‘Cõi vắng’: Đương đại kết hợp ngẫu hứng với truyền thống
Tác phẩm âm nhạc mới “Cõi vắng” của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân là sự kết hợp vừa tương tác vừa ngẫu hứng của âm nhạc truyền thông và âm thanh đương đại.
Tối 27/3, tác phẩm mới mang tên Cõi vắng của “phù thủy âm thanh” Vũ Nhật Tân chính thức được giới thiệu tới công chúng trong khuôn khổ một chuỗi sự kiện Nghệ thuật thị giác, Kiến trúc và Âm nhạc được tổ chức tại Hà Nội.
“Cõi vắng” là tác phẩm âm nhạc, trường phái nghệ thuật đương đại mới nhất mà Vũ Nhật Tân giới thiệu tới công chúng. Ảnh: Lê Quang Đức
Sau nhiều dự án âm nhạc kết hợp cùng các nghệ sĩ gạo trong nhóm Đông Kinh Cổ nhạc (NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSƯT Thanh Bình,..), vơi tác phẩm âm nhạc mới này Vũ Nhật Tân quyết định hợp tác với những nghệ sĩ trẻ: Nguyễn Thu Hương (đàn T’rưng), Nguyễn Thùy Chi (đàn bầu, hát ả đào) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (đàn tranh và nghệ thuật cơ thể).
Video đang HOT
Cõi vắng với thời lượng 50 phút kể về câu chuyện nhiều gấp khúc về trái tim và những buồn vui của 3 người phụ nữ trong cuộc sống đương đại. Các nhân vật thường xuyên phải đối phó với những bon chen, gian dối, đau khổ, bế tắc ngoài cuộc sống, không còn cách nào khác họ quyết định tìm đến cửa chùa như những người con tìm về với cha mẹ. Trong không gian tâm linh, ba người phụ nữ có cảm giác được bình yên, che chở và hơn cả tâm hồn trở nên tĩnh lặng.
Tác phẩm là sự đan cài của âm nhạc truyền thống, âm thanh hiện đại và nghệ thuật múa đương đại. Ảnh: Lê Quang Đức
Tác phẩm được dàn dựng như một cuộc đối thoại, tương tác vừa ngẫu hứng giữa âm nhạc truyền thống với âm thanh đương đại. Đại diện của âm nhạc truyền thống là những nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn bầu, đàn tranh, đàn T’rưng, bộ gõ dân tộc và đặc biệt là phách và giọng hát của ca nương. Còn âm thanh hiện đại được Vũ Nhật Tân thể hiện bằng nhạc điện tử và piano.
Vũ Nhật Tân vẫn giữ nguyên phong cách âm nhạc độc đáo và nhất quán khi xây dựng âm thanh trên nền lối ứng tác lòng bản cổ truyền của dân tộc Việt Nam kết hợp với những đoạn hát thơ – đặc trưng của nghệ thuật ca trù với tiếng đàn piano kiểu mới. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân trực tiếp chơi piano cũng là người chịu trách nhiệm toàn bộ về âm thanh trong tác phẩm.
Tác phẩm kết thúc với cảnh các nữ chính quây quanh cây piano, một nhân vật gục trước mặt đàn trong khi Vũ Nhật Tân miệt mài lướt trên phím đàn như không có gì xảy ra. Ảnh: Lê Quang Đức
Cao trào của cõi vắng được đẩy đến đỉnh điểm khi âm thanh của Lục tự đại minh chân ngôn của Phật giáo Mật tông – Om mani padme hum cất lên. Các nhân vật không còn ngồi nguyên một chỗ mà di chuyển khắp căn phòng với những động tác của nghệ thuật múa đương đại. Ngoài 3 nữ nhân vật chính, tác phẩm còn có sự xuất hiện của một nghệ sĩ nam trong vai những bế tắc của cuộc sống. Động tác hình thể, khi rướn người lên cao, khi bò trườn dưới đất của nam nghệ sĩ múa gây ám ảnh với người xem.
Tác phẩm đưa khán giả đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác và kết thúc khi cả 3 nhân vật nữ chính đều tiến về phía chiếc đàn piano, một người gục trước cây đàn và 2 người đứng đằng sau cùng chắp tay theo nghi lễ Phật giáo trong khi Vũ Nhật Tân vẫn miệt mài lướt phím dương cầm, khi nhanh, khi chậm như không có chuyện gì xảy ra.
Vũ Nhật Tân cho biết anh chấp nhận sự khó hiểu của tác phẩm vì “Cõi vắng” không phải là một sản phẩm âm nhạc đại chúng, thị trường. Ảnh: Lê Quang Đức
Kết thúc buổi ra mắt, Vũ Nhật Tân chia sẻ với “Cõi vắng là sự pha trộn của nhiều dòng nhạc, nhiều lối nhạc khác nhau lại có sự kết hợp về mặt hình thể nên đúng là không dễ hiểu. Nhưng tôi chấp nhận sự khó hiểu vì đây không phải dòng nhạc đại chúng, thị trường nên không dễ tiếp cận với số đông. Giống như đồ handmade thì bao giờ cũng khác những sản phẩm làm đại trà, hàng loạt.”
“Trước đây tôi từng kết hợp với nhóm Đông Kinh Cổ nhạc trong các chương trình âm nhạc kiểu này nhưng lần này tôi muốn kết hợp với người trẻ để mang đến sự đa dạng trong màu sắc âm nhạc mà mình theo đuổi”. – nam nhạc sĩ cho biết thêm.
Theo Zing