Con đường 600m “treo” suốt 15 năm ở Thủ đô
15 năm qua, người dân khu phố Vân Hồ 2, 3 (phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn “dài cổ” chờ dự án mở rộng đường Nguyễn Đình Chiểu được triển khai. Nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng nhưng các hộ dân không thể sửa chữa, xây mới hay mua bán.
Con đường “hành” dân vì dự án “treo”
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, năm 2000, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án mở rộng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu ( quận Hai Bà Trưng) có chiều dài toàn tuyến gần 600m, chiều rộng 17m (7m lòng đường, 5m vỉa hè mỗi bên), nối từ nút giao Nguyễn Đình Chiểu và Tô Hiến Thành ra đường Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, qua 3 lần điều chỉnh, đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”.
Trong lúc chờ dự án triển khai, hàng trăm người dân khu phố Vân Hồ 2, 3, phường Lê Đại Hành phải “chịu đựng” con đường đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của mọi người.
Đường sá xuống cấp, nhà cửa nhem nhuốc vì không được sửa chữa.
Dẫn chúng tôi đi dọc phố Vân Hồ 2, bác Phạm Văn Hiền (tổ trưởng tổ dân phố 10B phường Lê Đại Hành) than thở: “Đường xuống cấp lắm rồi, vá víu nham nhở khắp nơi. Mười mấy năm rồi mà dự án chưa được triển khai. Trời mưa, nước ngập khắp phố, không thoát được, nước tràn cả vào các nhà”.
Chỉ vào một miệng cống dọc đường, bác Hiền cho hay, cả tuyến phố dài 300-400m chỉ có một lối thoát nước duy nhất này. Trời mưa, đường ngập, ông và mọi người lại ra bật nắp cống lên. Thậm chí, nhiều hôm mưa to, người dân trong khu còn cạy tung nắp hố ga bằng gang ở giữa đường lên cho nước thoát. Mọi người cắt cử nhau đứng cảnh báo các phương tiện đi qua, tránh lao xuống hố ga.
“Cứ trời mưa là ngập, có khi ngập cả tuần mới hết. Nhiều nhà thấp bằng mặt đường hay cao hơn một chút đều bị nước dềnh vào, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt.” – bác Hiền nói.
Để ngăn nước tràn vào nhà khi đường ngập, gia đình bác Hiền và nhiều hộ khác đã “đắp đập”, xây những bờ gạch chặn trước cửa.
“Nhiều trận mưa to, có đoạn đường ngập sâu tới nửa mét. Nhà tôi xây bờ gạch cao 30cm mà nước mấp mé. Mỗi khi có xe đi qua, đặc biệt là ô tô, nước dềnh lên, tràn vào nhà.” – bác Hiền ngán ngẩm, nói.
Lối thoát nước của cả đoạn đường dài 300-400m.
Video đang HOT
15 năm chờ dự án đang còn “treo”, cũng từng ấy năm các hộ dân dọc phố Vân Hồ 2 không thể sửa chữa, nâng cấp, xây mới hay chuyển nhượng nhà cửa dù nhiều nhà đã xuống cấp, mục nát do được xây dựng từ vài chục năm trước. Hai bên đường, các ngôi nhà không được sửa chữa khiến con phố trở nên nhem nhuốc, xấu xí.
Với 18 năm làm tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố 10B phường Lê Đại Hành, bác Phạm Văn Hiền nhẩm tính có hơn chục hộ dân muốn xây mới nhà cửa nhưng do đường đang trong dự án nên không được cấp phép. Nhiều nhà muốn sửa chữa, nâng cấp cũng bị chính quyền “lắc đầu”. Có hộ muốn bán nhà, bán đất nhưng khách không dám mua vì nhà “dính” vào dự án.
Đứng trước ngôi nhà 2 tầng cũ kỹ, bụi bám dày đặc, bác Nguyễn Duy Bình (SN 1952, chủ nhà số 49 phố Vân Hồ 2) ngán ngẩm: “Nhà tôi xây lâu năm rồi, giờ xuống cấp, lún nứt, muốn sửa không được. Trời mưa, nước ngấm vào, hư hỏng hết nhà.”.
3 lần điều chỉnh vẫn “treo”
Theo bản vẽ của Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội trình UBND TP Hà Nội năm 2000, dự án chỉ giải phóng mặt bằng một phần diện tích của các hộ dân dọc tuyến. Đến năm 2011, UBND TP Hà Nội công bố bản thiết kế sơ đồ dự án, người dân mới giật mình khi thấy hầu hết các hộ dọc tuyến đường mới có nguy cơ bị giải tỏa hết hoặc gần hết.
Trời mưa, đường ngập, mỗi lẫn có xe đi qua, nước lại dềnh qua “đập”, tràn vào nhà.
Ngày 27/2/2013, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo đó, 370/600m của toàn tuyến được điều chỉnh, chỉ có 160 hộ thuộc diện phải GPMB, ít hơn con con số 280 hộ trước đó.
Tuy nhiên, phương án này không nhận được sự đồng thuận của người dân trong khu vực vì các hộ dân dọc tuyến sẽ bị giải tỏa hết hoặc gần hết.
Căn cứ vào kiến nghị của người dân, ngày 29/8/2013, Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội đã đề xuất 2 phương án điều chỉnh chỉ giới đường đỏ tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài. Theo đó, phương án 1: quy mô mặt cắt ngang 17m, hạn chế mặt bằng các công trình phía Đông của tuyến đường do chỉ giới đường đỏ tuyến đường chủ yếu trùng với mặt nhà hiện có, cắt một phần vào đất công viên Thống Nhất; phương án 2: quy mô mặt cắt ngang tuyến 13m, không bị cắt vào đất công viên Thống Nhất.
Ngày 30/6/2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kết luận: Thống nhất về chủ trương việc điều chỉnh chỉ giới đường đỏ của đoạn tuyến theo phương án 1 Sở Quy hoạch kiến trúc báo cáo với mặt cắt ngang tuyến 17m và điều chỉnh về phía Tây (phía Công viên Thống Nhất); giao ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo và Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội điều chỉnh hồ sơ chỉ giới đường đỏ của dự án. Sau khi đã được điều chỉnh, phương án mới sẽ được chuyển sang Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định lại.
Như vậy, tính từ thời điểm thành phố lựa chọn phương án điều chỉnh chỉ giới đỏ tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài đến nay đã gần 1 năm nhưng dự án vẫn “án binh bất động”. Sau khi có thông báo của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch, các hộ dân đều đã nhất trí, đồng thuận, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để thành phố làm theo quy hoạch. Song, từ thời điểm được thông báo đến nay, dự án vẫn không được tổ chức thực hiện.
Trong lúc chờ dự án “treo” này được tiến hành, các hộ dân khu phố Vân Hồ 2, 3 vẫn phải sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp, đường sá nát bươm, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt.
Khánh Linh
Theo Dantri
Lũ bất thường trong tháng 3, chưa từng có trong lịch sử
Một trận lũ bất thường vừa xảy ra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã trở thành lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 3, địa phương này gặp lũ. Trận lũ đã gây ngập cho hơn 1.000 hộ dân ở huyện Phú Lộc.
Do mưa lớn kéo dài từ chiều tối 26/3, nên địa bàn thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Trì, xã Lộc Tiến và xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) đã bị ngập lụt nặng. Mực nước ngập tại các tuyến đường lên đến 0,5-1m, đã nhấn chìm nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân. Hơn 1.000 hộ dân ở huyện này đã bị nước lũ đột ngột tấn công và hàng ngàn học sinh phải nghỉ học.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, tại tổ dân phố 8 Thị trấn Phú Lộc có 350 hộ bị ảnh hưởng bởi nước lụt. Ở xã Lộc Trì có 450 hộ thuộc 2 thôn Hòa Mậu, Cao Đôi Sả nước vào đến sân hoặc nhà. Các đường liên 2 thôn này bị ngập dưới 1m.
Đặc biệt một đoạn QL 1A qua xã Lộc Trì bị ngập 0,3-0,4m làm giao thông qua lại rất khó khăn.
Nước ngập QL 1A qua xã Lộc Trì (ảnh: Cường Tính)
Nước ngập 1 mét qua đường vào trường Tiểu học Lộc Trì (ảnh: Cường Tính)
"Cho đến trưa nay (27/3) nước đã dần rút xuống, người dân có thể lội được với mực nước ngoài đường dưới 1 mét. Học sinh trên địa bàn được nghỉ học toàn bộ. Chưa có năm nào lụt bất thường như vậy cả" - ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch xã Lộc Trì cho hay.
Ông Hồ Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến trao đổi qua điện thoại "Chiều tối qua do mưa nguồn lớn quá nên đã làm gần 20 lán trại tại khu du lịch suối Voi bị cuốn trôi sạch. Ở tại thôn Thủy Dương, Thủy Tụ bị nước ngập hết ruộng dân. Tuy nước không lên đường nhưng lũ quá bất thường".
Sát đó là xã Lộc Thủy cũng bị lụt gây tê liệt nặng, chia cắt 3 thôn Thủy Yên, Thủy Cam Thượng, Thủy Cam Hạ. Có hơn 500 hộ dân ở đây bị nước lũ tấn công vào sân, vào nhà cùng với nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập.
Ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy xác nhận với PV: "Đây là một trận lũ bất thường. Ngoài hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng, ở xã chúng tôi có 2 đập đất là đập Trà Vó của hợp tác xã Thủy Xuân và đập Ba Đội bị lũ làm vỡ, cuốn trôi. Công trình hồ chứa nước Thủy Cam - Thủy Yên không cắt lũ được. Do mưa rất lớn ở thượng nguồn sông Bù Lu nên nước lũ dâng cao đột ngột. Đến trưa 27/3 tuy nước có rút nhưng vẫn còn to".
Nước ngập vào sân nhà các hộ dân ở xã Lộc Thủy (ảnh: Hoàng Hải)
Theo lãnh đạo huyện Phú Lộc, hiện đang cho kiểm tra mức độ thiệt hại của các địa phương trên. Tuy may mắn chưa có thiệt hại về người nhưng mất mát, hư hại về tài sản, mùa màng của bà con là khá lớn vì chưa có khi nào lũ lại xuất hiện vào tháng 3.
Cho biết về nguyên nhân trận lũ bất thường này, ông Phan Thanh Hùng, CVP Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế nói: "Trong gần 3 ngày từ sáng sớm 25/3 đến sáng 27/3 mưa ở hệ núi Bạch Mã (huyện Phú Lộc) rất lớn, đo được trên 500mm. Điều này đã khiến cho nước ở thượng nguồn các sông Thừa Lưu, Cầu Hai, Bù Lu dâng cao và đổ về hạ lưu tạo lũ nhanh chóng.
Nước lũ hiện vẫn đang làm cho các hộ dân ở Lộc Thủy bị ngập trong ngày 27/3 (ảnh: Hoàng Hải)
Tuy trận lũ này có tác dụng dập hạn hán một phần nhưng qua số liệu khoa học, đây là trận lũ quá bất thường, chưa từng có trong lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện Phú Lộc nói riêng khi lũ bất ngờ xuất hiện vào tháng 3".
Theo ông Phan Thanh Hùng, mưa lớn ở đầu nguồn với cường độ khoảng 300mm nên đã buộc phải Thủy điện Hương Điền phải điều tiết lũ, xả nước về hạ du làm Thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền bị nước ngập trong ngày 27/3, chủ yếu là ruộng đồng bị ảnh hưởng.
Nước ngập đường liên thôn ở Thị xã Hương Trà (ảnh: T.Ngọc)
Đại Dương
Theo Dantri
Đà Nẵng chi 18 tỷ đồng hỗ trợ dân vui chơi, kỷ niệm 40 năm giải phóng Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ kinh phí từ ngân sách TP cho các tổ dân phố, thôn để tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2015). Theo đó, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/tổ dân phố và 12 triệu đồng/thôn. Công trình nút giao thông Ngã ba Huế...