Cố vấn quyền lực của Tổng thống Obama sắp mang thông điệp gì tới Trung Quốc?
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice sẽ hối thúc Trung Quốc tránh leo thang căng thẳng ở Biển Đông khi bà tới thăm Bắc Kinh vào tuần tới. Bà Rice sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Trung Quốc kể từ khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice và Tổng thống Barack Obama (Ảnh: Toronto Star)
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, bà Rice đã cam kết rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục đưa máy bay và tàu chiến tới Biển Đông, bất chấp một cảnh báo của Trung Quốc rằng các cuộc tuần tra như vậy có thể kết thúc “trong thảm họa”.
Trong bối cảnh nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ còn chưa đầy 6 tháng, nhiệm vụ lớn hơn của bà Rice trong chuyến công du từ 24-27/7 tới Bắc Kinh là nhằm giữ cho mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đi đúng hướng, trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Nhưng chuyến thăm diễn ra sau khi tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chính đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đã giận dữ bác bỏ phán quyết và ngang ngược tuyên bố tiếp tục theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
“Tôi đã liên lạc với những người đồng cấp Trung Quốc trong 2 tuần qua… Chúng tôi hiểu rõ quan điểm của mỗi bên. Chúng tôi sẽ hối thúc tất cả các bên kiềm chế”, bà Rice nói khi được hỏi về thông điệp mà bà sẽ chuyển tới Trung Quốc.
Chuyến thăm của bà Rice diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Lào và Philippines, nơi ông dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết của Washington đối với các quốc gia Đông Nam Á.
Mỹ cũng đang sử dụng ngoại giao thầm lặng để thuyết phục các bên khác có tuyên bố chủ quyền ở ở Biển Đông không hành động mạnh mẽ sau phán quyết của tòa trọng tài, giới chức Mỹ cho biết thêm.
Cách thức Washington xử lý hệ quả của phán quyết được xem là một phép thử cho sự tín nhiệm của Mỹ tại một khu vực nơi nước này đã có sự hiện diện an ninh nổi bật kể từ Thế chiến II nhưng hiện đang phải cố gắng kiềm chế một Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng.
Video đang HOT
Trung Quốc đã đáp trả phán quyết với giọng điệu cứng rắn. Nhưng một quan chức cấp cao Mỹ nói “cho tới nay không xảy ra một hành động bất ngờ” và Washington hi vọng có thể tránh đối đầu.
“Chúng tôi không tìm cách làm những việc có thể gây leo thang căng thẳng. Và cùng lúc đó chúng tôi hi vọng Trung Quốc cũng như vậy”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Bất chấp điều đó, hai máy bay dân sự của Trung Quốc mới đây đã ngang nhiên iến hành các cuộc thử nghiệm trên 2 đường băng xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa sau phán quyết của tòa trọng tài.
Và trong một động thái báo hiệu các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tiếp tục đòi hỏi các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, một tờ báo nhà nước Trung Quốc còn cho biết Bắc Kinh tính đưa 8 tàu để thực hiện các chuyến du lịch ra Biển Đông trong 5 năm tới.
Bà Rice dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm. Bà cũng sẽ chuẩn bị cho các cuộc hội đàm giữa ông Obama với Chủ tịch Tập tại thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc vào tháng 9 tới.
Nhưng trong bối cảnh vấn đề Biển Đông đang căng thẳng, bà cho biết Mỹ và Trung Quốc phải thận trọng để xử lý những khác biệt.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói thêm rằng chính quyền Obama sẽ không để các cuộc khủng hoảng tại các nơi khác trên thế giới, từ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tới Ukraine, ảnh hưởng tới chính sách tái cân bằng sang châu Á của Tổng thống Obama.
Theo Dân Trí
Phán quyết 'đường lưỡi bò' phủ bóng hội nghị ASEAN tại Lào
Các chuyên gia cho rằng ASEAN khó lòng ra được tuyên bố chung về phán quyết &'đường lưỡi bò' của Tòa Trọng tài, nhưng ít nhất sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Hội nghị đặc biệt ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc được tổ chức ngày 14/6 tại Côn Minh, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) và các cuộc họp liên quan sẽ diễn ra ngày 23-26/7 tại Vientiane, Lào.
Đây sẽ là hội nghị khu vực đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng tài ngày 12/7 ra phán quyết, tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông.
Cây bút Ben Otto của WSJ nhận xét rằng các nước thành viên ASEAN và Mỹ đã phản ứng khá thận trọng với phán quyết của tòa. Họ ra những tuyên bố kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng chưa thúc ép Trung Quốc rút lại yêu sách chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông.
Điều này có nghĩa là chương trình nghị sự tại Lào - nước chủ nhà của một loạt cuộc họp ASEAN năm nay, sẽ bấp bênh hơn so với bình thường. ASEAN từ lâu đã chia rẽ về tình hình Biển Đông, khi các quốc gia nhỏ như Campuchia bị cáo buộc ngăn không cho khối đưa ra lập trường thống nhất về vấn đề này, và các nước khác cũng sợ làm mất lòng một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của họ.
Khi Campuchia chủ trì Hội nghị ASEAN năm 2012, Trung Quốc đã vận động nước này để tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông, khiến ASEAN lần đầu tiên trong 40 năm không ra được tuyên bố chung sau cuộc họp chính của các ngoại trưởng. Hồi tháng 6, Campuchia ra tuyên bố, nói rằng họ không ủng hộ việc Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông và sẽ phản đối bất cứ tuyên bố nào của ASEAN ủng hộ phán quyết.
Hiện chưa rõ Lào, quốc gia giáp với Trung Quốc và nhận được lượng lớn đầu tư lớn từ Bắc Kinh trong những năm gần đây, có lái chương trình nghị sự ASEAN chệch ra khỏi vấn đề hóc búa đối với Trung Quốc hay không.
Các nhà ngoại giao khu vực cho biết Trung Quốc đã vận động nhiều nước để tránh ra tuyên bố chính thức đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài hoặc luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, họ cũng cho biết một số nước ASEAN đang thúc đẩy để vấn đề này giành được nhiều sự chú ý hơn. I. Derry Aman, giám đốc đối tác đối thoại và hợp tác liên khu vực của Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết Jakarta sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận về Biển Đông tại cuộc họp, bao gồm cả việc đề cập đến vấn đề này trong tuyên bố bế mạc.
"Đây là một cuộc đàm phán, vì vậy điều quan trọng là chúng ta đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung", ông Aman nói. Ông nhắc đến hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia vào năm 2012 và nói: "Chúng tôi phải tránh tình huống như thế xảy ra một lần nữa".
Khó đề cập đến phán quyết
Trung Quốc không có vai trò chính thức trong giai đoạn đầu của hội nghị cuối tuần này, nhưng vào sáng 24/7, họ sẽ sẽ hội đàm với khối ASEAN. Ngày 25/7, Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác dự kiến cùng ASEAN tham gia hội nghị ngoại trưởng Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN 27 thành viên - một hội nghị về an ninh.
Một người am hiểu về kế hoạch của các nước thành viên ASEAN cho biết một số nhà ngoại giao đặt hy vọng cao vào hội nghị, hy vọng rằng nó sẽ đưa ra tuyên bố "chưa có tiền lệ" về địa chính trị sau phán quyết của Tòa Trọng tài.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong khu vực hoài nghi về khả năng này. "Tôi nghĩ rằng may ra thì ASEAN sẽ đề cập gián tiếp đến phán quyết trong tuyên bố cuối cùng của họ, chứ chưa nói đến là có cách tiếp cận mới", Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Ishak Yusof tại Singapore, nhận xét.
Theo Diplomat, Termsak Chalermpalanupap, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Ishak Yusof ở Singapore nhận xét rằng các ngoại trưởng tham dự AMM lần thứ 49 là một nhóm tương đối thiếu kinh nghiệm. Chỉ ba người trong số họ (ông Retno Marsudi của Indonesia, ông Anifah Aman của Malaysia, và ông Phạm Bình Minh của Việt Nam) đã tham dự Hội nghị AMM lần thứ 48 tại Kuala Lumpur tháng 8 năm ngoái. Mối quan hệ của họ vẫn chưa phát triển. Người chủ trì, Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith, chỉ vừa nhậm chức được 4 tháng.
Trong bối cảnh đó, ASEAN dễ bị can thiệp và thao túng bởi bên ngoài. Ngoại trưởng Lào sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn từ tất cả các bên, đặc biệt là về việc nói gì và tránh đề cập gì về vấn đề Biển Đông trong thông cáo chung của AMM, và tuyên bố của Chủ tịch Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Ông cho rằng ASEAN sẽ khó lòng đưa ra được tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài, vì có bất đồng ý kiến trong nội bộ, nhưng ông nhấn mạnh thực tế rằng phán quyết vốn đã ràng buộc pháp lý với tất cả các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bao gồm cả Trung Quốc.
Chalermpalanupap cho rằng ít nhất, ASEAN có thể nhắc lại những nguyên tắc ủng hộ hòa bình về vấn đề Biển Đông, lên tiếng ủng hộ cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Philippines và Trung Quốc. Họ cũng có thể yêu cầu sự hỗ trợ của các nước bên ngoài, nhất là những đối tác đối thoại của ASEAN như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và EU, để khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp và đề cao tính thượng tôn pháp luật trong vấn đề Biển Đông.
Ông Storey thì cho rằng hội nghị những ngày sắp tới sẽ không phải là dịp để thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc. "Trung Quốc chưa sẵn sàng thoả hiệp trước khi tòa ra phán quyết và chắc chắn bây giờ cũng không", ông nói thêm.
Theo Vnexpress
Uy lực sấm sét của 'rồng lửa' S-400 Triumf được đồn thổi sắp về Việt Nam Tên lửa S-400 Triumf của Nga được chính chuyên gia Mỹ đánh giá là &'hệ thống vũ khí với khả năng đáng kinh ngạc và đánh bại nó là điều vô cùng khó khăn'. Theo những tin tức mới nhất trên báo Infonet, tạp chí quốc phòng Kanwa (Canada) cho hay Quân đội Việt Nam đang muốn mua hệ thống phòng thủ tên...