Combo 5 chiếc lá chuối giá 1.168.000 đồng gây choáng váng
Một loại lá chuyên dùng để gói bánh ở Việt Nam lại được bán với giá cắt cổ ở nước ngoài gây xôn xao dư luận.
Trên Amazon Nhật Bản, lá chuối xanh được bán với giá 2.280 yên (tương đương 500.000 đồng)/lá. Nếu mua 2 lá giá chỉ còn 1.980 yên/lá (tương đương 400.000 đồng).
Hình ảnh chiếc lá chuối tươi được bán trên Amazon Nhật Bản.
Đây thực sự là một mức giá khó tin đối với loại lá thường chỉ được dùng để gói bánh chưng và bán nhan nhản ngoài chợ với giá khoảng 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi được đem lên “thương mại điện tử” thì giá của nó lại tăng lên gấp bội lần.
Lá chuối có giá rất rẻ ở Việt Nam
Theo lời một phóng viên đang làm việc tại Nhật Bản cho hay, lá chuối rao bán trên trang Amazon có xuất xứ ở tỉnh Okinawa chứ không phải từ Việt Nam.
Video đang HOT
Lý giải việc giá những chiếc lá chuối “đắt đỏ”, phóng viên này cho rằng khâu vận chuyển và bảo quản sản phẩm tương đối cầu kỳ. Một cái lá chuối cần chiếc hộp rất to, bảo quản không khô héo, đi tàu điện hoặc thậm chí cả máy bay đến nơi ở của khách hàng.
“Với đánh giá của khách hàng đều ở mức độ 4,5 sao về việc vận chuyển đúng giờ và chất lượng lá khi vận chuyển đến rất tốt thì 500.000 mỗi chiếc lá chuối còn là rẻ”, chị cho biết.
Theo PV (Giadinhnet)
Loại bánh miền Tây có tên gọi nghe lạ lùng nhưng nếu lỡ trót ăn rồi thì như nào cũng muốn ăn thêm vài lần nữa
Bánh chỉ được làm từ bột gạo, hoàn toàn không nhân nhưng sức hấp dẫn thì có thể nói là ngang ngửa với các loại bánh khác ở miền Tây.
Miền Tây từ lâu đã rất nổi tiếng với các loại bánh gói bằng lá như lá dừa, lá chuối, lá dừa nước... Chính nhờ sự mộc mạc, bình dị này mà các loại bánh dân dã miền Tây vẫn được ưa chuộng suốt bao đời nay, thậm chí ngày càng được quảng bá rộng rãi sang các vùng miền khác hoặc được nhiều người nước ngoài biết đến.
Ở miền Tây có một loại bánh mà người dân vùng khác có thể sẽ ít biết, thậm chí ngay cả người dân sống tại các tỉnh miền Tây cũng chưa chắc đã từng được thưởng thức qua. Thế nhưng, có một điều đặc biệt là chỉ cần nếm thử qua món bánh này thì chắc chắn sẽ có không ít người nghiện ngay.
Tên gọi món bánh này cũng gây nhiều sự tò mò bởi bánh có tên là bánh cúng. Nhiều giả thuyết cho rằng, ngày xưa tên bánh là bánh cuốn do cách làm bánh là phải cuốn lại nhưng sau này dễ nhầm lẫn với món bánh cuốn nóng nhân thịt nên mới đọc lệch sang thành bánh cúng. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đây là loại bánh dùng để cúng ông bà, cúng giỗ, cúng rằm nên mới có tên là bánh cúng.
Bánh có hình dạng thuôn dài, bên ngoài được bao bọc bằng lá chuối, có khi được cột bằng chính dây lá chuối nhưng có khi được cột bằng dây nhựa. Và loại bánh này khi bán thì ít ai bán 1 - 2 cái mà người bán thường bó lại làm một bó 10 cái. Bởi đơn giản là bánh này ăn rất dễ gây nghiện, và việc 1 người "chén" hết 10 bánh/lần cũng là chuyện quá đỗi bình thường.
Để làm được bánh cúng thì trước tiên người ta phải làm khuôn bánh. Khuôn bánh được làm từ lá chuối tươi. Lá chuối sau khi cắt về sẽ được rửa và lau sạch rồi cắt ra thành từng miếng vuông. Miếng lá chuối vuông này sẽ được cuộn theo chiều xéo để thành một ống thuôn dài. Để thao tác cuộn trở nên dễ dàng thì người ta thường tận dụng cọng lá chuối hoặc thanh tre có đường kính phù hợp để cố định phần lá và giúp cho khuôn bánh nào cũng có kích cỡ đều nhau. Sau khi cuộn lá chuối xong thì người ta sẽ cột chặt một đầu lại sao cho thật kín để nước không thể tràn ra được.
Cũng dễ như phần khuôn, phần bánh bên trong thường được làm từ bột gạo, đa phần các nhà sẽ tự xay gạo để tăng độ ngon cho bánh. Sau đó phần bột gạo này được pha thêm nước cốt dừa, một ít muối, đường để tăng vị. Nếu thích thì có người cho thêm hành lá cắt nhuyễn vào khuấy chung với bột.
Sau khi đã chuẩn bị xong phần bột bánh thì lúc này chỉ việc đổ bột gạo đã pha loãng vừa phải vào khuôn bánh. Do một đầu khuôn đã được cột chặt nên cho dù đổ chất lỏng vào cũng không bị trào ra ngoài nhé. Sao khi bột đã được đổ đầy khuôn thì người ta sẽ gấp đầu khuôn lại và dùng dây cột chặt là xong.
Sau đó, các cuốn bánh sẽ được cho vào nồi hấp cách thủy. Thông thường, chỉ cần hấp khoảng 30 phút là bánh đã đủ hơi nóng để chín đều rồi. Khi hấp bánh thì mùi bột bánh bên trong hòa quyện với mùi lá chuối gói bên ngoài, thêm mùi hành lá, mùi nước cốt dừa xông lên càng khiến cho nồi bánh thêm phần hấp dẫn khó tả.
Bánh sau khi chín thường rất khó để bóc vỏ ăn liền vì lúc này bánh cực nóng, hơn nữa bánh lúc còn quá nóng thường dễ bị nhão nên sẽ không ngon.Vì vậy, bạn phải đợi cho bánh hơi nguội, săn lại và dai hơn thì hương vị sẽ ngon hơn rất nhiều.
Khi bánh đã giảm độ nóng, bạn chỉ cần tháo dây cột bánh ra, rồi mở từng lớp lá chuối đang cuộn tròn thì sẽ nhìn thấy phần bánh dẻo trắng nõn bên trong. Có nơi người ta còn trộn nước lá dứa xay nên bánh sẽ có màu xanh lá đẹp mắt chứ không hẳn chỉ có màu trắng đục như sữa.
Lúc này, cắn thử miếng bánh cúng, bạn sẽ cảm nhận ngay được độ mềm dẻo, một ít vị ngọt, một ít vị mằn mặn và đặc trưng nhất là vị béo của nước cốt dừa là không chê vào đâu được. Tuy bánh không hề có chút nhân nào, chỉ đơn giản là bột gạo xay. Thế nhưng, chính sự thanh đạm này đã làm cho bánh trở nên dễ ăn, dễ cảm nhận và rất dễ nghiện.
Ngày xưa, bánh cúng có thể được xem là món quà vặt rất "sang chảnh" đối với nhiều người và bánh cũng được bày bán rất phổ biến ở chợ để người dân mua về ăn chơi chứ không hẳn chỉ dùng để cúng. Ngày nay, mặc dù mức độ phổ biến của bánh ít nhiều bị giảm lại trước sự tấn công ồ ạt của nhiều loại bánh lạ mắt ở nước ngoài, thế nhưng đối với người dân miền Tây thì đây vẫn là một trong những loại bánh thân thương gợi nhớ biết bao kỷ niệm tuổi thơ khó mà quên được!
Theo Trí Thức Trẻ
Độc đáo hoa bọc lá chuối bảo vệ môi trường Không chỉ có rau, thực phẩm được bọc bằng lá chuối, giờ đây một số cửa hàng hoa cũng thay giấy gói hoa nilon bằng lá chuối. Cách làm này được khách hàng ủng hộ. Theo vtv