Cơn ác mộng địa đạo của Israel
Quy mô và số lượng đường hầm bị phát hiện trong chiến dịch quân sự tại Dải Gaza thật sự khiến quân đội Israel sửng sốt.
Binh sĩ Israel đứng trong một đường hầm của Hamas – Ảnh: Reuters
Hôm qua, Israel đơn phương ngừng bắn trong 7 giờ tại phần lớn Dải Gaza để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo. Theo AFP, quyết định này được đưa ra sau khi quân đội Israel hứng thêm một cơn bão chỉ trích vì tiếp tục tấn công một trường học hiện được dùng làm khu tị nạn của LHQ làm 10 người thiệt mạng ngày 3.8. Tính đến hôm qua, số người chết trong chiến dịch quân sự do Tel-Aviv phát động cách đây gần 1 tháng tại Dải Gaza đã làm gần 1.900 người chết, chủ yếu là dân thường Palestine.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian ngừng bắn, Israel vẫn có hành động quân sự tại khu vực phía đông thành phố Rafah. Điều này phù hợp với khẳng định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng lệnh ngừng bắn sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch phá hủy các đường hầm quân sự tại Dải Gaza. Từ đó, có thể thấy quân đội nước này xem việc vô hiệu hóa hệ thống địa đạo chằng chịt của lực lượng Hamas là mục tiêu quan trọng nhất hiện nay.
“Mạch máu” của Dải Gaza
Video đang HOT
Bị mắc kẹt giữa lệnh phong tỏa của Ai Cập và Israel, Dải Gaza sẽ thật sự trở thành nhà tù khổng lồ đối với 1,7 triệu người Palestine tại đây nếu không có hệ thống đường hầm ngầm dưới lòng đất. Theo báo mạng Slate, phần lớn các đường hầm dân sự tập trung ở thành phố Rafah, phía nam dải đất rộng 360 km2 này và sát với biên giới Ai Cập. Ước tính có từ 500 – 800 đường hầm như thế tại Dải Gaza, hầu hết đều được xây dựng thô sơ, chỉ dài từ 100 – 300 m và ở độ sâu từ 3 – 7 m.
Đây có thể xem là hệ thống “mạch máu” giúp lưu thông hàng hóa giá rẻ cho người dân ở vùng đất nghèo khó này. Họ có thể tìm thấy từ những nhu yếu phẩm thông thường đến máy móc, thậm chí xe hơi tại hệ thống bán lẻ “ngầm”. Những loại hàng hóa nói trên họ có thể mua qua những cửa khẩu “hợp pháp” ở biên giới với Israel hoặc Ai Cập nhưng với giá đắt hơn nhiều lần. Cách đây không lâu, công ty vận chuyển địa phương Yamada Delivery còn mở một dịch vụ giao món gà KFC từ Ai Cập đến khắp Dải Gaza thông qua hệ thống đường hầm.
Bóng ma từ lòng đất
Dù cố tình “qua mặt” các lệnh phong tỏa của Ai Cập và Israel nhưng hệ thống đường hầm dân sự nói trên không phải là mối quan tâm đáng kể của Tel-Aviv. “Cái gai” thật sự chính là hệ thống đường hầm quân sự được đào sâu hơn và xây dựng kiên cố hơn mà quân đội Israel gọi là “Gaza ngầm”. Theo Slate, từ hơn 3 thập niên trước, tình báo nước này biết lực lượng Hamas đào đường hầm để tiếp tế, dự trữ vũ khí tại Dải Gaza từ Ai Cập. Đến tháng 6.2006, Tel-Aviv chấn động khi các tay súng Hamas bất ngờ xâm nhập lãnh thổ Israel qua đường hầm và bắt một binh sĩ làm con tin.
Theo tờ Jerusalem Post, đến nay những kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phát hiện đường hầm đều chưa đạt kết quả đáng kể. Các chuyên gia nhận định Israel rất khó phát hiện các hoạt động xây dựng đường hầm, kể cả với máy bay trinh sát hoạt động suốt cả ngày đêm. Lý do là Hamas có thể đào địa đạo từ mọi địa điểm trong Gaza, kể cả nhà dân. Quá trình vận chuyển vật liệu cũng được ngụy trang cẩn thận bằng các bao tải lương thực.
Và những gì khám phá được trong gần 1 tháng mở chiến dịch quân sự tại Dải Gaza là đòn choáng váng cho ngành tình báo Israel. Trước đó, quân đội nước này ước tính Hamas có trên dưới 15 đường hầm quân sự dài từ 2 – 3 km, theo báo The Times of Israel. Thực tế là đến nay các binh sĩ Israel đã phát hiện được khoảng 40 đường hầm với quy mô “ngoài sức tưởng tượng”. Chúng khá rộng rãi, được xây dựng kiên cố, đủ điện nước, cất giữ nhiều vũ khí, đạn dược và cho phép một người được vũ trang tận răng qua lại dễ dàng. Một trong số đó dài 2,5 km, được đào ở độ sâu 20 m và các chuyên gia ước tính Hamas đã dùng 350 tấn bê tông để xây dựng đường hầm này.
Hồi cuối tháng 7, đã xảy ra ít nhất 5 vụ các tay súng Hamas đột nhập Israel bằng đường hầm để tấn công các chốt gác, làm 2 binh sĩ Israel thiệt mạng và một số xe quân sự bị phá hủy. Nghiêm trọng hơn, The Times of Israel dẫn nguồn tin riêng cho biết Hamas đã lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch “siêu đột kích” với hàng trăm tay súng để nắm quyền kiểm soát 6 khu vực sát Dải Gaza của vùng Negev, phía nam Israel vào tháng 9. Để đối phó với những bóng ma từ lòng đất này, quân đội Israel đang xem xét lập biệt đội chuyên do thám và xử lý các vụ tấn công từ đường hầm.
Nghi vấn về bàn tay của Triều Tiên
Theo tờ The Telegraph, Hamas khó có thể tự xây dựng “Gaza ngầm” có quy mô lớn như thế. Nhiều khả năng lực lượng này đã nhận được sự hỗ trợ từ CHDCND Triều Tiên, vốn nổi tiếng với hệ thống đường hầm phức tạp ở khu phi quân sự liên Triều. Từ năm 1974 – 1990, Hàn Quốc đã phát hiện ít nhất 4 đường hầm có thể giúp miền Bắc đánh úp nước này. Trong số đó, đường hầm được phát hiện năm 1974 cách Seoul chỉ 65 km, được đào ở độ sâu
45 m, dài 3,5 km; bên trong được lắp nhiều bóng đèn, dây điện, đường ray xe lửa và đủ rộng để một trung đoàn di chuyển mỗi giờ. Chính quyền Triều Tiên và Hamas cũng được cho là có quan hệ gần gũi và nhiều lần bị cáo buộc buôn bán vũ khí, theo The Telegraph. Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về các thông tin trên.
Theo Thanh Niên
Israel rút phần lớn binh lính khỏi Dải Gaza
Trong hai ngày 2/8 và 3/8, lực lượng Phòng thủ Israel đã rút đa số lực lượng bộ binh khỏi Dải Gaza khi chiến dịch "Sứ mạng Bảo vệ Biên thùy" đã bước sang ngày thứ 27, truyền thông Israel đưa tin.
Trong hai ngày cuối tuần, nội các an ninh Israel quyết định nước này sẽ không cố gắng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas và quyết định không cử đoàn đại biểu Israel tới cuộc đàm phán chính thức ở Cairo.
Thay vào đó, Israel cân nhắc việc thiết lập "một dải an ninh tạm thời" dọc biên giới sau khi kết thúc chiến dịch quân sự.
Theo hãng tin Ynet, quyết định trên được đưa ra nhằm "hạn chế tối đa" đụng độ giữa binh sỹ Israel và các tay súng Palestine ở Gaza và để cho các binh sỹ Israel có thời gian "nghỉ ngơi" tại các cửa ngõ vào Gaza. Truyền thông Israel dự đoán các cuộc tấn công bằng bộ binh vào Gaza sẽ kết thúc trong tuần tới.
Cơ quan y tế Gaza cho biết, chiến dịch quân sự của Israel kéo dài 27 ngày qua tại Gaza đã khiến hơn 1.700 người Palestine, chủ yếu là dân thường, trong đó có 400 trẻ em, thiệt mạng và gần 9.000 người bị thương.
Israel đã bắt đầu "Sứ mạng Bảo vệ Biên thùy" (Operation Protective Edge) nhằm chấm dứt các đợt bắn phá tên lửa từ phía Gaza vào ngày 8/7. Vào ngày 17/7, quân đội Israel đã chuyển sang tấn công trên bộ quy mô lớn với mục đích phá hủy các bệ phóng tên lửa và đường hầm dưới lòng đất, được sử dụng bởi các tay súng đối lập để vận chuyển vũ khí và bí mật đột nhập lãnh thổ Israel.
Theo_VnMedia
Trung Quốc và Anh kêu gọi Israel ngừng tấn công Gaza Theo AFP và THX, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 3/8 đã hối thúc Israel chấm dứt các chiến dịch quân sự ở Gaza và dỡ bỏ phong tỏa đối với vùng đất này của Palestine. Israel nã pháo vào các mục tiêu ở Dải Gaza ngày 2/8. (Ảnh: AFP/TTXVN) Kêu gọi này được ông Vương Nghị đưa ra tại một cuộc...