Con dâu cao tay
Ngày trước, nàng dâu sợ mẹ chồng một phép; ngày nay, nhiều mẹ chồng phải “nể” con dâu vì rất nhiều lý do.
“Nhìn mẹ chồng chị về chuyến này ốm hẳn, chị xót xa lắm, càng giận em dâu mà không dám nói vì sợ bà không hiểu lại cho rằng chị ganh tị với em dâu” – chị Minh Hà, nhà ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM, kể.
Sợ con trai mất vợ
Chị Hà kể chị về làm dâu được vài năm thì 2 đứa em chồng lấy chồng, lấy vợ. Vợ chồng chị phải dọn ra ngoài ở riêng, nhường chỗ cho vợ chồng cậu em út. Trong khi gia đình chị vất vả thuê trọ rồi tích góp mua được nhà thì vợ chồng người em trai vẫn sống bám vào ba mẹ chồng chị. Khi vợ chồng Luân, em chồng chị, sinh con thì gánh nặng càng đè lên vai mẹ chồng. Tiền sữa, tiền tã, tiền ăn, tiền quần áo…, con dâu đều réo “Mẹ ơi…”. Cô con gái giữa lấy chồng người Singapore nên làm thẻ cho bà được lưu trú dài hạn bên đó nhưng bà không sang chơi, nghỉ ngơi mà phụ giúp ở một cửa hàng rau quả của người Việt. Số tiền tích góp được, bà mua thức ăn, sữa, đóng học phí cho con cậu con út. “Trong khi đó, em dâu chị ra đường phải xe xịn, quần áo hàng hiệu vì biết có mẹ chồng lo. Khi chị đem những bức xúc này nói với mẹ chồng, bà than: Vợ chồng con tự lo được, mẹ không lo nữa. Mẹ còn sống ngày nào thì cố gắng lo cho vợ chồng thằng Luân ngày ấy vì mẹ sợ vợ nó không chịu được cực khổ, bỏ chồng mất. Đến mức này thì chị đành chịu” – chị Hà ấm ức.
Cũng có tư tưởng như mẹ chồng chị Minh Hà, bà Lai – nhà ở đường Trần Não, quận 2, TP HCM – cũng nhất quyết bắt con dâu nghỉ việc vì sợ con dâu ra ngoài, gặp người giỏi giang hơn sẽ bỏ con trai bà. Trước đây, chồng bà Lai làm giám đốc của một công ty nhà nước nên gia đình có của ăn, của để. Con trai bà ăn chơi, lêu lổng, nghỉ học sớm, chẳng làm được gì ngoài việc cưới được một cô vợ có nhan sắc. “Đằng nào tôi cũng phải nuôi vợ chồng, con cái nó. Con dâu nghỉ ở nhà để lo nhắc nhở chồng, chăm con không phải tốt hơn ra đường kiếm mấy đồng bạc lẻ” – bà Lai cho biết.
Có những nàng dâu từ đầu không gây ấn tượng với nhà chồng nhưng bằng sự khôn khéo, thật lòng của mình, họ đã chinh phục được mẹ chồng. (Ảnh minh họa)
Con dâu cao tay
Bà con ở phường 13, quận Tân Bình, TP HCM vô cùng tức giận trước thái độ trịch thượng của con dâu bà Năm đối với bà. Bà Ngọ, hàng xóm của bà Năm, kể: “Sáng sớm, nó đưa con đi học rồi dừng xe trước cửa nhà bóp kèn inh ỏi. Bà Năm chạy ra lấy gói xôi con dâu đưa rồi vào nhà. Tuyệt nhiên, không có tiếng chào hoặc hỏi thăm. Thấy gai mắt quá, tôi hỏi bà ấy sao để con dâu làm thế, không cho nó một bài học thì bà Năm tâm sự bị con dâu đối đãi thế này là do lỗi của bà ấy”. Trước đây, bà Năm không chấp nhận cô con dâu của mình vì cho rằng gia đình con dâu nghèo, không xứng với gia đình bà. Ngờ đâu, con dâu để trong lòng và quyết “trả đòn” mẹ chồng bằng thái độ lạnh nhạt, khinh khỉnh.
Có những nàng dâu từ đầu không gây ấn tượng với nhà chồng nhưng bằng sự khôn khéo, thật lòng của mình, họ đã chinh phục được mẹ chồng. Trong 3 nàng dâu, Luyến – nhà ở đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP HCM – “lép vế” hơn về nhan sắc, xuất thân. Biết được điểm yếu của mình, Luyến luôn tìm cách lấy lòng mẹ chồng bằng những món quà nho nhỏ, đúng sở thích của bà. Thỉnh thoảng, cô hỏi ý kiến mẹ chồng về chuyện này, chuyện kia rồi khen bà có cách giải quyết khéo. Ngày nghỉ, cuối tuần, cô cùng mẹ chồng đi chợ, nấu ăn trong khi các nàng dâu kia bận ngủ nướng hoặc đi chơi cùng bạn bè. “Tôi tin tưởng nếu mình chân thành thì mẹ chồng cũng đối xử tốt với mình” – Luyến tâm sự.
Video đang HOT
Theo VNE
Sao lại có một bà mẹ chồng tai quái như vậy?
Mẹ chồng tôi vẫn khỏe mạnh, ăn được, ngủ ngon, nói chuyện lớn tiếng, chẳng có vẻ gì là người mắc bệnh nan y.
Bà mới 66 tuổi thôi mà. Chỉ có điều là, khi có mặt chồng tôi ở nhà thì bà luôn tỏ vẻ mệt mỏi, ốm yếu, cần được chăm sóc đặc biệt. Sao lại có một bà mẹ chồng tai quái như vậy...
Tôi hí hửng bưng đĩa gỏi mít non lên, trong bụng chắc mẻm là khi thấy món ăn gắn liền với mình từ thuở hàn vi, hẳn mẹ chồng tôi sẽ vui lắm.
Thế nhưng mọi việc diễn ra tích tắc sau đó khiến tôi bàng hoàng. Mẹ chồng tôi vung tay gạt đi. Đĩa gỏi trượt khỏi mép bàn rơi xuống đất. "Choang"- tiếng vỡ của cái đĩa như những mũi dao găm vào lòng tôi. Tôi bưng mặt chạy vào bếp, trong khi bà giúp việc loay hoay lau dọn...
Khi Vinh về tới, tôi nghe giọng mẹ chồng tôi ngọt ngào: "Vợ thằng Vinh đâu, ra ăn cơm đi con". Bất giác tôi sởn gai ốc. Sao trên đời này lại có một người sống hai mặt giỏi như thế, đến con ruột của bà cũng không thể nhìn ra.
Tôi về làm dâu nhà Vinh mà không được mẹ anh bằng lòng. Bà miễn cưỡng cưới tôi cho con trai mình bởi Vinh nhất quyết không chịu lấy ai cả. Chúng tôi đã chờ nhau 3 năm, cuối cùng mẹ anh phải chấp nhận.
Thế nhưng, ngay sau cái đám cưới không giống ai mà bà ép dì dượng tôi phải nghe theo ý mình, đó là cô dâu phải tự thuê xe về nhà chồng, bà đã chủ động gây hấn ngay trong ngày đầu tiên tôi về làm dâu. Trong đêm tân hôn của chúng tôi, bà cứ liên tục gõ cửa phòng gọi Vinh ra, khi thì coi lại cửa nẻo, lúc kiểm tra xe cộ vì bà nghe "tiếng động lạ trong nhà để xe"; rồi bà đau bụng, nhức đầu, nôn ói...
Ngay đêm đầu tiên về nhà chồng, tôi đã phải thức trắng đêm.
Những ngày sau, bà khôn khéo hơn. Chỉ khi nào Vinh không có mặt ở nhà thì bà mới giở quẻ. Bà gọi tôi là "mày", xưng "tao" khi không có chồng tôi ở nhà, nhưng anh vừa về đến là bà lập tức thay đổi ngay, lúc nào cũng mẹ mẹ, con con rất ngọt ngào. Tôi lau nhà thì bà bắt người giúp việc lau lại; tôi nấu cơm thì hôm bà chê nhão, hôm lại nói khô dù nó vẫn thế. Tôi làm đồ ăn thì bà không đụng đũa...
"Mẹ già rồi, không sống được bao lâu nữa, em đừng quá bận tâm chuyện này. Cũng có khi mẹ nói vậy thôi chứ một thời gian sau mẹ sẽ thương em mà thay đổi ý định". (ảnh minh họa)
Tất cả những thứ ấy giáng xuống đầu tôi chỉ vì một lý do: Tôi là đứa trẻ mồ côi, con nhà nghèo, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất mà người phụ nữ giật chồng bà cũng từng ở đó. Ba mẹ đã bỏ tôi lại cho ngoại và dì. Nghe nói họ đi vượt biên và đã bị chìm tàu ngoài biển. Tôi đã không giấu giếm nguồn gốc, lai lịch của mình vì cứ nghĩ, trước sau gì cũng là người nhà của nhau thì phải chân thật. Nào ngờ, vừa nghe xong, bà đã nói ngay: "Không được. Cái xứ đó chỉ sinh ra những con người lọc lừa, phản trắc, giật chồng, đoạt vợ người ta".
Hôm đó chỉ có tôi và bà. Tôi điếng hồn. Cứ nghĩ nói thật thì người ta sẽ quý mình, nào ngờ sự việc hoàn toàn trái ngược. Trước khi tôi ra về, bà đe: "Cô không được nói với thằng Vinh, nếu không thì đừng có trách".
Tôi bị sốc và đã muốn buông tay. Tôi nói với Vinh: "Em thấy mẹ khó tính thế nào ấy... Có vẻ như mẹ không thích em". Vinh cười to: "Không có đâu, nhìn mặt mẹ thế thôi chớ bụng dạ rất tốt. Cả xóm đều phải công nhận điều đó. Không lẽ mẹ tốt với người ngoài mà lại xấu với người nhà sao mà em sợ?".
Chỉ vì anh là con của bà nên mới nói vậy chứ tôi mới gặp bà lần đầu đã thấy rờn rợn. Người đàn bà bị mất chồng về tay người khác, đã ôm mối hận mà ở vậy nuôi con mấy chục năm qua có cái nhìn cuộc sống rất khắt nghiệt. Bà tự cho mình là người cao quý nên thấy ai cũng thấp hèn, nhất là một đứa con gái có xuất thân ở một vùng quê mà bà cho rằng từng ngọn rau, tấc đất ở đó đều xấu xa, đê tiện.
Thế nhưng những gì tôi nói ra, Vinh đều không tin hoặc có lý lẽ để bác lại. Trong mắt anh, mẹ là hiện thân của những gì yêu thương, cao quý nhất. Hẳn nhiên rồi, vì anh là con của bà. Chính vì vậy mà bà đã nhượng bộ sau 3 năm Vinh kiên trì thuyết phục. Bà chỉ ra một điều kiện: Tôi phải ở nhà làm dâu, làm vợ chớ không được bon chen ngoài xã hội.
"Mẹ già rồi, không sống được bao lâu nữa, em đừng quá bận tâm chuyện này. Cũng có khi mẹ nói vậy thôi chứ một thời gian sau mẹ sẽ thương em mà thay đổi ý định". Vinh thuyết phục tôi như vậy. Tôi suy nghĩ mãi. Dì dượng tôi cũng nói vào. Họ bảo tôi may mắn, gặp phải gia đình chồng giàu có, chẳng phải làm lụng gì thì quá sung sướng rồi, chẳng bù cho dì dượng, đầu tắt mặt tối quanh năm mà cơm không đủ no, áo không đủ ấm...
Vậy là tôi chấp nhận yêu cầu của mẹ chồng. Tôi vẫn nuôi hi vọng bà sẽ thay đổi như những điều Vinh nói. Tôi cũng tự hứa sẽ làm hết sức mình để bà vui lòng. Tôi không có mẹ nên bây giờ có một gia đình thật sự, tôi sẽ nâng niu, quý trọng và hết sức giữ gìn, tôn tạo nó...
Nhưng anh đâu có ở nhà mà biết chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi. Có lần bà còn cố ý hất vá canh nóng vô người tôi khi xuống bếp nêm nếm thức ăn. (ảnh minh họa)
Thế nhưng thực tế không đơn giản. Mẹ chồng tôi mang ý nghĩ bà đã thua tôi một keo thì phải tìm cách lấy lại và phải lấy lại nhiều hơn. Sau đêm tân hôn chúng tôi phải thức trắng dờ con mắt thì sau đó, Vinh thông báo tuần trăng mật của chúng tôi bị hoãn vì bệnh tim của mẹ anh tái phát.
Tôi buồn nhưng cố gắng không thể hiện ra bên ngoài. Mẹ chồng tôi vẫn khỏe mạnh, ăn được, ngủ ngon, nói chuyện lớn tiếng, chẳng có vẻ gì là người mắc bệnh nan y. Bà mới 66 tuổi thôi mà. Chỉ có điều là, khi có mặt chồng tôi ở nhà thì bà luôn tỏ vẻ mệt mỏi, ốm yếu, cần được chăm sóc đặc biệt. Tôi không hiểu sao bà lại nghĩ ra những chiêu trò tai quái như vậy, sao lại có một bà mẹ chồng tai quái như vậy! "Ráng lên nghe em. Sống với nhau một thời gian thì mọi chuyện sẽ ổn thôi"- Vinh an ủi tôi như vậy.
Nhưng anh đâu có ở nhà mà biết chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi. Có lần bà còn cố ý hất vá canh nóng vô người tôi khi xuống bếp nêm nếm thức ăn. Lần khác, khi tôi đang xuống lầu thì bà đi lên, tôi không kịp lùi lại, khi hai mẹ con đi ngang mặt, bà đã đẩy tôi ngã đập đầu xuống sàn nhà. Ác nghiệt hơn, trước sân nhà có cây mận da xanh rất ngon nhưng nhiều kiến vàng, bà bắt tôi phải trèo lên để hái cho bà những trái mận ngon nhất. Có lần tôi bị kiến vàng đái vô mắt, tưởng bị mù luôn...
Những chuyện này xảy ra hàng ngày nhưng tôi chưa bao giờ nói với Vinh. Tôi thương anh vất vả kiếm tiền bên ngoài, lại sợ mẹ anh vì bà rất tai quái. Cứ vậy những ngày tháng tù ngục nối tiếp nhau, tôi cứ cắn răng chịu đựng.
Và rồi tôi phát hiện mình có thai. Cảm giác vui buồn lẫn lộn đầy dâng trong tôi. Thật sự là tôi không hề muốn có con trong lúc tinh thần căng thẳng như thế này. Nhưng đã lỡ có rồi thì đành vậy chứ biết làm sao. Tôi không vội cho Vinh biết vì muốn để cho mọi thứ chắc chắn.
Chính vì cái thai đó mà tôi mới thèm món gỏi mít non mà lâu lắm rồi tôi không nhớ đến. Tôi đã nói với bà giúp việc trước khi vào bếp cặm cụi làm món gỏi thật ngon với sự tiếp sức của bà. Bà giúp việc tận tụy đã theo mẹ chồng tôi gần 20 năm cũng phải thừa nhận món gỏi hôm đó tôi làm rất ngon. Vậy mà mẹ chồng tôi chẳng hề nếm qua đã thẳng tay hất đổ...
Tôi không hiểu là giới hạn chịu đựng của mình đã đến ngưỡng hay là vì cái thai trong bụng khiến tôi thay đổi tính tình. Tối đó tôi nói với Vinh: "Em muốn về quê thăm dì dượng vài hôm". Vinh bảo để tháng sau anh xin nghỉ phép đưa tôi đi nhưng tôi không chịu: "Anh mà xin nghỉ để đưa em đi thì chẳng khác nào hại em. Mẹ mà biết được sẽ không để em yên đâu". Tôi chỉ nói được vậy rồi nghẹn lời. Tôi vờ kiếm chuyện để đi vào nhà tắm. Tôi không muốn cho Vinh thấy tôi khóc, cũng không muốn nói với anh bất cứ điều gì về người mẹ thần tượng của anh.
Cuối cùng Vinh cũng đồng ý cho tôi về quê thăm dì, dượng. Anh cẩn thận mua vé máy bay khứ hồi cho tôi và khi đưa tôi ra sân bay, anh căn dặn: "Em đi đứng cẩn thận nhé. Khi nào về thì gọi để anh ra đón". Tôi nắm tay anh thật chặt, muốn khóc nhưng lại cố kềm vì có thể đây là lần cuối cùng chúng tôi thấy nhau. Tôi quyết định không bao giờ trở về ngôi nhà ấy nữa.
Tôi đã để lại cho anh lá thư cùng quyển nhật ký những ngày tháng tối tăm của tôi. Tôi nghĩ, nếu anh bắt gặp và đọc chúng thì anh sẽ gọi cho tôi. Khi đó tôi sẽ nói với anh tất cả. Thế nhưng sau đó tôi lại sợ khi nghe tiếng anh, tôi sẽ không cầm lòng được, sẽ quay về và tiếp tục sống như hơn một năm qua tôi đã sống. Một cuộc sống không có lấy một ngày vui.
Vậy là tôi tắt điện thoại và không về nhà dì dượng ngay khi đặt chân xuống sân bay. Tôi đã đến một nơi mà không ai có thể tìm được. Tôi không biết mình đúng hay sai khi quyết định như vậy. Điều duy nhất tôi biết là tôi nhớ Vinh đến đau thắt trong lòng. Tôi hình dung cảnh anh vật vã, đau đớn khi biết tôi đã chọn con đường một đi không trở lại. Giá mà trước đây tôi biết cuộc sống chung với mẹ anh khốn khổ, ê chề như vậy, tôi đã chấm dứt sớm hơn chứ không để cả hai phải đau khổ như bây giờ...
Theo VNE
Chỉ học hết cao đẳng, tôi bị nhà chồng khinh Không ít lần mẹ chồng tôi nói bóng nói gió về chuyện con dâu nhà mẹ ít học. Con dâu nhà mẹ tức là tôi, vì ngoài tôi ra, ở cái nhà này không còn ai gọi là học ít hơn tôi cả. Mỗi lần tôi làm chuyện gì không vừa ý mẹ là y như rằng mẹ quy cho tôi cái tội...