Cơn địa chấn bitcoin
Tương lai của loại tiền ảo bitcoin trở nên mờ mịt sau vụ trộm bí hiểm khiến sàn giao dịch hàng đầu thế giới Mt.Gox phải tuyên bố phá sản.
Một nhà đầu tư người Anh đòi Mt.Gox hoàn trả tiền trước trụ sở của công ty – Ảnh: Reuters
Ngày 28.2, sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới một thời Mt.Gox đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi thông báo mất trộm số tiền ảo trị giá gần nửa tỉ USD. Trong cuộc họp báo tại Tokyo, Giám đốc điều hành Mt.Gox Mark Karpelès xác nhận công ty này mất gần 750.000 bitcoin của khách hàng cộng với khoảng 100.000 bitcoin của họ.
Với giá mỗi bitcoin hiện nay khoảng 565 USD, số tiền ảo mất trộm lên đến 480 triệu USD, tương đương 7% lượng bitcoin trên toàn cầu, theo Reuters. Ông Karpelès cho biết vụ trộm xuất phát từ lỗi kỹ thuật của hệ thống song không nói thêm chi tiết. “Có một số điểm yếu trong hệ thống và các bitcoin đã biến mất. Tôi xin lỗi vì gây ra rắc rối”, Karpelès nói.
Vụ biến mất bí ẩn làm nổi bật những nguy cơ của các loại tiền tệ chỉ hiện hữu trên mạng và không được bảo đảm bởi một ngân hàng trung ương nào. Do Mt.Gox không được một cơ quan quản lý quốc gia nào giám sát, nên số bitcoin ký gửi của các nhà đầu tư xem như mất trắng.
Với những người chỉ trích, Mt.Gox đại diện cho mọi nỗi nghi ngại dành cho một hệ thống phi tập trung, nặc danh và thiếu kiểm soát. Mt.Gox “nhắc nhở chúng ta về khía cạnh tiêu cực của các tiền tệ phi tập trung và không được điều chỉnh. Sẽ không có Cục Dự trữ liên bang hoặc IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) ra tay giải cứu. Không có bảo hiểm tiền gửi”, Giáo sư Campbell Harvey ở Trường kinh doanh Fuqua thuộc Đại học Duke (Mỹ) nói với AP.
Chỉ vài giờ trước khi Mt.Gox đệ đơn xin bảo hộ phá sản, Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso tuyên bố sự sụp đổ của sàn giao dịch là không thể tránh khỏi. “Không ai công nhận chúng là tiền thật. Tôi đã thấy trước vụ sụp đổ thế này”, ông Aso nói. Trong khi đó, các nhà quản lý tài chính Nhật từ chối can thiệp vào tình hình của Mt.Gox, nói rằng họ không có thẩm quyền với thứ không phải là tiền thật.
Thông báo của Mt.Gox khép lại nhiều tuần lễ đồn đoán xung quanh số phận của sàn giao dịch này. Mt.Gox đã đóng băng việc rút bitcoin của các nhà đầu tư vào ngày 7.2 và thông tin về vụ trộm thế kỷ đã rộ lên trong tuần qua, giữa lúc sàn Mt.Gox ngưng toàn bộ hoạt động giao dịch.
Video đang HOT
Vụ trộm thế kỷ
Theo một tài liệu được cho là của Mt.Gox rò rỉ trên mạng trong những ngày qua, vụ trộm đã “diễn ra vài năm mà không ai lưu ý”. Nghĩa là những kẻ tấn công đã thâm nhập từ lâu trước khi giá trị của bitcoin gia tăng chóng mặt vào năm ngoái. Vụ rò rỉ khiến giá của bitcoin sụt giảm 25%. Ngoại trừ việc đổ lỗi cho tin tặc và lỗi hệ thống, Mt.Gox không đưa ra lời giải thích chính thức nào. Hãng Reuters dẫn lời giới chuyên gia nhận định nguyên nhân có thể xuất phát từ tin tặc hoặc sự lỏng lẻo của Mt.Gox hoặc cả hai.
Dựa vào tài liệu của Mt.Gox, tờ The Verge nhận định có nhiều bất thường trong câu chuyện của sàn này. Theo đó, rất khó hiểu khi vụ trộm quy mô lớn diễn ra trong thời gian dài mà không ai chú ý. “Ngay cả việc kiểm toán cẩu thả nhất cũng cho thấy điều bất thường, rằng số tiền đang chảy ra khỏi tài khoản của Mt.Gox song công ty không kêu gọi giúp đỡ cho đến tận phút cuối cùng, khi khoản thâm hụt đã quá lớn đến nỗi không thể tiếp tục hoạt động”, tờ báo viết.
Theo The Verge, một số thành viên cộng đồng bitcoin thậm chí nghi ngờ vụ trộm có thể là một vụ dàn dựng từ bên trong. Tuy Karpelès được xem như vô can vì Mt.Gox là đứa con tinh thần của ông, những người còn lại trong số 18 nhân viên vận hành Mt.Gox thì không thoát khỏi ánh mắt dò xét. Theo Reuters, cần phải chờ đợi để biết chính xác điều gì dẫn đến vụ trộm chấn động cộng đồng bitcoin nói trên.
Về đâu bitcoin ?
Vụ phá sản của Mt.Gox mang lại tổn thất lớn về uy tín cho bitcoin. Tuy nhiên, những người ủng hộ loại tiền ảo này đã nhanh chóng tách bạch bitcoin với Mt.Gox, nói rằng sàn giao dịch ở Tokyo chỉ là một trường hợp đơn lẻ bắt nguồn từ sự lỏng lẻo về kỹ thuật và tiềm năng của bitcoin vẫn rất lớn. Những người khác thì lập luận Mt.Gox chính là một bài học kinh nghiệm cho các sàn giao dịch khác trong việc phát triển loại tiền tệ non trẻ. Bản thân Giám đốc điều hành Mt.Gox Karpeles cũng tán đồng quan điểm này trong thông báo phá sản, nói rằng bitcoin vẫn “khỏe mạnh” và “phát triển”.
Ken Shishido, một trong những nhà đầu tư mất trắng bitcoin ở Mt.Gox, nói với Reuters anh chấp nhận tổn thất như là cái giá của việc cách mạng hóa hệ thống tài chính toàn cầu. “Thuở sơ khai của xe hơi, các vụ tai nạn xảy ra vì không có đèn giao thông hoặc vạch cho người đi bộ. Song chúng ta đã không cấm xe hơi”, Shishido nói. Tuy nhiên, cựu chuyên viên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ Mark Williams nhận xét sự suy tàn của Mt.Gox biểu thị các vấn đề lớn hơn trong hệ thống. Theo ông Williams, tổn thất gần nửa tỉ USD của Mt.Gox là lỗ thủng của quả bong bóng lòng tin cần thiết để giữ cho bất kỳ hệ thống tài chính nào tồn tại.
“Việc Mt.Gox sụp đổ không mấy ngạc nhiên, điều ngạc nhiên là mức độ thiếu kiểm soát trên sàn giao dịch bitcoin lớn nhất. Các khách hàng trông cậy vào họ và họ không chú tâm bảo đảm cho sự an toàn của khách hàng. Làm sao họ có thể tin cậy một ai khác?”, ông Williams nói với NBC News.
Bitcoin là gì ? Bitcoin được giới thiệu năm 2008 bởi một hoặc nhiều lập trình viên lấy bí danh là Satoshi Nakamoto. Về cơ bản, bitcoin là một đoạn mã máy tính được đánh dấu mỗi lần chuyển từ chủ này sang chủ khác. Bitcoin cho phép người sử dụng thực hiện các giao dịch trực tiếp, mua hàng hóa và dịch vụ, đổi tiền xuyên biên giới mà không cần ngân hàng, nhà phát hành thẻ tín dụng hoặc bên thứ ba. Dù mọi lần giao dịch bitcoin đều được ghi lại trong một cuốn sổ công khai, danh tính người mua và người bán sẽ không được tiết lộ. Đây cũng là những lý do mà giới tội phạm ưa thích bitcoin. Loại tiền ảo này thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong một hai năm qua và ngày càng có nhiều cơ sở kinh doanh chấp nhận nó. Cơn sốt bitcoin bùng nổ vào tháng 12 năm ngoái khi giá một bitcoin tăng lên đến mức kỷ lục là 1.200 USD. Hiện nay, giá bitcoin dao động khoảng trên dưới 500 USD.
Việt Nam không chấp nhận bitcoin Ngày 27.2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không chấp nhận sử dụng đồng bitcoin như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán. Theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Sàn giao dịch Mt.Gox Được nhà lập trình người Mỹ Jed McCaleb sáng lập vào năm 2009, Mt.Gox ban đầu là một website để trao đổi thẻ của một trò chơi có tên Magic: The Gathering (Mt.Gox là viết tắt của Magic: The Gathering Online Exchange). Sau đó, McCaleb biến website này thành sàn giao dịch bitcoin và bán lại cho Mark Karpelès năm 2009. Dưới thời Karpelès, Mt.Gox trở thành khuôn mặt đại diện của bitcoin, nơi các nhà đầu tư thường xuyên kiểm tra giá cả của loại tiền ảo và đứng hàng đầu về lượng giao dịch. Khi Mt.Gox ngừng hoạt động, các công tố viên ở Mỹ và Nhật đã mở điều tra về công ty này.
Theo TNO
Bitcoin bị "cấm cửa" tại các ngân hàng Việt Nam
Trước việc "đào" và đầu tư vào Bitcoin tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cấm các "tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán.
Một quán cà phê Bitcoin tại Hà Nội (ảnh: Nguyễn Hiền).
Bitcoin - một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) - bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013, Bitcoin được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế vào đầu năm 2014, giá Bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi 2 sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật và nhà chức trách Mỹ bắt giữ 4 nhân vật bị tình nghi đã sử dụng Bitcoin cho các giao dịch tội phạm. Ngày 25/2/2014, sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới Bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng.
Tại Việt Nam, việc "đào" và đầu tư vào Bitcoin bắt đầu có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Việc sở hữu Bitcoin do "khai thác" được tại Việt Nam là rất ít mà chủ yếu là mua qua một số sàn giao dịch.
Trước việc sử dụng Bitcoin như là một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, chiều tối nay 27/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức lên tiếng. Ngân hàng Nhà nước cho hay, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Do vậy, "việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Qua tìm hiểu bước đầu, Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.
Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013, Bitcoin được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư. Sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng.
Trong đó, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.
Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Sự việc 2 sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền và việc sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa là một minh chứng.
Ngoài ra, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư. "Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi", Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.
Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng bitcoin như Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Nauy... đều không thừa nhận Bitcoin là một đồng tiền hợp pháp được lưu thông trên thị trường.
Nguyễn Hiền
Theo Dantri
Tin tặc cài virus đánh cắp đồng Bitcoin Hàng trăm nghìn máy tính đã bị một nhóm tin tặc gây nhiễm virus mang tên "Pony" để đánh cắp đồng Bitcoin và các loại tiền tệ kỹ thuật số khác. Theo kết luận của Công ty an ninh mạng Trustwave có trụ sở tại Chicago (Mỹ) công bố ngày 24-2, nhóm tội phạm này đã đánh cắp được khoảng 85 "chiếc ví...