Côn đồ xe “dù”
Nhiều vụ đánh nhau sứt đầu mẻ trán giữa các nhà xe đã xảy ra, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp ngăn chặn.
“Đập” luôn cả hành khách
Khoảng 14 giờ một ngày đầu tháng 10.2011, xe 47L-8792 chạy tuyến Đắk Lắk – Đà Nẵng đến Thạch Trụ (Quảng Ngãi) dừng bỏ khách. Bất ngờ, lái và phụ xe 43S-102… đậu gần đó, tay lăm lăm cây gỗ dài chạy đến tấn công tài xế xe 47L-8792, vì cho rằng xe này dừng bắt khách đi Đà Nẵng. Sau khi đuổi đánh tài xế, đám côn đồ quay lại xe 47L-8792, mở bung cửa lên xuống, dùng cây đánh túi bụi vào anh L.T.V, trú tại Hội Thương (Gia Lai), vì tưởng hành khách này là phụ xe. Anh V. bị gãy tay, phải vào Bệnh viện Quảng Ngãi điều trị. “Em luôn miệng kêu to tôi chỉ là hành khách nhưng bọn họ cứ xông vào quất em túi bụi”, anh V. kể.
Ngày 2.11, Nguyễn Văn Hùng (trú P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ), là phụ xe 43S-1208 chạy tuyến Đà Nẵng – Quy Nhơn (Bình Định) dừng đón một khách đi Quảng Ngãi thì bị Lê Vĩnh Phú (trú P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), tài xế xe khách BKS 43S-1022, đến gây gổ, vì cho rằng Hùng đón khách của mình. Hùng và Phú nhảy vào ăn thua đủ. Nguyễn Tam Cường (trú P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) tài xế xe 43S-1208 đang uống cà phê gần đó cũng xông vào đánh Phú. Trần Bá Thương (trú xã Hòa Châu, H.Hòa Vang), phụ xe 43S-1022 nhảy vào, bị đánh, phải đi cấp cứu.
Trị không dứt Dù đã bị đình phiên, cắt chuyến, nhưng những xe bị phạt vẫn ngang nhiên ra đường, đón khách, như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Thời điểm 5 – 7 giờ sáng và 17 – 18 giờ trong ngày là lúc xe “dù”, bến “cóc” hoạt động mạnh nhất tại Đà Nẵng. Xe vi phạm đón trả khách không đúng nơi quy định bị phạt tới 400.000 đồng/lần, nhưng sau đó, các xe này vẫn tái diễn.
Giữa tháng 8.2011, xe 74K- 8906 chạy tuyến Đà Nẵng – Đông Hà xuất bến Đà Nẵng, đến ngã tư Tôn Đức Thắng – Ngô Thời Nhậm (Q.Liên Chiểu) bắt khách thì bị nhà xe 74B-000.14 chạy lòng vòng phía trước ngăn cản, nên hai bên cãi cọ. Nguyễn Văn Đại (trú Quảng Trị) cầm gạch đập thẳng vào đầu phụ xe 74K-8906 khiến anh này nhập viện.
Dọa “xử” nhân viên bến xe
Chiều 9.11, tại Bến xe Đà Nẵng, ông Lê Anh Phương, tài xế xe 43S-6492 chạy tuyến Đà Nẵng – Hà Nội (thuộc Công ty TNHH vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân), đánh nhau với ông Trần Nguyễn Quý (trú tại P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ). Do gây mất trật tự tại bến, xe 43S-6492 bị đình chỉ phiên. Trước đó, xe 43S-6566 cũng bị đình chỉ hoạt động do vi phạm cam kết vận tải. Ông Lê Tấn Lộc (trú tại 194 Ông Ích Đường, Q.Cẩm Lệ) là người quản lý hai xe nói trên, đã chỉ đạo cho lái xe đưa cả hai xe ra đậu chắn ngang cổng Bến xe Đà Nẵng. Cả hai xe tháo ống dẫn nhớt, cho xả tràn xuống cổng để ngăn xe ra vào bến, gây ách tắc nhiều giờ liền. Ông Lộc còn dọa sẽ cho giang hồ “xử” cán bộ và nhân viên bến xe.
Vụ việc lẽ ra phải được xử lý nghiêm, nhưng Công an P.Hòa An lại có công văn đề nghị lãnh đạo Bến xe Đà Nẵng bố trí cho hai xe nói trên tiếp tục hoạt động và không đả động gì đến chuyện xử lý nhà xe. Đến khi lãnh đạo Công an TP.Đà Nẵng vào cuộc, Công an P.Hòa An mới xin “rút” công văn đã lỡ ký.
Video đang HOT
“Chúng không ngại ép xe cảnh sát lên lề”
Chúng tôi được trung tá Đặng Tấn Thành, Đội phó Đội Tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự công cộng Công an TP.Đà Nẵng, thông báo đội sẽ triển khai chiến dịch bắt xe “dù”.
Đúng 4 giờ sáng, xe “dù” bắt đầu hoạt động ì xèo. Lúc này, trên đường Trần Phú, xe 43S-6613 bị lực lượng chức năng kiểm tra. Xe không có lệnh xuất bến và cũng không có lịch chạy từ Đà Nẵng đi Gia Lai nhưng vẫn đón khách. Sai rành rành nhưng tài xế xe khách xuống xe cãi phăng.
Giấu 2 chiếc mô tô “bồ câu trắng” vào nhà dân, 3 chiến sĩ Đội tuần tra dẫn chúng tôi lên chiếc xe 7 chỗ. “Xe “bồ câu trắng” đua không lại xe dù đâu. Họ thấy bóng dáng mình thì đã lên xe phóng bạt mạng, bất kể đường đông hay vắng. Chúng không ngại ép cả xe cảnh sát lên lề”, đại úy Võ Văn Dũng giải thích.
Từ trên xe 7 chỗ, chúng tôi quan sát thấy dọc tuyến đường từ Bến xe Đà Nẵng, chạy về hướng ngã ba Huế, rồi ngoặt về đường Trường Chinh, đến Hòa Cầm, rất nhiều chiếc xe “dù” đón khách. Tại ngã ba Hòa Cầm, một bến cóc đã tồn tại rất nhiều năm nay, Đội tuần tra đón lõng chiếc xe 43H-3597. Điều kỳ lạ là sổ ghi xe xuất bến vào 5 giờ 40, nhưng khi bị bắt tại Hòa Cầm cũng đúng thời gian xuất bến. Chỉ trong buổi sáng, chúng tôi ghi nhận có 4 chiếc xe “dù” bị bắt quả tang.
Công ty CP vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng cho biết hiện ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều khu vực xe dù bến cóc hoạt động thường xuyên, như khu vực dốc Hòa Cầm (Q.Cẩm Lệ), đường Phan Thanh (Q.Thanh Khê), đường Trần Hưng Đạo (Q.Sơn Trà), Bệnh viện C17, cây xăng Trung Nghĩa (Q.Liên Chiểu)… Mỗi ngày có hàng chục xe đưa đón khách tại các “điểm đen” này.
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ ở Sở GTVT TP.Đà Nẵng nói rằng sau những đợt ra quân, xử lý mạnh tay của lực lượng chức năng, thì chuyện xe “dù”, bến “cóc” không tái diễn.
Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng này vẫn tồn tại công khai, không những thế còn hoạt động mạnh sau mỗi đợt ra quân rầm rộ của cơ quan chức năng. Hiện dư luận thắc mắc rằng: Có hay không việc bảo kê cho xe “dù”, bến “cóc”?…
Theo Thanh Niên
Hung thần xe "dù"
Sau thời gian tạm lắng bởi các đợt ra quân truy quét của cơ quan chức năng, hiện nay tình trạng xe "dù" tái diễn gây bao nỗi kinh hoàng cho người dân. Nếu đủ can đảm để lên ngồi những chuyến xe chở khách chạy tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi và ngược lại mới thấy "những cỗ quan tài bay" này kinh hãi đến thế nào.
Xe dù, bến cóc tràn lan tại Đà Nẵng (ảnh chụp ở cầu vượt Hòa Cầm) - Ảnh: D.N
Chuyến xe bão táp
7 giờ 15 sáng 20.11, chúng tôi lên ngã ba Huế (khu vực đường Trường Chinh, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) đón xe đi Đức Phổ (Quảng Ngãi). Đứng chưa nóng chân, bất ngờ từ phía sau, một chiếc xe máy trờ tới. Trên xe là một thanh niên nhanh miệng hỏi: "Đi đâu, Quảng Ngãi hay Quy Nhơn?". Nhìn quanh, chúng tôi chẳng thấy bóng dáng xe chở khách đâu cả, bèn lờ đi. Anh này nằn nì: "Chuẩn bị đi, có xe liền, đừng lo". Quả nhiên, chưa đầy 3 phút sau, một chiếc xe hiệu Ford Transit biển số 43H-5338 trước kính phía tài xế để bảng Đà Nẵng - Quy Nhơn, chầm chậm vượt qua ngã ba Huế, rề rề máy đỗ trước mặt chúng tôi.
Chưa kịp hỏi gì thêm về giá cả, một thanh niên trong xe đã nhảy ào xuống đất, kéo áo chúng tôi lên xe. Xe vừa nổ máy nhích từng centimet, vừa bắt khách. Bác tài tên Bé một tay cầm lái, một tay cầm điện thoại di động áp sát vào tai, để nhận thông tin từ "người nhà" là những tay cò chuyên tìm khách dọc đường Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm) và hỏi có "đội" nào đứng đường kiểm soát hay chiếc xe nào chạy cùng tuyến, chạy đến đâu, bắt được bao nhiêu khách... Cứ vậy, từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm chưa đến 10 km chiếc xe này chạy đúng 40 phút, trong khi đường hai chiều, sáng sớm chủ nhật rất vắng người. Khi xe đến Hòa Cầm, khách ngồi vừa kín chỗ, cũng là lúc phụ xe có biệt danh "Thỏ" hét vọng lên bác tài: "Bương, vào Vĩnh Điện". Chỉ chờ có vậy, chiếc xe tăng tốc đột ngột, phóng bạt mạng về phía trước, bất chấp những tiếng kêu la của hành khách.
Đến địa phận Thanh Quýt (H.Điện Bàn, Quảng Nam), xe 43H-5338 qua mặt một chiếc xe container chạy cùng chiều, và chỉ còn chưa đầy 2m nữa thôi đã đối đầu với chiếc xe con 4 chỗ chạy ngược lại. Dù lấn trái, nhưng tài xế Bé luôn miệng văng tục: "Mẹ nó, đi kiểu gì như c..., không thương, ông đá đít cho bay xuống ruộng!".
Hành khách trên xe nhiều người toát mồ hôi, kêu tài chạy chậm nhưng bị phớt lờ. Thoát hiểm, xe tiếp tục tăng tốc, lúc này phụ xe "Thỏ" nhận cuộc điện thoại báo có một xe nằm lì bắt khách gần Vĩnh Điện. Nghe vậy, phụ xe la ầm lên: "Có xe phía trước, bóp nó luôn đi". Tài xế đạp ga, phóng ào ào, nhấn còi inh ỏi... Những chiếc xe máy chạy cùng hay ngược chiều đều tấp hết vào lề, nhường đường cho chiếc xe "điên".
Đến thị trấn Vĩnh Điện, tôi nhìn đồng hồ, từ ngã ba Hòa Cầm đến Vĩnh Điện chiếc xe "hung thần" này chạy chỉ mất có hơn 10 phút, trong khi đoạn đường này dài gấp đôi đoạn ngã ba Huế - Hòa Cầm, người lại đông, đường hẹp và có nhiều học sinh đi trên đường.
"Xe mất thắng cũng không ngán"!
"Lách" quy định của bến Qua nhiều ngày theo những chuyến xe "dù" đi tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi và ngược lại, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều xe không hề có lịch trình chạy trong ngày nhưng ra chạy, đón khách công khai. Có những chủ xe có 2 - 3 chiếc nhưng chỉ đăng ký với bến có 1 chiếc, còn những chiếc khác thì tranh thủ ra đường giành khách, gây mất trật tự. Theo ông Lê Viết Hoàng - Tổng giám đốc Công ty CP vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng, quy định của bến rất nghiêm, xe nào bị bắt do đón, trả khách không đúng nơi quy định sẽ bị cắt 1 phiên (lần thứ 1), 5 phiên (lần thứ 2), 15 phiên (lần thứ 3) và cắt tuyến nếu bị xử phạt lần thứ 4. Dù vậy, các chủ xe vẫn có cách để qua mặt cơ quan chức năng.
Chiếc 43H-5338 chỉ tỏ ra "hiền lành" khi vào thị trấn, như Vĩnh Điện, Nam Phước, Hương An, TP.Tam Kỳ hay Chu Lai... để bắt khách. Mỗi khi ra khỏi, xe lại phóng như bay. Liên tục tăng tốc đột ngột, rồi lại thắng gấp để khỏi đâm vào những phương tiện khác cùng lưu thông trên QL1A. Kinh hoàng hơn, khi xe vào địa phận xã Tam Anh (H.Núi Thành), tiếng cót két từ bánh xe phía sau càng rõ, to hơn. Xe tấp vào lề. Cả bác tài và phụ xe xúm lại, một người chui vào gầm nhòm ngó và thông báo: "Bánh sau bên phụ hết bố thắng!".
Lúi húi trong gầm, bác tài kêu phụ lấy cờ lê, mỏ lết để cố siết chặt ốc vít ở bánh. Phụ nhảy lên xe, lục tìm một hồi chẳng có gì cả. Nhìn quanh, thấy một tiệm sửa Honda ven đường, bác tài liền bảo phụ xe vào mượn tạm đồ nghề để sửa xe. Loay hoay mất 15 phút, xe chuyển bánh. Lên xe, bác tài cho chạy thật nhanh, rồi phanh rất gấp để... thử thắng, trước khi cho xe tăng tốc, cứ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Anh Thanh, một hành khách người Quảng Ngãi có biết đôi chút về xe cộ, lên tiếng nhắc nhở bác tài chạy chậm chứ mỗi khi xe thắng gấp, chiếc xe chao đảo trên đường. Bác tài tỉnh bơ: "Hồi tui lái xe chở gỗ, đổ dốc mất hết thắng còn không ngán. Như ri mới bị một bánh, ăn thua gì!". Anh Thanh tắt tiếng, hai tay bấu cứng băng ghế phía trước.
Hơn 11 giờ trưa, xe đến địa phận Quảng Ngãi, bác tài với tay gỡ bảng hành trình đút xuống chân. Đến cửa hàng xăng dầu Thanh Bình (TP.Quảng Ngãi), xe dừng. Bác tài nói to: "Thôi không chạy nữa, đói bụng rồi, tìm quán nào làm tí, nghỉ ngơi, chiều ra. Sang xe". Nhiều hành khách bỏ ra 70.000 - 80.000 đồng để đi Mộ Đức, Đức Phổ... miễn cưỡng lục tục xuống xe. Trong cây xăng, chiếc xe 77K-8305 chạy tuyến Quảng Ngãi - Quy Nhơn nằm đợi sẵn, mở cửa lùa hết khách lên...
Qua các chuyến đi thực tế, chúng tôi ghi nhận mỗi ngày có hàng chục xe đậu đỗ, bắt khách vô tội vạ. Thậm chí, nhiều xe nhồi nhét khách y nhét rau. Nhiều xe chỉ có 16 chỗ ngồi, nhưng chở tới 30 - 35 người là chuyện bình thường. Đông nhất là dịp thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ có xe còn nhồi 40 - 45 người.
Ngày 13.11, chúng tôi lên xe 43S-220... tại đầu cầu Trà Khúc về Đà Nẵng. Trên xe lúc này có hơn 30 người, không còn chỗ đứng, nhưng nhà xe vẫn nhét thêm khách. Trước đó, em Nguyễn Thị Cương (18 tuổi, trú thôn 4, xã Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) đón xe 43S-2045 đi TP.Tam Kỳ. Do xe không còn chỗ ngồi nên nhà xe nhét Cương vào ngồi phía sau đuôi xe (nơi để hàng hóa). Xe phóng nhanh, phanh gấp, lại quá chật chội nên cửa xe bung ra, hất Cương rơi xuống đường, bị đa chấn thương phải đi cấp cứu.
Điều đáng nói, "những cỗ quan tài bay" này đón khách mọi lúc, mọi nơi, nhồi nhét khách ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng hầu như chẳng bị CSGT hỏi han, xử phạt (!?).
Theo Thanh Niên
Dẹp bến "cóc", xe "dù" Ngày 24-11, Báo ANTĐ đã có bài phản ánh về tình trạng một số người dân trên địa bàn Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình - TP Hà Nội tự đứng ra gom đất nông nghiệp ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm mở các bến xe "cóc" trái phép ở phía sau khu vực bến xe khách Mỹ Đình...