Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh
Sau Tết Nguyên đán, hàng chục ngàn lượt du khách lại lên chùa Non (còn gọi là chùa Thần Đinh) trên đỉnh núi Thần Đinh.
Dù không còn nguyên vẹn, nhưng chùa Non vẫn mang nhiều huyền tích tâm linh, được người xưa coi là chốn cửa Phật.
Vài năm trở lại đây, khi tỉnh Quảng Bình mở đường bậc cấp để dễ dàng lên núi thì chùa Non trở thành điểm du lịch được nhiều du khách tìm đến sau Tết. Bởi ngoài vãn cảnh và thăm thú chốn chùa thiêng, lên đây du khách còn được nghe những truyền thuyết về Phật và những câu chuyện sử xa xưa.
Núi Thần Đinh ở thôn Rào Đá, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cách TP Đồng Hới hơn 30km về phía Tây Nam. Núi có độ cao 405m so với mực nước biển. Du khách đi trên đường Hồ Chí Minh (nhánh đông), đến địa phận xã An Ninh có một ngã ba rẽ lên phía Tây, đi chừng 8km sẽ đến chân núi Thần Đinh. Từ chân núi lên đến đỉnh núi du khách phải trèo qua 1.260 bậc đá, trong đó nhiều bậc được giữ nguyên xưa, khi trèo qua du khách như còn thấy những dấu chân của tiền nhân in lại…
Nét đẹp như tranh của ngọn núi Thần Đinh nhìn từ dòng sông Đại Giang.
Theo con đường xây bằng đá, chúng tôi leo lên núi Thần Đinh. Đường lên Thần Đinh, dù nay đã được lát đá bậc cấp, nhưng vẫn làm trên nền lối cũ, nên ngoằn ngoèo vắt qua sườn núi, hai bên cây cối rủ um tùm. Càng leo lên cao không khí càng mát mẻ bởi những làn gió biển mùa xuân thổi lồng lộng. Lên đến bậc cao nhất, đứng trên núi nhìn về phía Đông, là một vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Quảng Ninh và TP Đồng Hới, có dòng sông Đại Giang (hay còn gọi là Long Đại, đoạn nguồn của sông Nhật Lệ) chảy uốn lượn rất hữu tình dưới cầu đường sắt và cầu đường bộ Long Đại – một “tọa độ lửa” thời chiến tranh chống Mỹ – rồi vào đoạn sông Nhật Lệ để tuôn ra biển cửa sông Nhật Lệ.
Cũng đứng trên đỉnh núi Thần Đinh, nhìn xuống sẽ thấy một đoạn đường Hồ Chí Minh vắt ngang dòng sông Đại Giang, cả vùng đất như biến thành một bức tranh thủy mặc đầy sức sống. Các dòng sông Rào Trù, Rào Đá ở quanh Thần Đinh cũng uốn mình lúc ẩn lúc hiện dưới chân núi, giữa đôi bờ cây ngan ngát xanh. Từ đỉnh cao nhất của núi nhìn về biển, phía rất xa ta còn thấy dáng dấp ẩn hiện một vùng đô thị của thành phố Đồng Hới và biển xa xa hút tầm mắt.
Dòng người nối đuôi nhau chinh phục cung đường mòn dẫn lên chùa Non.
Trên đỉnh Thần Đinh có một khu đất bằng phẳng, rộng chừng 400m2, có rừng cây lớn, chính là nơi người xưa đã chọn để xây cất khu chùa Non. Qua bao năm tháng nắng mưa, trên núi vẫn còn lại nhiều di tích của ngôi chùa cổ. Chùa xưa có tám gian, bây giờ chỉ còn lại những bức tường đá, những ô cửa và bệ thờ đầy rêu phong. Trên khoảng đất bằng phẳng đó, hiện vẫn còn nguyên vẹn mấy cái miếu nhỏ, ẩn hiện dưới tán cây râm mát, bên những gốc cây cổ thụ. Ngày có nhiều du khách lên núi, khung cảnh miếu, chùa hoang tàn ẩn hiện trong khói hương bay la đà trông thật huyền ảo.
Video đang HOT
Một ngôi miếu nhỏ còn sót lại.
Các vị khách vãn cảnh chùa thắp nén nhang tưởng nhớ các bậc tiền nhân.
Núi Thần Đinh và chùa Non là nơi có nhiều truyền thuyết về chốn tiên, Phật. Xưa núi Thần Đinh còn có tên gọi là Bất Nghĩa Sơn… Vì tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, do gọi các ngọn núi thì đều hướng về tây, riêng núi Thần Đinh này quay lưng lại. Chùa Non trên núi Thần Đinh xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 21 (1701) đời vua Lê Huy Tông, sau đó bị hư hỏng do loạn lạc. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) dựng tạm lại chùa lợp tranh, đến năm thứ 10 (1829) người địa phương mới quyên triều tu bổ và lợp lại bằng ngói.
Ngày nay lên với chùa Non, cảnh vật cũng không khác mấy so với những gì mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã từng mô tả: “Sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động hẹp phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động có hai tầng. Đá xếp hệt như bàn ghế, có viên giống tượng Phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rủ xuống. Thạch nhũ trong động có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi. Ngoài động có giếng đá nước ngọt, không bao giờ cạn”. Toàn đỉnh núi Thần Đinh là những dãy đá vôi thấp màu xám đen, lô nhô như những dãy núi nhỏ mọc lên từ một đỉnh núi lớn trông rất kỳ lạ. Phải chăng vì vậy mà người xưa mới đặt tên là chùa Non?
Đường lên núi Thần Đinh rợp bóng cây xanh.
Bên trong một hang động trên núi Thần Đinh.
Núi Thần Đinh có ba ngọn. Đá xếp chồng lên nhau gợi cho ta tưởng tượng đây là vị quan viên đội mũ cánh chuồn đang đọc văn. Kia là hình con đại bàng tung cánh, nọ là con hổ đang nhe nanh vuốt. Ngôi chùa Non xưa có tám gian, nay chỉ còn lại những mảng tường đá rêu phong, đổ nát, chen đầy cây cối, giữa một vạt đất bằng phẳng đầy cổ thụ. Chỉ một căn miếu nhỏ nằm lẻ loi ở rìa cây phía Bắc là còn khá nguyên vẹn.
Từ bãi bằng này đi tiếp vào vài chục mét, xuống 100 bậc đá theo triền núi ta bắt gặp giếng Tiên. Nước từ trong các khe núi đá chảy ra đọng lại ở một hốc đá nhỏ và thành giếng Tiên. Lạ thay, dù nằm ngay giữa bốn bề là đá khô khốc, lại ở trên đỉnh núi cao như vậy mà giếng luôn đầy nước mát lạnh, trong vắt. Khi đã lên với chùa Non, không mấy du khách quên lấy nước giếng này mang về dùng để cầu phúc, cầu an lành cho một năm mới.
Nhiều khách đến viếng núi Thần Đinh thường tìm đến khu vực giếng Tiên để lấy nước về dùng cầu an, cầu phúc dịp năm mới.
Bên cạnh đường xuống giếng có một số hang động nhỏ, trong đó nổi bật là động Chuông, động Trống. Khi có ai gõ vào đá hoặc những cơn gió mạnh đi qua là vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ. Trong động có hai tầng, đá xếp hệt như bàn ghế, có viên đá giống tượng Phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Trước động về phía tả lại có một động, thạch nhũ trong động chỗ ẩn chỗ hiện, có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi… Xung quanh động là các dãy đá vôi lởm chởm xếp chồng nhau trông rất ngoạn mục.
Dưới chân núi Thần Đinh ngày nay, tỉnh Quảng Bình và bà con tăng ni Phật tử trong cả nước đã xây dựng một khu đón khách khang trang, tạo thành khu du lịch tâm linh Thần Đinh hấp dẫn với du khách thập phương mỗi độ xuân về.
Hành trình lên đỉnh núi Chư Mom Ray
Sáng sớm, đứng sau trụ sở làm việc của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) nhìn về ngọn núi Chư Mom Ray thật đẹp.
Đỉnh núi cao sừng sững, lúc ẩn lúc hiện sau những đám mây bồng bềnh. Hít một hơi dài không khí trong lành của núi rừng, tôi xách ba lô theo cán bộ Ban Quản lý di chuyển về thôn Nhơn Bình (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) nơi có con đường mòn dẫn lên đỉnh núi.
Thị trấn Sa Thầy dưới chân núi Chư Mom Ray.
Được nghe kể về ngọn núi nhiều lần, ấn tượng về những câu chuyện, truyền thuyết linh thiêng của các DTTS sinh sống lâu đời quanh ngọn núi từ nhiều năm về trước, đến nay tôi mới có cơ hội để khám phá và chinh phục ngọn núi này. Núi Chư Mom Ray có đỉnh cao gần 1.790m so với mực nước biển. Dưới chân núi là thị trấn Sa Thầy đang ngày càng thay da đổi thịt, khoác trên mình diện mạo đô thị mới.
Theo anh Phạm Hồng Thái- Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác Quốc tế của Ban quản lý, đỉnh núi nhìn gần như vậy nhưng thật ra rất xa. Đường lên đỉnh không dễ và nhiều thử thách, khó khăn và chỉ có 3 con đường để lên đỉnh núi. Đó là đường đi theo sườn núi phía Đông ở thôn Nhơn Bình, xã Sa Nhơn và 2 con đường đi theo sườn núi phía Tây ở xã Sa Sơn (gồm đường đi từ khu sản xuất của thôn 1, thôn 2 và đường men theo thác Khỉ trong Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái, đơn vị thuộc Ban quản lý).
Trong các con đường để đi lên đỉnh núi Chư Mom Ray, con đường đi từ thôn Nhơn Bình ở xã Sa Nhơn có nhiều đoạn địa hình hiểm trở, trơn trượt và khó khăn đối với người leo núi nhất. Dẫu vậy, đây cũng là con đường đẹp nhất với nhiều tầng thực vật, hệ sinh thái rừng phong phú, mang lại cho người leo núi nhiều trải nghiệm và ấn tượng.
Di chuyển bằng ô tô được một lúc, chúng tôi cũng đến bìa rừng, nơi vị trí giáp ranh với vườn cao su của người dân ở thôn Nhơn Bình. Đứng đợi từ trước, anh Nguyễn Đức Duy - Trạm trưởng Trạm QLBVR xã Sa Nhơn cùng một số hộ dân của xã được giao khoán bảo vệ rừng hồ hởi, bắt tay chào đón khi gặp chúng tôi. Mọi người sau đó cùng kiểm tra hành trang mang theo rồi di chuyển vào trong khu rừng.
Con đường men theo dòng suối dưới chân thác Nàng Tiên với hệ rừng hỗn giao tre nứa khiến việc di chuyển của cả đoàn bị chậm lại. Khi lên cao, lối đi có nhiều cây bụi và cây tre nứa mọc kín xung quanh nên một số đoạn chúng tôi phải bò sát mặt đất và luồn lách mới vượt qua được.
Lên đến độ cao gần 800m, tiếng nước chảy từ thác Nàng Tiên cứ thế nhỏ dần, đường đi cũng trở nên thông thoáng hơn. Đứng nghỉ sau chặng đường đầu tiên, tôi cũng được chiêm ngưỡng cảnh đẹp mà bản thân được nghe kể từ trước chuyến đi. Dưới tán rừng thưa với nhiều cây thẳng cao trên 50m, đường kính thân khoảng 1 vòng tay ôm của người trưởng thành, nhìn đẹp mắt đến lạ thường.
Vượt thêm vài con dốc cao theo sống lưng của sườn núi, đoàn chúng tôi phải ngừng di chuyển rồi dựng trại vì bầu trời bắt đầu âm u sắp có mưa. Với kinh nghiệm đi rừng và leo núi của mình, anh Duy, anh Thái và các hộ dân cùng bàn tính dựng trại ở khu vực có khe nước nhỏ. Thế là khoảng 30 phút sau, việc dựng trại của cả đoàn hoàn thành, khói từ bếp củi nấu cơm lúc này đã bốc lên, những hạt mưa từ trên cao cũng bắt đầu rơi xuống.
Đêm trên sườn núi, khung cảnh xung quanh tối đen như mực, bếp lửa vẫn được các thành viên trong đoàn thêm củi để giữ cho cháy liên tục. "Lửa giúp chúng ta tránh được thú rừng, côn trùng và giữ ấm cho cơ thể", anh Duy nói.
Bắt đầu từ độ cao 1.000m trở lên, việc di chuyển hoàn toàn nhờ vào trí nhớ của các thành viên trong đoàn và sự hỗ trợ của phần mềm định vị, nên đêm hôm đấy, mọi người trao đổi về hướng leo núi cho ngày hôm sau rất sôi nổi.
Tiếng mưa rơi, tiếng lá và gió xào xạc, cùng với tiếng các động vật trong rừng như bản giao hưởng êm dịu, giúp tôi và mọi người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ngon lành.
Ngày hôm sau, chúng tôi dậy sớm chuẩn bị, sau đó tiếp tục hành trình lên đỉnh núi Chư Mom Ray. Con đường di chuyển mà đoàn đi thật sự rất dốc so với sự tưởng tượng của tôi. Hầu hết đường đi đều dốc trên 40 độ. Có những đoạn mọi người phải bò, lấy tay bám vào các rễ cây đầy rêu xanh để leo lên.
Vừa leo, anh Duy vừa tranh thủ giới thiệu cho tôi về lớp đất mùn dày được hình thành bởi lá cây rụng qua hàng chục năm. Lên đến độ cao 1.320m, đoàn mới đến được vị trí giao với 2 con đường đi lên đỉnh theo sườn núi phía Tây ở xã Sa Sơn. Tiếp tục hành trình theo hướng bên phải, di chuyển thêm gần 2 giờ đồng hồ cùng chục lần dừng nghỉ, qua khu vực rừng giang (họ cây tre) với lối đi hẹp, 2 bên là vách đá, vực sâu vài trăm mét, qua khu vực giống một phần rừng trảng cỏ, cây lá kim, đoàn mới đến độ cao hơn 1.500m.
Ở đây, đoàn bắt gặp những con chim phượng hoàng đất với đôi cánh dài lượn vòng trên những ngọn cây cao lớn. Cũng tại vị trí này, tôi có thể nhìn thấy làng Ba Rgốc của xã Sa Sơn nhỏ bé dưới chân núi qua những tán cây rừng.
Gần 13h, đoàn mới lên đến đỉnh Chư Mom Ray ở độ cao gần 1.790m. Khu vực đỉnh núi khá rộng và bằng phẳng. Dù trời nắng nhưng khí hậu nơi đây rất mát mẻ. Các loại cây rừng chủ yếu ở đây có đường kính từ 10-20cm và cao từ 10-15m, ngoài ra còn có nhiều cây chè cổ thụ, cây bạch đàn...Nơi đây còn có một vài lô cốt, hàng rào kẽm gai, thùng đạn bỏ không, mũ cối của quân đội chế độ cũ. Đứng ở đỉnh núi về phía xã Rờ Kơi, bên dưới là vách đá dựng đứng, vực sâu thăm thẳm.
Nghỉ ngơi, ăn cơm trưa được một lúc, đoàn bắt đầu xuống núi. May thay bầu trời vẫn nắng cho đến hết buổi chiều. Quá trình di chuyển xuống núi nhanh và thuận lợi hơn so với lúc leo lên nên đến hơn 17h, đoàn về đến thôn Nhơn Bình.
Kết thúc chuyến leo núi lên đỉnh Chư Mom Ray trong thời gian 2 ngày 1 đêm, với những gì được trải nghiệm, chắc chắn đó là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi. Nhờ đó, tôi cũng biết được rằng, cảnh vật và hệ sinh thái rừng ở núi Chư Mom Ray hùng vĩ, phong phú, hoang sơ và tuyệt đẹp. Hành trình lên đỉnh núi Chư Mom Ray sẽ là một trải nghiệm hấp dẫn đối với những ai thích khám phá khi đến với Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Vườn "táo tiên" ở Cáp treo Núi Cấm Không phụ công cần lao, vườn táo hồng đặc sản vượt qua những mùa nắng khô hanh, những trận mưa dầm xứ núi và cả mùa lạnh nơi rẻo cao để kết trái ngọt. Nằm uốn lượn men theo sườn núi thoai thoải, vườn "táo tiên" Cáp treo Núi Cấm đang là điểm đến check-in và thưởng thức "quả ngọt" của núi rừng...