Cố Tổng thống Arafat bị đầu độc?
Chính quyền Palestine cuối cùng đã đồng ý khai quật thi hài cố Tổng thống Yasser Arafat để điều tra xem có đúng là nhà lãnh đạo này đã bị đầu độc bởi chất phóng xạ như nghi ngờ của gia đình hay không.
Ông Arafat là biểu tượng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Palestine
Một quan chức Palestine cho biết, Chính quyền Dân tộc Palestine ngày 1-11 đã quyết định khai quật thi hài nhà lãnh đạo Yasser Arafat để giám định vào ngày 27-11 tới. Quan chức này cho biết Cơ quan Kiểm sát Pháp và Viện nghiên cứu Vật lý phóng xạ Thụy Sĩ sẽ cử một nhóm điều tra tới thành phố Ramallah – nơi đặt mộ của Tổng thống Arafat – vào trung tuần tháng 11 này, đồng thời lấy mẫu từ thi hài của ông vào ngày 27-11 để điều tra rõ nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết.
Việc khai quật thi hài cố Tổng thống Arafat được thực hiện theo đề nghị của gia đình mà vợ ông, bà Suha Arafat, là đại diện. Bà Suha đề nghị chính quyền Palestine cho khai quật thi hài ông Arafat ngay sau khi kênh truyền hình tiếng Arab Al-Jazeera phát sóng ngày 3-7 vừa qua cho rằng cố Tổng thống Palestine có thể chết vì nhiễm chất đồng vị phóng xạ polonium.
Video đang HOT
Theo Al-Jazeera, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý vô tuyến điện Thụy Sĩ sau khi xét nghiệm những di vật mà ông Arafat thường sử dụng lúc còn sống, bao gồm bàn chải đánh răng, chiếc khăn đội đầu đặc trưng, kính và quần áo đã phát hiện hàm lượng lớn chất polonium-210 tồn dư. Đây cũng chính là chất phóng xạ đã được tìm thấy trong vụ cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko bị sát hại năm 2006 sau khi uống chè có pha chất này tại một khách sạn ở London, Anh.
Kết quả nghiên cứu và xét nghiệm từ các nhà khoa học vật lý của Thuỵ Sĩ càng củng cố mối nghi ngờ trước đó là cố Tổng thống Arafat đã bị đầu độc chết vào tháng 11-2004. Trước đó, hoài nghi về cái chết bất thường của ông Arafat đã xuất hiện khi nhà lãnh đạo Palestine vốn đang khoẻ mạnh song đã yếu đi rất nhanh và qua đời ở một bệnh viện tại ngoại ô Paris (Pháp) ngày 11-11-2004, sau chỉ khoảng 2 tuần đưa đến đây điều trị từ trụ sở chính quyền Palestine ở thành phố Ramallah.
Có nhiều nghi vấn song các bác sĩ Pháp điều trị cho nhà lãnh đạo Arafat cho đến lúc ông qua đời đã không công bố thông tin về tình trạng bệnh tình của ông theo quy định về an ninh. Năm 2005, tờ New York Times (Mỹ) có bản sao hồ sơ y tế của cố Tổng thống Arafat cho biết ông bị đột quỵ vì rối loạn tuần hoàn máu dẫn đến tử vong nhưng tuyệt đại đa số người Palestine vẫn tin rằng nhà lãnh đạo của mình bị cơ quan tình báo Mossad của Israel đầu độc dù Tel Aviv luôn phủ nhận.
Nghi ngờ về sự dính líu của Mossad vào cái chết của nhà lãnh đạo Arafat càng gia tăng thêm khi tờ báo bán chạy hàng đầu của Israel “Yediot Aharonot” ngày 1-11 đưa tin Tel Aviv đã lần đầu tiên thừa nhận việc ám sát cựu nhân vật số 2 của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) Abu Jihad trong một cuộc đột kích vào trụ sở của PLO tại Thủ đô Tunis của Tunisia năm 1988. Ông Jihad là một người bạn lâu năm và là cấp phó của cố Chủ tịch PLO Arafat.
Phát biểu về quyết định khai quật thi hài nhà lãnh đạo Arafat, Người phát ngôn viên của Tổng thống Palestine Nabil Abu Rdineh khẳng định: “Không có một động cơ tôn giáo hay chính trị nào ngăn cản cuộc Điều tra và cuộc khai quật”. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã lệnh cho Uỷ ban điều tra về cái chết của ông Arafat xác minh thông tin và bằng chứng mà kênh Al-Jazeera đưa ra.
Theo ANTD
Nhật: Cá còn nhiễm phóng xạ hàng chục năm
Nhiều loài cá ở Nhật Bản vẫn chứa hàm lượng phóng xạ Cesium (Cs) ở mức cao. (Ảnh: Reuters)
Hơn 1,5 năm kể từ khi xảy ra trận động đất và sóng thần lịch sử phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ở Nhật Bản, rất nhiều loài cá trong khu vực vẫn chứa hàm lượng phóng xạ Cesium (Cs) ở mức cao.
Nhật Bản là một trong số những nước tiêu thụ nhiều hải sản nhất thế giới, cho nên Chính phủ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản nước này đặc biệt quan tâm và theo dõi chặt chẽ nồng độ bức xạ trong cơ thể sinh vật biển sau thảm họa Fukushima vào tháng 3/2011.
Theo kết quả rút ra từ một nghiên cứu mới đây, mặc dù hầu hết các mẫu cá dùng trong nghiên cứu đã đạt được ngưỡng Cs an toàn cho tiêu dùng, nhưng một số loài vẫn chứa nồng độ phóng xạ rất đáng lo ngại. Mức Cs cao nhất được tìm thấy ở quần thể cá sống gần đáy biển và gần khu vực Fukushima.
Thông thường, khi không còn tiếp xúc với phóng xạ, nồng độ Cs trong cơ thể sinh vật biển lẽ ra phải giảm đi vài phần trăm. Tuy nhiên, căn cứ vào báo cáo hàng năm trên hơn 8.500 mẫu sò, ốc, cá và rong biển lấy tại khu vực ven biển Fukushima, nhà hải dương học Ken Buesseler của Viện Hải dương Woods Hole (Mỹ) ngay lập tức nhận thấy mức phóng xạ trong cá không hề suy giảm suốt năm qua. Như vậy, chúng chắc chắn vẫn đang phải đối mặt với lượng Cs rò rỉ từ một nguồn nào đó, Buesseler nhận định.
Rất có thể Cs đã phát sinh từ đáy biển hoặc từ dòng nước ngầm bị ô nhiễm chảy vào đại dương, được tích lũy trong trầm tích đáy biển hoặc trong cơ thể các loài giun và động vật không xương sống khác sống dưới lớp trầm tích đó. Chu kỳ bán rã của Cs là 30 năm. Buesseler suy đoán rằng ngay cả khi phóng xạ ngừng rò rỉ hoàn toàn thì nó sẽ vẫn tồn tại ở đó trong vài thập kỷ nữa.
"Nếu Cs rò rỉ từ đáy biển, phải mất nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ để nó biến mất", Ken Buesseler nói. "Điều này có nghĩa là ngành đánh bắt cá ven biển ở Nhật Bản vẫn sẽ gặp khó khăn trong một thời gian dài sắp tới".
Ngoài ra, sau thảm họa sóng thần, người ta đã dùng nước biển để làm nguội lò phản ứng hạt nhân, lượng nước này chảy ra biển cũng được xem là một phần nguyên nhân.
Tuy nhiên, nếu bạn có ăn phải các loài hải sản trong khu vực Fukushima thì cũng đừng lo lắng bởi hàm lượng phóng xạ gồm polonium-210 và postassium-40 trong cá ở đây tính ra vẫn thấp hơn hàm lượng của tự nhiên. Polonium-210 và postassium-40 rất phổ biến trong các loài động vật biển, bởi vì trái đất tự nó cũng luôn sản sinh phóng xạ và 99% lượng bức xạ trong đại dương là tự nhiên, 1% còn lại là do các thử nghiệm vũ khí hạt nhân những năm 1960.
"Chúng ta nên biết rằng Cs có rất nhiều trong tự nhiên và về phần mình, tôi đã ăn tất cả các món hải sản trong chuyến đi đến Nhật Bản vào tháng 7 vừa qua", Buesseler nói.
Theo 24h
Nhật Bản: Gạo mới thu hoạch nhiễm phóng xạ Sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima được cho là nguyên nhân khiến gạo bị nhiễm phóng xạ Nồng độ phóng xạ cesium trong gạo được thu hoạch tại Sukagawa thuộc tỉnh Fukushima (Nhật Bản) cao hơn mức cho phép của chính phủ. Chính quyền tỉnh Fukushima của Nhật Bản ngày hôm qua (25/10) thông báo kết quả kiểm tra đối với...