Con cháu lãnh đạo không đủ chuẩn cũng không được vào danh sách bầu ĐBQH
Phó ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, dù là con cháu lãnh đạo nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì cũng không được đưa vào danh sách để bầu ĐBQH.
Theo Phó ban Công tác Đại biểu, việc đưa giới thiệu các ứng viên để bầu làm ĐBQH phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện. Đối với ĐBQH chuyên trách ngoài tiêu chuẩn chung thì phải đáp ứng các yêu cầu riêng và đều phải theo một quy trình chặt chẽ.
Không vì thiếu người mà ‘vơ bèo gạt tép’
Do vậy với ý kiến phản ảnh có một số trường hợp được giới thiệu ứng cử ĐBQH chuyên trách là con em của lãnh đạo, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: “Chúng ta đừng có nặng nề vấn đề con em, quan trọng nhất là người ta đáp ứng được các tiêu chuẩn”.
Phó ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh
Phó ban Công tác Đại biểu nhấn mạnh, tất cả trường hợp nào không đầy đủ tiêu chuẩn chắc chắn Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ không bao giờ thông qua để đưa vào danh sách bầu. Từ nay cho đến ngày bầu còn phải qua vòng hiệp thương lần 3 và trước khi hiệp thương lần 3 phải lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
Video đang HOT
“Nếu như ứng cử viên không đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chắc chắn cử tri nơi cư trú sẽ ý kiến và không phải Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn đưa ai vào danh sách là đưa mà phải theo quy trình rất chặt chẽ”, ông Nguyễn Tuấn Anh phân tích.
Ông cũng thông tin thêm, sau khi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú sẽ gửi danh sách các ứng viên về MTTQ cấp tỉnh tập hợp đưa về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để hiệp y lần 3 rồi mới ra được danh sách các ứng viên chính thức.”Chúng ta cũng không nên nặng nề con hay em của ai mà quan trọng nhất là người đó đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định”, Phó ban Công tác Đại biểu một lần nữa nhấn mạnh.
Ông cũng chia sẻ thêm, hiện đang rất là thiếu ĐBQH chuyên trách. Bởi bây giờ để “mời được một cán bộ ở các bộ, ban ngành về làm ĐBQH chuyên trách khó lắm”. Có những trường hợp yêu cầu phải ở chức danh này, chức danh kia người ta mới làm, nếu không thì người ta xin rút. Thực tế là làm ĐBQH chuyên trách trách nhiệm rất nặng nề nhưng chế độ hiện nay vẫn còn chưa tương xứng lắm.
“Chứ còn bảo rằng là con cháu thế nọ thế kia nhưng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì không đưa vào danh sách để bầu làm ĐBQH được. Để làm ĐBQH chuyên trách thì phải đáp ứng về tuổi tham gia 2 khóa, ít nhất trọn 1 khóa”, ông Nguyễn Tuấn Anh thông tin.
Ông cũng chỉ ra thực tế, có nhiều người có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực nhưng không đáp ứng đủ tuổi thì cũng không thể tái cử. Vì vậy với những trường hợp quá tuổi nếu muốn tham gia ĐBQH thì tự ứng cử hoặc phải tham gia một tổ chức xã hội nào đó để họ giới thiệu.
Phó ban Công tác đại biểu cũng khẳng định: “Bộ Chính trị đã nói, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Điều này cũng được Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Không vì thiếu người mà vơ bèo gạt tép”.
Không có tình trạng chạy nơi ứng cử
Nói về việc phân bổ nơi ứng cử của các ứng viên, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, sau hiệp thương lần 3 mới biết được ứng cử viên nào được phân bổ ở đâu. Nguyên tắc phân bổ tương tự như nhiệm kỳ trước.
Thứ nhất là những người tái cử thì khóa trước ở đâu, thì lần này tiếp tục ưu tiên ở địa phương đó. Thứ 2, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành thì có phân công của Bộ Chính trị thì Bộ Chính trị chỉ đạo rồi Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ có ý kiến.
“Theo chủ trương của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ được ưu tiên ở tỉnh nào gần phương tiện đi lại, vì các đồng chí bận nhiều việc. Các ủy viên Bộ chính trị khác cũng phải chia đều cho các tỉnh Bắc – Trung – Nam và có những đồng chí sẽ phải phân công ở vùng sâu, vùng xa để gắn bó, tạo điều kiện cho các tỉnh này”, Phó ban Công tác Đại biểu nói.
Tiếp đến mới ưu tiên cho các ứng viên ứng cử tại nơi từng công tác, quê quán…. nhưng phải xem xét trong tổng thể.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng khẳng định là “không có tình trạng chạy nơi ứng cử” bởi vì quy trình rất chặt chẽ nhiều vòng, nhiều bước không thể chạy được.
Theo Phó ban Công tác Đại biểu, sau hiệp thương lần 3, Ủy ban MTTQ Việt Nam sẽ gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách những ứng viên của Trung ương được chính thức đưa ra để bầu. Còn ủy ban bầu cử ở địa phương sẽ công bố người ứng cử ở địa phương. Sau khi có danh sách chính thức, các ứng viên mới được đi vận động đến trước 24h của ngày bầu cử (23/5).
Lựa chọn ĐBQH chuyên trách đảm bảo chất lượng, số lượng
Việc lựa chọn đảm bảo chất lượng, số lượng ĐBQH chuyên trách trước hết là trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, đồng thời phải có sự nỗ lực cố gắng về trình độ, năng lực, thế mạnh của mỗi ứng cử viên.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ngày 15/4, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn đã dự Hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử ĐBQH lần đầu thuộc khối các cơ quan Quốc hội. Hội nghị do Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức.
Diễn ra trong 2 ngày (15 và 16/4), các ứng cử viên dự hội nghị được nghe các báo cáo viên cung cấp kiến thức cơ bản về Quốc hội; vị trí, vai trò của ĐBQH chuyên trách ở Trung ương; quy trình pháp luật về bầu cử và vận động bầu cử; kỹ năng vận động bầu cử; kinh nghiệm, kỹ năng trong xây dựng, trình bày chương trình hành động; kinh nghiệm, kỹ năng tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; kinh nghiệm, kỹ năng tiếp xúc báo chí. Đặc biệt, hội nghị cũng tổ chức thực hành cho các ứng cử viên về xây dựng chương trình hành động và diễn tập buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, ĐBQH chuyên trách là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội có sự đóng góp quan trọng của ĐBQH chuyên trách.
Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chỉ đạo cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp là rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 45, Hội đồng Bầu cử quốc gia và UBTVQH có nhiều văn bản lãnh đạo chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ thị cụ thể. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đều có kế hoạch triển khai công tác bầu cử, quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử để bầu ra được những đại biểu bảo đảm chất lượng, không để lọt vào Quốc hội, HĐND những đại biểu không đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chia sẻ, với mỗi ứng cử viên ở các vị trí công tác, độ tuổi, chuyên môn, địa bàn ứng cử khác nhau, bên cạnh đó không khí dân chủ, dân trí của cử tri, người dân ngày càng được nâng lên, những gửi gắm mong muốn của lãnh đạo địa phương và cử tri ngày càng cụ thể, kỳ vọng cao hơn... do đó yêu cầu đặt ra đối với mỗi ứng cử viên là rất lớn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, hiệp thương lần 1, lần 2 đã thành công tốt đẹp, hiện đang tiến hành hiệp thương lần 3 trong cả nước. Chia sẻ với những áp lực mà các ứng cử viên ĐBQH phải đối mặt, nhất là các ứng cử viên lần đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các ứng cử viên dựa trên thế mạnh của bản thân, cố gắng tìm hiểu tình hình tại địa phương, lường trước các tình huống thực tế đặt ra để trao đổi với cử tri một cách hợp lý. Đồng thời, các ứng cử viên nên trình bày chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, chuẩn bị tập luyện từ phong cách, thần thái đến nội dung chương trình hành động, kỹ năng vận động quần chúng sao cho tự tin, chân thành, hấp dẫn, phát huy kinh nghiệm và kiến thức có được trong môi trường công tác tại Quốc hội để cử tri tin tưởng bỏ phiếu.
Cảnh sát giao thông cả nước ra quân xử lý vi phạm dịp Lễ 30/4 - 1/5 Cảnh sát giao thông các địa phương bố trí lực lượng thường trực tại các nút giao thông trọng điểm trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và các địa điểm tổ chức bầu cử. Ngày 15/4, Cục CSGT (C08), Bộ Công an ra quân đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp lễ 30/4-1/5, bảo vệ...