Con 17 tháng tuổi, bố mẹ ra tòa tranh chấp quyền nuôi dưỡng
Khi đứa trẻ 7 tháng tuổi, vì mâu thuẫn với chồng và gia đình, người mẹ đã bỏ con vào Nam với ý định đi tu, sau đó đệ đơn xin li hôn, đòi quyền nuôi con. Cuối cùng, tòa tuyên giao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cho người bố dù thời điểm hiện tại, cháu bé chưa đầy 36 tháng tuổi.
Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp quyền nuôi con theo đơn kháng cáo của anh T. vắng ngắt. Anh T. gửi con ở nhà, cùng người chị gái xuống tòa. Phía dãy ghế bên kia là chị H. – vợ anh T, cũng không có nhiều người thân của chị này tới dự tòa.
Chị H. là vợ hai. Trước đó, anh T. đã qua một lần đổ vỡ, có 2 đứa con gái. “Hai cháu ở với bố, một cháu thì mẹ chu cấp. H. lấy T. cũng qua mai mối, biết rõ hoàn cảnh của nhau”, người chị gái của anh T. nói.
Vợ chồng anh T, chị H. dường như không nhìn mặt nhau trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa
Hai người có 1 đứa con chung, là bé trai, hiện được 17 tháng tuổi. Trong phiên tòa trước, TAND huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) chấp thuận đơn ly hôn của chị H, đồng thời giao quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé cho người mẹ. Không đồng ý, anh T. làm đơn kháng cáo, giành quyền nuôi con, đồng thời không yêu cầu chị H. phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con.
Theo trình bày của anh H., trong quá trình chung sống, hai vợ chồng không có mâu thuẫn gì đáng kể. Tuy nhiên, chị T. có tính hay dỗi, đã 3 lần đòi bỏ nhà đi. “Con mới 7 tháng nhưng cô ấy bỏ nhà đi. Cũng không có mâu thuẫn gì to tát. Tôi bảo cô ấy suy nghĩ cho kỹ, đừng làm trò cười cho thiên hạ, đi lần này, tôi sẽ không tha thứ nhưng cô ấy vẫn để con lại mà đi, vào chùa tận miền Nam xin đi tu. 5 ngày sau cô ấy về, xin vào nhà nhưng đến nước này thì tôi không thể chấp nhận được nữa”, anh T. nói.
Trong khi đó, chị H. lại tố bị gia đình chồng và chồng cô lập, coi thường, bóc lột sức lao động khiến chị không thể chịu đựng được. Mặc dù tố gia đình chồng tệ bạc với mình nhưng chị lại không báo cáo với chính quyền địa phương để can thiệp, bảo vệ. Chị H. bỏ đi là muốn “giải tỏa tâm lý” và để “nhà chồng suy nghĩ lại” về cách đối xử với chị.
Chị H. cho biết lí do để con ở nhà để bỏ đi là để “giải tỏa tâm lý” do không chịu được sự đối xử của chồng và gia đình chồng
“Chị nghĩ gì khi để lại con ở nhà, một mình bỏ đi như thế? Chị có nghĩ đến con khóc vì khát sữa không? Chị bỏ đi nhiều ngày như thế liệu còn sữa cho con không?”, vị chủ tọa phiên tòa hỏi.
“Tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi tự hứa với mình là không để mất nguồn sữa của con”, chị H. nói. Và cách mà người phụ nữ này giữ nguồn sữa cho con là… cho con người khác bú.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chị H. cho rằng đứa trẻ chưa đầy 36 tháng tuổi, việc tòa sơ thẩm tuyên quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cháu cho mẹ là đúng. Chị H. và luật sư của mình đề nghị tòa bác đơn kháng cáo của người chồng.
Sau khi li hôn, chị H. kiếm sống bằng nghề bán thức ăn sáng ở chợ, cách nhà 5km. Theo chị H. trình bày, với thu nhập 5 triệu đồng 1 tháng, chị đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng con trai. Trong khi đó, người chồng hiện đang nuôi 2 con gái riêng với người vợ trước.
Trước lí lẽ của chị H., anh T. cho rằng, người phụ nữ đã bỏ con mà đi chỉ vì “muốn giải tỏa tâm lý” cho bản thân trong khi bản thân chồng và chồng không làm gì quá đáng thì không đủ tư cách để nuôi con.
Video đang HOT
Với nghề cạo mủ cao su, cán bộ thú y, bán thuốc, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, anh T. cho rằng mình có thể chăm sóc, nuôi nấng con một cách tốt nhất. “Đúng là hiện tại hai đứa con gái của vợ đầu đang sống với tôi nhưng bố mẹ tôi có lương hưu, cũng hỗ trợ nhiều. Mẹ cháu cũng cấp dưỡng nuôi 1 cháu. Hai cháu cũng đã lớn, 13, 15 tuổi rồi, có thể giúp bố việc nhà hay chăm em khi tôi đi làm”.
Anh T. cho rằng người phụ nữ bỏ con thơ đang khát sữa để đi thì không xứng đáng được nuôi con
Sau một hồi tranh luận, chị H. bày tỏ nguyện vọng được hàn gắn. Vị chủ tọa và đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An đã dành nhiều thời gian phân tích, thuyết phục anh T. “Người bố cũng muốn nuôi con, người mẹ cũng muốn nuôi con, xét cho cùng là ai cũng vì thương yêu con cả. Cách tốt nhất là để cháu có một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ. Nếu cần, chúng tôi có thể hoãn phiên tòa 1 tháng để anh suy nghĩ lại việc có thể hàn gắn với chị H. không?”, chủ tọa phiên tòa nói.
Nghe những phân tích, thuyết phục của HĐXX, anh T. xin hoãn tòa để có thời gian suy nghĩ. Thế nhưng, lúc này, chính chị H. lại không đồng ý hàn gắn, yêu cầu tòa tiếp tục làm việc và trao quyền nuôi con cho mình. Hai bên tiếp tục đưa ra những bào chữa và bằng chứng có lợi cho mình.
HĐXX nhận định, cấp sơ thẩm chưa xem xét đến điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con của người mẹ. Khi cháu bé mới 7 tháng, đang rất cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng của người mẹ, cần bú sữa mẹ hàng ngày thì chị H. bỏ đi, để con cho chồng. Hơn nữa, thời điểm hiện tại chị H. không có công việc, thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống của mình và chăm sóc con.
Từ khi chị H. bỏ đi đến nay, cháu bé được bố chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển bình thường (có giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế). Để đảm bảo ổn định sinh hoạt, không bị xáo trộn về tâm sinh lý của cháu bé, HĐXX quyết định giao con chung của hai vợ chồng cho anh T. nuôi dưỡng.
Phiên tòa kết thúc, hai người đã từng là vợ chồng dường như không nhìn thấy nhau. Với họ, cuộc chiến giành quyền nuôi con dường như chưa kết thúc…
Luật sư Lê Thị Kim Soa – Văn phòng Luật sư Lê Trần (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An):
Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Với tinh thần đó thì việc giao con cho ai trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng là vì lợi ích của con. Sở dĩ điều luật quy định giao con dưới 36 tháng cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là cũng muốn tốt cho con vì lúc này con còn quá nhỏ cần sự ôm ấp, chăm bẵm, bú mớm của người mẹ…Tuy nhiên vì trong thực tế có nhiều người mẹ lại không chăm sóc con tốt bằng cha, không đưa lợi ích cho con bằng người cha thì tòa cũng có thể giao con cho người cha trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong trường hợp mà báo đưa tin thì rõ ràng khi mới 7 tháng tuổi người mẹ đã vì ích kỷ cá nhân mà bỏ lại con thơ cho chồng chăm sóc, không cần biết con có khát sữa không? Chồng có chăm sóc tốt không?… Tòa án cấp phúc thẩm giao con cho người cha trực tiếp nuôi con trong trường hợp này là hoàn toàn thỏa đáng vì việc giao con cho người chồng thì quyền lợi của đứa bé sẽ được bảo đảm hơn.
Hoàng Lam
Theo Dantri
5 án tử cho đường dây ma túy 294 bánh heroin
Số lượng ma túy mà các bị cáo tham gia mua bán là cực kỳ lớn, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. HĐXX đã dành 5 án tử hình cho các "chân rết" của đường dây ma túy xuyên Việt này.
Phiên tòa xét xử Phan Đình Tuấn và đồng bọn mua bán 294 bánh heroin
Ngày 30/5, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án "Mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy" đối với Phan Đình Tuấn (SN 1971, trú tại Tp Vinh, Nghệ An) và đồng bọn ra xét xử. Hiện, Phan Đình Tuấn đang "gánh" trên mình một bản án tử hình vì hành vi mua bán trái phép 110 bánh heroin.
Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố Tuấn và đồng bọn tham gia mua bán tổng cộng 294 bánh heroin từ Lào về Nghệ An rồi mang vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.
Các bị cáo trong đường dây 294 bánh heroin trước vành móng ngựa
Hồi 16h ngày 15/2/2014, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Cục phòng chống tội phạm ma túy Bộ Công an bắt quả tang Hồ Sự Cơ (SN 1983, trú tại Tp Vinh, Nghệ An) có hành vi vận chuyển 60 bánh heroin. Từ lời khai của Hồ Sự Cơ, cơ quan chức năng bắt Phan Thanh Tòn (SN 1989, trú huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Tại cơ quan điều tra, Tòn khai nhận vận chuyển thuê số ma túy trên cho một người Lào từ Lào về Việt Nam để lấy 10 triệu tiền công. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, số ma túy trên được Phan Đình Tuấn thuê Hồ Sự Cơ nhận từ Phan Thanh Tòn mang vào Đồng Nai giao Vũ Thành Trung (SN 1964, trú huyện Yên Thành, Nghệ An) với số tiền công 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đưa ma túy về đến khu vực cầu Bến Thủy (bắc qua sông Lam, nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) thì Hồ Sự Cơ bị công an phát hiện và bắt giữ.
Hồ Sự Cơ tại phiên tòa
Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định, vào tháng 11-12/2013, dù đang chấp hành bản án 10 năm về tội "Giết người", "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" tại trại giam Đông Sơn (Quảng Bình) sau đó được chuyển về trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế), Phan Đình Tuấn 3 lần điện thoại nói Cơ đến huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhận 102 bánh heroin từ Phan Văn Sự đưa vào Đồng Nai giao cho Vũ Thành Trung. Mỗi lần Tuấn trả cho Cơ 100 triệu đồng. Số tiền bán ma túy, Cơ mang về bàn giao cho hai người con của người tình là Nguyễn Thị Hương (SN 1968, trú tại Tp Vinh, Nghệ An).
Cũng trong tháng 11/2013, từ trong trại giam Bình Điền, Phan Đình Tuấn 2 lần điện thoại cho Nguyễn Quốc Thắng (SN 1977, trú tại Tp Vinh, Nghệ An) đến ngã ba Bãi Vọt (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) nhận 82 bánh heroin từ Phan Văn Sự mang vào Đồng Nai giao cho Vũ Thành Trung. Mỗi lần Tuấn trả cho Thắng 3.000 USD. Số tiền bán ma túy cho Trung được Thắng giao cho Nguyễn Thị Hương như chỉ đạo của Tuấn.
Nguyễn Thị Hương - người tình của ông trùm Tuấn Lay bị tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội "Không tố giác tội phạm"
Tháng 2/2014, Tuấn mãn hạn tù. Theo chỉ đạo của Tuấn, Thắng nhận 50 bánh heroin từ Phan Văn Sự, giao cho Vũ Thành Trung đưa vào Đồng Nai bán cho Thái Văn Đình. Tuy nhiên, số tiền bán ma túy lần này bị đồng bọn của Đình cướp mất. Tuấn cùng Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Quốc Thắng và Vũ Thành Trung vào Sài Gòn tìm Thái Văn Đình để đòi lại tiền nhưng không tìm thấy. Do bị mất tiền nên Tuấn không trả công cho Thắng.
Cơ quan điều tra cũng xác định Phan Đình Tuấn và Nguyễn Thị Hương có quan hệ tình cảm, chung sống với nhau như vợ chồng. Hương biết việc Tuấn mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí nhưng không tố giác với cơ quan chức năng để đấu tranh ngăn chặn hành vi phạm tội.
Phan Đình Tuấn nói lời sau cùng, cảnh tỉnh những ai đang nuôi mộng làm giàu bằng ma túy
Các cơ quan chức năng xác định, trong vụ án này, Phan Đình Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự hành vi mua bán trái phép 294 bánh heroin (tương đương hơn 1 tạ 2kg); Vũ Thành Trung phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán trái phép 162 bánh heroin (hơn 81,5kg); Hồ Sự Cơ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán trái phép 162 bánh heron (gần 56,5kg); Nguyễn Quốc Thắng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mua bán trái phép 60 bánh heroin (gần 46kg); Phan Thanh Tòn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vận chuyển trái phép 60 bánh heroin (gần 21kg); Nguyễn Thị Hương phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm.
Trong quá trình điều tra, Phan Văn Sự đã chết, cơ quan điều tra và Viện KSND tỉnh Nghệ An không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Sự. Đối với Thái Văn Đình, cơ quan điều tra đã bắt giữ để đấu tranh nhưng chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Làm ăn thua lỗ, Vũ Thành Trung bước chân vào đường dây ma túy xuyên Việt để kiếm tiền trả nợ.
Tại phiên tòa, bị cáo Tuấn và bị cáo Cơ cho rằng, người đứng đầu đường dây ma túy này là Nguyễn Thị Hương. Trong thời gian Tuấn thi hành án tại trại giam, vì Tuấn và Hương có tình cảm với nhau nên Tuấn giới thiệu mối bán heroin, đồng thời giới thiệu "đệ tử ruột" là Hồ Sự Cơ cho Hương để thiết lập đường dây ma túy này.
Trong vụ án này, Tuấn chỉ đóng vai trò là người giới thiệu mối hàng và nơi tiêu thụ cho Hương. Số tiền thu được từ các phi vụ mua bán ma túy cực lớn chảy về túi của Hương, Tuấn hoàn toàn không thu một đồng nào. Phan Đình Tuấn cho rằng, Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố Nguyễn Thị Hương tội "Không tố giác tội phạm" là không đúng với hành vi phạm tội mà Hương đã thực hiện.
Các luật sư bào chữa cho Phan Đình Tuấn, Hồ Sự Cơ, Phan Thanh Tòn, Vũ Thành Trung và Nguyễn Quốc Thắng cũng đề nghị HĐXX xem xét vai trò, hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Hương trong vụ án này để tránh bỏ sót người, lọt tội.
Nụ cười ngạo nghễ của ông trùm Tuấn Lay khi nhận bản án tử hình thứ 2
Căn cứ vào các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa và các chứng cứ khác của vụ án, HĐXX nhận định, Viện KSND tỉnh truy tố Phan Đình Tuấn, Hồ Sự Cơ, Vũ Thành Trung và Nguyễn Quốc Thắng tội "Mua bán trái phép chất ma túy"; Phan Thanh Tòn tội "vận chuyển trái phép chất ma túy"; Nguyễn Thị Hương tội "Không tố giác tội phạm" là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Mặc dù các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên, số lượng ma túy mà các bị cáo tham gia mua bán là cực kỳ lớn, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng..., cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội. HĐXX tuyên phạt Phan Đình Tuấn, Hồ Sự Cơ, Phan Thanh Tòn, Vũ Thành Trung và Nguyễn Quốc Thắng tử hình. Đối với tội "Không tố giác tội phạm", Nguyễn Thị Hương bị tuyên phạt 12 tháng tù giam.
Các bị cáo bị tuyên án tử cho biết sẽ kháng cáo lên cấp cao hơn.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Bị nhóm trai làng truy đuổi, cô gái trẻ tử vong Chửi bậy nên bị một nhóm thanh niên truy đuổi, Đinh Văn Tâm đã chở Phan Thị Xuân và Nguyễn Thị Ánh bỏ chạy. Sau đó, xe máy của Tâm va chạm với xe máy của Sang khiến chị Xuân ngã xuống đường, tử vong vì nứt hộp sọ. Ngày 25/5, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét...