Cốm dẹp Vàm Ray
Cốm dẹp Vàm Ray được làm từ loại nếp ngon ở địa phương. Người ta thu hoạch nếp làm cốm dẹp khi nếp còn ngậm sữa. Để nếp trong nồi đất và rang bằng lửa củi.
Cốm dẹp Vàm Ray (xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) còn giữ nguyên cách làm thủ công cổ truyền. Cứ sáng sớm, 4 nhân công bắt đầu làm việc. Người thì rang nếp. Hai người dùng chày gỗ để giã. Còn lại một người giữ rổ nếp non mới rang cho hai người giã.
Khi mẻ nếp trước vừa giã xong thì mẻ nếp sau đã chín tới. Quy trình làm cốm dẹp cứ thế diễn ra đều đặn ngày này qua ngày khác. Dù luôn tay với công việc nhưng những người làm cốm dẹp nơi đây vẫn cứ trò chuyện hiếu khách.
Họ vừa làm vừa trả lời những câu hỏi của khách. Vốn tính thật thà chân chất, họ không yêu cầu khách phải mua hàng hay trả tiền, họ vẫn nhiệt tình và vui vẻ.
Video đang HOT
Làm cốm dẹp
Cốm dẹp Vàm Ray được làm từ loại nếp ngon ở địa phương. Người ta thu hoạch nếp làm cốm dẹp khi nếp còn ngậm sữa. Để nếp trong nồi đất và rang bằng lửa củi. Đây là một công việc khó khăn. Bởi vì nếu lửa không đều, ngưng tay một chút thì nếp chín không đều, có khi bị khét không giã cốm dẹp được. Người rang phải đều tay. Khi những hạt nếp vừa bung vỏ trấu thì lúc nếp vừa chín tới.
Qua bàn tay khéo léo của người làm cốm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, cốm dẹp Vàm Ray luôn được nhiều người ưa chuộng. Từng miếng cốm dẹp mỏng manh, không bị dính lại.
Cốm dẹp Vàm Rây đã trở thành “thương hiệu” cho những người tiêu dùng khó tính. Mua tại nơi sản xuất một lít cốm khoảng 10.000 đồng. Nếu tính chi chỉ bỏ công chế biến, sự tỉ mỉ của người làm cốm dẹp Vàm Rây, cảm nhận sức lao động của họ gấp nhiều lần so với giá trị họ bán được.
Theo DV
Ăn cốm dẹp nghe hương nếp ngày mùa
Nói về cốm, dân xa xứ Hà Nội xưa nay vẫn nhắc nhớ về cốm làng Vòng, còn người Nam bộ thì tự hào về món cốm dẹp của người dân Khmer miệt duyên hải Trà Vinh, Sóc Trăng.
Ảnh: Thanh Hảo
Mỗi độ thu về, khi những hạt lúa nếp đầu mùa vừa ngậm sữa căng hạt, người ta gặt về để làm cốm. Thóc nếp được sàng sảy cẩn thận rồi mang đi ngâm nước một đêm, sau đó phơi khô dưới nắng. Sau khi phơi khô, nếp được rang chín và đem ra giã. Theo kinh nghiệm được người xưa truyền lại, mẻ cốm muốn cho dẻo và ngon thì bắt buộc phải rang trong những chiếc om, hay nồi đất làm thủ công. Rang lâu quá hạt nếp sẽ cứng, nhưng nếu nhanh quá thì hạt nếp còn sống khi giã cốm bị nhão. Lúc giã cốm, hai người một nam một nữ đứng đối diện bên cối, mỗi người một tay cầm chày một tay cầm cây gạt vừa giã vừa gạt cho đến khi hạt nếp dính chày rớt xuống cối. Nếp sau khi giã cho dẹp được đổ ra nia sàng sảy cho hết trấu rồi cho vào bao kín.
Nghề giã cốm dẹp từ xưa đã là một nghề truyền thống của nhiều làng làm nghề nông của người Khmer Tây Nam bộ. Cốm dẹp thường gắn liền với lễ hội Ooc-om-boc, tức là lễ cúng trăng vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Trong đêm hội, các bậc bô lão Khmer bốc cốm dẹp thành từng nắm lớn cho vào miệng trẻ con như một lời chúc phúc, cầu cho sự no đủ lâu bền. Đối với người Khmer, cốm dẹp đã trở thành vật linh, vừa là món ăn hấp dẫn đầu mùa, vừa là phẩm vật để dâng lên thần linh và trời đất. Ngày nay, dù đã qua nhiều biến động và đổi thay kinh tế, nhưng vẫn còn nhiều làng nghề cốm dẹp như Phú Tân ở Mỹ Tú, Sóc Trăng, Ba So ở Cầu Ngang hay thị trấn Duyên Hải, Trà Vinh... Cốm dẹp cùng với cơm dừa rám nạo nhuyễn, cho vào một ít đường cát hoặc đường thốt nốt, tưới một chút nước dừa tươi lên trộn đều để chừng một giờ cho cốm dẻo là ăn được. Khi ăn, bốc từng nhúm nhỏ cốm dẹp cho vào miệng để mùi thơm của nếp sữa, vị ngọt béo dần dần thấm sâu vào lưỡi mà trân trọng mùa màng.
Theo SGTT