Cố vấn Hoa Kỳ về quyền của người khuyết tật thăm Việt Nam
Cố vấn Hoa Kỳ chuyên trách về các vấn đề liên quan tới quyền lợi quốc tế của người khuyết tật, bà Judith Heumann vừa có chuyến thăm tới Việt Nam, từ 26-30/4/2014.
Trong thời gian ở Việt Nam, bà đã có cuộc gặp gỡ và làm việc với một số cơ quan chính phủ, tư nhân và đại diện của xã hội dân sự ở Việt Nam nhằm trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm, liên quan tới quyền lợi của người khuyết tật.
Ngày 29/11 bà Judith Heumann đã tham dự buổi chiếu bộ phim tài liệu của Mỹ “Những Cuộc Đời Đáng Sống” (Lives Worth Living), một ký sự truyền hình đầu tiên của Mỹ về cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người khuyết tật, một trong những cộng đồng thiểu số lớn nhất ở nước Mỹ.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear phát biểu khai mạc buổi chiếu phim
Bộ phim dài 1 giờ đồng hồ đã ngược về quá khứ khi hàng triệu người khuyết tật không thể tiếp cận được trường học, xe buýt, các toà chung cư và bị đối xử phân biệt khá nặng nề tại Mỹ. Phim kết thúc với việc Luật Người khuyết tật Mỹ được thông qua, hứa hẹn sự thay đổi trong cuộc sống của hàng chục triệu người.
Thông điệp bộ phim gửi gắm là những người khuyết tật hãy đoàn kết, tạo thành một cộng đồng lớn mạnh và đấu tranh vì lợi ích của cộng đồng của mình.
Sau buổi chiếu phim, bà Judith Heumann đã có buổi giao lưu với khán giả. Bà hy vọng và mong muốn rằng bộ phim này sẽ được trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam để nhiều người dân, trong đó có những khuyết tật có cơ hội cảm nhận và chia sẻ; đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam quan tâm hơn nữa việc cải thiện điều kiện sống và việc làm cho người khuyết tật.
Video đang HOT
Buổi chiếu phim “Những cuộc dời đáng sống” có sự tham gia đông đảo của người khuyết tật
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về khó khăn lớn nhất mà người khuyết tật ở nhiều nước trên thế giới hiện nay đang gặp phải, bà Judith Heuman cho biết, đó chính là người khuyết tật không biết được về quyền của mình cũng như chính phủ nhiều nước không thực hiện quyền của người khuyết tật, họ không xây dựng luật, ban hành chính sách để thực hiện quyền của người khuyết tật.
“Tôi được biết ở nhiều nước, người khuyết tật đang cố gắng nói lên tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của mình trong cuộc sống,” bà Judith Heuman cho hay.
Theo bà, “Hiện nay đã có 143 quốc gia trên toàn thế giới phê chuẩn công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, hy vọng rằng, Việt Nam sẽ là nước tiếp theo ký và phê chuẩn công ước này trong năm nay. Với việc ký và phê chuẩn công ước, tôi hy vọng chính phủ, các cơ quan liên quan, cũng như các tổ chức xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa, thực hiện quyền của người khuyết tật, tiến hành sửa đổi, thực thi luật hiện hành về người khuyết tật.”
Bà Judith Heuman chụp ảnh cùng với một khán giả sau buổi chiếu phim
Cũng trong ngày 29/4, bà Judith và Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội Nguyễn Trọng Đàm đã đồng chủ trì buổi tọa đàm về hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về nội dung liên quan đến người khuyết tật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Theo trang Web của Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội, tại buổi tọa đàm, bà Judith E.Heumann đánh giá cao những nội dung, kết quả mà phía Việt Nam đã đạt được liên quan đến người khuyết tật. Bà mong muốn có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm đã đúc rút tại Hoa Kỳ và hỗ trợ cho các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội nhằm chăm sóc và cung cấp cơ hội kinh tế cho người khuyết tật.
Tuy nhiên, Bà Judith E.Heumann lưu ý phía Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, trong đó có việc đào tạo đội ngũ giáo viên có kỹ năng, năng lực để dạy những học sinh đến học là người khuyết tật. Bà nhấn mạnh, Việt Nam cần chú trọng xây dựng các công trình mà ở đó người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng.
Nam Hằng
Theo Dantri
Lao động khuyết tật: từ thiện hay nguồn lực?
Dù nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tuyển NKT vào làm việc, nhưng đến nay vẫn ít doanh nghiệp hưởng ứng. Một nguyên nhân không nhỏ là nhiều doanh nghiệp đang ngộ nhận khi xem việc tuyển lao động khuyết tật là từ thiện chứ không phải nguồn lực.
Quan điểm sai lầm
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (NKT), trong đó khoảng 1,6 triệu NKT còn khả năng lao động. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng này rất cao. Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thì tỷ lệ này có thể là khoảng 30%, 70% có việc làm thì rất ít người có việc làm thu nhập ổn định, rất nhiều người nằm ngoài thị trường lao động chính thống.
Việt Nam có đến 1,6 triệu NKT còn khả năng lao động nhưng rất ít người có việc làm ổn định
Phát biểu trong 1 hội nghị NKT gần đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cách nhìn nhận của xã hội với NKT đã có sự thay đổi lớn, từ chỗ tiếp cận theo nghĩa từ thiện, nhân đạo sang bảo đảm quyền của NKT. Tuy nhiên, cách nhìn này chỉ mới bắt đầu thay đổi, còn ở lĩnh vực việc làm, cách nhìn từ thiện vẫn chiếm ưu thế.
Một lãnh đạo doanh nghiệp lớn tự hào là đã tạo điều kiện để tuyển hàng chục NKT vào làm việc và xếp hành động này vào... thành tích từ thiện xã hội của công ty. Một tổ chức xã hội dân sự cũng tuyển nhiều NKT vào làm công tác văn phòng nhưng trả lương không cao với lý do mà vị Phó chủ tịch tổ chức này chia sẻ là: "Em thấy đó, các em bị tật vậy có làm được gì đâu!".
Theo ILO Việt Nam, đó là sự phân biện đối xử, thái độ tiêu cực và giả định chưa đúng về khả năng của NKT. Tiến sĩ Gyorgy Sziraczki, Trưởng đại diện ILO Việt Nam nhận định: "Việc doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT có nhiều điểm lợi vì họ gắn bó với doanh nghiệp, tạo sự đa dạng trong lao động, khai thác thế mạnh của họ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển".
Một nguồn lực lớn
Nhận định của ông Gyorgy Sziraczki được chứng minh rất rõ ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động như ngành may mặc, giầy da ở tỉnh Đồng Nai. Theo khảo sát sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động là NKT, bố trí họ làm việc ở các khâu phù hợp, nhiều nhất là NKT dạng liệt chi dưới vì hai tay họ vẫn làm việc được bình thường.
Việc tuyển dụng lao động khuyết tật ở đây rất hiệu quả vì vấn nạn lớn nhất của lao động ngành may mặc, giầy da là tình trạng dịch chuyển lao động, lao động không gắn bó với doanh nghiệp. Vào mỗi đầu năm, doanh nghiệp ngành này tốn khá nhiều chi phí để tuyển dụng công nhân và đào tạo công nhân mới vì lượng công nhân bỏ sang công ty khác rất cao. Nhưng với lao động khuyết tật, họ rất gắn bó với doanh nghiệp và doanh nghiệp không phải đối mặt với rủi ro trên.
Bà Nguyễn Thị Kiều Giang, Chủ tịch Hội Người mù huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: "Thực tế chứng minh NKT nói chung có sự chịu khó rất cao. Chúng tôi rất cần việc làm ổn định để cải thiện kinh tế gia đình, hoà nhập cộng đồng. NKT có thể trở thành những người lao động tốt".
Theo ILO Việt Nam, ngành lao động việc làm ở Việt Nam phải đánh giá lại vấn đề này, phải xem xét dưới góc độ NKT là 1 nguồn lực của thị trường lao động. Ông Gyorgy Sziraczki cho biết: "ILO ước tính Việt Nam mất 3% GDP vì NKT phải đứng ngoài thị trường lao động. Đó là một sự lãng phí tiềm năng rất lớn".
Bà Lưu Thị Ánh Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (Khuyết tật & Phát triển - DRD) cũng đồng tình: "Nếu doanh nghiệp nghiên cứu và cải tạo 1 chút môi trường làm việc cho phù hợp với NKT thì đây sẽ là 1 lực lượng lao động tốt, góp ích cho sự phát triển doanh nghiệp. Sự cải tạo này cũng không quá tốn kém mà chỉ là 1 số chi tiết như bố trí lại đường đi đến chỗ làm, nơi ngồi làm việc, nhà vệ sinh...".
Theo Dantri
"Càng là người khuyết tật càng cần cố gắng vươn lên!" Bị gù lưng bẩm sinh, sức khỏe yếu nhưng Nguyễn Thị Thanh Hiếu chưa bao giờ nản chí. Chị cặm cụi học nghề may rồi tìm được việc làm ổn định. Chị tâm sự: "Càng trở ngại người khuyết tật càng cần vươn lên, cố gắng hết mình để có một việc làm ổn định!". Nhìn dáng hình nhỏ bé và yếu ớt...