con. Ngồi trước ngôi mộ mới xây còn in màu vôi mới, thắp nén hương thơm lên mộ con, mẹ đã khóc. Giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ đã in hằn bao nếp thời gian. Mẹ bảo anh "dối" mẹ, anh nói chỉ đi 3 năm rồi lại về. Thế mà anh đi mãi...
Đầu năm 1988, trong chiến dịch giữ đảo, chống lại sự bành trướng của quân xâm lược Trung Quốc, các đơn vị vận tải hải quân được lệnh vận chuyển khí tài ra xây dựng đảo. Ngày 14/3/1988, tại 3 đảo đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, trong lúc các lực lượng công binh Hải quân quân đội nhân dân Việt Nam đang tiến hành tiếp cận xây dựng đảo thì đã bị các tàu chiến trang bị vũ khí hạng nặng của quân Trung Quốc bắn cháy và bắn chìm 3 tàu vận tải HQ604, HQ605 và HQ505. Cuộc chiến không cân sức đã khiến 64 chiến sĩ hải quân nước ta hy sinh và nhiều chiến sĩ khác bị thương. Trước họng súng của kẻ thù, các chiến sĩ hải quân đã anh dũng, kiên cường quyết tâm giữ được đảo Len Đao, Cô Lin. Còn đảo Gạc Ma từ đó đến nay đã bị Trung Quốc chiếm giữ.
Đông Nguyễn - Nguyễn Duy
Theo Dantri
Biển Đông: Trung Quốc có dấu hiệu sử dụng vũ khí! Tương tự vụ cướp đảo Gạc Ma, Trung Quốc muốn cướp được biển, đảo mà không có chiến tranh lớn để tránh sa lầy. 26 năm trước, ngày 14/3/1988, trên vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa của chúng ta, Hải quân Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu chiến tấn công vào lực lượng Hải quân Việt Nam đang triển khai...