‘Con dâu hay là con trâu?’
Tôi dám cá rằng, khi không may gặp phải gia đình nhà chồng khắt khe, vô tình, nàng dâu nào cũng sẽ phải ấm ức tự hỏi mình như vậy, bất kể nàng đã được “rèn giũa” trong môi trường gia trưởng đến đâu.
Đối mặt với sự khắt khe, vô tình của nhà chồng, không ít nàng dâu phải tự hỏi mình là con dâu hay… con trâu. Ảnh minh họa.
Các bạn thân mến,
Gần đến Tết, thay vì khoe con và chia sẻ đủ thứ “hầm bà lằng” như mọi khi, phụ nữ có chồng bắt đầu than phiền về “phận làm dâu” trên Facebook (phụ nữ chưa chồng, dĩ nhiên, sẽ than phiền về chuyện chưa muốn lấy chồng). Và ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ không đáng kể, hầu như những rắc rối, khúc mắc khiến phụ nữ có chồng phiền lòng đều đến từ nhà chồng, hay cụ thể hơn là mối quan hệ với bố mẹ chồng, anh/chị/em chồng và họ hàng bên chồng.
Là một người phụ nữ có kinh nghiệm 5 năm đối diện với những khó khăn chồng chất khi sống chung với nhà chồng, tôi dám cá rằng, nếu không may gặp phải gia đình nhà chồng khắt khe, vô tình, nàng dâu nào cũng sẽ phải ấm ức tự hỏi rằng mình là con dâu hay… con trâu, bất kể nàng đã được “rèn giũa” trong môi trường gia trưởng, “nam hệ” lạc hậu đến đâu chăng nữa. Chẳng có cô con dâu nào muốn tạo khoảng cách hay chống đối nhà chồng ngay từ thuở bơ vơ mới về, chỉ có những người-nhà-chồng muốn làm giảm vai trò và tiếng nói của con dâu trong gia đình từ những ngày đầu tiên.
Tuy không phải một mình rửa mấy chục mâm bát ngay sau đám cưới như một cô dâu ở Gia Lâm (Hà Nội), nhưng mẹ chồng tôi cũng kịp dắt tôi đi hai, ba vòng quanh nhà để giao một danh sách dài những “trách nhiệm” hàng ngày: nấu nướng, quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ nội thất, giặt giũ, phơi quần áo, tưới cây,… – Tất cả đều kèm theo “yêu cầu đặc biệt” của riêng bà. (Dù ở thời điểm đó, tôi đã có việc làm)
Vào khoảnh khắc mẹ chồng tôi đưa tôi vào phòng tân hôn, ấn tôi ngồi xuống cuối giường còn bà ngồi ở đầu giường thì tôi đã biết rõ cuộc sống hôn nhân sau này không chỉ phụ thuộc vào tình cảm của hai vợ chồng nữa.
Video đang HOT
Nhờ có các diễn đàn phụ nữ mà tôi mới biết, không chỉ mẹ chồng tôi, mà phần lớn các bà mẹ chồng đều có ý định “uốn nắn” thói quen, sở thích, tính cách của con dâu theo ý mình. Còn cả nhà chồng, thì đều muốn các nàng dâu phải biết dịu dàng, nhẫn nhịn; biết thông cảm, bao dung; biết lo toan, chu tất mọi công việc, từ nhỏ như tính toán mớ rau con cá tới lớn như dung hoà các mối quan hệ họ hàng…
Với họ, một nàng dâu không biết hi sinh là một nàng không yêu gia đình. Với họ, một nàng dâu hoàn hảo sẽ chẳng bao giờ nổi nóng vì “thấp cổ bé họng” mà trách nhiệm nặng nề, không những thế, còn luôn cảm thấy hạnh phúc vì được hầu hạ, phục tùng người khác.
Tôi đã phải đọc đi đọc lại một câu nói của tác giả “Trăm năm cô đơn”, đại ý là điều quan trọng nhất ở một cuộc hôn nhân không phải là hạnh phúc mà là sự ổn định để xua đi sự ấm ức trong suốt 5 năm qua. Không phải riêng tôi, rất nhiều người phụ nữ khác cũng sai ngay từ đầu, cũng tự đập đi lập trường sống của chính mình và không biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi cảnh làm… “trâu”.
Chỉ bởi quan niệm “khác máu tanh lòng” đã ăn sâu vào trong đời sống, không cách gì lay chuyển….
Theo Nguoiduatin
'Chị em này, chúng ta đang đối xử với chồng như... con trâu đấy!'
Đàn ông theo kiểu của chị, không cần nước hoa, không cần quần áo đẹp, đi làm về cung cúc bao nhiêu tiền nộp hết cho vợ, ra đường không được liếc dọc liếc ngang... Thế thì có khác gì con trâu, chỉ biết đi cày và đi thẳng?
Chị trợn mắt: "Đàn ông cần gì xịt nước hoa, đĩ đời cho gái nó theo à?" - Ảnh minh họa
Hôm nọ ông xã đi công tác về, có mua tặng cho anh rể chai nước hoa. Chị gái tôi ngắm nghía thích lắm nhưng rồi chép miệng: "Nước hoa nam thế này thì chị đâu có xài được". Tôi bảo: "Thì để anh Kiên xài chứ sao!" Chị trợn mắt: "Đàn ông cần gì xịt nước hoa, đĩ đời cho gái nó theo à?". Đến lượt tôi há mồm... Nếu như đàn ông theo kiểu của chị, không cần nước hoa, không cần quần áo đẹp, đi làm về cung cúc bao nhiêu tiền nộp hết cho vợ, ra đường không được liếc dọc liếc ngang... Thế thì có khác gì con trâu, chỉ biết đi cày và đi thẳng?
Tôi tự hỏi, phải chăng có quá nhiều phụ nữ của ta lép vế đến mức phải dùng những tiểu xảo này để giữ chồng? Phải chăng các anh chồng đang được lừa phỉnh vờ vịt bằng hình ảnh đại trượng phu trụ cột nhưng sự thật lại chịu thiệt thòi hết sức mà không biết ? (hay biết mà không làm gì được?) Thế nhưng các chị có hiểu mình đang sai lầm thế nào.
"Phải vét sạch lương chồng"
Đó là những gì các cô dâu trẻ được khuyên từ kinh nghiệm của các bà, các mẹ, các chị đi trước. Nào là: phải nắm được thẻ lương của chồng, phải vét sạch túi chồng, không cho quỹ đen quỹ đỏ, không cho thừa một đồng dư thì nó mới không có tiền bao gái, gái mới không theo; mình giữ tiền thì nó mới SỢ mình, không dám tòm tem bên ngoài, gia đình mới vì thế mà yên ấm...
Nhưng các chị à,...
Tiền lương là công sức lao động của anh ấy, dù ít dù nhiều thì cũng không phải tự nhiên mà có được. Hằng ngày vẫn là anh đội nắng đội mưa đi làm. Áp lực phải lo cho cả gia đình của một người chồng, áp lực phấn đấu khẳng định bản thân của một thằng đàn ông, vốn chẳng nhẹ nhàng gì. Lại thêm những câu chuyện dở khóc dở cười trên cơ quan với sếp, với đồng nghiệp cạnh tranh... đôi khi chị chẳng biết được. Lương càng nhiều, đồng nghĩa anh càng phải làm việc vất vả.
Từ xưa đến nay, làm chồng là có trách nhiệm gánh vác gia đình, nhưng không luật pháp hay nền văn hóa đạo đức nào quy định chồng làm được bao nhiêu phải đưa hết cho vợ như tô thuế phải cống nạp cho địa chủ. Rồi đợi vợ thương tình thì phát lại cho vài đồng đổ xăng, dằn túi. Hình ảnh một người đàn ông cặm cụi đi làm đi làm mãi mà trong túi lúc nào cũng rỗng tuếch, có tội hay không? Một người đàn ông mà phải ngửa tay xin tiền vợ những lúc tụ họp với anh em, hay mua lấy cái áo mưa... có đẹp hay không? Mà xấu chàng thì hổ ai đây?
Anh có thể làm ra tiền từ bàn tay, thì cũng có thể nắm chặt tay lại không đưa cho chị. Nếu một ngày tự dưng trong lòng không còn thấy thương nhau nữa, không còn muốn lo cho nhau nữa, anh vẫn chi trả mọi hóa đơn trong nhà, thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm luật pháp gắn cho một người chồng, chị không thể kiện anh lên tòa. Anh không để chị thiếu, chị cũng chẳng thể tố anh bạc bẽo với người ngoài. Chỉ là anh không còn muốn đưa hết mọi thứ cho chị nữa, chị có thể làm gì đây?
Phải chăng, chị đang nắm được túi chồng là vì anh để chị nắm mà thôi, là vì anh ấy còn yêu chị yêu gia đình này mà thôi. Vậy thì có lẽ, cái chị cần nghĩ cách cột chặt không rời là trái tim chứ không phải ví tiền anh ấy đâu.
"Chồng đẹp là chồng người ta/ Xấu xấu bẩn bẩn mới là chồng em"
Một trong những "tuyệt chiêu giữ chồng" mà các bà, các mẹ truyền lại là phải tích cực "nịnh" chồng, mà phải là "nịnh ngược": cái gì chồng mặc xấu thì bảo đẹp, cái gì chồng mặc đẹp thì phải chê tích cực để lần sau không đụng vào nữa... Cũng là để xấu bớt đi (cộng thêm với vét sạch lương cho túi rỗng tuếch) thì gái mới không theo, mà theo gái thì cũng không con nào thèm. Như vậy là hạnh phúc mãi về sau.
Bỏ bê chồng, để chồng lôi thôi, chị nghĩ thế là giữ được anh, nhưng có biết mình đang tạo cơ hội rất dễ dàng cho kẻ thứ ba? Chỉ cần một ánh mắt dịu dàng: "Em thương anh, nhìn anh không có bàn tay của phụ nữ chăm sóc, để em chăm sóc anh...", chưa kể đến những thủ thỉ ngọt ngào, những món quà giúp anh thay đổi, giúp anh thấy mình hấp dẫn hơn khi bên vợ, thấy mình được chiều chuộng... Chị nghĩ anh có động lòng?
Nói vui một chút thì không dám để chồng đẹp là vì sợ mất chồng. Thế nhưng, bị một người đẹp phản bội vẫn dễ chịu hơn cảm giác đến cái thằng vừa xấu vừa bẩn đấy còn cắm được sừng lên đầu mình đúng không nào?
Vả lại, người đàn ông chị chọn chung sống cả đời mà chị lại không có lòng tin là anh ấy biết quản lí tiền bạc và bản lĩnh trước cám dỗ ư? Không tin nhau, chẳng lẽ cả đời cứ phải theo dõi, kiểm tra rồi quản lí nhau? Vừa làm mình tốn sức, mà còn khiến người buồn thêm. Mệt như vậy thì anh và chị sẽ cùng nhau đi được bao xa trên đường đời đây, chị nghĩ mà xem.
Theo Phununews
Này các chị em, hãy chấm dứt ngay việc đối xử với chồng như... con trâu! Đàn ông theo kiểu của chị, không cần nước hoa, không cần quần áo đẹp, đi làm về cung cúc bao nhiêu tiền nộp hết cho vợ, ra đường không được liếc dọc liếc ngang... Thế thì có khác gì con trâu, chỉ biết đi cày? Hôm nọ ông xã đi công tác về, có mua tặng cho anh rể chai nước hoa....