Cồn Cỏ – đảo “thép” giữa trùng khơi!
Trải qua sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, đảo Cồn Cỏ nay được khoác lên mình “tấm áo mới” với bao sự đổi thay kỳ diệu. Ngày qua ngày, quân và dân trên đảo đang vun đắp, xây dựng đảo, góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi.
Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía Đông của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền khoảng 25km. Do nằm ở vị trí trọng yếu nên đảo Cồn Cỏ được xem là vọng gác tiền tiêu, là “mắt thần” của đất liền.
Vươn mình trong bão tố…
Sau nhiều cuộc hẹn bất thành, chúng tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ được một lần đặt chân đến đảo Cồn Cỏ – hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc để chứng kiến và ghi nhận sự đổi thay của mảnh đất và con người trên đảo.
Đúng kế hoạch, 8h30 sáng, chúng tôi mang theo tư trang, hành lý và có mặt tại cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Chừng 30 phút sau, chiếc thuyền đánh cá chở đoàn chúng tôi tiến ra đảo Cồn Cỏ.
Hòn đảo tuyệt đẹp giữa biển khơi
Sau hơn một giờ đi trên biển, chúng tôi cũng đã đặt chân lên đảo an toàn. Giữa biển cả mênh mông, đảo Cồn Cỏ hiện lên với đầy đủ các gam màu. Bên cạnh màu xanh của cây rừng là những tòa nhà công vụ, những công trình dân sinh, kể cả những máy móc, thiết bị được đưa ra từ đất liền để phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng đảo.
Một góc Cồn Cỏ, nhìn từ phía trên với hệ thống nhà công vụ nằm sát biển cùng với màu xanh của rừng
Trước mắt chúng tôi là trường mầm non Phong Ba, nơi học tập của con em cư dân sống trên đảo. Dù trong điều kiện cách trở với đất liền và còn đó nhiều khó khăn nhưng những đứa trẻ được sinh ra trong môi trường này cũng trở nên rắn rỏi lạ thường. Rồi đây, khi lớn lên các em sẽ mang theo bao khát vọng về một cuộc sống mới, xây dựng hòn đảo này tươi đẹp hơn. Cồn Cỏ là huyện đảo trẻ nhất nước, và con người ở đây cũng vậy, thật trẻ trung và căng đầy nhựa sống.
Có lẽ, ngôi trường được lấy tên Phong Ba như một niềm hy vọng các em lớn lên cũng sẽ vừng sàng ý chí, can trường như cây Phong Ba trước mưa gió, bão bùng
Điều đặc biệt, tên của ngôi trường cũng trùng với tên một loại cây rất đặc trưng của hòn đảo thân yêu này – cây Phong Ba. Loài cây này thường mọc ven biển, tạo nên một rặng dài bao quanh lấy hòn đảo. Qua nhiều đợt bão tố, khí hậu khắc nghiệt đi chăng nữa nhưng loài cây này vẫn vươn mình trong nắng gió, bão bùng, tượng trưng cho sự can trường của người dân trên đảo. Khác với những gì chúng tôi từng nghĩ, vẻ hoang sơ của đảo Cồn Cỏ đang dần biến mất và thay vào đó là sự hồi sinh mạnh mẽ của cảnh vật và con người, góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt giữa biển khơi.
Đảo anh hùng trong chiến tranh
Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đảo Cồn Cỏ vẫn chưa có sự hiện diện của con người. Nhận biết được vị trí đặc biệt quan trọng của hòn đảo, năm 1959, Tư lệnh và Chính ủy E270 thuộc đặc khu Vĩnh Linh lệnh cho một trung đội pháo 127 ly của Trung đoàn 270 quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy vượt sóng gió tiến ra đảo. Đúng 11 giờ ngày 8/8/1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên đảo.
Hệ thống giao thông hào, lô cốt bao quanh đảo là những vết tích của cuộc chiến anh dũng ngày xưa còn sót lại
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ là nơi trung chuyển người, lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong 4 năm từ 1964 đến 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã có hơn 4.000 lần chuyến thuyền tiếp tế hơn 2.500 tấn hàng hóa, vũ khí cho đảo. Để ngăn chặn và cắt đứt tuyến đường chi viện của ta, Mỹ – Ngụy đã nhiều lần cho quân đổ bộ, vây ráp, ném bom đánh phá rất ác liệt. Tuy nhiên, bằng niềm tin và ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù.
Trạm khí tượng đảo Cồn Cỏ
Trong quá trình “tiếp máu” cho đảo Cồn Cỏ, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cùng hàng trăm quân, dân Vĩnh Linh vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Vượt lên gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ vẫn vững vàng trên tuyến đầu, viết lên những câu chuyện huyền thoại…
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trên đảo Cồn Cỏ
Trải qua 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, Cồn Cỏ anh hùng đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Gần 200 đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh để dựng nên một tượng đài Cồn Cỏ anh hùng mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc.
Video đang HOT
Với những thành tích đã đạt được, đảo Cồn Cỏ 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Lần đầu vào ngày 1/1/1967, và lần thứ hai vào ngày 25/8/1970.
“Viên ngọc quý” đang được đánh thức
Năm 2002, mô hình xây dựng đảo Cồn Cỏ thành “Đảo Thanh niên” được hình thành. Theo đó, 43 thanh niên của Tổng đội TNXP Quảng Trị đã tình nguyện ra xây dựng đảo. Từ đây đảo đã có những cư dân dân sự đầu tiên đến định cư, mở ra một hướng mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội trên Cồn Cỏ, góp phần củng cố quốc phòng an ninh.
Ngày 1/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với mục tiêu xây dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành “Huyện đảo Du lịch”. Cũng từ đây, đảo Cồn Cỏ đã chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự.
Hiện một số công trình trọng yếu trên đảo đang được gấp rút thi công để sớm đưa vào sử dụng như: Kè chống xói lở bờ biển với mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng an ninh; Dự án cảng cá và khu dịch vụ, doanh trại quân đội…đang dần hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong năm 2013. Và, mới đây là công trình trường mầm non, tiểu học Phong Ba vừa được khởi công với số vốn đầu tư là 5 tỷ đồng, sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân và công việc học tập của con em trên đảo.
Đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng hệ thống kè trên đảo
Bên cạnh đó, công tác quốc phòng, an ninh trên huyện đảo luôn được giữ vững và tăng cường. Lực lượng vũ trang quân sự trên đảo luôn xác định nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm, thiêng liêng. Hiện nay, trên đảo có 11 hộ gia đình với 38 nhân khẩu đang sinh sống. Hầu hết các gia đình đều có cuộc sống ổn định và luôn nêu cao tinh thần quyết tâm bám đảo.
Những bạn trẻ này đã sớm thích nghi với cuộc sống và trở nên yêu mến, xem đảo là nhà, biển cả là quê hương
Qua thời gian dài xây dựng, Cồn Cỏ vẫn giữ được màu xanh nguyên vẹn của những cánh rừng, vẻ đẹp hoang sơn và đa dạng sinh học biển đảo. Đảo Cồn Cỏ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất lớn, là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô, là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đảo thuộc vào dạng quý hiếm với gần 80% diện tích trên đảo là rừng.
Tàu cá của ngư dân ra khơi đánh bắt và luôn có sự hiển diện của tàu tuần tiểu để đảm bảo an toàn
Đến thăm đảo Cồn Cỏ, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của rừng già. Hệ thống rừng ở đảo Cồn Cỏ với nhiều loại cây đã sống lâu năm, xen giữa rừng là rất nhiều chuối rừng và nhiều loại cây dây leo khác, trong đó có một số là cây dược liệu, tạo nên một sự phong phú đa dạng về hệ sinh thái. Dọc bờ biển là những hàng cây phong ba, vươn mình trong sóng gió.
Được biết đảo Cồn Cỏ đã và đang trong quá trình quy hoạch xây dựng để phát triển thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ của hòn đảo. Nếu được đầu tư phát triển thì “viên ngọc xanh” đầy tiềm năng này sẽ là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Theo Dantri
Trung Quốc mang cả hạm đội đấu với tàu chấp pháp Việt Nam
Thời gian qua, TQ đã huy động nhiều tàu chiến, trong đó có 2 tàu đổ bộ 20.000 tấn để bảo vệ giàn khoan, ngăn chặn tàu chấp pháp Việt Nam.
Trong thời gian hai tuần hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng đến hàng chục tàu chiến, làm lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa cho các lực lượng khác bảo vệ cho hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bắt đầu từ khi cắm giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng tàu hộ vệ tên lửa Type 053H1 số hiệu 534 Kim Hoa và các tàu tên lửa tấn công nhanh mang số hiệu 752, 753, 754 cùng với tàu tuần tiễu săn ngầm mang số hiệu 786.
Tàu hộ vệ tên lửa đầu tiên của Trung Quốc được xác định có mặt tại vòng bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 là chiếc "Kim Hoa" mang số hiệu 534, vốn là tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Hồ II (Type 053H1).
Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc
Tàu hộ vệ Kim Hoa thuộc một trong những lớp tàu chiến đầu tiên của Trung Quốc, được chế tạo trong khoảng thời gian cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Nó được đóng tại xưởng đóng tàu Hộ Đông - Thượng Hải, có lượng giãn nước đầy tải 1.702 tấn, dài 103,2m, thủy thủ đoàn 190 người và có tốc độ di chuyển 28 knot (52 km/giờ).
Tàu chiến này được trang bị 2 bệ pháo 2 nòng 100 mm, Type 79, 4 pháo phòng không hai nòng cỡ 37 mm, 2 ống phóng rocket chống tàu ngầm Type 81, 2 bệ súng cối Type 62 và 6 tên lửa diệt hạm Thượng Du-1 (SY-1).
Các tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc Type 037 của Trung Quốc cũng bị phát hiện liên tục có mặt từ ngày đầu giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào vùng biển Việt Nam.
Tàu hộ vệ tên lửa 534 Kim Hoa của Trung Quốc
Chiếc đầu tiên là tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Hậu Tân (Type 037-1G) mang số hiệu 752 "Tam Đô", chiếc thứ 2 mang số hiệu 753 Đông An và chiếc thứ 3 là 754 Dư Khánh cùng lớp Hậu Tân đã giáp mặt với tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Loại tàu này có chiều dài 62,8 m, rộng 7,2m, mớn nước 2,4m với lượng giãn nước toàn tải đạt 478 tấn. Tàu có hành trình tối đa 1390km với vận tốc tuần tra trung bình 18 hải lý/h (33hm/h), tốc độ tối đa 28 hải lý/h (52 km/giờ), thủy thủ đoàn 71 người.
Vũ khí được trang bị trên tàu tên lửa tấn công nhanh thuộc lớp Hậu Tân gồm 4 tên lửa, có thể sử dụng tất cả các dòng tên lửa YJ-8 như YJ-81/82/83, nhưng chủ yếu sử dụng tên lửa YJ-82 (C-802) tầm bắn 120km. Ngoài ra, tàu còn được lắp 4 khẩu pháo 37 mm Type 76A và 4 súng máy hai nòng Type 69, cỡ nòng 14,5mm.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Type 037-1G số hiệu 752 "Tam Đô"
Các tàu cao tốc tên lửa loại này không còn xa lạ gì với lực lượng hải quân Việt Nam vì 2 tàu 752 "Tam Đô" và 753 Đông An đã từng tham gia tuần tra liên hợp trên khu vực vịnh Bắc Bộ với hải quân nước ta hồi giữa năm 2012.
Một chiếc tàu khác cũng thuộc Type 037 là tàu tuần tiễu săn ngầm lớp Hải Thanh (Type 037-IS) mang số hiệu 786 Vạn Ninh cũng có mặt trong số những tàu chiến bảo vệ cho giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam.
Tàu chiến loại này là phiên bản cải tiến của tàu săn ngầm lớp Hải Nam (Type 037). Nó có chiều dài 62,8 m, rộng 7,2m, với lượng giãn nước toàn tải đạt 478 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/h (52 km/giờ), thủy thủ đoàn 71 người. Tàu có hành trình tối đa 1390km với vận tốc tuần tra trung bình 18 hải lý/h (33hm/h).
Tàu tuần tiễu săn ngầm Type 037-IS 786 Vạn Ninh
Hỏa lực trên tàu gồm 2 bệ pháo tự động Type 76F cỡ 37mm (các tàu đời đầu sử dụng pháo nhân công), 2 súng máy hạng nặng cỡ nòng 14,7 mm và 2 ống phóng rocket chống ngầm nước sâu Type 87, 2 cụm 2 ống phóng bom chống ngầm và các ống phóng thủy lôi.
Không dừng lại ở đây, bắt đầu từ ngày 14-5, đồng thời với việc gia tăng số lượng tàu bảo vệ lên con số 99 chiếc, Trung Quốc đã điều động thêm nhiều tàu hải quân đến khu vực giàn khoan, trong đó có cả những tàu chiến thuộc dạng lớn nhất của hải quân Trung Quốc.
Được biết, một số tàu hải quân Trung Quốc đã hiện diện ở khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép từ mấy ngày qua nhưng không tham gia truy cản các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển của ta. Tuy nhiên, trong 2 ngày gần đây các tàu này đã bắt đầu cản đường, ngáng trở tàu ta thực hiện nhiệm vụ chấp pháp.
Máy bay trực thăng hải quân Z-9 của Trung Quốc bay trên đầu tàu công vụ của ta
Trong 2 ngày 14 và 15-5, số lượng tàu Trung Quốc vẫn tăng lên không ngừng, thậm chí chúng còn được tăng cường thêm các tàu hộ vệ và khu trục hiện đại nhất của Trung Quốc, đặc biệt là 2 tàu đổ bộ mang số hiệu 998 và 999 (Côn Luân Sơn và Tỉnh Cương Sơn). Đây là 2 tàu đổ bộ lớn nhất của hải quân Trung Quốc, có lượng giãn nước khoảng trên 20.000 tấn.
Theo các trang mạng Trung Quốc, tàu hộ vệ tên lửa mang số hiệu 571 Vận Thành cũng đã có mặt ở khu vực này từ tối hôm 14-5. Trong một bức ảnh do phóng viên Việt Nam chụp và đưa lên báo, có 1 tàu bảo vệ cạnh giàn khoan Hải Dương 981 được cư dân mạng Trung Quốc xác định là tàu khu trục tên lửa Type 052B.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng cả máy bay tuần tiễu trinh sát cánh cố định Y-8 và trực thăng hải quân Z-9 bay lượn trên đầu các tàu chấp pháp công vụ Việt Nam nhằm thị uy. Ngoài ra, mấy hôm nay, thỉnh thoảng cũng có một vài tốp máy bay chiến đấu của không quân - hải quân Trung Quốc lượn lờ trên bầu trời, xâm phạm vào không phận của Việt Nam.
Trung Quốc sử dụng máy bay trinh sát cánh cố định Y-8 (ảnh trên) bay qua trinh sát khu vực giàn khoan Hải Dương 981 (ảnh dưới)
Tàu khu trục đầu tiên thuộc Type 052B mang tên "Quảng Châu" được hạ thủy năm 2004. Lớp tàu này có có lượng giãn nước thông thường 5300, đầy tải 5600 tấn. Nó có chiều dài 155,2m, rộng 17,2m, cao 35m, tốc độ tuần tra 18 hải lý, tối đa 27 hải lý, hành trình tối đa 4000 hải lý.
Tàu được trang bị đầy đủ tính năng chống hạm, chống ngầm và phòng không. Vũ khí chính trên tàu gồm có 48 quả tên lửa phòng không Shtil-1 (diệt mục tiêu ở tầm xa đến 32km), có tầm bắn 30km; 16 quả tên lửa chống hạm C-802, tầm phóng 120km; 1 bệ pháo hạm 100mm; 2 khẩu pháo phòng không tầm gần 30mm và 1 trực thăng hạm.
Bắt đầu từ trưa ngày 14-5, 2 tàu đổ bộ hạng nặng mang số hiệu 998 và 999 (Côn Luân Sơn và Tỉnh Cương Sơn) thuộc Type 071, có lượng giãn nước lớn nhất của hải quân Trung Quốc (trên 20.000 tấn) bắt đầu xuất hiện để ngăn chặn tàu Cảnh sát biển CSB-8003 của ta.
Chiến hạm bảo vệ bên canh giàn khoan Hải Dương 981 được cư dân mạng Trung Quốc phỏng đoán là tàu khu trục Type 052B
Tàu đổ bộ Type 071 có lượng giãn nước lớn nhất trong biên chế hải quân Trung Quốc. Chiếc đầu tiên mang số hiệu 998 Côn Luân Sơn được hạ thủy tháng 12/2006, do nhà máy đóng tàu Phố Đông-Thượng Hải đóng, chiếc thứ 2 thuộc Type 071 mang số hiệu 999 Tỉnh Cương Sơn hạ thủy ngày 8/11/2010.
Nó thuộc dạng tàu vận tải đổ bộ binh lính và các phương tiện tác chiến như: Tàu đổ bộ đệm khí, tàu xung phong, xe chiến đấu các loại và binh lính lên bờ. Tàu đổ bộ Type 071 có thể hợp thành với tàu khu trục thành một biên đội tác chiến đổ bộ lập thể.
Các tham số cơ bản:
- Chiều dài: 210m, rộng: 28m, mớn nước 7m, lượng giãn nước 20.000 tấn. Tàu được lắp đặt 4 động cơ Diezen với hệ thống động lực 2 trục đẩy.
- Vũ khí: Phía đầu tàu gắn 1 bệ pháo hạm 76mm kiểu mới, 2 bên thân là 2 bệ pháo phòng không tầm gần. Ngoài ra tàu còn lắp đặt 8 ống phóng nhiễu kim loại tầm gần để đánh lừa tên lửa chống hạm địch.
Hình ảnh của 1 trong 2 chiếc tàu đổ bộ Type 071 Trung Quốc
Lượng chuyên chở:
Tàu đổ bộ Type 071 có thể chuyên chở hơn 800 lính hải quân đánh bộ, sàn chuyên chở thiết giáp có thể mang theo 24-32 chiếc xe đột kích lưỡng thê tốc độ cao loại ZBD-05 hoặc xe thiết giáp lưỡng thê loại 63A. Boong máy bay có thể đồng thời cất, hạ cánh 2 chiếc trực thăng hạng trung Z-8, nhà kho máy bay có thể chứa được 3-4 chiếc. Hầm chứa tàu đổ bộ có thể mang theo 4 tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn.
Theo thông tin từ các trang mạng Trung Quốc, tàu hộ vệ tên lửa Type 054A mang số hiệu 571 Vận Thành đã đến khu vực bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 vào ngày 14-5. Đây là loại tàu hộ vệ tiên tiến nhất trong biên chế hải quân Trung Quốc, được NATO định danh thuộc lớp Giang Khải 2.
Loại tàu hộ vệ này có chiều dài 134m, rộng 16m, mớn nước 5m, lượng giãn nước không tải 3600 tấn, đầy tải 4053 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/h, phạm vi hoạt động 3800 hải lý (với vận tốc tuần tra 18 hải lý/h), thủy thủ đoàn 190 người.
Cư dân mạng Trung Quốc cho biết, tàu hộ vệ tên lửa Type 054A số hiệu 571 Vận Thành đã đến khu vực giàn khoan ngày 14-5
Hệ thống trang bị, vũ khí chính trên tàu bao gồm: 1 pháo hạm AK-176 do Nga sản xuất, 1 pháo hạm quốc nội PJ-76 loại 76mm; 2 hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần 7 nòng H/PJ12 và AK-630 loại 30mm; 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi 324mm, phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Y-7; 2 cụm 6 ống phóng rocket chống ngầm nước sâu Type 87; 2 bệ phóng loại 18 nòng rocket gây nhiễu Type 726-4.
Tàu được lắp đặt 8 đơn nguyên phóng thẳng đứng (mỗi đơn nguyên 4 ống phóng) dùng chung cho tên lửa chống ngầm và tên lửa phòng không HHQ-16. (Hải Hồng Kỳ 16 - phiên bản hải quân của loại tên lửa phòng không tầm thấp, cận trung HQ-16), 1 máy bay trực thăng chống ngầm quốc nội Z-9C hoặc trực thăng Nga Ka-28.
Với sự tham gia của các tàu hộ vệ và khu trục tên lửa, các tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu tuần tiễu chống ngầm và cả tàu đổ bộ hạng nặng cùng với máy bay tuần tiễu trên biển, trực thăng hải quân, có thể nói là Trung Quốc đã huy động gần như đủ cả các thành phần của một hạm đội hải quân tham gia ngăn chặn các tàu công vụ Việt Nam.
Tàu chấp pháp Việt Nam vẫn hiên ngang tiến tới trong vòng vây chiến hạm Trung Quốc
Thế mà trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9-5, Phó Vụ trưởng Vụ biên giới biển - Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dịch Tiên Lương còn leo lẻo phủ nhận hoàn toàn việc Trung Quốc đem tàu quân sự tới khu vực này và đổ lỗi cho Việt Nam "chủ động đem tàu quân sự tới khiêu khích" và xâm hại tới an toàn của nhân viên và các thiết bị trên tàu Trung Quốc?!
Ông này và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần hữu hạn dịch vụ mỏ dầu Trung Quốc (COSL) Lý Dũng đã trắng trợn vu khống, các tàu Việt Nam "đều được trang bị vũ khí tối tân", đồng thời cử nhiều "người nhái" thả lưới cá và các chướng ngại vật lớn để ngăn chặn Trung Quốc, trong khi tàu Trung Quốc "chỉ có tàu chấp pháp công vụ và tàu phục vụ dân sự".
Tuy tập trung số lượng tàu đông đảo như vậy nhưng hiện Trung Quốc vẫn ở thế bị động trước sự kiên cường và chiến thuật hợp lý của lực lượng tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam. Trong ngày 15-5, bán kính bảo vệ của các tàu của Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể và chỉ kiểm soát được trong phạm vi 6,5 hải lý.
Các tàu Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam vẫn khôn khéo tổ chức đội hình, luồn lách tránh tàu Trung Quốc, tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 ở khoảng cách 5 hải lý để tuyên truyền khẳng định chủ quyền đồng thời yêu cầu các tàu bảo vệ của Trung Quốc và giàn khoan rời khỏi vùng biển của Việt Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo Báo Đất Việt
Đảo Cồn Cỏ lại bị vùi dập trong bão Nari Chưa kịp gượng dậy sau bão số 10, huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị, lại tiếp tục bị bão số 11 vùi dập hoang tàn... Đảo Cồn Cỏ tan hoang sau cơn bão số 10, nay tiếp tục hứng chịu những khắc nghiệt của thời tiết Sáng 15-10, ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ,...