Cố vấn của ông Trump nói nên trừng phạt bà Clinton vì phá hoại bầu cử
Cố vấn thân cận của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đồng thời là thư ký báo chí sắp tới của Nhà Trắng Sean Spicer cho rằng Mỹ nên tập trung nhiều hơn vào việc trừng phạt cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton do những hành vi được cho là phá hoại bầu cử của bà, thay vì xoáy sâu vào các cáo buộc can thiệp bầu cử của Nga.
Ông Sean Spicer (Ảnh: Fox)
Ông Sean Spicer, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ định làm thư ký báo chí Nhà Trắng trong chính quyền mới, ngày 2/1 cho rằng truyền thông Mỹ đang đưa tin lệch lạc và chỉ tập trung vào “một phía của câu chuyện”. Cụ thể, theo ông Spicer, chính phủ Mỹ nên tập trung nhiều hơn vào các biện pháp trừng phạt bà Hillary Clinton vì hành vi “phá hoại” của ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, thay vì dồn quá nhiều sự chú ý vào câu chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ và làm tổn hại đến nền dân chủ của Washington.
“Tại sao chúng ta không đề cập đến việc Hillary Clinton được “phím” trước những câu hỏi tranh luận. Đó là bằng chứng hợp lệ cho thấy nỗ lực phá hoại một cuộc bầu cử khi một ứng viên được nhận những câu hỏi tranh luận ngay từ đầu và có thể đưa ra câu trả lời trước khi bước ra tranh luận”, ông Spicer nói, ám chỉ Donna Brazile – cựu bình luận viên của CNN và là thành viên của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) – người được cho là đã tiết lộ trước câu hỏi tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống cho cựu Ngoại trưởng Mỹ.
“Khi nào chúng ta bắt đầu nói về mặt còn lại của câu chuyện, rằng bằng cách nào mà Hillary Clinton đã can thiệp vào cuộc bầu cử? Liệu bà ấy có nên bị trừng phạt không?”, ông Spicer nói thêm.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump từng tuyên bố sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra cáo buộc sử dụng thư điện tử sai cách của bà Clinton khi bà còn giữ chức ngoại trưởng, thậm chí còn dọa sẽ bỏ tù bà nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng, ông Trump lại chia sẻ với báo giới rằng ông không muốn làm “tổn thương” gia đình Clinton.
Trong bối cảnh truyền thông Mỹ đang dành nhiều sự quan tâm cho câu chuyện Nga đứng đằng sau các cuộc đột nhập vào hệ thống mạng của Washington, ông Spicer nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Moscow tấn công mạng để chi phối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Trong khi đó, tỷ phú Trump cho rằng những cáo buộc nhằm vào Nga là “nực cười” và khẳng định ông không tin vào các báo cáo của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) liên quan đến vấn đề này. Tân tổng thống đắc cử úp mở việc sẽ hé lộ các thông tin về vụ tấn công mạng trong ngày hôm nay 3/1 hoặc ngày mai.
Thành Đạt
Theo Independent
Video đang HOT
Những nghị sĩ Cộng hòa có thể "ngáng đường" ông Trump
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 và bắt đầu thi hành những chính sách mới. Tuy nhiên, những kế hoạch mà ông Trump dự định áp dụng trong chính phủ mới có thể sẽ vấp phải sự phản đối của những thành viên trong chính đảng Cộng hòa của ông.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Business Insider)
Thượng nghị sĩ John McCain
Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những người ủng hộ ông Trump khi ông mới chính thức trở thành ứng cử viên đại diện của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, sau khi những đoạn băng tố cáo ông Trump có những bình luận khiếm nhã về phụ nữ bị tiết lộ, thượng nghị sĩ McCain đã thay đổi quan điểm và liên tục chỉ trích ông Trump, đặc biệt là những phát biểu của ông Trump về các vấn đề ngoại giao.
Liên quan đến căng thẳng mới đây nhất giữa Mỹ và Nga. Trong khi ông Trump cho rằng việc Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là "nực cười" thì thượng nghị sĩ John McCain lại kêu gọi Quốc hội thành lập một ủy ban điều tra vụ việc. Ông John McCain cũng phản đối việc tân tổng thống Mỹ có ý định áp dụng lại hình thức tra tấn dội nước vào đầu phạm nhân.
Thượng nghị sĩ Rand Paul
Giống ông John McCain, thượng nghị sĩ Rand Paul cũng chuyển từ ủng hộ sang công khai phản đối những phát biểu và quyết định của ông Trump. Là một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Paul chỉ trích sự lựa chọn ngoại trưởng mới của ông Trump.
Hồi tháng trước, ông Trump đã chọn Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Exxon Mobile, ông Rex Tillerson, làm ngoại trưởng trong chính quyền của mình. Ông Tillerson được biết đến là một doanh nhân có mối quan hệ làm ăn rất thân thiết với Nga. Về vấn đề này, ông Rand Paul cho biết ông có "một cái nhìn cởi mở", nhưng không nói rằng ông sẽ ủng hộ quyết định của ông Trump.
Thượng nghị sĩ Rand Paul là người theo chủ nghĩa tự do và điều này sẽ khiến ông có những quan điểm xung đột với tân tổng thống trong nhiều vấn đề như nhập cư, hành pháp và các rào cản thương mại.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan
(Từ trái sang phải) Tổng thống đắc cử Donald Trump, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và thượng nghị sĩ John Mccain (Ảnh: whorunsgov)
Những ưu tiên trong chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump và của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan trái ngược nhau. Trong khi ông Ryan từ lâu vẫn theo đuổi việc thay đổi chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare thì ông Trum lại cam kết bảo vệ chương trình này.
Sự xung đột trong chính sách giữa ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Ryan chỉ còn là vấn đề thời gian. Và khi đó ông Ryan sẽ khiến những chính sách của tân tổng thống gặp nhiều khó khăn.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã không đứng về phía ông Trump ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử. Ông cho rằng ông Trump không đủ khả năng để giải quyết những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt và ông Trump sẽ "hủy hoại" đảng Cộng hòa.
Cũng giống thượng nghị sĩ John McCain, ông Graham chỉ trích ông Trump vì những quan điểm liên quan những vấn đề đối ngoại. Hồi tuần trước, chính ông Graham đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Thượng nghị sĩ Ben Sasse
Thượng nghị sĩ Ben Sasse là một trong những thành viên Cộng hòa phản đối ông Trump nhiều nhất trong suốt chiến dịch tranh cử. Khi ông Trump đưa ra lựa chọn cho vị trí ngoại trưởng, ông Ben Sasse đã bày tỏ sự hoài nghi rằng liệu mối quan hệ thân thiết giữa ông Tillerson và Nga có thực sự phù hợp để ông giữ vị trí này hay không.
Ông Ben Sasse cũng có những ưu tiên về chính sách hoàn toàn khác biệt với chủ nhân mới của Nhà Trắng về nhiều vấn đề.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio
Thượng nghị sĩ Marco Rubio đặc biệt phản đối ông Trump về các vấn đề ngoại giao, nhất là quan điểm về Nga. Ông Rubio là một trong những người đầu tiên tỏ ra hoài nghi việc Tổng thống đắc cử lựa chọn ông Tillerson làm ngoại trưởng mới. Ông Rubio cho rằng: "Một người bạn của ông Vladimir Putin không phải sự lựa chọn tôi kỳ vọng cho chức ngoại trưởng Mỹ".
Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng là một thành viên của Ủy ban đối ngoại thượng viện và sẽ cùng các thành viên khác bỏ phiếu quyết định ông Tillerson có trở thành ngoại trưởng mới của nước Mỹ hay không.
Thống đốc bang Ohio John Kasich
Ngay từ khi ông Trump vận động tranh cử, Thống đốc bang Ohio John Kasich đã công khai bày tỏ sự phản đối đối với ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Cánh tay phải của ông Kasick - chiến lược gia John Weaaver - cũng liên tục công khai chỉ trích ông Trump trên mạng xã hội Twitter.
Mặc dù không phải một nghị sĩ song ông John Kasich vẫn có thể ngáng đường ông Trump trong phạm vi của mình.
Nhật Minh
Theo CBS News
Phản ứng của ông Trump sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với Nga Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tỏ ý chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Barack Obama áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử năm nay. Tổng thống đắc cử Donald Trump. (Ảnh: AFP) Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua 29/12 đã yêu cầu trục xuất 35 người...