Con bị sởi, mẹ dễ nhầm bệnh khác
Con vừa khỏi viêm phế quản phổi được 2 ngày lại lên cơn sốt cao, chị Bích nghĩ do bệnh cũ tái phát nên mua thuốc cho bé uống nhưng tình trạng ngày càng nặng. Mùng 4 Tết, chị cho con nhập viện vì sởi và biến chứng viêm phổi.
Bé Gia Minh, 1 tuổi, con chị Bích (Thường Tín, Hà Nội) là một trong gần 50 trẻ bị sởi đang điều trị tại khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo chị Bích, bé hay bị bệnh viêm nhiễm đường hô hấp nên vẫn chưa tiêm phòng sởi. “Hễ lần nào định đi tiêm thì cháu lại ốm nên hoãn mãi”, chị Bích nói.
Nằm cùng phòng với bé Gia Minh còn có 4 trẻ khác, đều trên dưới 1 tuổi và theo lời các bà mẹ, tất cả em này chưa được tiêm văcxin ngừa sởi.
Chị Hiền (Nghĩa Hưng, Nam Định) có con trai 10 tháng tuổi cũng bị sởi từ hôm 30 Tết. Ban đầu bé sốt cao 39 độ C, sau đó lên tới hơn 40 độ và co giật. Bé phải đi cấp cứu vì biến chứng viêm phổi và hiện trong giai đoạn hồi phục.
Nhiều trẻ mắc sởi bị biến chứng viêm phổi, phải nhập viện điều trị. Ảnh: MT.
Theo tiến sĩ Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây số trẻ bị sởi tăng đột biến. 2 tháng qua, đã có hơn 250 trẻ nhập viện vì sởi, trong đó 16 ca biến chứng nặng phải thở máy, và 5 trường hợp tử vong. Riêng tại khoa Truyền nhiễm, số trẻ bị sởi chiếm hơn 1/3 tổng số bệnh nhi đang điều trị. Có một số trường hợp, cả mẹ và con đều mắc bệnh.
Video đang HOT
Bác sĩ Phạm Nhật An cho biết, bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ dưới 3 tuổi và thường không mắc ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, do bé có kháng thể truyền thụ động từ mẹ qua nhau thai. Các trường hợp người lớn, trẻ trên 5 tuổi bị sởi thường do có sẵn bệnh lý suy giảm miễn dịch, mắc ung thư, bạch cầu cấp… Những trường hợp này dù có tiêm phòng cũng không hiệu quả.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ An, trong số bệnh nhi thời gian gần đây mắc sởi, tỷ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi – lứa tuổi chưa được tiêm phòng, hoặc trên dưới 1 tuổi nhưng chưa tiêm, chiếm khá nhiều.
Nhân viên y tế khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương tiêm truyền cho bệnh nhi mắc sởi. Ảnh:MT.
“Chúng ta cần xem lại vấn đề tiêm chủng, phòng bệnh cho trẻ. Bệnh sởi rầm rộ trong thời gian này có nhiều nguyên nhân như: sởi sống trong môi trường lạnh, lặp lại chu kỳ dịch (thường là 5 năm một lần), nhưng một phần cũng do việc tiêm phòng kém đi. Vì nhiều lo ngại, không ít bà mẹ đã không cho con đi tiêm, nên trẻ dễ nhiễm bệnh”, ông Phạm Nhật An nói.
Theo ông, cách tốt nhất để ngừa sởi là tiêm phòng cho trẻ. Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, tốt nhất là tiêm nhắc lại. Mũi 1 khi trẻ 6-12 tháng, mũi 2 khi 18 tháng, mũi 3 lúc 3-4 tuổi. Ngoài ra, vì sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp, khả năng lây lan nhanh trong mùa lạnh, nên cần cách ly, không cho trẻ lành tiếp xúc với nguồn lây. Cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất, giữ ấm…
Khi trẻ bị bệnh, cần chú ý nhận biết các dấu hiệu để biết cách chăm sóc và điều trị phù hợp. Các triệu chứng của sởi ban đầu không dễ phát hiện, tuy nhiên có thể dựa vào các dấu hiệu đặc trưng như: sốt cao, mắt đỏ, kèm ho, trong miệng có hạt (nhất là vùng trong má)… Các nốt ban xuất hiện từ ngày thứ 3, theo thứ tự từ mặt, chân tóc sau đó lan xuống thân rồi tới các chi.
Bác sĩ cho biết, bệnh sởi gây giảm sức đề kháng nên trẻ dễ bị biến chứng, có thể là viêm phổi, khô giác mạc (triệu chứng kéo dài có thể dẫn tới lỵ, viêm não)… Trẻ bị sởi có thể chỉ cần chăm sóc tại nhà, ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin muối khoáng, giữ ấm, dùng thuốc hạ sốt, giảm ho, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Thường, trẻ phát ban xong giảm sốt thì lành tính, nhưng cần chú ý nếu trẻ phát ban rồi vẫn sốt cao – đây có thể là dấu hiệu cho thấy có biến chứng – phải đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo VNE
Bơm thụt nhiều có hại cho bé không
Con em 4 tháng rưỡi, rất ít đi đại tiện, có khi rặn nhưng không đi được, và có khi không đại tiện trong 4-5 ngày. Nếu mẹ không bơm thụt thì cháu không đi, dù mẹ đã ăn nhiều chất xơ.
Cứ như vậy liệu có ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của cháu không? Em phải làm sao để con hết táo bón và không phải bơm thụt? (Hậu)
Ảnh minh họa: Nutrivize.com.
Trả lời:
Chào bạn,
Bạn không nói rõ con bạn bị táo bón từ khi nào. Táo bón gay gặp ở bé do chế độ ăn uống của mẹ và bé. Nếu táo bón do nguyên nhân bẩm sinh thì thường xuất hiện từ lúc mới đẻ, cũng có khi táo bón chỉ là triệu chứng của một bệnh lý ở bé.
Nếu táo bón do phản xạ đi ngoài, do chế độ ăn uống thì có thể khắc phục bằng cách: Khẩu phần ăn của mẹ ngoài việc ăn đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo có nhiều sữa cho bé bú, cần tăng cường thêm rau xanh và hoa quả tươi, cộng với uống nhiều nước trong ngày.
Nếu bé được bú mẹ thì đi ngoài phân thường nát hoặc sệt, ít khi bị táo bón. Trong trường hợp vì lý do nào đó bé phải ăn thêm sữa bò, bạn cần pha chế sữa đúng liều lượng vì nếu pha đặc quá bé ăn dễ bị táo bón.
Hằng ngày bạn nên xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ, có thể ấn sâu bụng phía dưới bên trái ngày hai đến ba lần, mỗi lần khoảng 5 phút khi đói để kích thích nhu động ruột. Bạn nên tập cho bé đi ngoài vào giờ nhất định và có thể "xi" lúc đó để tạo cho bé có thói quen cứ nghe thấy "xi" là có phản xạ đi ngoài, tránh hiện tượng để bé tự đi ra bỉm.
Nếu các cách trên vẫn không đỡ bạn nên cho bé đến bệnh viện khám để xác định có thể táo bón do bệnh lý thì tùy nguyên nhân sẽ có biện pháp điều trị kịp thời. Không nên lạm dụng thụt cho bé sẽ làm bé mất phản xạ tự đi ngoài. Chúc bạn thành công.
Thạc sĩ Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi
Phòng khám Dinh Dưỡng - Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội
Theo VNE
Có bình thường khi bé thức đêm, ngủ ngày Bé nhà tôi sinh được gần 3 tuần. Cháu sinh mổ, được 3,5 kg. Sau khi sinh khoảng 1 tuần tới nay, ban đêm bé ngủ không ngon giấc, hay bị giật mình. Có đêm bé thức từ 2h đến 5h sáng. Nhưng ban ngày thì bé ngủ thẳng giấc, bú xong là ngủ. Vậy, xin hỏi bác sĩ, bé có bình thường...