Cơm hấp nước dừa
Cơm hấp nước dừa (hoặc cơm dừa) là món ăn dân dã thơm ngon mà người dân Bến Tre thường làm mỗi khi nhà có khách.
Cách làm món cơm dừa của người dân Bến Tre không khác với cơm lam của đồng bào Tây Bắc là mấy. Cơm lam nấu trong những ống tre, đốt trực tiếp trên lửa, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Còn cơm dừa nấu với nước dừa, hấp trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm.
Gạo dùng để nấu cơm dừa phải chọn loại gạo dẻo, thơm. Dừa phải chọn loại trái ngọt nước, thường là dừa xiêm. Dừa để nguyên trái, dùng dao sắc gọt một đường tròn phía trên để lấy hết nước ra ngoài (giữ lại phần này để làm nắp đậy). Khi trái dừa đã được lấy hết nước, cho một lượng gạo đủ để lúc cơm chín nở đầy là vừa. Rót nước dừa săm sắp mặt gạo. Cho dừa vào trong nồi hấp khoảng một giờ.
Cơm dừa muốn ngon thì lượng nước và gạo phải vừa, nếu ít quá cơm sẽ cứng, nhiều thì cơm nhão rất khó ăn. Cơm dừa nấu chín vẫn phải để trong nồi hấp nhằm giữ cho cơm được nóng, và hạt cơm không bị đổi màu (cơm hay bị sậm màu, hoặc có màu tím khi ra không khí).
Video đang HOT
Cơm dừa ăn với tôm rang mới đúng điệu. Phải là tôm đất mới ngon. Tôm mua về cắt đầu đuôi, rửa sạch để ráo, ướp với chút muối, nước mắm, đường cho thấm. Phi thơm hành trút tôm vào xào, khi tôm ngả sang màu đỏ thì nêm gia vị và một chút nước cốt dừa vào để tôm được giòn, béo và thơm. Rang cho tới khi tôm khô se lại là được.
Ăn cơm hấp nước dừa phải ăn nóng mới ngon. Nhấm nháp miếng cơm dừa, nhai con tôm đất giòn giòn mới cảm nhận được hết mùi thơm, vị ngon ngọt, béo bùi trong từng hạt cơm. Nếu có dịp về Bến Tre, bạn hãy nhớ tìm và thưởng thức món cơm hấp nước dừa này nhé.
Theo Phụ nữ
Cơm Lam - hương vị miền Tây Bắc
Nếu ai từng một lần được thưởng thức món cơm Lam hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước món ăn tưởng không có gì đơn giản, khiêm tốn hơn, mà chứa trong đó biết bao nghệ thuật và ý tưởng của hạt gạo vùng cao trong mối giao tình với nước, lửa và những ống nứa non...
Cơm lam là món ăn phổ biến của người Thái, Tày, Nùng, Mông, Mường, Dao... "Lam" theo tiếng dân tộc có nghĩa là nướng chín một thứ nào đó trong ống nứa.
Có lẽ, câu chuyện về cơm lam đã bắt nguồn từ những chuyến đi rừng dài ngày của người đàn ông, từ những chuyến đi săn và những đêm du canh xa xưa. Không nồi chảo, không cơm nắm, cơm vắt phiền toái, chỉ một cái ruột tượng đựng gạo vắt qua vai, một con dao quắm và một hòn đá, ít bùi nhùi đánh lửa. Đói lúc nào, dừng lại ở đó sẵn dao chặt lấy vài ống nứa, sẵn gạo mang theo, sẵn nước dưới suối và lửa trong tay, thế là có thể có cơm lam. Cơm lam cũng gắn với những chuyến đi nương đi rẫy xa, những dịp vui trong gia đình, những khi cao hứng thèm ăn cơm lam thay cho cơm chín trong nồi, xôi đồ trong chõ...
Nguời dân tộc phía bắc từ Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái đều làm cơm lam. Ngoài cơm lam, họ còn có cả cá lam, chim lam, rau quả lam... Phải thừa nhận làm đồ ăn lam là một nghệ thuật tinh tế đặc biệt.
Trong quan niệm của các dân tộc như Thái, Tày, Nùng ở vùng cao Đông Bắc Việt Nam, cơm lam không chỉ là món ăn truyền thống mà còn mang một ý nghĩa tâm linh gắn với phong tục của vòng đời. Trong thế giới của người Thái cũng vậy, họ tin rằng ngoài đời thực còn có một thế giới tâm linh, ở đó con người chỉ là một phần của thế giới đa tầng, "cõi trời" hay còn gọi là Mường Then là thế giới cao cả nhất, quyết định đến cuộc sống cộng đồng và vòng đời của mỗi con người.
Trong tiếng Thái, Mường Then có nghĩa là Cõi trời, ở đó có những Phi Then (thần cai quản) đang theo dõi và ghi nhận các hoạt động của con người và 12 Then (thần) tối cao. Một trong số các Then đó có tên là Chất - Chát, có nhiệm vụ cai quản sự sinh tử, địa vị... của từng người để sau khi mất những cư dân ở "cõi tạm" sẽ trở về với cuộc sống ở Mường Then. Nhưng để có cuộc "trở về" này, họ phải có mặt trong sổ Then Chất.
Muốn vậy, ngay từ lúc sơ sinh họ đã gắn với nhiều nghi thức và những bó cơm lam truyền thống. Tập tục này được tiến hành ngay từ lúc người phụ nữ sinh con, họ chỉ được ăn loại cơm lam truyền thống, những ống lam được cất giữ cẩn thận và treo cùng với nhau thai của đứa bé nơi bìa rừng, như một thủ tục thông báo với Then Chất về sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình người Thái. Nếu thủ tục này không được thực hiện, đứa trẻ chỉ được xem như kẻ "ngụ cư" và không được về Mường Then khi tuổi già, sức yếu.
Vì sao phong tục này lại gắn với món cơm lam và những ống lam? Có lẽ, những lý giải ban đầu về tục này dựa vào nguyên liệu chế biến cơm lam. Đây là loại cơm được nấu từ lúa nương trong những ống nứa non còn nguyên những giọt nước tinh túy của trời đất bằng thứ lửa rực đỏ nơi chốn núi rừng lạnh lẽo, tính thiêng ấy thuộc về Mường Then hay Cõi trời vì vậy, nó được xem như một món ăn thiêng, vật thiêng dành để dâng lên chốn Mường. Không rườm rà, nhưng đó chính là văn hóa, một nếp sống khá chuẩn mực để người Thái luôn phấn đấu, sống tốt hơn, đẹp hơn và có ích hơn để được về với Mường Then - ngôi nhà lý tưởng của họ, cùng ống cơm lam đã đi vào từng bữa ăn, giấc ngủ và còn có những ước mơ về một ngày mai tươi đẹp Chế biến cơm Lam là cả một nghệ thuật. Song mỗi vùng, miền lại có bí quyết riêng khiến cơm Lam - hương vị quen thuộc của núi rừng Tây Bắc luôn mang dấu ấn riêng ở những nơi mà ta bắt gặp.
Vùng này còn có thứ gạo ngon nổi tiếng, người Tày gọi là gạo Khẩu lùm phua, có nghĩa là thứ gạo ăn ngon đến nỗi người đàn bà có thể quên cả phần chồng! Một cách tán tụng hy hữu, nhiều hàm ý và cũng thật dí dỏm. Đem ngâm gạo trong nước vài giờ đồng hồ như người miền xuôi chuẩn bị đồ xôi hoặc gói bánh chưng để khi lam, hạt cơm sẽ chín rền hơn. Dụng cụ để lam chính là ống nứa, hoặc ống tre non, vừa trải qua thời kỳ măng. Theo một số người thạo làm cơm lam, nứa dễ làm cơm lam hơn vì ống nhỏ, thường có lớp giấy lụa mỏng mịn trong khi lớp lụa của tre thô dầy hơn. Loại ống nứa hoặc tre non này mỗi cây chỉ chặt được khoảng từ ba đến bốn ống, mỗi ống dài độ 30 phân... Người ta dồn gạo đã ngâm vào ống, cứ ba phần gạo, hai phần nước, chào lại khoảng 5 phân gần miệng ống (để khi gạo nở sẽ kín đầy cả ống) rồi nút lại bằng thứ lá chuối non vừa chặt về đã hơ qua lửa cho mềm.
Nhiều người còn nói, cơm lam mà có được thứ nước có sẵn trong ruột nứa, sẽ thơm ngon bội phần bởi hương vị của tự nhiên, của trời đất dồn lại. Thực tế, hiếm khi có được thứ nước sẵn có đó, người làm lam vẫn dùng thứ nước suối trong vắt đựng trong những ống vầu vác về. Khi đưa ống lam vào nướng trên bếp, vỏ nứa còn xanh mướt, khi cơm lam chín, vỏ nứa cũng đã chuyển mầu. Đống lửa to hay nhỏ sẽ khiến thời gian làm cơm lam chín nhanh hay chậm, tay người xoay trở ống cơm lam khéo léo sẽ giúp cơm được chín đều.
Cơm lam phải là thứ cơm đại loại có mầu xanh của lá rừng, có hương thơm của cây rừng... nhưng nào chỉ thế. Những ống nứa non thon nhỏ dài dài như tấm mía ở chợ đã nướng sém lớp vỏ ngoài, được người làm cơm lam khéo léo róc đi lớp vỏ cật khét lửa, để lộ ra lớp vỏ giữa trắng trẻo thơm tho. Tước nhẹ từng dải như người bóc chuối chín lớp vỏ giữa đó, là đến phần lõi cơm. Lõi cơm được bao bọc bởi một lớp vỏ lụa mịn màng, mỏng mảnh, có màu trắng ngà - thứ vỏ lụa chỉ có trong ruột ống nứa non, khiến cho cơm lam có một nhan sắc rất đỗi thuần hậu mà ta muốn được nâng niu mãi.
Cơm lam gắn bó, thủy chung suốt cả đời người, ai đã từng sinh ra lớn lên cùng nó sẽ chẳng thể nào quên. Cơm Lam cũng như tấm lòng của con người miền sơn cước, mộc mạc bình dị nhưng cũng thật sâu nặng nghĩa tình, nếu đã gặp rồi sẽ còn mãi nao nao nỗi một nhớ nhung lưu luyến.
Theo MonngonHanoi.com
Khám phá ẩm thực Campuchia Ẩm thực Campuchia ảnh hưởng phong cách mạnh mẽ của Ấn Độ và Trung Hoa, hầu hết các món ăn có vị lạt, ngọt và béo. Món ăn Ấn Độ tìm thấy hầu hết ở các gia vị được dùng chủ yếu là cay như sa tế, ớt, tiêu, nhục, hồi v.v. Món ăn Trung Hoa được tìm thấy nhiều với vị lạt...