Con biếng ăn, mẹ trẻ vẫn bình tĩnh dọn đồ ra 2 tiếng/lần và bài học kinh nghiệm “mẹ khỏe, con vui”
Mặc dù bé biếng ăn nhưng chị Quỳnh vẫn kiên nhẫn không thúc ép, không đe dọa. Chỉ kiên nhẫn bày ra, lại dọn vào cho tới khi con đói và tự ăn thì thôi.
Biếng ăn có lẽ là vấn đề mà nhiều ông bố bà mẹ gặp phải khi nuôi con nhỏ. Không ít người còn cảm thấy stress mỗi khi phải ngọt ngào dỗ dành thậm chí dùng đòn roi để thúc ép cho con ăn.
Thế nhưng, với chị Quỳnh Nguyễn – 30 tuổi, sống tại Bắc Kinh thì khác. Không muốn những bữa cơm của con chan cùng nước mắt, chị chọn lựa giải pháp rất nhẹ nhàng mà hiệu quả: Hãy để cho con quyết định ăn hay không ăn và ăn bao nhiêu. Và quan điểm này được rất nhiều mẹ bỉm sữa có con biếng ăn tán thành.
Chị Quỳnh và bé Tommy.
Chia sẻ về tình trạng bé Tommy nhà mình, chị Quỳnh cho biết: “Tom được mẹ cho luyện ăn thô từ khi 7 tháng, tới giờ nhìn chung con ăn giỏi. Thế nhưng, không thiếu những lúc Tom thấy chán ăn, muốn bỏ ăn ví dụ khi đau lợi, mọc răng, ốm, sốt, thay đổi thời tiết… Và mình nghĩ đó hoàn toàn bình thường với bất kì ai. Hiểu điều đó, nên mình không thúc ép, mình để cho con được lựa chọn ăn hay không ăn và ăn bao nhiêu.”
Rất nhiều lúc bé Tom nhà chị Quỳnh Nguyễn biếng ăn và hất tung mọi thứ như thế này.
Tuy nhiên, với rất nhiều bà mẹ có con biếng ăn thì lại là chuyện khác. Nếu không thúc ép lại sợ con sẽ chán ăn, sẽ sụt cân, sẽ bị so sánh.. Đưa ra lời khuyên về vấn đề này, chị Quỳnh cho biết: “Ban đầu mình cũng chung tâm trạng, lo lắng, sốt ruột thậm chí stress. Nhưng mình vẫn kiên trì tự dặn mình là không được cố nhồi nhét cho con! Và để mình nhắc cho mọi người nhớ, mỗi em bé là 1 cá thể khác, nên đừng so sánh bé này với bé kia, tại sao con người ta ngủ giỏi, ăn giỏi… cũng đừng huênh hoang so sánh con mình là em bé thiên thần, bụ bẫm, ăn giỏi ngủ ngoan với 1 em bé biếng ăn, ít ngủ. Vì mỗi em bé là một khác nên hãy chấp nhận với sinh lý của từng bé. Chấp nhận là bước đầu tiên khiến cuộc sống mình dễ dàng hơn được 1 nửa.”
Video đang HOT
Đặc biệt, nhiều bậc cha mẹ sẽ dùng điện thoại, ipad dụ con khi ăn nhưng theo chị Quỳnh, đây là một thói quen rất không tốt. Vì như vậy, chưa chắc giúp bé hết biếng ăn mà lại bị nghiện 1 sở thích không mấy tốt.
“Đừng cố nhét vào miệng con, cũng đừng cho con xem tivi, ipad để con ăn. Vì sẽ hình thành nên 1 thói quen xấu. Với mình, 1 vài muỗng cơm không đáng để chúng ta tập cho con thói quen xem điện thoại để ăn 1 cách vô thức. Nếu con không ăn, thì thôi” – Chị Quỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, khi con biếng ăn thì bậc cha mẹ nào cũng sẽ canh cánh trong lòng một nỗi lo đó là “Vậy con đói, phải làm thế nào?”.
Chị Quỳnh giải thích: “Mình được người bạn Mỹ hiện là chuyên gia dinh dưỡng trẻ em cho biết rằng con đói sẽ ăn, không bao giờ con để mình chết đói cả. Vậy nên, việc của cha mẹ là chuẩn bị đồ ăn cho con. Bố mẹ có quyền quyết định cho con ăn những gì và khi nào. Việc của con là quyết định con có ăn không và ăn bao nhiêu? Và đó cũng là nguyên tắc thứ hai của mình, thực phẩm tốt cho sức khỏe là lựa chọn duy nhất của con.”
Bố mẹ hãy làm việc trong giới hạn mình có thể làm chuẩn bị thức ăn tốt cho sức khỏe (healthy food) và hỏi con xem con có muốn không. Nhiều người, vì con không ăn nên cho con ăn bất cứ thứ gì con chịu ăn, bất kể là không tốt cho con như bánh, kẹo, nước ngọt,… Đừng làm như vậy, hãy chỉ cho con những thức ăn tốt cho sức khỏe và đó là lựa chọn duy nhất con có.
“Với Tom nhà mình, nếu con không chịu ăn, ok hãy dọn đi. Cách 1 – 2 giờ mình lại bày ra và hỏi con có ăn không. Nếu con không ăn, mình lại dọn đi và Tom tiếp tục chơi. Mình biết đó là 1 việc khó làm và xin lỗi nếu không có 1 bí quyết thần kỳ nào cho mọi người. Nhưng mình không tin có 1 cách hay 1 loại thuốc thần kỳ nào trong việc này ngoại trừ phải kiên nhẫn. Và mình khuyên các mẹ có con biếng ăn cũng hãy áp dụng.”
Chuyện thi thoảng bé biếng ăn là điều khó tránh khỏi, chị Quỳnh Nguyễn muốn nhắn nhủ tới các mẹ bỉm sữa hãy lạc quan và vui vẻ vượt qua.
Sau mỗi lần kiên trì cho con tự đói thì tự ăn như thế, Tom tiếp tục duy trì theo lịch sinh hoạt và nhu cầu của mình. Cậu bé cũng hình thành ý thức về bữa ăn của mình hơn.
Và tới giờ, sau khi trải qua nhiều lần con gặp sự cố dẫn đến biếng ăn, chị Quỳnh đúc rút được những kinh nghiệm quý giá và cách ứng xử hợp lý để giúp con khỏe, mẹ vui. Chính vì thế, chị luôn giữ được thái độ vui vẻ, bình tĩnh dù đôi khi con đột nhiên biếng ăn.
Theo Helino
Thịt cóc có phải 'thần dược' cho trẻ còi xương?
Thịt cóc có hàm lượng canxi và Vitamin D cực thấp, lại dễ gây độc do các độc tố trên cơ thể của chúng.
Thịt cóc không phải là thần dược cho trẻ còi xương
Thịt cóc được lưu truyền trong dân gian để phương thuốc hiệu quả để chữa chứng còi xương, biếng ăn cho trẻ, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, và còn được xem là món ăn mang lại nhiều lợi ích (làm ruốc, bột cóc, thịt tươi...) Chính vì điều này thịt có được nhiều bà mẹ mua về làm món ăn cho con trẻ.
Thịt cóc được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên theo phân tích của Ths. Bs. Dương Công Minh trên trang Webiste của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho hay dựa trên Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện dinh dưỡng công bố năm 2007, cho thấy thịt cóc không phải là thần dược để chữa còi xương và biếng ăn cho trẻ.
Thịt cóc rất giàu đạm và kẽm (trong 100g bột cóc ăn được có 55,4g đạm và 65mg kẽm), nhưng thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp bé ăn tốt thì cũng cung cấp đạm cho trẻ không kém.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g thịt cóc.
Và lượng kẽm trong cóc không sánh được hải sản như sò, hến, hàu. Mặt khác, thịt cóc, với hàm lượng canxi và Vitamin D "nghèo" coi như bằng không, rõ ràng không thể giúp bé phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương được.
Theo bác sĩ Minh, với những phân tích có cơ sở như trên cho thấy: thịt cóc cho dù giàu đạm và giàu kẽm không phải là phương thuốc cứu cánh duy nhất can thiệp trong vấn đề biếng ăn của trẻ, vốn dĩ do rất nhiều nguyên nhân gây ra.
Cẩn trọng ngộ độc do độc tố từ cóc
Mặc dù thịt cóc có chứa nhiều đạm, kẽm, nhưng trên thực tế thịt cóc lại rất dễ gây độc nếu sơ chế và chế biến không đúng cách.
Chia sẻ với PLO.vn Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Loan, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao, Viện dinh dưỡng NutiFood cho hay cơ thể cóc có những bộ phận chứa chất độc.
"Độc tố cóc chính là Bufotoxine có trong phủ tạng (gan, mật, ruột, phổi...), trứng, da và dịch tiết màu trắng đục, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc, từ các tuyến dưới da, sau mang tai, trên mắt và các hạch thần kinh ở dọc hai bên xương sống. Chất này rất bền với nhiệt độ nên không bị phá hủy trong quá trình chế biến. Người ta ước tính lượng bufotoxine trong một con cóc có thể gây chết 4-5 người khỏe mạnh", bác sĩ cho hay.
Thịt có dễ gây ngộ độc do các độc tố trên cóc gây ra. Ảnh: Internet
Theo Thạc sĩ Hồng Loan, trên thực tế, không ít trường hợp ăn thịt cóc dẫn đến chết người do không hiểu biết, chế biến cóc không bỏ hết da, nội tạng, hoặc khi làm không cẩn thận để nhựa cóc dính vào thịt cóc, hoặc làm vỡ trứng, bỏ sót trứng khi chế biến. Ngộ độc cóc thường xảy ra sau 1-2 giờ với các triệu chứng: buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, rối loạn nhịp tim, đau đầu, ảo giác, sốc, tổn thương gan, thận và thường tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
"Vì vậy, tuy cóc là một món ăn bổ dưỡng, nhưng việc ăn thịt cóc lại tiềm ẩn nguy cơ vô cùng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người nên để an toàn thì không nên ăn cóc hay tự chế biến thịt cóc mà không biết cách. Nếu phải dùng sản phẩm cóc, chỉ nên sử dụng những sản phẩm được chế biến dưới dạng thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm - thuốc được cơ quan chức năng cấp phép", vị chuyên gia đưa ra lời khuyên lời khuyên.
HẠ QUYÊN
Theo plo.vn
Cùng con thoát khỏi suy dinh dưỡng thấp còi Trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi luôn là nỗi lo của cả gia đình. Đa số trẻ khởi đầu bằng tình trạng biếng ăn dẫn đến chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao và suy giảm chức năng miễn dịch. Hãy chọn khẩu phần ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ: Nóng vội cho trẻ ăn dặm sớm, số bữa ăn...