Cơ trưởng Sully Sullenberger: Tôi không phải là Thượng đế
Campbell, hành khách cuối cùng ra khỏi máy bay – khi bước ngang mặt cơ trưởng Sully, đã nắm chặt tay ông, nghẹn ngào nói lời cảm ơn và gọi cú hạ cánh là một “phép lạ”. Đáp lại, Sully từ tốn trả lời rằng: “Tôi không phải là thượng đế. Tôi chỉ làm công việc của tôi”.
Bản năng hơn máy móc
15 giờ 31 phút ngày 15-1-2009, cơ trưởng Sully cho máy bay lướt trên sông Hudson, cách mặt nước chừng 10m. Phía dưới, gần giữa sông chỉ có một tàu phà nhưng chiếc Airbus 320 nhanh chóng vượt qua nó. Lúc ấy, tốc độ máy bay là 240km/giờ, đủ điều kiện chuẩn để hạ cánh vì nếu dưới mức đó, máy bay sẽ mất lực nâng và sẽ rơi như một hòn đá.
Sau này, khi nghe lại đoạn băng trong chiếc hộp đen, ghi âm cuộc trao đổi giữa cơ trưởng Sully và cơ phó Jeffrey Skiles với tháp kiểm soát không lưu LaGuardia, các thành viên trong Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ đã không ngớt lời khen ngợi, thán phục sự bình tĩnh của tổ lái.
Cơ trưởng Sully khi còn là phi công máy bay chiến đấu F4 Phantom trong Không quân Mỹ.
Sully viết trong hồi ký: “Trước khi cho máy bay xuống nước, dù không nói ra nhưng cả tôi lẫn Skiles đều công nhận là con sông rất đẹp. Hầu như cùng một lúc, tôi và Skiles đều à lên, rằng “nó nhìn không đến nỗi tệ đấy chứ”.
Vẫn theo cơ trưởng Sully, do không còn thời gian để tham vấn các quy định, cũng như kiểm tra lại mọi chi tiết kỹ thuật theo yêu cầu trong trường hợp buộc phải hạ cánh khẩn cấp nên cả hai hành động gần như bản năng. Bằng cách quan sát các thao tác của nhau, họ nhanh chóng hiểu ngay là mình phải làm gì mà không cần phải diễn giải bằng lời, ngoại trừ câu hỏi của Sully với Skiles, 7 giây trước lúc đáp xuống: “Còn cách nào nữa không?”. Khi nghe Skiles đáp “không”, Sully nói dứt khoát: “Làm thôi”.
Chớp nhoáng sau đó, phần đuôi máy bay tiếp nước đầu tiên. Tất cả hành khách đều nhận ra điều này bởi họ thấy đầu máy bay ngóc lên và có một sự va đập nhưng không mạnh lắm. Tiếp theo, đến phần bụng và cánh máy bay. Do lực tiếp xúc lớn nên động cơ bên trái văng ra khỏi cánh, chìm xuống đáy. Chiếc Airbus dừng lại ở khoảng sông đối diện với đường 50 Tây, Viện bảo tàng Hàng không, Không gian Manhattan, cảng Imperial Weehawken, New Jersey và cách Quảng trường Thời đại (Times Square) chỉ chừng 1,6km…
Trước khi máy bay chạm mặt nước, cơ trưởng Sully đã thông báo cho hành khách: “Brace for impact – nghĩa là “Hãy giữ chặt vị trí để đáp khẩn cấp” còn các tiếp viên thì hét lên: “Cúi đầu xuống. Hãy cúi đầu xuống”.
Bà Barbara nhớ lại: “Tôi nghe một tiếng động lớn, rền và kéo dài. Sau đó là tiếng kêu như ai đó đang xé một tấm vải. Lúc tất cả đã yên lặng, tôi mở mắt, nhìn ra ngoài thì thấy xung quanh toàn là nước”. Campbell, một hành khách khác mô tả cú hạ cánh được thực hiện “một cách có kiểm soát”, và “những người ngồi ở phía sau đuôi như chúng tôi là những người đầu tiên cảm nhận được”.
Ông nói: “Khi máy bay lướt trên mặt nước, tôi có cảm giác như đang ngồi trên một chiếc xuồng cao tốc bởi nhìn qua cửa sổ, tôi thấy máy bay ngập trong những cuộn sóng trắng xóa. Thân thể tôi nảy lên, rơi xuống rồi trượt đi. Tất cả diễn ra chỉ trong vài giây”.
Ngay khi chiếc Airbus 320 ngừng lại, cơ trưởng Sully mở cửa buồng lái rồi phát lệnh di tản khẩn cấp. Các cửa thoát hiểm và hệ thống cầu thang phao trượt nhanh chóng bung ra sau các thao tác của tiếp viên, ngoại trừ chiếc phao trượt bên trái chẳng hiểu vì sao lại không phồng lên. Một hành khách có lẽ do hoảng loạn, đã mở cánh cửa lên xuống phía sau đuôi máy bay khiến nước ồ ạt tràn vào. Nhìn thấy cảnh này, cô tiếp viên Sheila Daii vội vã chạy tới, cố đóng nó lại nhưng không được vì áp lực nước quá lớn.
Từ phía buồng lái, cơ trưởng Sully bước dọc theo lối đi ở giữa thân máy bay. Cùng với 2 tiếp viên là Sheila Daii và Donna Dent vì tiếp viên Doreen Welsh đã bị thương ở chân, ông thúc giục hành khách nhanh chóng trèo ra cánh máy bay theo các lối thoát hiểm.
Một hành khách là Dave Sanderson khi nhìn thấy cánh trái máy bay đã đầy người, đứng chen chúc nên vừa ra khỏi cửa, ông nhảy xuống dòng nước lạnh 2C rồi bơi về phía một con thuyền cứu hộ lúc ấy đang lao tới. Do bị nhiên liệu của máy bay bắn vào mắt nên đến bây giờ, ông vẫn phải đeo kính.
Tất cả đều còn sống
Khi mọi người đã ra hết, cơ trưởng Sully đi dọc theo thân máy bay một lần nữa để khẳng định không ai còn kẹt lại. Trên 2 cánh của chiếc Airbus, nước bắt đầu ngập tới đầu gối những người đứng trên đó. Nhiều người lo sợ xảy ra một vụ nổ và vì biết bơi nên họ liều mạng nhảy xuống dòng nước lạnh buốt.
Campbell, hành khách cuối cùng ra khỏi máy bay – khi bước ngang mặt cơ trưởng Sully, đã nắm chặt tay ông, nghẹn ngào nói lời cảm ơn và gọi cú hạ cánh là một “phép lạ”. Đáp lại, Sully từ tốn trả lời rằng: “Tôi không phải là thượng đế. Tôi chỉ làm công việc của tôi”.
Cơ trưởng Sully là một trong những người cuối cùng lên xuồng cứu sinh.
Video đang HOT
Lúc này, các tàu vận tải đường thủy của Công ty New York Thomas Jefferson, tàu phà thuộc Công ty Thomas H. Kean và tàu du lịch Circle Line nhanh chóng ào tới. Một tàu vận tải chỉ huy bởi thuyền trưởng Vincent Lombardi là chiếc đầu tiên cập sát cánh máy bay chỉ sau 4 phút kể từ lúc nó đáp xuống nước.
Thêm vài phút nữa, chiếc phà thứ hai, chỉ huy bởi nữ thuyền trưởng Brittany Catanzaro cũng đến cạnh thân máy bay. Không lâu sau đó, đoạn sông Hudson tràn ngập những con tàu của Sở Cứu hỏa New York, của Cảnh sát New York và của Lực lượng tuần duyên Mỹ. Trên bờ, hơn 60 xe cứu thương đèn đỏ chớp nháy, còi hú inh ỏi còn trên trời, hai trực thăng – một của quận Nassau và một của cảnh sát bang New Jersey bay ngang dọc, theo dõi cuộc cứu nạn. Một nhóm thợ lặn cũng nhanh chóng được điều đến nhằm tìm kiếm nếu có người mất tích.
Mất gần 35 phút, 150 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn được đưa vào bờ an toàn. Ngoài tiếp viên Doreen Welsh bị một vết rách khá sâu ở chân, còn có 78 người khác cũng cần phải điều trị những thương tích nhẹ hoặc hạ thân nhiệt do ngâm mình trong nước lạnh lúc nhảy xuống bơi vào.
Trong khi đó, chiếc Airbus A320 vẫn nổi mặc dù một phần thân đã ngập nước. Rất nhanh chóng, nó được neo vào một bến tàu gần Trung tâm Tài chính Thế giới Manhattan, khoảng 6km về phía hạ lưu, nơi nó đã đáp xuống. Đến ngày 17-1, nó được đưa lên một xà lan và chuyển tới New Jersey để kiểm tra.
Ngày 21-1, một đội điều tra thuộc Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ do kỹ sư hàng không Robert Benzon cầm đầu đã công bố, dựa theo phân tích sơ bộ băng ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay, chiếc Airbus mất lực đẩy ở cả 2 động cơ là do va chạm với đàn ngỗng. Đội điều tra đã tìm thấy một chiếc lông ngỗng còn nguyên vẹn ở động cơ phản lực bên phải cùng những mẩu thịt, xương. Với động cơ bên trái bị văng ra, chìm xuống nước thì sau khi trục vớt, đội điều tra thấy nhiều vết lõm trong cửa hút gió, chứng tỏ có sự va đập mạnh.
Bên cạnh đó, 5 cánh quạt nén khí bị gãy còn 8 cánh khác không tìm thấy. Kết quả thử nghiệm ADN chứng minh rằng những mẩu thịt, xương còn lại trong cả 2 động cơ đều là của loài ngỗng di trú từ Canada. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Mỹ, cơ trưởng Sully nói: “Có rất nhiều chim. Lũ chim rất to, che hết cả cửa kính buồng lái”.
Cũng tại cuộc điều trần này, Sully cho rằng những cảnh báo của Cơ quan Hàng không liên bang về loài chim không phải lúc nào cũng giúp ích trong quá trình bay. Ông nói: “Cho dù công nghệ cao và chính xác đến đâu chăng nữa, một chiếc máy bay vẫn là một chiếc máy bay. Những kỹ năng cơ bản có thể sẽ được sử dụng một cách tốt nhất trong trường hợp các thiết bị tự động hỏng hóc, hoặc những thời điểm không thích hợp với việc áp dụng chế độ tự động”.
Kitty Higgins, thành viên Hội đồng quản trị Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Mỹ, và cũng là người phát ngôn chính của tổ chức này, đã phát biểu tại một cuộc họp báo: “Việc hạ cánh chiếc Airbus xuống sông Hudson của cơ trưởng Sully là sự kiện thành công nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng. Sully cùng các thành viên trong phi hành đoàn biết rõ những gì cần phải làm và họ đã làm”.
Hạ cánh xuống sông, đúng hay sai?
Mặc dù sự việc đã được chứng minh cụ thể nhưng các chuyên gia của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Mỹ, vẫn tiến hành một loạt các thử nghiệm nhằm đánh giá quyết định của cơ trưởng Sully khi đáp xuống sông Hudson là đúng hay sai.
Bằng việc mô phỏng một máy bay Airbus 320 trên hệ thống siêu máy tính trong điều kiện cả 2 động cơ phản lực đều bị mất phần lớn lực đẩy, các phi công tham gia thử nghiệm có quyền hạ cánh xuống sân bay LaGuardia hoặc sân bay Teterboro.
Kết quả cho thấy chỉ trong 35 giây, máy bay bị rơi khi phi công cố gắng quay đầu lại sân bay LaGuardia còn với sân bay Teterboro, máy bay lao ra khỏi đường băng, đâm đầu xuống một hồ nước vì chiều dài đường băng không đủ để hạ cánh. Do vậy, quyết định của cơ trưởng Sully là “hoàn toàn cần thiết và đúng đắn”.
Trên tất cả những tờ báo lớn xuất bản ở Mỹ, những đài phát thanh, những kênh truyền hình, tràn ngập những lời ca tụng cơ trưởng Sully, gọi ông là “người hùng của nước Mỹ”. Thị trưởng thành phố New York, ông Michael Bloomberg và Thống đốc bang New York là ông David Paterson nói: “Chúng ta đã có một phép lạ trên đường 34 và giờ đây, chúng ta lại có thêm một phép lạ trên sông Hudson”.
Tổng thống mới đắc cử Barack Obama thì cho rằng “cả nước Mỹ đều tự hào về hành động anh hùng của cơ trưởng Sully”, đồng thời ông mời 5 thành viên trong phi hành đoàn đến Washington, DC để dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông, tổ chức 5 ngày sau đó. Trong hồi ký, Sully viết: “Cả 5 người chúng tôi đều được trao tặng Huân chương Master Guild of Air. Đây là phần thưởng cao quý nhất của ngành hàng không Mỹ”.
Về phía các hành khách, tất cả đều nhận được một lá thư xin lỗi từ ban giám đốc Hãng US Airways cùng 5.000USD là tiền bồi thường cho số hành lý bị mất hoặc hư hỏng do thấm nước, cũng như được hoàn lại tiền vé. Đến tháng 5-2009, họ còn nhận được mỗi người 10.000USD do hãng bảo hiểm American International Group (AIG) chi trả.
Để ngăn chặn sự cố tương tự, trong hai tháng 6, 7-2009, Sở Nông nghiệp, Công ty dịch vụ công ích, Cục bảo vệ động vật hoang dã, Cục bảo vệ môi trường và các công viên, khu giải trí ở New York đã cử nhân viên đến 17 địa điểm trên toàn thành phố, nơi bầy ngỗng di trú thường dừng chân nghỉ ngơi trước khi bay xuống phương nam, bắt 1.235 con ngỗng Canada. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng tiến hành biện pháp kiểm soát ngỗng bằng cách ngâm 1.739 trứng ngỗng trong dầu ngô (bắp) để chúng không thể nở ra được nữa.
Ngày 3-3-2010, cơ trưởng Sully Sullenberger nghỉ hưu sau 30 năm phục vụ cho Hãng US Airways. Chuyến bay cuối cùng của ông mang số hiệu 1167, từ Fort Lauderdale, bang Florida, đến Charlotte, bang North Carolina. Tại đây, ông gặp lại cơ phó Jeff Skiles và 6 hành khách đã cùng ông hạ cánh xuống sông Hudson trên chuyến bay Airbus 320 – 1549. Trong hồi ký, ông viết: “Thật là xúc động khi nhìn thấy khuôn mặt thân quen của Jeff Skiles. Không có anh ấy, mình tôi chắc chẳng làm gì được”.
Riêng chiếc máy bay Airbus được Ủy ban Lịch sử hàng không mua lại để trưng bày trong Viện Bảo tàng Carolinas Aviation ở Charlotte, Bắc Carolina. Thân máy bay vẫn giữ nguyên như khi nó được kéo lên khỏi sông Hudson.
Ngày khai mạc, cơ trưởng Sully được mời đến nói chuyện với 150 vị khách. Hai cuốn hồi ký của ông – một là “Nhiệm vụ cao nhất”, viết chung với nhà văn Jeffrey Zaslow và cuốn “Làm nên sự khác biệt: Những câu chuyện về tầm nhìn và lòng dũng cảm của người lãnh đạo của nước Mỹ” trở thành sách bán chạy nhất. Tạp chí Time xếp ông là 100 anh hùng có ảnh hưởng lớn với xã hội trong năm 2009, chỉ đứng sau bà Michelle Obama, phu nhân của Tổng thống Barak Obama…
Theo Cao Trí (dịch từ History – The Miracle on Hudson)
An ninh thế giới
Cú hạ cánh để đời của cơ trưởng Sully Sullenberger: Chỉ tại một đàn chim
15 giờ 24 phút ngày 15/1/2009 - giờ miền đông nước Mỹ - theo lịch trình, chiếc máy bay 2 động cơ phản lực Airbus 320, số hiệu 1549 của hãng hàng không US Airways cùng 150 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn, do phi công Sully Sullenberger làm cơ trưởng, cất cánh từ sân bay LaGuardia, thành phố New York đến sân bay Douglas ở thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina...
... Rồi sau đó, nó tiếp tục hành trình đến sân bay Tacoma, thành phố Seattle bang Washington.
Thế nhưng, chỉ 6 phút sau khi cất cánh khỏi sân bay La Guardia, một đàn ngỗng trời di trú từ Canada đã đâm vào cả 2 động cơ khiến hệ thống cánh quạt nén khí hư hỏng nặng, làm mất gần như toàn bộ lực đẩy. Để hạn chế thương vong đến mức thấp nhất, cơ trưởng Sully đã quyết định cho máy bay đáp xuống sông Hudson, cứu sống tất cả mọi người trên máy bay...
"LaGuardia, đây là A 1549. Chúng tôi xin phép cất cánh".
Cơ trưởng Sully hơi khom về phía trước, bàn tay phải đặt lên cần tăng ga, miệng nói vào chiếc micro nối từ tai nghe đến ngang cằm. Ở ghế bên cạnh, cơ phó Jeffrey Skiles chăm chú kiểm tra tất cả các đồng hồ, lập lòe những đốm sáng màu xanh lục trên bảng điều khiển. Giây lát, một giọng trầm trầm từ tháp kiểm soát không lưu vang lên: "A 1549, đây là LaGuardia. Anh được phép cất cánh theo đường băng 4R".
Cơ trưởng Sully trong buồng lái chiếc Airbus 320.
Lúc này là 15 giờ 24 phút giờ miền đông nước Mỹ. Đẩy mạnh cần ga về phía trước, Sully cảm thấy thân máy bay rung nhẹ trong lúc 2 động cơ bắt đầu đạt đến công suất tối đa. Chuyển hệ thống liên lạc giữa máy bay với tháp không lưu sang mạng điện đàm nội bộ, ông thông báo cho hành khách trong khoang phía sau: "We are take off - Chúng ta cất cánh".
Chiếc Airbus tăng tốc chạy trên đường băng, càng lúc càng nhanh dần. Qua khung cửa kính, cảnh vật hai bên thụt lùi về phía sau với tốc độ chóng mặt. Đây là chuyến bay nội địa nên theo lịch trình, Sully sẽ đưa máy bay từ sân bay LaGuardia, New York đến sân bay Douglas ở Charlotte, bang Bắc Carolina rồi sau đó tiếp tục đến Tacoma, Seattle, bang Washington.
Sinh ngày 23-1-1951 tại thành phố Denison, quận Grayson, bang Texas. Lúc 16 tuổi, sau một khóa học ở một trường hàng không tư nhân gần nhà, Sully được cấp bằng lái máy bay vận tải DC3.
Trong cuốn hồi ký kể lại cú hạ cánh nhớ đời xuống sông Hudson, Sully viết: "Năm 1969, tôi vào Học viện Không quân Mỹ. Ra trường năm 1973, tôi là phi công máy bay chiến đấu F4 Phantom, phục vụ trong Không đoàn chiến thuật số 48, đóng ở Anh quốc..."
Năm 1980, ông giải ngũ với cấp hàm đại úy rồi tiếp theo, ông chuyển ngạch sang phi công dân sự, bay thương mại cho Hãng hàng không US Airways. Vào thời điểm xảy ra vụ hạ cánh xuống sông Hudson, cơ trưởng Sully đã có tổng cộng 19.663 giờ bay, trong đó 4.765 giờ bay trên máy bay Airbus 320.
Tai họa giữa trời
2 phút kể từ khi cất cánh, chiếc Airbus đã đạt đến độ cao 820m, tốc độ 360km/giờ, cách sân bay LaGuardia khoảng 7,2km về phía bắc tây bắc. Ở khoang sau, đèn hiệu báo thắt dây an toàn vẫn chưa tắt và hành khách vẫn được yêu cầu ngồi nguyên ở chỗ của mình. Sully nói: "Tôi định bụng khi lên đến độ cao 8.000m và khi đã bay bằng, tôi sẽ gọi cô tiếp viên Donna Dent mang cho tôi một tách cà phê vì từ trưa tới giờ, do phải chuẩn bị cho chuyến bay nên tôi không kịp uống".
Đàn ngỗng trời va vào chiếc Airbus 320 (ảnh mô phỏng theo màn hình radar)
Thế rồi đột ngột, Sully phát hiện một đàn ngỗng trời với bộ lông màu nâu sẫm đang lao thẳng về chiếc Airbus. Đây là loại ngỗng mà hàng năm, cứ vào mùa đông chúng lại thiên di từ phía bắc Canada xuống phía nam, đến bang Florida hoặc các hòn đảo trên biển Caribean để tránh rét, mỗi con có thể nặng 3 hoặc 4kg.
Trong hồi ký, ông viết: "Chỉ một tích tắc, cả tôi lẫn cơ phó Skiles đều nghe thấy những tiếng va chạm lớn, giống như ai đó cầm một cái chày vồ bằng gỗ, bọc vải, nện thình thịch lên thân máy bay. Nhìn vào bảng đồng hồ điều khiển, tôi thấy vòng tua của cả 2 động cơ phản lực tụt xuống nhanh chóng và đèn hiệu báo cháy, báo có trục trặc ở hệ thống bơm phun nhiên liệu chớp sáng liên hồi, kèm theo từng tràng những tiếng kêu tút tút nghe rất khó chịu. Với kinh nghiệm, tôi biết đã có một vài con ngỗng đâm vào cửa hút gió của cả hai động cơ. Đây là điều vô cùng hiếm gặp, hoặc có thể nói là lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không thế giới, cả hai động cơ đều bị chim đâm vào cùng một lúc..."
Sau này, kết quả điều tra của Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho thấy cơ thể con ngỗng bị cánh quạt tuốc bin phản lực chém thành nhiều mảnh rồi bị hút vào khiến không khí dẫn đến bộ phận pha trộn nhiên liệu bị tắc nghẽn, công suất buồng đốt giảm, làm mất phần lớn lực đẩy của động cơ.
Bà Laura Brown, người phát ngôn của FAA nói: "Khi xem lại trên màn hình radar, chúng tôi thấy những con ngỗng đâm vào chiếc Airbus ở độ cao 859m nhưng lúc ấy, không ai nghĩ sự cố lại xảy ra. Một phần vì sân bay có thiết bị đuổi chim, phần nữa loài ngỗng di trú khi bay ngang New York, chúng thường bay ở độ cao trên 1.500m nhằm nương vào những luồng gió lạnh từ phương bắc thổi xuống để đỡ tốn sức".
Jeff Kolodjay, một hành khách ngồi cạnh cửa sổ bên trái, sát với cánh máy bay, người duy nhất nhìn thấy con ngỗng lao vào cửa hút gió nói: "Máy bay đang bay tới trong lúc con ngỗng bay theo chiều ngược lại nên lực va chạm rất lớn. Tôi nghe có vài tiếng nổ rồi động cơ bốc khói, máy bay như rơi xuống và trong khoang có mùi xăng".
Cô tiếp viên Sheila Dail kể lại cảm giác của mình: "Do bay thường xuyên nên tôi biết rõ mọi rung động của máy bay. Nếu lọt vào một ổ trống không khí, thân thể của mọi người trong khoang bị hẫng xuống nhưng chỉ một chút sau, sự thăng bằng sẽ trở lại. Còn lần này, giống như có một sức mạnh nào đó đè lên hai cánh khiến máy bay mất độ cao đột ngột".
15 giờ 27 phút, nhận định tình hình rất nghiêm trọng, cơ trưởng Sully gọi cho tháp kiểm soát không lưu sân bay LaGuardia qua hệ thống thông tin khẩn cấp TRACON: "Máy bay va phải chim. Chúng tôi đã mất lực đẩy của cả hai động cơ. Đang quay lại sân bay LaGuardia".
Ở dưới đất, Patrick Harten, người phụ trách ca trực tại tháp kiểm soát không lưu LaGuardia hôm ấy lập tức ra lệnh ngừng ngay tất cả các hoạt động cất, hạ cánh của những máy bay khác để nhường chỗ cho chiếc Airbus 320. Bên cạnh đó, các phương tiện cứu thương, cứu hỏa cũng lập tức được huy động. Thế nhưng lúc này Sully nhận ra rằng máy bay đã mất cả độ cao lẫn tốc độ nên không thể nào quay lại sân bay LaGuardia được nữa.
Trong hồi ký, ông viết: "Patrick Harten gợi ý với tôi rằng tôi có thể đáp xuống xa lộ 13 nằm ở phía đông bắc - gần như cùng hướng với chiếc máy bay. Xa lộ này hầu như thẳng tắp và cảnh sát sẽ phong tỏa mọi loại xe cộ đang di chuyển ngay tức thì. Tuy nhiên, đây là điều cực kỳ mạo hiểm vì với sải cánh dài 35,9m, máy bay có thể vướng vào những hàng cột điện nằm dọc theo hai bên đường trong lúc lượng nhiên liệu chứa trong nó là 65,2 tấn, hầu như chưa hao hụt mấy. Nếu vướng phải, chiếc Airbus sẽ như một quả cầu lửa và tôi không còn ngồi đây để kể lại chuyện này".
Đúng lúc ấy, cơ trưởng Sully nhìn thấy một đường băng, nằm ngay dưới chân mình. Gọi cho Patrick Harten, ông hỏi đó là sân bay nào. Giây lát, Patrick Harten cho ông biết đó là sân bay Teterboro, thuộc quận Bergen, bang New Jersey. Sully hỏi liệu đường băng của Teterboro có đủ dài để ông có thể hạ cánh chiếc Airbus xuống đó được không?
Trong khi Patrick Harten đang liên lạc với tháp không lưu sân bay Teterboro thì cơ trưởng Sully lại nhận ra rằng nếu muốn hạ cánh xuống Teterboro, ông phải cho máy bay vòng lại nhưng điều đó là bất khả thi vì lúc này, tốc độ của chiếc Airbus là 343km/giờ và đang có khuynh hướng giảm dần, độ cao của nó chỉ còn 500m.
Giây phút sinh tử
Khi hai động cơ phản lực của chiếc Airbus bốc khói, máy bay mất độ cao, hầu như tất cả mọi người trong khoang đều nhận ra sự việc nghiêm trọng nhưng không ai biết được nguyên nhân. Bà Barbara, một trong số 150 hành khách kể: "Có xảy ra một chút nhốn nháo nhưng sau đó, khi tiếp viên Doreen Welsh lên tiếng trấn an, rằng máy bay gặp phải một trục trặc nhỏ, hiện đang chuẩn bị hạ cánh thì mọi người dần lấy lại sự bình tĩnh".
Chiếc Airbus lúc chuẩn bị hạ cánh xuống sông Hudson.
Ông Richard Morton, cũng là một hành khách, kể: "Tiếp viên Doreen Welsh dặn chúng tôi thắt chặt dây an toàn, ngồi khom người xuống, hai tay che lấy đầu. Khi máy bay đã tiếp đất, để tránh chen lấn vì hoảng loạn, anh ấy yêu cầu tất cả chúng tôi ra các lối thoát hiểm theo sự hướng dẫn của anh ấy cùng 2 tiếp viên là Donna Dent và Sheila Dail".
Lúc này, khi biết rằng mọi phương án hạ cánh xuống sân bay LaGuardia, sân bay Teterboro, kể cả việc liều lĩnh đáp xuống xa lộ 13 đều không thể thực hiện được, cơ trưởng Sully nảy ra một ý nghĩ táo bạo. Đó là máy bay đang bay về hướng bắc trong lúc con sông Hudson chảy theo hướng bắc - nam.
Như vậy, nếu đáp xuống sông Hudson, máy bay sẽ không phải quay đầu. Về mặt nguyên tắc, chiếc Airbus 320 cần một đường băng dài tối thiểu là 2.000m để có thể hạ cánh an toàn và sông Hudson hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu ấy. Hơn nữa, nếu đáp xuống bằng bụng, lực ma sát giữa thân máy bay và mặt nước sẽ làm giảm đáng kể độ trượt của máy bay, chưa nói đến khả năng cháy nổ cũng thấp hơn nếu đáp xuống đường băng bêtông.
Trong hồi ký, cơ trưởng Sully viết: "Airbus 320 có một nút công tắc, sử dụng trong trường hợp phải đáp xuống nước bằng cách đóng tất cả các van dưới bụng máy bay, bao gồm van điều áp, tuốc bin hút gió RAM, cửa điện tử thông gió, van chiết xuất và các van điều khiển lưu lượng để hạn chế nước tràn vào. Hy vọng điều này có thể giúp mọi hành khách thoát ra trước khi nó chìm xuống".
15 giờ 30 phút, ở tháp không lưu sân bay LaGuardia, trưởng ca trực Patrick Harten nhận được câu nói của cơ trưởng Sully qua máy truyền tin: "Chúng tôi có thể kết thúc trên sông Hudson".
Ông Harten kể: "Nghe xong, tôi hiểu rằng Sully đã quyết định sẽ hạ cánh xuống nước". Một nhân viên kiểm soát không lưu khác cho biết anh ta nhìn thấy chiếc Airbus lướt qua cầu George Washington ở độ cao 270m, tốc độ khoảng 240km/giờ nhưng do không nắm được thông tin cụ thể, chỉ biết rằng máy bay trục trặc, cần hạ cánh khẩn cấp nên anh ta đã rất ngạc nhiên, chẳng hiểu tại sao xuống sân bay LaGuardia mà nó lại bay theo hướng đó.
Thời điểm này, hoạt động trên sông Hudson diễn ra khá nhộn nhịp với những con tàu chở khách du lịch của Công ty Circle Line, các tàu chở hàng thuộc Công ty vận tải đường thủy New York Thomas Jefferson, Công ty tàu phà Thomas H. Kean..., nhưng tất cả đều chạy ở ven bờ, còn giữa sông thì hoàn toàn trống trải. Chính điều đó đã giúp cơ trưởng Sully thực hiện cú hạ cánh để đời...
Theo Cao Trí/ (dịch từ History - The Miracle on Hudson)
An ninh thế giới
Trực thăng quân sự Malaysia lao vào trường học Một trực thăng quân sự Malaysia lao vào nóc một khu nhà trong trường học khi hạ cánh khẩn cấp. Hiện trường tai nạn. The Star Online. Vụ việc xảy ra vào khoảng 9h11 sáng nay tại trường Sekolah Menengah Balung, thị trấn Tawau, bang Sabah. Star Online dẫn thông tin từ Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) cho biết trực thăng đang...