Color Me True Tô màu cho chuyện tình cổ tích ở rạp chiếu phim Romantic
Màu sắc sẽ khiến một tác phẩm nghệ thuật thêm đẹp đẽ và tình yêu sẽ làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa. Ở “ Color Me True”, khi tình yêu được tô màu thì những yêu thương sẽ tỏa sáng kỳ diệu.
Color Me True là một tác phẩm rất đặc biệt của năm nay khi khắc họa nên câu chuyện tình lạ lùng của con người và nhân vật bước ra từ phim ảnh. Chuyện kể về chàng thanh niên Kenji ( Kentaro Sakaguchi) làm nghề vẽ áp phích phim tại một xưởng phim. Một ngày nọ, anh đến rạp chiếu phim Romantic và ngồi xem một bộ phim cũ, đã bị lãng quên và ngay từ cái nhìn đầu tiên anh đã phải lòng nàng công chúa Miyuki ( Haruka Ayase) trong thế giới phim đen trắng, không màu. Định mệnh và phép màu đã dẫn lối cho họ gặp nhau khi nàng Miyuki đã bước đến đời thực để làm quen với cuộc sống rực rỡ sắc màu của Kenji.
Thế rồi Kenji trở thành chàng hầu bất đắc dĩ đi theo và hướng dẫn công chúa Miyuki hòa nhập vào thế giới thực. Họ bắt đầu rung động, yêu và muốn được yêu nhưng hạnh phúc muốn có được thì phải đánh đổi. Miyuki vướng phải một lời nguyền, một điều kiện khiến nàng không thể lại gần, cảm nhận hơi ấm khi được chạm vào cơ thể của con người. Chuyện tình này rồi sẽ đi về đâu? Cái kết của bộ phim sẽ cho bạn một câu trả lời thỏa đáng và trọn vẹn. Một kết thúc đẹp, ngọt ngào mà day dứt.
Color Me True có một kịch bản rất đặc biệt khi xâu chuỗi những điều mộng mơ của đời thường và phim ảnh gắn kết lại với nhau để tạo nên bản tình ca lãng mạn mang màu sắc cổ tích. Cô công chúa Miyuki vì tiếng gọi của trái tim đã dũng cảm phá bỏ ranh giới giữa phim và đời thực để đến với người mà mình yêu thương.
Chàng trai Kenji dẫu nghèo khó, tính tình thì nhút nhát, hậu đậu nhưng vì yêu nàng mà chàng dám thay đổi, mạnh mẽ theo đuổi ước mơ của bản thân và chăm sóc, quan tâm nàng hết mực. Một mối tình đẹp như những vần thơ. Một tình yêu cao thượng không vụ lợi hay toan tính. Thế giới này chỉ có chàng và nàng, sống và cảm nhận, quan tâm và chia sẻ với những yêu thương chân thành nhất.
Bộ phim là một bức tranh với những gam màu điện ảnh giàu sức gợi và mê hoặc. Hình ảnh phim được xây dựng rất tinh tế, hoàn hảo và giàu cảm xúc. Chiếc ô màu đỏ, chiếc váy màu xanh, màu vàng của nắng và màu của thiên nhiên dường như hài hòa, kết nối tạo thành một tổng thể về cảnh vật tuyệt đẹp, thơ mộng hữu tình. Vẻ đẹp của Miyuki với hai màu đen trắng vừa tương phản vừa làm nổi bật màu sắc trong mỗi phân cảnh phim. Miyuki xuất hiện khiến cuộc sống, cảnh vật xung quanh Kenji trở nên bừng sáng, tràn đầy sức sống và những điều lạ lùng.
Phim được xây dựng theo hướng kịch nghệ với bối cảnh được dựng sẵn trong không gian hẹp, giàu ánh sáng. Thời trang trong phim được đầu tư và thiết kế theo phong cách cổ điển thập niên 50 với điểm nhấn là chất liệu màu sắc giàu tính biểu tượng trên trang phục của nữ chính. Color Me True mang hơi thở của những tác phẩm kinh điển của Hollywood những năm 1950,1960 của thế kỷ trước như Roman Holiday hay Breakfast at Tiffany’s.
Màu sắc sẽ dẫn dắt khán giả bước vào câu chuyện tình nhẹ nhàng, lắng đọng và dịu êm như bản nhạc không lời da diết, làm say đắm lòng người. Bạn sẽ được mơ mộng, bay bổng và thư giãn tâm hồn trong những thước phim mang đầy hồi ức và những kỷ niệm ngọt ngào. Không sến súa hay bi lụy Color Me True là khúc ca về một tuổi trẻ tự do, về một tình yêu trong sáng.
Phim có sự tham gia của cặp đôi sáng giá của màn ảnh Nhật Bản là Haruka Ayase và Kentaro Sakaguchi. Mỹ nhân Haruka là một nữ minh tinh thuộc top quyền lực nhất của Showbiz xứ phù tang, với vẻ đẹp đằm thắm nữ tính vốn có Haruka đã hóa thân hoàn hảo thành nàng công chúa Miyuki xinh đẹp và cá tính. Đó là một nàng công chúa phim đen trắng độc đáo, quyến rũ và sành diệu.
Còn chàng trai nghèo Kenji do mỹ nam nụ cười Kentaro Sakaguchi thủ vai. Nét đáng yêu, đáng yêu và lãng tử của Kenji đã được Kentaro truyền tải xuất sắc qua lối diễn duyên dán và tự nhiên. Sự kết hợp ăn ý giữa Kentaro và Haruka đã tạo nên phản ứng hóa học tuyệt vời khiến mối tình trong phim trở nên thi vị, trong sáng và ấm áp với những khoảnh khắc vui buồn đong đầy nụ cười và nước mắt.
Color Me True là tác phẩm dành cho mọi người, những kẻ mộng mơ tin vào câu chuyện cổ tích ở đời thực. Trong giấc mơ chúng ta sẽ bắt gặp được điều kỳ diệu của số phận và tạo nên những kỳ tích mới. Giống như câu nói của ông chủ rạp chiếu phim Romantic “Nếu ngẫu nhiên gặp được sự lãng mạn thật sự thì chắc chắn thế giới này cũng sẽ được tỏa sáng như trong các bộ phim”.
Trailer “Color Me True”
Theo trí thức trẻ
"Thầy Mãi Là Thanh Xuân": "Chiều fan" bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc
Narratage (Tựa Việt: Thầy Mãi Là Thanh Xuân) đẹp về mặt thị giác, nhưng câu chuyện và cảm xúc mà nó mang đến lại rất chơi vơi.
Narratage (Thầy Mãi Là Thanh Xuân) là một bộ phim tình cảm của Nhật Bản, được sản xuất năm 2017 với sự tham gia của đạo diễn Isao Yukisada, biên kịch Anne Horiizumi và nhiều tên tuổi khác. Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách của Rio Shimamoto, bộ phim xoay quanh nhân vật Izumi Kudo (Kasumi Arimura) và hai người đàn ông - một là thầy giáo hồi cấp ba của cô, Takashi Hayama (Jun Matsumoto), một là cậu bạn đồng trang lứa Reiji Ono (Kentaro Sakaguchi).
Đúng như ý nghĩa tựa gốc "Narratage" (Lời tự thuật), bộ phim là lời tự thuật trong mơ của Kudo - một nữ nhân viên văn phòng - trong một buổi tối phải ngủ lại công ty vì làm việc muộn. Qua lời dẫn truyện của Kudo, chúng ta được chứng kiến những mảnh ký ức cắt dán đan xen giữa hai tuyến thời gian khi Kudo còn là một cô học sinh cô đơn được thầy Hayama giúp đỡ; và khi cô đã là sinh viên, quay về trường để "trả ơn" thầy bằng việc hỗ trợ cho một tiết mục nhạc kịch. Bộ phim miêu tả sự vật lộn của Kudo để cố gắng thoát khỏi tình yêu giữa cô với thầy, đồng thời nỗ lực đền đáp tình yêu của Ono dành cho mình bằng một thứ tình cảm tương tự.
Không giống như hình ảnh sáng sủa trên poster và những lời giới thiệu rằng đây là "em gái mưa của Nhật Bản", Narratage có không khí ảm đạm và nhiều sắc tối. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật quay phim tạo ra những đường nét mềm mại và mơ màng cho nhân vật mà phim không bị rơi vào trạng thái nặng nề hay u uất, vẫn đủ lãng mạn để xếp vào loại phim tình cảm nhẹ nhàng. Ánh sáng được đặc biệt trau chuốt tạo ra những khung hình đẹp và đậm tính nghệ thuật. Bộ phim cũng không giấu giếm tham vọng nghệ thuật của mình khi cho một số trích đoạn trong hai bộ phim kinh điển Floating Clouds (1955, đạo diễn: Mikio Naruse) và El Sur (1983, đạo diễn: Victor Erice) được xuất hiện trên màn chiếu và màn hình ti vi trong phim.
Tuy nhiên, phần hình ảnh đẹp đẽ này của Narratage lại dễ khiến người ta đặt ra kỳ vọng để rồi thất vọng. Câu chuyện của Narratage không đủ tương xứng với chất lượng hình ảnh của nó. Nó khá "non" và "nông", có lẽ ở dưới bề mặt một mối tình thầy trò không phù hợp với chuẩn mực xã hội thì không có gì sâu sắc được mở rộng thêm.
Cũng phải thông cảm vì tiểu thuyết gốc được viết bởi một người khi đó mới chỉ khoảng 20 tuổi. Song đó không phải lý do để biện minh cho bộ phim. Thật đáng tiếc, vì nếu Narratage được chuyển thể bởi một biên kịch chắc tay hơn, đủ khả năng để bồi thêm vài lớp ý nghĩa dưới bề mặt câu chuyện, thì hẳn đây đã là một bộ phim được công nhận. Với kịch bản có phần non yếu này, phim có lẽ cũng chỉ xếp vào loại phim thần tượng mang tính giải trí là chính.
Qua vai chính được thể hiện bởi "cục nam châm hút fangirl" Jun Matsumoto của nhóm nhạc quốc dân Arashi, cộng với những cảnh nóng rất "mượt" giữa Kudo và hai anh chàng đẹp trai, người viết ngờ rằng bộ phim chỉ muốn làm thỏa mãn "fantasy" (giấc mộng hoang dại) của các cô gái. Phim cũng phung phí cảnh hôn giữa hai thầy trò như một dạng "fan service" (chiều lòng người hâm mộ) và đôi chỗ - trong phần hình ảnh không chê vào đâu được của đạo diễn Isao Yukisada - lại lọt vào một chi tiết "sến sẩm" kiểu phim thần tượng như hình ảnh cánh hoa anh đào hình... trái tim rơi xuống từ mái tóc bềnh bồng của thầy Hayama.
Gác chuyện ý nghĩa sang một bên, kỹ thuật kể chuyện lạm dụng hồi tưởng của phim (hồi tưởng lồng vào trong hồi tưởng rồi lại lồng tiếp vào trong hồi tưởng) cũng khiến người xem đôi lúc bị chơi vơi trong câu chuyện. Tuy nhiên, vì câu chuyện đơn giản và có sự dẫn dắt của giọng dẫn truyện nên vấn đề này cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Sự lựa chọn này cũng phù hợp với tiêu đề "Lời tự thuật". Người xem được liên tục nhắc nhở rằng ta đang ở trong đầu Kudo gần như suốt cả bộ phim, nên các ký ức mới bị đảo lộn và nhảy tới nhảy lui về thời gian.
Về diễn xuất, người viết không đánh giá cao cặp đôi diễn viên chính, tuy nhiên hai người này cũng đã khá tròn vai. Người diễn tốt nhất phim có lẽ là Kentaro Sakaguchi trong vai nam phụ Ono. Diễn xuất của Sakaguchi bộc lộ một tình yêu sâu đậm đến đáng sợ, tuy mang hơi hướng nhân vật phản diện nhưng lại đem đến cảm giác cảm thông tới khán giả. Trong khi đó, tình yêu đẹp theo lý tưởng của bộ phim là tình yêu giữa Kudo và thầy Hayama lại bối rối đến khó chịu. Không biết có phải vì chênh lệch tuổi tác, hay chênh lệch danh tiếng, hay vì một nguyên do nào khác mà trái với mong muốn của kịch bản, sự kết nối giữa nữ chính và nam phụ lại mạnh mẽ và tự nhiên hơn hẳn giữa nữ chính và nam chính?
Cuối cùng thì bài học rút ra là sự cố chấp trong tình yêu sẽ biến tất cả mọi người thành xấu xa và ích kỷ, sẵn sàng lợi dụng tình cảm người khác để thỏa mãn tình cảm bản thân. Và tình yêu không phải cứ cố gắng là sẽ đạt được, hay thậm chí đạt được rồi cũng chưa chắc mang lại hạnh phúc. Hợp nhau đến như vậy, và đúng là yêu rồi, thế nhưng tình yêu không đơn giản là cảm xúc. Nó còn là trách nhiệm và sự lựa chọn.
Nói tóm lại, Narratage là một bộ phim khó có thể đánh giá rõ ràng hay - dở. Đối với người viết, có lẽ đây là một bộ phim... chơi vơi.
Trailer Thầy Mãi Là Thanh Xuân
Thầy Mãi Là Thanh Xuân hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
"Thầy Mãi Là Thanh Xuân" - Chuyện tình học đường mãnh liệt, vượt ngoài những giới hạn "Thầy Mãi Là Thanh Xuân" hứa hẹn mang lại những thước phim thấm đẫm cảm xúc về một câu chuyện tình học đường chân thành đến mãnh liệt, vượt ngoài những vòng khuôn giới hạn mà con người tự đặt ra. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn ăn khách "Narataju" của nhà văn Nhật Bản Rio Shimamoto, tác...