Còn ai sáng tác kịch bản cải lương?
Đội ngũ sáng tác trẻ không được đào tạo chuyên nghiệp, dẫn đến hệ lụy không còn người sáng tác kịch bản cho sân khấu cải lương.
Tác phẩm Đời cô Lựu của tác giả Trần Hữu Trang sắp được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tái dựng trong sự chờ đợi của nghệ sĩ và công chúng.
Đỏ mắt tìm kịch bản mới
Cứ mỗi vở tuồng xưa nổi tiếng được tái dựng là sân khấu cải lương lại được khán giả quan tâm, dù mỗi kịch bản được tái dựng nhiều lần, với hàng ngàn suất diễn nhưng vẫn được công chúng yêu thích. Ngược lại, những kịch bản sáng tác mới thường ra đời có tuổi thọ không cao, điều này khiến các nhà chuyên môn và công chúng suy tư, lo lắng. Không còn ai sáng tác kịch bản cho cải lương chăng? Đó là câu hỏi lớn vẫn chưa có lời giải.
Trong nhiều năm qua, việc sàn diễn cải lương co cụm lại vì không tìm được kịch bản cải lương mới để dàn dựng. Khi nguồn kịch bản khan hiếm, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa và kể cả quốc doanh đều chọn cách tái dựng kịch bản cũ. Ba đơn vị trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là đoàn 1, 2 và 3 đều tái dựng các vở cũ như: Tình mẫu tử,Máu nhuộm sân chùa, Đêm lạnh chùa hoang, Lan và Điệp, Duyên kiếp… Các đơn vị xã hội hóa tuồng cổ thì tái diễn các vở: Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Giang sơn mỹ nhân, Xử án Phi Giao, Xử án Bàng Quý Phi… Điều nghịch lý là các kịch bản cũ vẫn bán được vé nhưng sau một vài suất diễn, đành tạm ngưng vì lượng khán giả thưa dần. Đa số khán giả đến xem tuồng xưa vì yêu mến lớp nghệ sĩ xưa, muốn họ diễn lại tuồng xưa. Còn lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ khó lòng thay thế được vị trí của các nghệ sĩ xưa đã in sâu trong lòng khán giả mộ điệu.
Cảnh trong vở Cõi thiêng của tác giả Vương Huyền Cơ, chuyển thể Hoàng Song Việt, Đăng Minh
Trên thực tế, từ khi sàn diễn cải lương lâm vào cảnh khó, nguồn kịch bản mới được viết theo đơn đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật chủ yếu là để dựng dự thi các hội diễn, liên hoan nên cứ tạo thành vòng luẩn quẩn. Cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp vừa qua tại Bạc Liêu, có 2/3 vở diễn là kịch bản của 2 soạn giả Hoàng Song Việt, Đăng Minh, đó là lời cảnh báo không còn mấy ai mặn mà với công việc sáng tác cho loại hình nghệ thuật ế ẩm này.
Video đang HOT
Sau thế hệ soạn giả “vàng”, có người đã qua đời, có người tuổi già sức yếu đã buông bút như: Hà Triều, Hoa Phượng, Mộc Linh, Viễn Châu, Nhị Kiều, Điêu Huyền, Hoàng Khâm, Trần Hà, Đào Việt Anh… lớp kế cận, sau thế hệ Hoàng Song Việt, Đăng Minh, Hà Nam Quang, Viễn Hùng, Hùng Dũng, Lam Tuyền… có Tô Thiên Kiều, Lâm Viên, Võ Tử Uyên, Lâm Hữu Tặng… nhưng tác phẩm của họ được viết cũng chỉ giới hạn ở các cuộc thi, liên hoan.
Có thể nói, nhiều năm nay, các chương trình truyền hình rầm rộ về nghệ thuật cải lương góp phần làm cho khán giả phần nào nhớ đến nghệ thuật cải lương. Nhìn lại một số tiết mục truyền hình trong các chương trình “Chuông vàng vọng cổ”, “Hạt ngọc mùa vàng”… sẽ thấy rõ sự bế tắc, luẩn quẩn trong khâu tìm kiếm trích đoạn vở diễn dự thi. Các vở cũ đã được rất nhiều thí sinh thi đi thi lại, nội dung nhàm chán, chỉ làm nghèo nàn thêm bộ môn này trong mắt khán thính giả.
Sàn diễn cải lương TP HCM năm qua chỉ có 3 vở mới: Cõi thiêng, Chiến binh, Trung thần. Năm 2016, chưa có vở mới nào ra đời. Hầu hết các vở mới này chỉ diễn được vài suất sau cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại Bạc Liêu rồi cất kho. “Chính sự thờ ơ, bỏ quên đội ngũ sáng tác sân khấu cải lương dẫn đến hệ lụy như ngày nay” – soạn giả Đăng Minh lý giải.
Nghệ thuật đặc thù nên tác giả cũng đặc thù
Theo NSƯT Kim Tử Long: “Tác giả viết cải lương phải có năng khiếu, có vốn văn học và am hiểu về dòng cổ nhạc. Ngày nay nhiều kịch bản cải lương bị lai kiểu “kịch nói đâm bài ca” không thể hay được”.
NSND – nhạc sĩ Thanh Hải cho rằng tác giả phải ngấm được dòng âm nhạc cải lương vào máu. “Chính vì hiểu biết hời hợt nên không ít người sáng tác kịch bản cải lương xem nhẹ tính đặc thù của nó, biến tướng “lai căng” gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng vở diễn” – NSND – nhạc sĩ Thanh Hải nói.
Theo soạn giả Hoàng Song Việt, âm nhạc trong kịch bản cải lương là yếu tố hấp dẫn nhất, “Môi trường sáng tạo đó nếu được soạn giả chú trọng sẽ giúp người nghệ sĩ thi thố tài năng ca, diễn của mình còn khán giả được dịp thưởng thức những lớp ca diễn độc đáo, vì vậy tác giả cải lương phải viết bài ca, chọn bài bản sao cho phù hợp với câu chuyện, thuần chất” – soạn giả Hoàng Song Việt phân tích.
Thực tế đã có một khoảng cách rất xa giữa những tác giả trẻ với lớp tác giả sáng tác cải lương đi trước. Chiến lược đào tạo cần tính khả thi chứ không thể hô hào chung chung như lâu nay. Nhiều ý kiến cho rằng thay vì dồn ngân sách cho các cuộc thi chỉ đến để tranh giành huy chương, nhà nước nên tổ chức các lớp đào tạo đội ngũ trong đó có sáng tác kịch bản cho bộ môn này. Đây thực sự là điều mà các thế hệ nghệ sĩ cải lương hiện nay mong muốn.
Cần có chính sách truyền nghề
“Hiện nay để đào tạo đội ngũ sáng tác kịch bản cải lương phải tính đến chiến lược của 10 năm, 20 năm. Sân khấu chúng ta không thiếu những đạo diễn tài giỏi, cái thiếu lớn nhất vẫn là những cây viết cải lương chất lượng. Với tình hình sân khấu cải lương hoạt động èo uột như hiện nay, những tác giả cải lương ở độ tuổi 50, 60 đang tự vượt khó trong đời sống để bám nghề. Họ chính là vốn quý, cần được sự ưu đãi từ chính sách của nhà nước để truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ tác giả trẻ vẫn còn yêu nghệ thuật cải lương” – đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu đề nghị.
Theo Thanh Hiệp/ Người Lao Động
Nghệ sĩ Chinh Nhân qua đời ở tuổi 44
Nghệ sĩ Chinh Nhân, con trai nghệ sĩ Bạch Mai và cố nghệ sĩ Đức Lợi, đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ ngày 28/1, do viêm phổi cấp tính, hưởng dương 44 tuổi.
Nghệ sĩ Chinh Nhân thể hiện rõ sự mệt mỏi khi tham gia chương trình ra mắt CLB cải lương "Ba thế hệ - Về lại cội nguồn" do Kim Tử Long tổ chức tại rạp Công Nhân cách đây hai tuần. Sau xuất diễn này, anh được em gái là Bình Tinh đưa đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị.
"Các bác sĩ chuyên khoa cho biết cháu tôi bị viêm phổi cấp tính nhưng điều trị trễ, hai lá phổi qua chụp hình X-quang lúc đó thấy trắng, khó mà qua khỏi!" - Kim Phượng, dì của Chinh Nhân kể lại.
Chinh Nhân ra đi khi tuổi đời còn trẻ.
Trưa ngày 28/1, Chinh Nhân đã qua đời khi đang được gia đình đưa từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch về nhà riêng. Tang lễ nghệ sĩ này được tổ chức tại Đình Nhơn Hòa (27 Cô Bắc, p.Cầu Ông Lãnh, Q.1 - TP HCM). Lễ nhập quan diễn ra lúc 11 giờ ngày 29/1, lễ động quang lúc 8 giờ sáng ngày 31/1 sau đó an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ TP HCM.
Ngay khi thông tin Chinh Nhân qua đời lan tỏa, nhiều đồng nghiệp bày tỏ sự tiếc thương nam nghệ sĩ ra đi khi tuổi đời còn trẻ. NSƯT Kim Tử Long xúc động: "Một dạo Chinh Nhân ham chơi, sống buông thả, lãng phí tài năng nhưng rồi em hối lỗi, quay về sàn diễn, cố gắng sống thật tốt. Thế nhưng, ước mơ phục vụ khán giả lâu dài của Nhân không thành hiện thực khi lâm vào bạo bệnh. Tôi tin khán giả sẽ không quên những vai diễn của Chinh Nhân trên sân khấu Huỳnh Long".
Tham gia đoàn Đồng ấu Bạch Long từ nhỏ, Chinh Nhân được dạy ca hát, vũ đạo, võ thuật... và tiếp thu nhanh chóng, lộ rõ năng khiếu nghệ thuật của thế hệ kế thừa. Nhưng vào giai đoạn sân khấu khó khăn, cố nghệ sĩ Đức Lợi quyết định cho Chinh Nhân đi học nghề sửa xe gắn máy. Ông muốn con mình có một nghề ổn định.
Dẫu vậy, niềm đam mê nghệ thuật chảy trong máu khiến Chinh Nhân không từ bỏ mà xin cha mẹ tiếp tục gia nhập đoàn Đồng ấu, chỉ diễn vào cuối tuần các vở: "Quan Công đại chiến Bàng Đức", "Thất hiền quyến", "San hà xã tắc"... Nhờ nỗ lực mài giũa, Chinh Nhân ngày càng vững nghề.
Vai diễn ấn tượng của Chinh Nhân là Cao Quân Bảo trong vở Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu và vai kép trong vở Kim Hồ Điệp. Anh đoạt HCV triển vọng giải Trần Hữu Trang với vai An Dương Vương trong trích đoạnTrọng Thủy - Mỵ Châu. Và nối bước các nghệ sĩ đi trước như: Thanh Tòng, Minh Long, Trường Sơn... được giao đóng các vai khó Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành trong các chương trình sân khấu truyền hình.
Cách đây không lâu, khi chương trình chuyên đề sân khấu Giữ mãi cội nguồn được tổ chức , Chinh Nhân được sự động viên, ủng hộ của gia đình, bạn bè và các bạn đồng nghiệp. Với anh, 25 năm đi hát là một quá trình phấn đấu không ngưng nghỉ, có lúc làm bầu gánh, bị thua lỗ rồi có thời gian phải đi hát chầu ở các tỉnh để kiếm sống. So với nhiều bạn diễn cùng thời, sớm nổi danh như: Vũ Luân, Kim Tiểu Long... con đường Chinh Nhân đi tuy có trắc trở nhưng anh vẫn bền bỉ say nghề, yêu nghề.
Chinh Nhân từng thổ lộ nguyện ước tái lập lại đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, chiếc nôi nghệ thuật đã chắp cánh nhiều diễn viên. Và rồi ước mơ đó không thành hiện thực!
Chinh Nhân là nam nghệ sĩ đầu tiên thành hôn với người đồng tính, đó là ca sĩ Cát Tuyền. Tuy nhiên chỉ sau vài năm họ đã chia tay và Cát Tuyền định cư tại Mỹ. Chinh Nhân đã từng chung sống với Bảo Ngọc - con gái của kép độc Thanh Phú, họ có chung một người con trai, đó là bé Ngọc Cương - từng đóng vai bé Sang trong vở Lá sầu riêng của NSND Kim Cương, khi tác phẩm này được chuyển sang cải lương, do Sân khấu vàng dàn dựng năm 2007.
Theo Thanh Hiệp/ Người Lao Động
Đồng nghiệp trẻ ủng hộ nghệ sĩ lão thành khó khăn Khi biết tin 2 nghệ sĩ lão thành Diệu Hiền, Ngọc Hương phải sống ở viện dưỡng lão, lại đang mang bệnh, nhiều đồng nghiệp đã tổ chức đêm nhạc giúp họ có cái Tết ấm no. Tối 27/1, diễn viên kiêm nhà sản xuất Kim Thanh Thảo (bên phải) tổ chức đêm nhạc Ấm tình nghệ sĩ, quyên góp cho 2 nghệ...