Có VietGAP “dẫn lối”, nông dân vững tâm nuôi tôm
Mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP thuộc dự án Vì sự phát triển nguồn lợi ven biển (CRSD) đã mang lại hiệu quả tích cực cho nhiều hộ nông dân nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau. Người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nuôi tôm đạt hiệu quả và có lợi nhuận cao.
Lợi nhuận tăng lên
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp và nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng VietGAP được Ban quản lý dự án CRSD hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại huyện Đầm Dơi. Ảnh: N.Q
Tại huyện Đầm Dơi, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng được triển khai tại 161 hộ nuôi tôm trên địa bàn ấp Tân Điền, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi trên diện tích trên 100ha và sẽ tiếp tục được mở rộng thêm khoảng 90 hộ dân tham gia, với 4 tổ thực hiện.
Là một trong những hộ thực hiện thử nghiệm, ông Tô Hoài Thương cho biết: “Với mật độ thả nuôi 100con/m2, Nhà nước hỗ trợ tiền con giống 100% và 30% thức ăn, qua gần 4 tháng nuôi, tôi thu hoạch được trên 2.800kg, trọng lượng 58 con/kg.
Ngoài được hỗ trợ về nhiều mặt, điều hơn hết là chúng tôi còn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật. Trong quá trình nuôi, tôi thực hiện theo đúng lịch thời vụ ngành chuyên môn khuyến cáo, nuôi cá rô phi để tạo tuần hoàn nước nhằm hạn chế bệnh đốm trắng và đầu vàng trên tôm. Quá trình cải tạo đầm tôm cũng làm đúng hướng dẫn để bảo vệ môi trường. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lợi nhuận gần 200 triệu đồng, cao hơn cách làm truyền thống mà lại yên tâm hơn”.
Tại huyện Cái Nước, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng đã mang lại hiệu quả tích cực.
Video đang HOT
Ông Phan Văn On, một hộ dân áp dụng thí điểm mô hình chia sẻ: Cái được nhất khi tham gia mô hình là được cán bộ kỹ thuật nhiệt tình hướng dẫn. Qua đó bản thân tôi ý thức sản xuất theo hướng sạch vì áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Với số vốn tôi bỏ ra khoảng 70 triệu đồng/ha, cuối vụ nuôi thu về khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí có thể lãi gần 80 triệu đồng, một năm tôi nuôi được 2 vụ như vậy.
Mở ra hướng sản xuất bền vững
Theo kết quả nghiên cứu, tổng kết nhiều năm cũng như các kết quả điều tra xã hội về nghề nuôi cho thấy, các khó khăn của nghề nuôi được phân thành 3 nhóm chính liên quan đến yếu tố: Môi trường, kinh tế, xã hội và được cụ thể hóa trong các hoạt động sản xuất, cung cấp, ương nuôi con giống, kỹ thuật quản lý, chăm sóc, vận chuyển… Trong thực tế, ở mỗi khâu quản lý, chăm sóc đều có những đòi hỏi áp dụng những kỹ thuật chuyên biệt cho từng giai đoạn nuôi.
“Các hộ nuôi trong dự án được hướng dẫn về kỹ thuật, nhất là sau mỗi vụ nuôi thì phải có thời gian khoảng 1 tháng để cắt vụ, cải tạo lại vuông bằng cách sên bùn đen lên, phơi đầm và bón vôi bột. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tuân thủ quy trình VietGAP nên không những tăng lợi nhuận mà hơn hết còn mở ra hướng sản xuất bền vững” – ông On bộc bạch.
Anh Nguyễn Văn Tèo, cán bộ khuyến nông xã Phú Hưng cho biết: Toàn vùng dự án có hơn 240 hộ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến. Từ khi có dự án, tình hình nuôi tôm quảng canh của bà con đã thực sự hiệu quả, năng suất cũng cao hơn, trung bình từ 550-600kg/ha/vụ. Trong khi đó, với cách nuôi cũ chỉ đạt khoảng 350kg/năm.
Theo đánh giá, các hộ tham gia thực hiện các mô hình đều tuân thủ theo quy định VietGAP. Địa điểm triển khai đều nằm trong vùng quy hoạch, các chủ hộ đã tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chủ hộ đều có biển báo, đánh dấu mô hình, hồ sơ ghi chép về việc mua các sản phẩm để thực hiện mô hình, nhật ký ghi chép tất cả các bước kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Ông Quách Nhật Bình – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án CRSD tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiệu quả lớn nhất của dự án là làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất. Từ sản xuất riêng lẻ, họ đã biết hoạt động theo tổ nhóm, tuân thủ lịch thời vụ trong sản xuất, sản xuất có ý thức bảo vệ môi trường hơn và ứng dụng khoa học kỹ thuật những quy trình nuôi phù hợp, bền vững hơn”.
“Trong khuôn khổ hoạt động, dự án sẽ giúp người dân sản xuất có hiệu quả, bền vững thông qua các giải pháp kỹ thuật nhằm sản xuất đảm bảo an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu để cung ứng sản phẩm sạch từ mô hình là rất cần thiết. Hiện dự án đang xúc tiến triển khai các hoạt động này với mục đích kết nối được giữa những người nuôi tôm đảm bảo an toàn sinh học với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu” – ông Bình thông tin thêm.
Theo Danviet
Thu hơn 1 tỷ đồng/năm từ 1.200m2 nuôi tôm thẻ
Dù chỉ sở hữu ao nuôi rất nhỏ với 1.200m2 nhưng do say mê tìm tòi học hỏi, ông Đặng Ngọc Vạn ở xã Vạn Hạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vẫn bỏ túi hơn 1 tỷ đồng mỗi năm từ nuôi tôm thẻ chân trắng.
Lợi nhuận từ 1,2- 1,5 tỷ đồng
Chúng tôi tìm đến thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Hạnh khi ông Đặng Ngọc Vạn đang thu tôm vụ 3 trong năm để bán cho khách. Do giá tôm tăng cao hơn vụ tôm trước cộng thêm lứa tôm vụ 3 cũng có năng suất cao hơn nên gia đình ông Vạn rất phấn khởi. "Lần này do tôm của tôi đạt kích cỡ lớn, trung bình khoảng 48 con/kg, trong khi lứa trước là 74 con/kg, nên thương lái rất thích tôm cỡ lớn đã mua tôm sống để bán cho nhà hàng phục vụ đám cưới với giá cao hơn là 155.000 đồng/kg. Trong khi tôm vụ 2 chỉ bán được 100.000 đồng/1kg và thương lái thu mua ướp đá" - ông Vạn nói. Dự kiến vụ tôm 3 này, nếu thu hết ông Vạn có lợi nhuận khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Ông Đặng Ngọc Vạn. Ảnh: T.X
Theo ông Vạn, giống tôm của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung rất tốt. Tôm giống thả nhanh lớn, khả năng kháng bệnh cao, khả năng thích nghi với thời tiết, môi trường ở Khánh Hòa cũng rất tốt... Trong suốt 5 vụ tôm gần nhất, ông Vạn đều sử dụng con giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung và đều thu được thành công.
Ông Vạn cũng cho biết, vụ tôm 1 gia đình ông có lời hơn 300 triệu đồng. Đến vụ tôm 2, ông thu hơn 5 tấn, kích cỡ trung bình 74 con/kg, tuy giá tôm ở mức thấp nhất, chỉ bán được 100.000 đồng/kg nhưng ông Vạn vẫn bỏ túi 400 triệu tiền lời. "Nếu như giá tôm mà đạt được mức giá như năm 2012 - 2013 thì lời nhuận sẽ còn cao hơn rất nhiều. Ở thời điểm đó, với cỡ tôm như của tôi khoảng 70 con/kg cũng phải bán được trên 200.000 đồng/kg. Tính ra, so với giá hiện tại thì mỗi tấn tôm bị mất đi cả trăm triệu đồng" - ông Vạn cho biết.
Theo ông Vạn, mỗi lứa tôm ông nuôi trung bình 70 ngày, cộng với thời gian xử lý ao là 90 ngày thì một năm cũng nuôi được 3 vụ. Với giá cả thị trường ổn định thì mỗi năm gia đình ông Vạn cũng bỏ túi khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng từ nuôi tôm thẻ chân trắng. "Nếu cứ thuận lợi thì nuôi tôm vẫn được coi là một lĩnh vực có lợi nhuận cao trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều lĩnh vực khác người ta chỉ đặt mục tiêu 500 triệu đồng/ha, tôi chưa có được 1ha diện tích đất canh tác nhưng mỗi năm vẫn có tiền tỷ, qua đó cho thấy lời nhuận từ tôm thẻ chân trắng là rất hấp dẫn" - ông Vạn nói.
Để chứng minh cho việc nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, ông Vạn phân tích chi tiết: Qua nhiều vụ nuôi tôi tính trung bình thấy, với mỗi kg tôm hiện nay sẽ phải chi phí khoảng 70.000 đồng. Trong đó gồm 40.000 đồng tiền chi phí thức ăn, 10.000 đồng tiền thuốc thú y, chế phẩm sinh học, 20.000 đồng là chi phí điện, nước, nhân công... Như vậy, nếu bán được giá càng cao thì càng có lợi nhuận cao. Như giá tôm hiện tại trung bình được khoảng 115.000 - 130.000 đồng/kg tùy từng kích cỡ tôm lớn hay bé.
Thành công nhờ say mê tìm tòi học hỏi
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: T.X
Ông Đặng Ngọc Vạn sinh năm 1974, trước đây từng làm nghề đóng tàu, đến năm 2010 ông bỏ nghề về quê nuôi ốc hương. "Nuôi ốc hương thị trường bấp bênh, có lúc giá xuống thấp bán không đủ tiền vốn nên tôi chỉ nuôi có 1 năm, sau đó chuyển hẳn sang nuôi tôm thẻ chân trắng" - ông Vạn kể.
Sau 5 năm nuôi tôm thẻ, nhờ say mê, tìm tòi học hỏi, đến nay ông Vạn được giới nuôi tôm trong vùng ví như một chuyên gia. Dù ông sở hữu ao nuôi tôm rất nhỏ, chỉ 1.200m2 nhưng hàng ngày vẫn có rất nhiều "đại gia" sở hữu diện tích hàng chục ha ao nuôi tìm đến mô hình của ông để học hỏi. Thậm chí, nhiều người không chỉ mang tôm bị bệnh đến nhờ ông "bắt bệnh" tư vấn mà còn nhờ luôn ông Vạn mua thuốc trị bệnh hộ.
"Nói thật, tôi cũng chẳng có bí quyết gì cả, chỉ là tự tìm tòi, mày mò rồi đúc rút ra kinh nghiệm thôi. Mấy vụ đầu tiên, tôi cũng bị thất bại nhưng tính chung cả năm thì trong suốt 5 năm nuôi tôm, tôi chưa từng bị lỗ vốn bao giờ, hầu như năm nào cũng có lời" - ông Vạn nói.
Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Vạn cho biết, đầu tiên là phải xử lý nước thật tốt, còn môi trường nước xấu thì giống có tốt đến đâu cũng vẫn thất bại.
Người nuôi cũng phải hiểu sức khỏe của tôm như sức khỏe của chính mình, hễ tôm "hắt hơi, sổ mũi" là phải biết có nguy cơ mắc bệnh gì để chữa trị kịp thời. "Thực tế, khi để tôm bị dịch bệnh rồi thì cũng chẳng khác gì người mắc ung thư nên chữa trị vừa tốn kém và khó khăn. Đặc biệt là các loại bệnh như đốm trắng, bã thân (thân màu bã trầu) là hầu như người nuôi bó tay. Ngoài ra, còn bệnh gan tụy cũng rất khó chữa nên phương châm là phải phòng bệnh trước" - ông Vạn nói.
Một trong những bí quyết rất quan trọng giúp ông Vạn thành công chính là lựa chọn được con giống tốt. "Tôi hầu như đã thử tất cả các loại tôm giống của các doanh nghiệp đang sản xuất giống ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, sau khi đúc rút từ các vụ nuôi tôm, tôi quyết định trung thành với giống tôm của Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung ở Bình Thuận" - ông Vạn nói.
Theo Danviet
Nuôi tôm thẻ chân trắng lãi 100 triệu đồng/vụ/ha Văn Hải là 1 trong những xã vùng bãi ngang của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Do trồng trọt kém hiệu quả trong nhiều năm liền, một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ cấy lúa, trồng ngô, khoai kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy, hải sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nông dân xã Văn Hải...