Cơm 2.000 đồng: Đừng “ném đá” việc thiện
“Những việc làm từ thiện thì mức giá phải trả gần như bằng 0 bao giờ cũng được hoan nghênh và chưa ai “ném đá” hay gọi là bán phá giá”, tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng Khoa kinh tế ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM) nói.
Cơm 2.000 đồng không phải “bán phá giá”
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga cho rằng, về mặt kinh tế, cơm 2000 đồng đúng là bán dưới giá thành và có thể gọi là bán phá giá. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm xã hội, quán cơm 2.000 đồng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên khó có thể gọi với cái mác “bán phá giá”. “Giống như trong giáo dục, có những người học được cấp học bổng toàn phần hoặc một phần thì đây là giải pháp dành cho một số đối tượng và không bị kiện cáo bao giờ vì lý do bán phá giá. Những việc làm từ thiện thì mức giá phải trả gần như bằng 0 bao giờ cũng được hoan nghênh và chưa ai “ném đá” hay gọi là bán phá giá”, tiến sĩ Nga nói.
Chẳng ai muốn nghèo mãi để được ăn cơm 2.000 đồng
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga cũng cho rằng, việc mở các quán cơm từ thiện 2.000 đồng không vi phạm pháp luật Việt Nam và Luật cạnh tranh bởi vì mục đích phi thương mại. Mặt khác, vì số quán này rất ít và chỉ phục vụ một số nhóm đối tượng mục tiêu nên hầu như không ảnh hưởng tới hoạt động của các quán còn lại. Ông phân tích: “Thử hình dung, một quán cơm 2.000 đồng một ngày phục vụ được 500 khách, cho nên số khách hàng được phục vụ một ngày nếu có 3 quán cơm (mỗi quán phục vụ 1 bữa trưa) chỉ là 1.500 người, nếu so sánh số người được phục vụ tại TP.HCM một ngày khoảng 1 triệu người thì chiếm 0,15%, một con số gần bằng 0. Do vậy việc xuất hiện vài quán ăn từ thiện 2.000 đồng không ảnh hưởng tới hoạt động của các quán cơm khác”.
Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu kinh tế, tiến sĩ Nga cũng chỉ ra những tác động tích cực của mô hình cơm 2.000 đồng. “Việc xuất hiện các quán ăn 2.000 đồng có một số tác động về mặt kinh tế. Thứ nhất là thêm cung cho nền kinh tế. Thứ hai, cơm 2.000 đồng sẽ giúp người nghèo tiết kiệm được một số kinh phí để họ có thể đầu tư thêm cho con cái họ học tập hoặc thêm thuốc men cho chữa trị bệnh tật, điều này sẽ tốt cho cá nhân họ và nền kinh tế. Thứ ba, tạo niềm tin cho những người khốn khó bởi họ biết rằng, vẫn có những con người tốt bụng quan tâm và lo lắng đến thân phận của người nghèo. Niềm tin là một vốn xã hội cần thiết để xây dựng một đất nước phồn vinh”, tiến sĩ Nga phân tích.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga cho rằng, những mô hình thiết thực như cơm 2000 đồng cần được nhân rộng vì những lợi ích xã hội mà nó mang đến
Tiến sĩ Nga cho rằng, những mô hình thiết thực như quán cơm 2.000 đồng cần được mở rộng hơn nữa vì những lợi ích xã hội của nó.
Ông chia sẻ: “Xã hội chúng ta tuy có làm từ thiện nhưng chưa đủ so với tiêu chuẩn khoảng 1% GDP dành cho các công việc từ thiện. Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc xuất hiện các quán cơm 2.000 đồng là đáng được hoan nghênh và nhân rộng. Dĩ nhiên, việc nào cũng có 2 mặt và sẽ có 1 số kẻ lạm dụng, nhưng cơ bản nó tạo được một hiệu ứng tốt cho xã hội, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đúng là việc mở các quán 2.000 chỉ mang tính nhất thời, cho người nghèo con cá chứ chưa phải cái cần câu, nhưng giải pháp nhất thời còn hơn không làm gì cả. Về mặt lâu dài, cần có những chính sách để người nghèo có thể tiếp cận với các dịch vụ, nhất là giáo dục và y tế, để mà con cái họ có điều kiện học hành và chăm sóc sức khỏe nhằm có một công việc ổn định với thu nhập tốt để trang trải cuộc sống”.
Chẳng ai muốn nghèo mãi để được ăn cơm 2.000 đồng
Video đang HOT
Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Từ An, giảng viên trường ĐH Bình Dương cho rằng, lao động ngoại tỉnh có một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố. “Như tất cả chúng ta đều biết, đa phần công nhân trong các khu công nghiệp lớn tại TP.HCM là người nhập cư. Vậy, hãy hình dung, nếu một ngày nào đó, tất cả công nhân nhập cư quay trở về quê quán của họ, liệu các xí nghiệp có hoạt động được với số ít công nhân là người địa phương? Rõ ràng, lao động nhập cư là một nguồn lực to lớn trong sự phát triển kinh tế của thành phố”, thạc sĩ Từ An đặt vấn đề.
Thạc sĩ Từ An khẳng định, người lao động bám trụ tại thành phố để kiếm miếng cơm manh áo bằng chính sức lao động của mình, chứ không chỉ nhờ vào cơm 2.000 đồng
Tuy nhiên, việc nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đối tượng này vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải thích hợp. Đâu đó, vẫn còn nhiều người sống trong những khu trọ èo uột, không an ninh với những bữa cơm đạm bạc. Trong hoàn cảnh như thế, bữa cơm 2.000 đồng không những không khiến người lao động ỷ lại mà còn là động lực giúp họ vượt qua khó khăn.
Thạc sĩ Từ An nhận định, trong tình huống khi mà mạnh thường quân không thể cho “cái cần câu và chỉ cách câu”, thì “con cá” lúc này là phù hợp. Cô An giải thích: “Ai cũng dễ dàng nhận thấy sự đồng cảm, sẻ chia và tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam. Vì vậy, thông qua bữa cơm 2.000 đồng này, bên cạnh việc họ tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ, có lẽ, họ cũng sẽ cảm thấy như được chia sẻ, được an ủi những khó khăn trong cuộc sống. Và đó, chính là một động lực giúp họ vượt qua những thách thức ấy để thoát nghèo. Chẳng ai muốn mình nghèo mãi mãi để được ăn cơm 2000 đồng!”.
Là một người nghiên cứu xã hội học, thạc sĩ Từ An cho rằng, người nhập cư cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các vấn đề xã hội. Nhưng không nên quy chụp rằng “mọi vấn đề xã hội nảy sinh có nguyên nhân từ người nhập cư”.
“Người nhập cư cũng có muôn vạn người, chúng ta không thể “chụp mũ” rằng một nhóm tội phạm là người nhập cư, thì tất cả người nhập cư đều vô luật pháp! Khi một vấn đề xã hội nảy sinh, chúng ta cần xem xét ở nhiều góc độ khác nhau chẳng hạn như chính sách quản lí, đội ngũ thi hành luật, ý thức người dân…”, thạc sĩ Từ An nói và khẳng định, những bữa cơm 2.000 đồng không phải là một “lực hấp dẫn” người lao động bám trụ tại thành phố. Cái họ cần là kiếm miếng cơm manh áo bằng chính sức lao động của mình. Và nếu không có bữa cơm 2000 đồng, họ vẫn ở lại thành phố để làm việc.
Thêm một tiệm cơm 2000 đồng Trưa nay (9/9), tiệm cơm Nụ Cười 4 của Quỹ từ thiện tình thương TP.HCM khai trương tại số 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM. Tiệm cơm bán đồng giá mỗi suất 2.000 đồng, hoạt động từ 11h – 12h30 từ thứ hai đến thứ 7 hằng tuần. Như vậy tại TP.HCM Quỹ từ thiện tình thương TP.HCM đã khai trương 4 tiệm cơm Nụ Cười bán đồng giá 2000 đồng, bao gồm các món xào, mặn, canh, tráng miệng, trà đá và cơm (không giới hạn) phục vụ người lao động nghèo, học sinh, sinh viên. Trước đó, các tiệm cơm Nụ Cười 1 (số 6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM), Nụ Cười 2 (số 46/22 Nguyễn Ngọc Nhựt, phường Tân Quý, quậnTân Phú, TP.HCM), Nụ Cười 3 (số 298A Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM) đã đi vào hoạt động.
Theo Minh Vương (Khampha.vn)
Chủ tiệm cơm 2.000 đồng: Đừng võ đoán!
"Nói anh xe ôm vào quán cơm 2000 đồng ăn trưa, dư ra 18.000 đồng để uống bia, tôi thấy không cần phải lý lẽ, ai nghe qua cũng phì cười. Còn nói cơm 2.000 đồng giúp người lao động bám trụ thành phố là một suy nghĩ võ đoán, không có luận điểm xác đáng", ông Nam Đồng - Chủ nhiệm quán cơm Nụ cười nói.
Ngày 5/9, trên mạng xuất hiện bài viết với tiêu đề "Một góc nhìn về cơm 2000 đồng" của tác giả Nguyễn Quảng (Milton Keynes, Anh Quốc) đưa ra những góc nhìn khác về các bữa cơm từ thiện 2.000 đồng tại Sài Gòn. Những luận điểm tác giả đưa ra đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Trong bài viết, tác giả chỉ ra rằng, việc hình thành các quán cơm từ thiện chỉ ở mức giá 2.000 đồng, chẳng khác nào bán phá giá, sẽ làm cho các cửa tiệm khác bán với mức giá 20.000 bị thua lỗ và lao động phải nghỉ việc. Tác giả cũng cho rằng, mô hình này rất dễ bị trục lợi bởi những người cố tình giả danh nghèo khó, vào quán ăn cơm từ thiện để tiết kiệm cho mình khoản tiền dôi dư, trong đó có những kẻ chăn dắt người ăn xin.
Gây tranh cãi hơn cả là quan điểm, cơm 2.000 là động lực tích cực để những người lao động nghèo khó ngoại tỉnh bám trụ lại thành phố, trong khi "phần đông số này xả rác khắp nơi, phóng uế bừa bãi...". Cuối cùng, tác giả bài viết nhận định, việc tạo điều kiện cho những người lao động nghèo có bữa cơm 2.000 đồng chỉ là cho họ con cá chứ không phải cần câu, dễ "làm suy yếu nghị lực bản thân của người tìm đến quán".
Gian bếp của tiệm cơm 2.000 đồng (Ảnh: Thanh Phương)
Gặp ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM, Chủ nhiệm quán cơm xã hội Nụ cười (TPHCM), sau khi một bài viết có cái nhìn tiêu cực về bữa cơm từ thiện 2.000 đồng được lan truyền trên mạng, ông vẫn nở nụ khiêm nhường và có cách trò chuyện bình thản khác với những phản biện hùng hồn mà người viết hình dung trước đó. Ông Nam Đồng cho biết, một trong những nguyên tắc của quán là đối với những lời phê phán, sẽ cố gắng làm tốt hơn.
Làm từ thiện bị quy tội bán phá giá
Trong bài viết trên một tờ báo mạng vừa nêu đã có những suy nghĩ thiếu căn cứ và thực tế. Đầu tiên, tác giả cho rằng, quán cơm tự thiện tạo ra sự "cạnh tranh bất bình đẳng", khi "bán phá giá", và "cứ một quán cơm 2.000 đồng được mở, đồng nghĩa một quán cơm bình thường khác phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt lao động bị mất việc". Ông Nam Đồng cho rằng, đây là luận điểm không có cơ sở lý luận kinh tế. Bởi lẽ, "nếu có năm hay ba quán hoặc vài trăm quán cơm 2.000 đồng ở thành phố cũng không làm ảnh hưởng đến tương quan cung cầu, thậm chí con số này dễ dàng lọt thỏm giữa thành phố 10 triệu dân".
Ngoài ra, ông Nam Đồng cũng chỉ ra, mỗi quán có một phân khúc thị trường riêng, tùy thuộc vào giá cả, nhu cầu và khẩu vị... của từng khách hàng. "Vì sao, ở Hà Nội có quán bán tô phở đến 750.000 đồng vẫn có người đến ăn?", ông Nam Đồng dẫn chứng. Từ thực tế, vị cựu tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM cũng cho biết, bên cạnh quán cơm Nụ cười 1 trên đường Hồ Xuân Hương (Q.3), vẫn có những hàng quán kinh doanh đồ ăn thức uống khác. Họ vẫn kinh doanh một cách bình thường, thậm chí đối xử với quán rất tốt, nhường cả vỉa hè để xe.
Xếp hàng đợi đến lượt mình vào ăn cơm 2.000 đồng (Ảnh: Thanh Phương)
Còn việc, quán cơm 2.000 đồng có thể bị lợi dụng để thu lợi bất chính từ những người giả danh nghèo khổ như bài viết nêu ra, ông Nam Đồng cho rằng đây cũng là lo ngại chính đáng. Nhưng quan trọng, con số này rất nhỏ và không đáng lưu tâm.
Ông Nam Đồng cho biết: "Một năm qua, theo quan sát ở quán cơm nếu căn cứ vào bề ngoài, quần áo, màu da... để phân biệt thì số lượng những người thuộc tầng lớp trung lưu chưa tới 2%. Trong số, 500 người, có chưa tới 10 người. Dẫu có 2% cố tình lợi dụng, vẫn tốt như thường. Bởi quán là một môi trường khơi gợi lòng thiện tâm của mỗi người. Tại đây, có bà mẹ từng đưa những đứa con rất nhỏ độ chừng 12 tuổi đến để làm tình nguyện viên vì tin rằng quán sẽ là môi trường tốt để con của họ trưởng thành hơn. Hay có những sinh viên là người nước ngoài đến quán để xin làm tình nguyện để được trải nghiệm. Nói chung, cái được vẫn lớn hơn rất nhiều lần so với cái mất. Nếu chỉ vấn đề nhỏ như vậy mà bỏ qua rất nhiều giá trị lớn khác thì không đáng".
"Nếu chúng ta không thể cho họ cần câu thì hãy cho họ con cá"
Trong lúc chuyện trò với phóng viên, vị cựu tổng biên tập cũng không quên đặt câu hỏi, liệu một người bình thường với thu nhập tốt có chịu bước vào quán ăn bữa cơm từ thiện 2.000 đồng để tiết kiệm 18.000 đồng?
"Nói anh xe ôm, vào quán cơm 2000 đồng ăn trưa, dư ra 18.000 đồng để uống bia, tôi thấy không cần lý lẽ, ai nghe qua cũng phì cười. Còn nói cơm 2.000 đồng giúp người lao động bám trụ thành phố là một suy nghĩ võ đoán, không có luận điểm xác đáng", ông Nam Đồng chia sẻ. Theo ông, quán cơm 2.000 chỉ có thể giúp cho gánh nặng trên vai của người lao động nhẹ hơn phần nào, giúp họ dư ra thêm một ít tiền để gởi về nhà mỗi tháng chứ nó chưa là điều kiện đủ để người lao động quyết định ở lại thành phố.
Những bữa cơm giá chỉ 2.000 đồng nhưng làm ấm bụng bao người (Ảnh: Thanh Phương)
Đáng lưu ý hơn cả, với suy nghĩ cơm 2.000 đồng "tiếp sức tích cực cho người lao động trong công cuộc bám trụ thành phố", trong khi "phần đông số này xả rác khắp nơi, phóng uế bừa bãi, ngủ vạ vật gầm cầu mái hiện thậm chí giữa hè phố và vô luật pháp" trong bài viết vừa rồi, ông Nam Đồng cho rằng, đây là suy nghĩ không công bằng đối với người nhập cư.
"Nếu không có lao động nhập cư, liệu nền kinh tế ở thành phố có phát triển được như vậy không? Lấy đâu ra lao động cho các xí nghiệp, nhà máy ở các khu công nghiệp, khu chế xuất? Điều đơn giản như vậy mà người viết bài không thấy? Nói người nhập cư như vậy quả là một sự xúc phạm nặng nề. Sao người viết không nhìn lại, chính anh ấy cũng là một người nhập cư tại Anh. Nếu người bản xứ cũng nhìn nhận anh ấy theo hướng tiêu cực mà anh ấy đã nhận xét người lao động tại thành phố thì sao? Ngay cả ở Mỹ, các nhà kinh tế học cũng đã chỉ ra vai trò của người nhập cư đối với nền kinh tế của họ", ông Nam Đồng phân tích.
Ăn cơm no, cụ ông được tiếp năng lượng để rong ruổi mưu sinh (Ảnh: Thanh Phương)
Cuối cùng, riêng quan điểm tổ chức bữa cơm 2.000 đồng là con cá chứ không phải cần câu như tác giả bài viết đề cập, vị chủ nhiệm quán cơm từ thiện chia sẻ: "Nếu trước mắt, chúng ta không thể cho họ cần câu thì hãy cho họ con cá, rồi sau đó từng bước tạo điều kiện để tặng thêm cần câu. Nhưng suy nghĩ kỹ lại sẽ thấy, những bữa cơm 2.000 đồng chính là cần câu giúp cho người nghèo có thêm sức lực, cần lao hơn trong công việc hằng ngày. Nhờ vậy, họ mới có thể làm việc mưu sinh khi không phải làm việc với một cái bụng đói".
Vị chủ nhiệm quán cơm từ thiện tin rằng, những người có lòng thiện tâm sẽ không bị lung lay bởi bài viết tiêu cực của tác giả này. "Người có lòng nhân ái chắc chắn sẽ không hời hợt mà tin theo bài viết. Họ làm từ thiện bằng chính số tiền thu được từ sức lao động của họ và gia đình nên chắc chắn sẽ cân nhắc kỹ. Tôi không ngại điều này. Lòng thiện tâm của người thành phố như một dòng suối bất tận, nếu biết khơi nguồn sẽ chảy mênh mông".
Ông Nam Đồng tiết lộ, sắp tới sẽ có thêm 3 quán cơm Nụ cười mới được mở, trong đó có một quán mở tại Hà Nội. Quán cơm từ thiện 2.000 đồng không chỉ trụ vững theo mong muốn ban đầu của ông và những người sáng lập mà còn phát triển rất tốt...
Theo Minh Vương (Khampha.vn)
Ấm bụng bữa cơm 2.000 đồng giữa Sài Gòn 2.000 đồng là số tiền mà tại nhiều nơi ở TP.HCM người dân không đủ để gửi xe, không đủ mua một ly trà đá. Nhưng với 2.000 đồng, đó là số tiền mà dân nghèo, sinh viên khó khăn có thể mua được cơm và thức ăn với đầy đủ dinh dưỡng. Người nghèo có được bữa cơm ấm bụng giữa một...