‘Con à, cha mẹ sẽ không chung nhà nữa…’
Ly hôn nhưng vẫn giữ cho con sự yên bình trong tâm hồn, liệu có phải là điều quá khó?
Khi đứng trước ngưỡng cửa ly hôn, có những trường hợp cha mẹ giành quyền nuôi con không hẳn vì thương con, vì muốn được chăm sóc con mà chỉ vì muốn chứng minh: “Tôi đúng, anh/cô sai nên con phải ở với tôi mà không ở với anh/cô”.
Ly hôn nhưng vẫn giữ cho con sự yên bình trong tâm hồn, liệu có phải là điều quá khó?
Giữ yên bình cho con
Quyết định ly hôn, điều nghệ sĩ (NS) Minh Phượng lo lắng nhất không phải là mình sẽ sống tiếp ra sao ở một đất nước xa lạ, không người thân, không bạn bè… mà điều khiến chị mất ăn, mất ngủ là làm sao để các con không bị xáo trộn tâm lý, không ảnh hưởng đến sự phát triển.
Ba mẹ con nghệ sĩ Minh Phượng đã vượt qua những ngày ngột ngạt khi cuộc hôn nhân của anh chị tan vỡ
Không nói với con cha mẹ sẽ ly hôn, nhưng cũng không che đậy sự thật, tô hồng cuộc sống hay cố gắng tìm mọi cách lôi kéo các con về “phe” mình, NS Minh Phượng để mọi việc diễn ra theo đúng tự nhiên và học cách kiềm chế cảm xúc bản thân. “Chúng tôi bàn tính chuyện của hai người lớn mà không cho các con biết, cho đến lúc anh ấy không về nhà nữa, các con cũng dần khôn lớn để nhận ra điều gì xảy ra với gia đình mình. Mọi thứ không xáo trộn, chỉ khác biệt là ba lũ trẻ không còn chung nhà, mà chỉ về thăm con vào cuối tuần hoặc dịp đặc biệt” – NS Minh Phượng chia sẻ.
Dẫu đã hết sức cẩn trọng, cố gắng tránh những biến động trong tâm hồn các con, nhưng NS Minh Phượng cho biết, con gái của chị vẫn chịu những tác động nhất định từ sự đổ vỡ của cha mẹ. Một thời gian dài, cô bé không còn niềm tin vào những người thuộc phái mạnh xung quanh mình.
Video đang HOT
Là cha, nhưng diễn viên (DV) Hữu Tiến cũng có rất nhiều quan điểm tương đồng với NS Minh Phượng khi nói về chuyện ly hôn và con cái: phải giữ được cho con sự yên bình trong tâm hồn trước biến cố gia đình. Người lớn còn chông chênh trước sự đổ vỡ hôn nhân, huống gì là những đứa trẻ mong manh luôn cần được chở che, bảo bọc.
“Cái tôi của mỗi người rất lớn khi đứng trước quyết định ly hôn. Trong thâm tâm, ai cũng muốn giành phần đúng về mình, muốn chứng tỏ cho đối phương biết không cần anh (cô) tôi vẫn sẽ nuôi con rất tốt. Chỉ đến khi mọi thứ kết thúc, pháp luật đã công nhận cả hai trở thành người độc thân, cảm giác cha mẹ đã làm các con tổn thương, mất mát mới hiện hữu rõ ràng. Tôi hối tiếc nhiều thứ, hối tiếc vì mình đã không đủ sức giữ cho con một gia đình có cha có mẹ. Nhưng điều may mắn nhất chúng tôi đã làm được là giữ cho con sự yên bình tốt nhất trong khả năng, tránh cho con những xáo trộn về tâm lý khi chúng không còn thấy cha mẹ chung một nhà” – DV Hữu Tiến chia sẻ.
Diễn viên Hữu Tiến
Vợ chồng DV Hữu Tiến ly hôn khi con gái mới hơn một tuổi, cậu con trai đã bước vào tuổi teen. Khi gửi con về nhà ngoại, Hữu Tiến giải thích ngắn gọn: “Ba phải đi làm nhiều việc, không thể chăm sóc con nên tạm thời con và em về ở với ngoại. Mỗi tuần, ba sẽ sang thăm con, nhưng nếu con muốn, ba sẽ sắp xếp đưa con đi học mỗi ngày và bất kỳ lúc nào con cần gì ở ba, con cứ gọi cho ba”. Không nói ngay với con về cuộc ly hôn của cha mẹ, nhưng theo thời gian các con của Hữu Tiến cũng hiểu điều gì đã xảy ra. Khi đó, bọn trẻ dễ dàng chấp nhận cuộc chia tay của người lớn khi cảm nhận cuộc sống không có quá nhiều biến động, ngoại trừ việc cha mẹ không còn chung sống một nhà.
Nói chuyện ly hôn với con – dễ hay khó?
Câu trả lời chung của những bậc cha mẹ sau ly hôn là “không dễ chút nào!”. Nhắc lại ngày nói với các con việc cha mẹ sẽ chia tay, giọng chị Ngọc Ánh (Q.1, TP.HCM) vẫn run run: “Trước khi quyết định nói chuyện với các con, tôi đã gọi điện đến tổng đài nhờ tư vấn và đọc rất nhiều bài viết trên mạng để biết mình cần phải chuẩn bị ra sao, nói với con những gì về chuyện cha mẹ ly hôn. Nhưng lý thuyết và thực tế khác nhau rất xa. Tôi đã làm “đúng bài”: chọn thời điểm cả nhà đang vui vẻ, dự đoán tất cả câu hỏi con có thể thắc mắc để chuẩn bị câu trả lời, nói với các con bằng thái độ rất bình thản và cũng rất bài bản rằng, cha mẹ chia tay vì có những suy nghĩ không hợp, nhưng các con vẫn là con của cha mẹ, cha mẹ luôn luôn yêu thương và ở bên cạnh cách con…
Nhưng tôi đọc được sự thảng thốt của các con ngay khi vừa nghe phần mở đề. Trẻ ngày nay không ngây thơ như người lớn nghĩ. Các con nhận biết những vấn đề của gia đình rất sớm qua phim ảnh, qua chính cuộc sống của bạn bè cùng trang lứa… Các con không hỏi vì sao cha mẹ chia tay mà quan tâm đến những điều xa hơn: Tụi con sẽ phải ở với ai? Làm sao con được gặp em/chị? Tụi con có được điện thoại với nhau? Cha mẹ có lấy vợ/chồng khác? Dì ghẻ, cha dượng có cho con ở chung?…
Dù sau buổi nói chuyện, vợ chồng tôi vẫn cố gắng giữ nhịp sinh hoạt bình thường, nhưng không khí gia đình như có cơn bão vừa đi qua. Các con đã không còn là những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư trước đó. Cả hai học hành sa sút, biếng ăn và gần như không còn hứng thú với những cuộc nói chuyện của gia đình, thậm chí có cả những phản ứng giận dữ. Các con luôn bất an và hồi hộp chờ đến ngày cha mẹ sẽ không còn ở chung một nhà. Không dễ dàng để gần con, không dễ chia sẻ và tiếp tục nói chuyện với con. Vợ chồng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của cô giáo và một số bạn bè thân của các con để hiểu và tìm cách giải tỏa dần tâm lý cho các con”.
Vợ chồng đã ly hôn 3 năm, hai con sống cùng chị Ngọc Ánh, cuối tuần hoặc bất kỳ khi nào các con muốn gặp, chồng cũ của chị đều có mặt. Thậm chí thỉnh thoảng cả nhà vẫn sắp xếp đi ăn tối, đi dã ngoại cùng nhau như trước khi anh chị chia tay. Nhưng chị Ngọc Ánh nói, chị cảm nhận rất rõ sự thay đổi của các con so với lúc gia đình còn êm ấm. “Phải chăng tôi đã sai khi quyết định nói với các con chuyện ly hôn của cha mẹ?” – chị băn khoăn.
Có lẽ trải nghiệm của tuổi thơ phải sống trong một gia đình đổ vỡ nên Hữu Tiến hiểu hơn tâm lý của con và quyết định không nói với con về cuộc chia tay của cha mẹ. Anh quan niệm: dù có bài bản, khéo léo cách mấy, việc nói với con rằng cha mẹ sẽ chia tay vẫn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Cũng theo anh Hữu Tiến, việc hỏi con lựa chọn ở với cha hay mẹ là câu hỏi và cách ứng xử rất nhẫn tâm. “Trẻ con vô tội, mọi hạnh phúc hay đổ vỡ là từ người lớn, do người lớn quyết định. Trẻ cần được sự yêu thương của cả cha lẫn mẹ, nên đừng bao giờ bắt con phải chọn lựa. Quyền nuôi con thuộc về ai hoặc ai là người có khả năng nuôi con hai vợ chồng nên tự dàn xếp, thỏa thuận. Ngay cả khi trẻ đã 15 tuổi, việc đưa con ra tòa, buộc con phải chứng kiến vụ xử ly hôn của cha mẹ và phải trả lời câu hỏi của tòa án “con ở với ai?”, theo tôi là sự độc ác, xuất phát từ lòng ích kỷ của người lớn. Và điều quan trọng nhất sau khi ly hôn là những người lớn phải giữ lời, phải làm đúng những gì đã nói. Đừng hứa, đừng nói vô tội vạ chỉ để chứng tỏ cái tôi của mình, rồi phớt lờ tất cả, phủi bỏ trách nhiệm sau khi ly hôn”.
Hoa Nguyễn
Theo phunuonline.com.vn
Bố mẹ chồng cũ từng xúc phạm, tôi có nên cho con về thăm
Tôi sợ sau này con lớn, không có bên nội sẽ thua thiệt bạn bè, nhưng nghĩ hồi xưa ông bà hắt hủi con mình, lại chạnh lòng.
Hình ảnh minh họa
Tôi không thể trình bày hết ngọn ngành cuộc chia tay của mình và chồng cũ, chỉ ngắn gọn là chúng tôi chia tay được 6 năm. Con gái tôi tròn 8 tuổi, hàng tháng anh vẫn chu cấp cho bé đầy đủ và tự giác. Tôi và bố mẹ anh không hòa hợp vì hai cụ cho rằng quê tôi miền Trung nghèo khó xa xôi, tôi lại hơi lùn (1m50) lại cận, sẽ khó chăm con; còn gia đình anh khá giả, ở thành phố, anh lại đẹp trai và có công việc thu nhập khá. Nói thật lòng tôi cũng có 2 bằng cấp và học thức lẫn thu nhập cao, chỉ có điều nhà ở quê cực khổ nên bị coi khinh. Họ không biết gia đình tôi cũng thuộc hàng khá giả chứ không nghèo khổ như họ tưởng.
Ngày chúng tôi chia tay, ông bà bảo sẽ kiếm vợ thành phố, cao ráo, giàu có để hợp với anh. Tôi ra đi tay trắng vì vàng cưới nhà anh đã cất giữ, tôi biết không đòi lại được nên bảo đó là quà cưới của tôi khi anh tái hôn. Cuộc chia tay này tôi hoàn toàn không có lỗi, có chăng là vì đã quá tin để anh đi theo người ta mà không hề hay biết. Về con gái tôi, từ khi sinh ra đến giờ chỉ vỏn vẹn được bà nội mua tặng một bộ đồ, các cô thì hiếm khi. Ông nội chưa bao giờ hỏi thăm, bà nội và các cô thi thoảng hỏi hồi tôi mới sinh bé, sau này không liên lạc nữa.
Năm 2015, tôi cho con gái đi du lịch, tiện thể về thăm ông bà. Tôi không thông báo với ba của bé về việc này, chỉ đăng trên trang cá nhân, mà tôi và anh lại không kết bạn với nhau. Không ngờ anh đọc được và bắt xe về nhà để thăm con (anh đi làm xa nhà), rồi cuối tuần lại lên thăm bồ ở Sài Gòn. Mẹ con tôi cũng ở Sài Gòn nhưng từ ngày anh cặp bồ thì không đến thăm con. Chính việc anh cặp kè, hay đi cuối tuần nên bố mẹ anh nghĩ chúng tôi đã quay lại. Khi tôi vừa bước xuống xe chào ông bà, xin phép được cho cháu vào nhà thăm thì ông bà liền nổi giận, kêu chúng tôi đóng kịch (tôi không hề biết anh cũng bước vào nhà cách đó 5 phút, một sự trùng hợp). Ông bà bảo tôi đang dùng bé để quyến rũ anh, hãy để con trai ông bà tái hôn, tôi không xứng đáng, nếu tôi không nuôi nổi con thì để lại cho ông bà nuôi làm phước. Rất nhiều lời lẽ khó nghe được ông bà nói ra trước mặt con tôi.
Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra vì hơn một năm mới cho bé về thăm lại ông bà, cũng không biết việc anh cặp bồ lần này là cãi lời ông bà và càng không hề biết anh đang trên lầu lúc tôi bị chửi. Sau khi ông bà nặng lời, tôi đã đáp lại: "Thưa bố mẹ, con đưa cháu về thăm bố mẹ cho cháu biết ông bà tổ tiên dòng họ chứ cuộc sống con ở Sài Gòn đã ổn định. Con không biết anh giờ như thế nào và thực sự đã quá lâu anh cũng không hề đến thăm cháu như bố mẹ nghĩ. Nếu bố mẹ không hoan nghênh thì con sẽ không đưa bé về lần nữa". Tôi lập tức đưa bé ra taxi đang chờ sẵn, điện thoại tôi rung lên. Anh gọi, bảo hãy xuống xe để anh thăm con một chút. Không hiểu sao quá thương con tôi mủi lòng và xuống xe. Lúc gặp nhau thấy cha con nó vui vẻ, con tôi thật đáng thương. Tôi đã quay đi chỗ khác và khóc nức nở.
Đã 4 năm kể từ đó tôi không đưa bé về thăm ông bà. Ba bé cũng cãi lời ông bà cưới vợ sau đó vài tháng. 4 năm nay tôi có cuộc sống rất bình yên và dần có của ăn của để vì tính tôi siêng năng, chịu khó. Hiện tại tôi không tìm hiểu người mới, toàn tâm lo cho con gái. Riêng phần anh, tôi biết anh không hạnh phúc. Tôi biết điều đó qua trang cá nhân vợ anh và mấy năm gần đây anh đến thăm con nhiều hơn. Chỉ một điều tôi dằn vặt bản thân, đắn đo suy nghĩ, dù ông bà từng nặng lời với tôi nhưng con tôi vẫn là cháu họ. Nhiều lần tôi đưa con gái ra bến xe tính đi nhưng lại quay về. Thương con, sợ sau này con lớn lên không có nội sẽ thua thiệt bạn bè nhưng nghĩ lại ngày xưa ông bà đã hắt hủi con mình như vậy, khi anh còn chưa có vợ mới, huống hồ bây giờ người ta đã có cháu trai. Tôi cân nhắc và mất ngủ nhiều, lòng muốn đưa con đi mà chân chững lại.
Tôi hỏi ý kiến bé thì bé nói không muốn đi. Tôi không biết nên làm gì nữa, đang tính sẽ đưa bé về cuối tuần, tôi cho bé vô nhà chào ông bà, chơi ở đó một lát còn mình đi đâu đó một hồi quay lại đón. Có điều tôi chẳng biết ông bà phản ứng như thế nào với bé lúc gặp nhau nữa, sợ con mình bị tổn thương. Còn nếu tuyệt tình, không cần ông bà thì mẹ con tôi vẫn sống tốt mấy năm nay, chỉ là tôi không biết họ đang nghĩ gì và có trông mong gặp lại cháu không. Nếu tôi không đưa bé về thì sau này họ có trách không? Liệu tôi có sai khi cắt đứt luôn với họ?
Cũng nói thêm là nhà họ rất giàu, nhưng cũng vì đồng tiền và những sự hiểu lầm mà họ cho rằng tôi xúi giục con trai họ bất hiếu. Mẹ chồng cũ tìm mọi cách để lấy tiền anh hàng tháng khi chúng tôi còn là vợ chồng. Đến hôm đó bà đòi 30 triệu thì anh bảo chỉ có 10 triệu thôi, bà không tin và cho rằng tôi xúi anh không đưa tiền bà. Những việc này tôi hoàn toàn không biết cho đến khi bà lấy số điện thoại lạ nặc danh xúc phạm tôi nặng nề, điều tra ra tôi mới biết. Chúng tôi chia tay nhau sau đó không lâu. Tất cả đã là quá khứ, tôi đang có một cuộc sống đúng nghĩa mẹ đơn thân hạnh phúc, tự lực cánh sinh. Mong quý độc giả cho tôi lời khuyên. Chân thành cám ơn.
Kim
Theo vnexpress.net
Tại sao tuổi 20 lại dạy cho ta nhiều điều về tình yêu và các mối quan hệ? Dưới đây là một vài bài học về tình yêu và các mối quan hệ mà tuổi 20 sẽ dạy cho bạn biết. Tình yêu có thể xảy ra hai lần Nếu bạn tin rằng tình yêu đích thực chỉ xảy ra một lần, bạn đã sai! Hầu hết chúng ta chứng kiến một cuộc chia tay tồi tệ hoặc bị người yêu...