Cô trò tỉnh Phú Thọ và dự án “Nói không với ống hút nhựa”
“Hình ảnh xót xa của chú rùa Olive Ridley bên bờ biển và những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường khiến chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải hành động”.
Dự án: “Nói không với ống hút nhựa” được thực hiện bởi 91 em học sinh dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên môn tiếng Anh trường Trung học Phổ thông Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ).
Với mong muốn lan tỏa được việc hạn chế sử dụng ống hút nhựa – loại rác thải đang rất phổ biến hiện nay, cô và trò trường cấp 3 Hương Cần đã vận dụng các kiến thức liên môn để tìm hiểu và sản xuất các loại ống hút thân thiện với môi trường.
Điều đặc biệt, tại ngôi trường Trung học Phổ thông Hương Cần chủ yếu học sinh là người đồng bào dân tộc. Cho nên việc thực hiện dự án này chẳng phải dễ dàng.
Các loại ống hút thân thiện với môi trường được làm từ những loại nguyên liệu có sẵn của quê hương Phú Thọ như tre, trúc, nứa, sậy, lau đá…
Các sản phẩm đều được xử lý đảm bảo không bị ẩm mốc và tiện sử dụng.
Nhóm thực hiện dự án cũng đã tặng sản phẩm ống hút thân thiện cho hơn 800 thầy cô và học sinh toàn trường.
Để nhân rộng hiệu quả của mô hình nhóm dự án cũng gửi tặng sản phẩm này cho các quán trà sữa, quán nước trên địa phương và một số trường Trung học Phổ thông trên cả nước.
Các sản phẩm của dự án đều được làm từ những loại vật liệu thân thiện với môi trường (Ảnh:H.P)
Nói về mục đích và ý nghĩa của dự án cô Hà Ánh Phượng tâm sự: “Hình ảnh xót xa của chú rùa Olive Ridley bên bờ biển costa rica và những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường khiến chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải hành động.
Bên cạnh đó dự án cũng là một trong những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh. Thông qua dự án này chúng tôi còn gửi tặng sản phẩm đến học sinh nước ngoài.
Tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống.
Ngoài ra tôi cũng mong muốn đây là cơ hội để các em học sinh có thể học hỏi nhiều kỹ năng trong và ngoài trường học”.
Video đang HOT
Học sinh vận dụng kiến thức đã học khi thực hiện dự án trên (Ảnh:H.P)
Dự án: “Nói không với ống hút nhựa” của cô và trò trường cấp 3 Hương Cần được rất nhiều nơi hưởng ứng. Đồng thời một số doanh nghiệp tư nhân cũng đang có ý định đầu tư cho dự án. Có thể nói đây là một thành công ghi nhận nỗ lực của cô trò trường cấp 3 Hương Cần.
Anh Đinh Hữu Đình chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về ý tưởng của cô và trò trường cấp 3 Hương Cần trong việc hạn chế sử dụng ống hút bằng nhựa chuyển sang ống hút bằng các loại vật liệu thân thiện.
Dự án này rất nhiều nơi muốn đầu tư vì tính khả thi của nó. Bên cạnh đó tôi cũng hy vọng rằng thông qua các hoạt động như thế này sẽ giúp các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng các loại rác thải khó phân hủy như nhựa, nilon. Tôi chúc dự án của cô Phượng và các em học sinh thành công”.
Dự án nhằm khuyến khích học sinh có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế dùng vật liệu nhựa, nilon (Ảnh:H.P)
Ngoài việc sản xuất ống hút bằng vật liệu tái chế, các em học sinh cũng tìm tòi và sáng tạo các sản phẩm trang trí như bản đồ Việt Nam, lẵng hoa, đồ lưu niệm…
Thông qua hoạt động này học sinh có thể vận dụng các kiến thức liên quan như môn Vật Lý, Toán, Công nghệ…đặc biệt là học tập qua STEM để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Học sinh tham gia dự án cũng có thể giao tiếp ở mức độ cơ bản bằng tiếng Anh trong các buổi kết nối với giáo viên và học sinh nước ngoài về dự án, quá trình và cách tiến hành dự án.
Ngoài 2 buổi lao động công ích tại địa phương, nhóm dự án cũng tổ chức 30 buổi học qua skype giới thiệu về dự án và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường với học sinh trong và ngoài nước.
Nói về hiệu quả của phương pháp học qua skype, cô Phượng chia sẻ:
“Phương pháp học này rất hiệu quả. Đầu tiên sẽ tạo một môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh.
Học sinh sẽ có cơ hội được giao tiếp và tìm hiểu văn hóa với các bạn đồng trang lứa trên toàn thế giới.
Không phải theo kiểu có một ông Tây nào đó nói chuyện với các em mà sẽ kết nối với các lớp học trên toàn cầu.
Vào mỗi buổi học khác nhau tôi sẽ cho các em học những chủ đề tự do hoặc lựa chọn chủ đề tương đương để kết nối với các trường khác trên thế giới”.
Dự án của 91 học sinh Phú Thọ đang được nhiều nơi ủng hộ, hưởng ứng (Ảnh:H.P)
Em Lê Huyền Trang, thư ký nhóm dự án chia sẻ: “Thông qua việc tham gia dự án này đã giúp cho chúng em học được rất nhiều điều trong học tập và cuộc sống.
Dự án này giúp em nhận ra ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường đặc biệt là tác hại của ống hút nhựa.
Đồng thời chúng em cũng tự mày mò tìm cách làm các sản phẩm dưới sự hướng dẫn của các thầy cô và cô Phượng. Từ đó chúng em trau dồi và thực hành các kiến thức mà mình được học.
Chẳng hạn nhóm nghiên cứu có nhiệm vụ tìm hiểu các loại vật liệu có thể thay thế ống hút nhựa, nghiên cứu cách làm chống mốc, khử trùng, cách tách nước trong ống hút tre để sản phẩm để được lâu, quy trình làm ống hút thân thiện với môi trường bên cạnh lời khuyên từ các chuyên gia bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến qua skype (anh Đinh Văn Mạnh- công ty sản xuất ống hút Tinh Hoa Tre Việt)”.
Hoạt động của dự án cũng giúp học sinh có môi trường thực hành tiếng Anh (Ảnh:H.P)
Em Trang cũng chia sẻ thêm: “Bọn em cũng có thể áp dụng các kiến thức cơ học, động cơ điện một chiều, hiện tượng cảm ứng điện từ…để thiết kế ra máy cắt ống hút bằng điện từ các loại vật liệu tái chế.
Em mong muốn dự án sẽ ngày càng lan tỏa để mọi người và đặc biệt là các bạn trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”.
Trong tương lai, nhóm dự án dự định đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường. Với những điều mà 91 em học sinh trường cấp 3 đang làm chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào một thế hệ trẻ năng động, ý thức, trách nhiệm, làm giàu quê hương, đất nước.
Vũ Ninh
Theo giaoduc
Vốn đến tay, nhà nông nuôi gà, nuôi trâu mà khấm khá
Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng trăm nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại, nâng cao thu nhập.
Xóa nghèo từ vốn vay ưu đãi
Nhiều năm trước, gia đình anh Ngọc Văn Tỵ và vợ là chị Đinh Thị Hoan (dân tộc Mường) thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì ở xã Thượng Long, huyện Yên Lập. Năm 2013, được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo, cùng với vốn của nhà anh chị đầu tư mua máy xay xát.
Làm máy xay xát, thấy dư nhiều cám, trấu, anh chị tiếc của bèn đầu tư chăn nuôi thêm con gà, con lợn. Lúc đầu anh Tỵ chỉ mua 50 con gà giống, đôi lợn nái về nuôi. Nhờ mát tay, chăm chỉ đàn gà, đàn lợn lớn nhanh như thổi, chỉ 2 năm sau gia đình anh chị thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo tỉnh Phú Thọ đã đầu tư nuôi trâu hiệu quả. Ảnh: T.H
Thấy nuôi gà cho hiệu quả cao hơn nuôi lợn, anh Tỵ dồn vốn đầu tư tập trung nuôi gà. Đàn gà từ 50 con nhân đàn lên 500 con rồi đến hơn 2.000 con gà sinh sản. Với mong muốn vươn lên khó khăn, gây dựng kinh tế khá giả cho gia đình, năm 2016 anh Tỵ tiếp tục làm đơn vay vốn tín dụng ưu đãi dành cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và được Ngân hàng CSXH tỉnh chấp thuận.
Lần này, với số vốn vay 40 triệu đồng anh Tỵ mua ngay một máy ấp trứng với công suất 8.000 trứng/mẻ ấp. "Nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH, tôi chủ động việc sản xuất giống gà. Cứ 3 ngày tôi gom được 1 khay đầy trứng cho vào máy ấp.
Mỗi tháng tôi xuất bán 500 con gà giống với giá 10.000 đồng/con, thu về 5 triệu đồng. Đồng thời, mỗi tháng tôi thu về thêm 2 triệu đồng nhờ bán thịt gà ta thương phẩm. Nhờ nuôi gà mỗi tháng tôi thu lãi 4 triệu đồng" - anh Tỵ khoe.
Cùng xóm với anh Tỵ, gia đình chị Hà Thị Mức (dân tộc Mường) cũng được Ngân hàng CSXH cho vay vốn làm ăn. Chị Mức phấn khởi nói: "Vợ chồng tôi mới cưới nhau, vốn liếng không có nhiều nên rất cần vốn làm ăn. May mắn, năm 2018, được vay 40 triệu đồng chương trình hộ nghèo của Ngân hàng CSXH. Có vốn, tôi đầu tư nuôi trâu. Tôi thấy nuôi con gì cũng tốn thức ăn, chỉ có nuôi trâu là ít tốn nhất mà ít bị rủi ro".
Gần 700.000 lượt hộ nghèo được vay vốn
Ông Trương Việt Phương - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ cho biết: Nhìn lại hành trình kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ đã cho vay 697.297 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay hơn 11.326 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt hơn 7.403 tỷ đồng.
Tính đến 30/11/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt trên 4.108 tỷ đồng, tăng gấp trên 22 lần so với cuối năm 2002 với 121.040 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, mức dư nợ bình quân đạt 33,94 triệu đồng/hộ, tăng 31,2 triệu đồng/hộ so với thời điểm thành lập. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp, đến 30/11/2019 chỉ chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nọ. Nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,003% tổng dư nợ, cho thấy ý thức rất cao của người dân với việc sử dụng nguồn vốn này.
Thông qua các chương trình tín dụng, vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện gần 700.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Nguồn vốn CSXH đã giúp bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt...
Theo Danviet
Muốn giàu nuôi cá, muốn khá hơn thì nuôi cá cùng nhau Nhằm giúp xã miền núi Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, phát huy tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, Hội Nông dân (ND)tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá thương phẩm tại đây và đạt được hiệu quả tích cực. Các hộ nuôi cá đã dần liên kết, hỗ trợ nhau cùng nuôi cá hiệu quả...