Con cái có thể trở thành một “kẻ bắt nạt” vì 8 nguyên nhân sau đây, phụ huynh nào cũng nên lưu ý!
Con trẻ có hành vi bắt nạt người khác có thể xuất phát từ nhiều lí do nhưng chủ yếu vẫn xuất phát từ các vấn đề trong gia đình.
Bắt nạt hay bạo lực học đường hiện đang là một vấn đề nóng của xã hội. Con trẻ ngày càng hung hăng, manh động và thiếu kiềm chế trong xử lý các tình huống. Chúng thông qua những hành vi bắt nạt, ức hiếp để thể hiện sức mạnh cũng như sự chi phối của mình đối với người khác. Vậy những nguyên nhân nào khiến con trẻ trở nên thích bắt nạt đối tượng yếu thế hơn? Các bậc cha mẹ hãy cùng theo dõi 8 lí do ngay sau đây để lưu ý:
1. Những vấn đề và hiểu lầm ở nhà
Lớn lên trong môi trường gia đình không lành mạnh gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho trẻ. Những đứa trẻ bị người thân bạo hành, lạm dụng thường hay có hành vi bắt nạt hơn. Việc trở thành một kẻ bắt nạt với cách hành xử hung bạo sẽ là phương thức để chúng thể hiện sức mạnh, sự chi phối của mình đối với người khác.
2. Trẻ thích thể hiện mình
Nhiều người trong chúng ta đã từng xem những bộ phim về các thiếu niên có uy thế trong trường lớp bắt nạt những bạn khác. Có thể trẻ tập theo đó, một là một hành vi thể hiện địa vị xã hội của trẻ với những người khác. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội sẽ ít hung hăng hơn so với số không được quan tâm nhiều.
3. Dấu hiệu của sự yếu đuối
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều trẻ vị thành niên không hành xử bạo lực và bắt nạt người khác vì chúng không cần làm vậy để chứng minh bản thân. Chúng cảm thấy thoải mái với vai trò hiện tại của mình trong tập thể. Nhưng khi trẻ cư xử tiêu cực hơn, đó có thể là dấu hiệu của sự yếu đuối. Chúng cảm thấy bất an về vị trí của mình và dùng bạo lực để che giấu điểm yếu đó.
4. Áp lực từ những trẻ khác
Chúng ta luôn cố gắng để thích nghi, hòa nhập với cộng đồng. Trong một số tình huống, trẻ phải lựa chọn tham gia bắt nạt cùng những trẻ khác hoặc mình sẽ là nạn nhân của hành vi bắt nạt. Sức ép từ những trẻ đồng trang lứa đôi khi quá lớn khiến trẻ cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác việc tham gia bắt nạt cùng số đông.
Video đang HOT
5. Trả thù lại bắt nạt
Khi là nạn nhân của bạo lực học đường, những đứa trẻ sẽ có xu hướng bắt nạt lại người khác, trong một hoàn cảnh khác, như thể đó là một sự trả đũa. Những đứa trẻ này coi việc chúng đi bắt nạt người khác là chính đáng và cảm thấy nhẹ nhõm khi làm nhục một ai đó. Thường thì nạn nhân của những đứa trẻ nêu trên thường là những đứa trẻ yếu đuối hơn. Do vậy, sự bắt nạt lẫn nhau trở thành một vòng luẩn quẩn.
6. Thiếu sự đồng cảm
Một số trẻ vị thành niên thích bắt nạt và gây ra những trò đùa ác ý vì thiếu sự đồng cảm. Chúng không hiểu sự tổn thương mà bạo lực gây ra với nạn nhân. Vì lẽ đó, các bậc phụ huynh cần chú ý việc giúp con phát triển cảm xúc. Cha mẹ nên hiểu rằng việc thấu hiểu người khác giúp trẻ xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp khi trưởng thành.
7. Thiếu sự quan tâm trẻ
Trẻ con cần tình yêu thương và sự quan tâm từ người lớn. Chúng cần cảm thấy được chăm sóc. Khi một đứa trẻ cảm thấy mình như “vô hình” trong mắt cha mẹ, đó sẽ là dẫn đến những hành vi manh động, bạo lực như bắt nạt kẻ khác. Sự gây hấn này trở thành một “trò chơi” để đứa trẻ cố gắng để thu hút sự chú ý từ cha mẹ. Một đứa trẻ bị bỏ mặc sẽ trở thành một kẻ bắt nạt và khi ấy chúng sẽ nghĩ mình đã được chú ý hơn.
8. Định kiến và thành kiến
Hành vi bắt nạt bắt nguồn từ các thành kiến có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Trẻ em có thể gặp điều này ở trường, trên mạng, ngoài quán cà phê… Nó xuất phát từ niềm tin rằng mỗi một đối tượng khác nhau xứng đáng được đối xử theo những cách khác nhau. Mọi người đều muốn trở nên đặc biệt. Khi một đứa trẻ nghĩ mình hơn một đứa trẻ khác về địa vị xã hội hay vì nhiều lý do khác, chúng sẽ có cách đối xử nhất định, bao gồm bắt nạt những người xung quanh mình.
Nguồn: Brightside
Theo Helino
Người trẻ bị bắt nạt trên mạng xã hội: Tàn nhẫn, dai dẳng gấp nhiều lần ngoài đời
Đi kèm với sự tiện lợi của các phương tiện kỹ thuật là những hiểm họa của chúng khi chúng vẫn còn nằm trong tay của... con người.
Và một trong những vấn nạn phát sinh từ sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật và bản chất bạo hành của con người là bắt nạt trên mạng.
Facebook, Twitter, YouTube, WhatsApp, QQ, WeChat, QZone, Tumblr, Instagram, Snapchat... là môi trường để bắt nạt qua mạng - Ảnh: Shutterstock
Ở VN, năm 2015, một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai đã bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong 2 ngày đã có hàng trăm ngàn người vào xem và hàng ngàn người chia sẻ. Rồi mọi người ùa vào trang Facebook của nữ sinh và bạn trai để tiếp tục đưa ra những lời bình luận chế giễu, cợt nhả, nhục mạ. Hai hôm sau cô nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử. Năm 2018, một học sinh lớp 11 ở Nghệ An cũng đã tự tử dưới ao trong nhà và một em khác mới tốt nghiệp lớp 12 ở Hà Nội uống thuốc diệt cỏ tự tử vì những hành vi bắt nạt trên mạng.
Tại Mỹ, chiều tối 22.9.2010, Tyler Clementi, 18 tuổi, học ĐH Rutgers, rời ký túc xá đi đến cầu George Washington. Khoảng 2 tiếng sau, Tyler để lại một dòng cuối trên Facebook của mình: "Nhảy xuống cầu GW, xin lỗi". Chỉ vài ngày trước khi rời nhà vào ở ký túc xá, Tyler báo cho cha mẹ là mình đồng tính. Bạn cùng phòng của Tyler là Dharun Ravi nghi Tyler đồng tính nên đã quay lén một cuộc hẹn hò của Tyler và một bạn trai khác trong phòng bằng webcam trên máy tính của mình rồi sau đó phát tán trên Twitter. Hai ngày sau, Dharun lại cổ vũ bạn bè tiếp tục xem Tyler gặp cậu bạn trai lần hai, nhưng sau đó không quay được và hủy bỏ việc này. Tyler đã gặp Dharun và cả người phụ trách ký túc xá để cố giải quyết vấn đề. Nhưng cuối cùng cậu đã chọn cái chết.
Đó là những vụ ầm ĩ trên truyền thông vì hậu quả bi thương của nạn nhân. Còn biết bao nhiêu con em của chúng ta đang âm thầm chịu đựng những bạo hành qua mạng?
Tồn tại vĩnh viễn khi xảy ra trên mạng
Nhu cầu nối kết với bạn bè của mọi lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên và thanh niên, hẳn không thay đổi trong thế kỷ qua. Ở VN, nếu thời xưa nhu cầu này được đáp ứng bằng những buổi đến nhà bạn học chung hay cùng ngồi bệt trước hiên nhà tán gẫu thì nay nhu cầu đó được thỏa mãn qua Facebook, Twitter, WhatsApp, QQ, WeChat, QZone, Tumblr, Instagram, Snapchat... qua những phương tiện như điện thoại di động, máy tính bảng... được sử dụng khắp mọi nơi và mọi lúc.
Nội quy gia đình thời xưa có thể giới hạn thời gian gặp bạn bè của con cái trong một vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, chẳng hạn sau khi ăn uống, làm bài tập và việc nhà xong, và ở vài chỗ, chẳng hạn phòng khách gia đình. Thế nhưng ngày nay cha mẹ hầu như bất lực trong việc hạn chế việc giao tiếp của con; chúng có thể giao tiếp bất cứ lúc nào, kể cả khi ngồi trước mặt cha mẹ trong bàn ăn, và "đi vào" mọi nơi trên thế giới, chẳng hạn phòng ngủ của một tên ấu dâm nào đó ở Âu Mỹ. Chúng nói chuyện với nhau, cùng nhau, về nhau và tất cả mọi chuyện khác mà không hề được phụ huynh kiểm soát hay theo dõi.
Khủng khiếp hơn so với bắt nạt trực tiếp
Kết quả nghiên cứu của các nhóm từ Trường ĐH Giáo dục và ĐH Sư phạm Đà Nẵng đều cho rằng việc bị bắt nạt dù là trên thế giới ảo nhưng lại có ảnh hưởng thực đến tâm lý của học sinh. Đối với những học sinh bị bắt nạt bằng lời trên mạng, kết quả cũng cho thấy có mối tương quan thuận giữa stress lo âu trầm cảm, tăng động, khả năng tự kiểm soát kém và tính bất thường với việc bị bắt nạt.
PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (Hà Nội), cho rằng: bắt nạt trực tuyến kinh khủng hơn so với bắt nạt trực tiếp vì việc này là 24/7, không giới hạn về thời gian, trẻ ngồi bất cứ đâu cũng vẫn bị bắt nạt.
Theo PGS Thành Nam, chúng ta đang sống trong một xã hội số và không thể nào cấm trẻ tuyệt giao với công nghệ được. Vậy nên, thay vì cấm thì cha mẹ hãy dạy cho trẻ một số kỹ năng sống an toàn trên mạng xã hội.
Tuyết Mai
Theo một số nghiên cứu, bắt nạt là một hành vi hãm hại có ý đồ và được lặp đi lặp lại nhằm tổn thương người khác qua các công cụ điện tử. Chúng xảy ra ở bất cứ môi trường mạng nào mà nhiều người có thể vào xem, tham gia, hay chia sẻ lại nội dung, những nội dung tiêu cực, giả trá, hay độc ác về người khác nhằm vào việc làm cho đối tượng cảm thấy hổ thẹn, nhục nhã, hay đau khổ.
Những lời nói hay hình ảnh bêu rếu với nội dung tiêu cực, giả trá hay độc ác có thể sẽ mất đi nếu nó xảy ra trong một lần bắt nạt ngoài mạng, nhưng nó sẽ tồn tại hầu như như một "hồ sơ cá nhân" vĩnh viễn khi xảy ra bắt nạt trên mạng. Láng giềng, bà con, nhà trường, công ty... hiện tại và tương lai đều có thể "tham khảo" về hồ sơ này bất cứ lúc nào, vì vậy có thể ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống trẻ bị bắt nạt.
Người bị bắt nạt hoàn toàn bất lực
Sự khác biệt giữa bắt nạt trên mạng và ngoài đời lại tạo ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Cụ thể, hành động của người bắt nạt có thể tàn nhẫn và dai dẳng hơn gấp nhiều lần khi không trực tiếp chứng kiến nỗi đau khổ của nạn nhân. Về phía trẻ bị bắt nạt, chúng có thể không biết ai là kẻ bắt nạt mình hay chủ mưu vì bắt nạt trên mạng có thể thực hiện hoàn toàn ẩn danh nếu không có cơ quan điều tra can thiệp. Số người nghe - xem những tin tấn công bắt nạt là vô hạn, có thể lên đến hàng triệu trong vòng 24 tiếng đồng hồ và không chỉ giới hạn trong địa phương nào.
Với hai tính chất như vậy, trẻ bị bắt nạt trên mạng sẽ cảm thấy hoàn toàn bất lực, không có giải pháp hay phương cách đối phó trong một không gian "thập diện mai phục" mà ngay cả khi người bắt nạt đã ngưng hành động thì tác hại của những tài liệu được tung lên mạng vẫn tiếp tục.
Dùng luật pháp để bảo vệ người trẻ trên mạng
Vào tháng 1.2019, Văn phòng truyền thông Anh (Ofcom) công bố một báo cáo cho thấy tình trạng giới trẻ bị bắt nạt qua các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội ngày càng tồi tệ hơn trong nhiều năm qua.
Tờ T he Guardian trích nội dung báo cáo cho hay tỷ lệ nhóm người từ 12 - 15 tuổi nói rằng họ bị bắt nạt qua tin nhắn và ứng dụng tăng từ 2% của năm 2016 lên 9% hồi năm ngoái. Cùng khoảng thời gian đó, tỷ lệ người trẻ báo bị bắt nạt trên mạng xã hội tăng gần gấp đôi, từ 6% lên 11%.
Ngày 28.1.2019, Giám đốc truyền thông của Facebook, Nick Clegg khẳng định với BBC rằng công ty đang làm mọi thứ để bảo vệ người trẻ trên mạng. Bộ trưởng Y tế Anh Matthew Hancock cảnh báo với Facebook và các công ty mạng xã hội khác rằng ông sẽ tìm cách dùng luật pháp để buộc họ hành động để bảo vệ người trẻ trên mạng.
Văn Khoa
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tai hại của bắt nạt qua mạng. Trẻ bị bắt nạt thường bị lo lắng, trầm cảm, kém tự tin và thỏa mãn với cuộc sống. Trẻ có thể sa vào nghiện ngập để trốn chạy - giảm khổ đau. Việc học của chúng có thể trở nên khó khăn và chúng có thể chán học hơn khi người bắt nạt là một học sinh cùng trường.
Chắc chắn chúng ta cần hình phạt luật pháp nghiêm khắc cho những kẻ bắt nạt trên mạng. Chúng ta cũng cần những chương trình phòng chống tại học đường, tại khu phố, và trên mạng xã hội để giải quyết vấn nạn của thời đại số này. Tuy nhiên, vấn nạn bắt nạt trên mạng chỉ có thể giải quyết được nếu cả xã hội đồng lòng thay đổi nhận thức của mình. Cho đến khi nào chúng ta mới thực sự trưởng thành để không còn khao khát việc bắt nạt và sỉ nhục người khác vì ảo tưởng sẽ làm vơi đi những nỗi khổ đau và mặc cảm của riêng mình? (còn tiếp)
Theo Thanh niên
Phụ nữ Nhật Bản tìm tới cái chết vì bị quấy rối nơi làm việc Không chỉ đối phó áp lực công việc, nhiều phụ nữ Nhật Bản còn bị cấp trên bắt nạt và quấy rối sắc dục tại nơi làm việc, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.Zing.vn trích dịch từ South China Morning Post, đề cập vấn đề phụ nữ Nhật Bản gặp nhiều vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến cái chết do...