Cô Tô đã có điện lưới quốc gia
18h, ngày 16.10.2013 sẽ mãi là thời khắc lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Cô Tô, khi dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60 km, qua các đảo đá và biển cả mênh mông, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu này của Tổ quốc. Như vậy, sau gần một năm nỗ lực thi công của các nhà thầu trong và ngoài nước, với sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt của Trung ương, các bộ ngành, địa phương và nhân dân cả nước, công trình đưa điện lưới ra huyện đảo tiền tiêu Cô Tô hoàn thành vào đúng dịp Quảng Ninh kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh (30.10.1963 – 30.10.2013).
Đây là dự án điện đầu tiên trong cả nước áp dụng công nghệ chôn cáp ngầm 22 kv dưới đáy biển. Ảnh: Nguyễn Hùng.
Cô Tô ngày mới
Cô Tô ngày 16.10 thực sự là một ngày hội lớn, không phải bởi đường phố, thôn, xóm được trang hoàng lộng lẫy, mà bởi sự hân hoan, chộn rộn của hơn 5.000 dân trên đảo lần đầu tiên được sử dụng điện lưới quốc gia.
Lễ khánh thành công trình thế kỷ này được tổ chức tại Vân Đồn, thay cho ở chính Cô Tô như kế hoạch, bởi lý do an toàn đi lại do biển động. Dẫu vậy, người dân Cô Tô vẫn háo hức tập trung ở khu vực chân tượng đài Bác Hồ, để rồi cùng vỡ òa trong hạnh phúc khi tại trạm biến áp 110kV Vân Đồn 1, các nhân viên điện lực Quảng Ninh chính thức đóng điện đưa điện lưới ra Cô Tô, trước sự chứng kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng đông đảo quan khách và nhân dân.
Từ thời khắc này, dòng điện lưới quốc gia ổn định sẽ thay thế cho những dàn máy nổ diesel yếu ớt lâu nay.
Từ nhiều tháng nay, ở Cô Tô, đâu đâu cũng ngổn ngang các công trình xây dựng. Theo ông Nguyễn Đức Thành – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô, từ đầu năm tới nay, người dân trên đảo đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để mở nhà hàng, xây khách sạn, nhà nghỉ để làm du lịch, vì sắp có điện lưới quốc gia.
Cũng bởi lý do này, vài tháng nay, chỉ số công-tơ tăng vọt bởi người dân mua sắm đồ gia dụng nhiều, trong đó, dân cả huyện ước tính mua thêm vài trăm máy điều hòa.
Video đang HOT
Lâu nay, hơn 5.000 dân trên đảo chủ yếu dùng điện từ các máy phát điện chạy bằng dầu của UBND huyện, với giá 9000 đồng/số, nhưng được hỗ trợ từ 50% – 60% giá với các hộ dùng dưới 300 số/tháng. Mỗi năm, khoản hỗ trợ này ước tính khoảng 11 tỷ đồng.
“Có điện lưới, chắc chắn các hộ sẽ đầu tư mạnh hơn nữa. Thời gian qua, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư lớn vào Cô Tô bởi huyện sắp có điện lưới quốc gia” – “chúa đảo” Nguyễn Đức Thành vui mừng, bởi trước đây các nhà đầu tư chưa mặn mà vì cả huyện dùng điện máy nổ, mà lại mỗi ngày cắt 2 tiếng từ 4 – 6 giờ sáng.
“Có điện lưới quốc gia, các hoạt động thương mại, du lịch của huyện chắc chắn sẽ phát triển mạnh. Điện khỏe, ổn định, giá rẻ sẽ giúp cho những doanh nghiệp như chúng tôi có điều kiện tập trung đầu tư, mở rộng kinh doanh” – anh Lê Xuân Thế – Chủ khách sạn Cô Tô Logge, thị trấn Cô Tô – cho biết.
Theo ông Phùng Kim Đại – Phó Giám đốc Cty điện lực Quảng Ninh, Trưởng Ban quản lý dự án đưa điện lưới ra Cô Tô – dùng điện máy nổ, công suất nhỏ – khoảng 1 MW – vừa yếu, vừa không ổn định. Trong khi đó, công suất tạm thời của hệ thống điện lưới ra Cô Tô là 17 MW và dự kiến tăng lên 30 MW sau thời điểm năm 2020.
Người dân trên đảo và những ngư dân đánh bắt xa bờ thuộc các tỉnh, thành khác hi vọng, có điện lưới quốc gia, dự án xây dựng khu dịch vụ nghề cá vịnh Bắc Bộ trên đảo Cô Tô, đã được phê duyệt, sẽ được khởi công xây dựng, để họ có chỗ trú an toàn khi bão gió, cũng như có điều kiện bám biển dài hơn.
Công trình thế kỷ
Dự án đưa điện lưới ra Cô Tô được khởi công vào 1.11.2012. Trong đó, tuyến đường dây trên không 110 KV, trạm biến áp từ TP.Cẩm Phả đến xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn và toàn bộ hệ thống lưới điện phân phối trên huyện đảo Cô Tô, do Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư 265 tỷ đồng, đều hoàn thành trước thời điểm kỷ niệm ngày thành lập tỉnh (19.10) ít nhất một tháng. Tuyến đường dây từ Vân Đồn ra Cô Tô, dài 58,5 km, trong đó có 25 km cáp ngầm 22 KV xuyên biển, với kinh phí 1106 tỷ đồng, do tỉnh Quảng Ninh đầu tư, cơ bản hoàn thành vào ngày 10.10.
Đây là phần việc khó khăn nhất do phải xẻ rãnh dưới đáy biển để lắp cáp ngầm ở dưới độ sâu khoảng 30m và phải dùng kinh khí cầu để lắp đặt dây trên không, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp. “Nhiều tổ phải đổi 3-4 tốp thợ vì thợ bỏ việc do không chịu được thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, lại ở giữa biển nước mênh mông. Tuy nhiên, dự án hoàn thành đúng như cam kết” – ông Phùng Kim Đại cho biết.
Việc thi công 25 km cáp ngầm dưới biển do nhóm thợ người Inđônêsia, thuộc Cty Nautic Maritime Salvage, có trụ sở tại Jacarta, đảm nhiệm. Riêng phần việc này “ngốn” 531 tỷ đồng do sử dụng 400 tấn cáp đặc biệt của Tập đoàn Prysmian, được thiết kế ở Italia, sản xuất ở Tây Ban Nha và hoàn thiện ở Na-uy. Ngày 23.9.2013 mới tiến hành rải cáp ngầm do ngày 22.9, cáp mới về tới cảng Cái Lân, sau 5 tháng sản xuất và 2 tháng vận chuyển bằng đường biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – ông Nguyễn Văn Đọc – cho rằng, dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô thành công là do có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, của các đơn vị và nhân dân trong cả nước. Tính đến ngày 16.10.2013, công trình đưa điện lưới ra đảo Cô Tô đã nhận được sự ủng hộ tài trợ của rất nhiều tập thể, cá nhân với số tiền trên 270 tỷ đồng, thông qua chương trình “Chung tay thắp sáng biển đảo Cô Tô”.
Vì thế, công trình này không chỉ được đầu tư từ ngân sách, mà còn là công trình của ý chí, lòng tin và hội tụ các nguồn lực của các tầng lớp nhân dân Quảng Ninh, các bộ ngành và nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài.
Theo Laodong
Tháng 10, Quốc hội chọn người thay Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013 sẽ có các nội dung về công tác nhân sự. Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân, xem xét nhân sự thay thế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mới được UB TƯ MTTQ Việt Nam hiệp thương cử làm Chủ tịch thay cho ông Huỳnh Đảm.
Bàn về chương trình, nội dung kỳ họp cuối năm tại UB Thường vụ Quốc hội sáng nay 12/9, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương thắc mắc vì các báo cáo, dự kiến chương trình không bố trí thời lượng cho công tác nhân sự. Văn phòng Quốc hội chỉ để nửa ngày dôi dư cho những vấn đề quan trọng phát sinh.
Bà Nương cho biết, tại kỳ họp thứ 6 này sẽ có việc Quốc hội miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân vì ông Nhân vừa được điều chuyển công tác, cử làm Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam. Vì việc này, Quốc hội cũng phải xem xét phê chuẩn nhân sự thay thế vị trí Phó Thủ tướng của ông Nhân.
Ngoài ra, theo bà Nương, kỳ họp này cũng sẽ bầu bổ sung một số chức danh trong Hội đồng dân tộc, các UB của Quốc hội.
Việc thay đổi với mỗi nhân sự, theo quy trình, cần công bố tờ trình, các đại biểu thảo luận, UB Thường vụ họp tổng hợp ý kiến, làm báo cáo giải trình và Quốc hội tiến hành bầu, phê chuẩn trong một buổi khác. Vì vậy, nếu có nửa ngày dự phòng trong chương trình sẽ không đủ. Trưởng Ban Công tác đại biểu yêu cầu bố trí thêm thời gian cho công tác nhân sự.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thông tin thêm, các nội dung về nhân sự cần phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền, các cơ quan liên quan nhưng chắc chắn sẽ có trong chương trình kỳ họp tới. Phó Chủ tịch nhắc Văn phòng Quốc hội chuẩn bị thời lượng tương xứng cũng như sắp xếp để các phiên bỏ phiếu, biểu quyết có đầy đủ đại biểu cũng như các lãnh đạo Đảng, nhà nước tham dự.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII dự kiến bắt đầu từ 20/10/2013 với rất nhiều nội dung nghị sự, sẽ kéo dài khoảng 44 ngày.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dự kiến được dành 4 ngày để Quốc hội xem xét, thông qua nội dung quan trọng, trong đó bố trí 1,5 ngày ở tổ (kết hợp với thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường), 2 ngày ở hội trường và 0,5 ngày xem xét, thông qua.
Luật Đất đai sửa đổi cũng được dự kiến thông qua tại kỳ họp này với nhiều ý kiến góp ý bố trí sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ thông qua 9 dự án luật khác và xem xét 8 dự án luật mà UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến.
Ngoài nội dung thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng như thường kỳ, Quốc hội cũng xem xét kết quả cuộc giám sát tối cao về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tê, giai đoạn 2009-2012", báo cáo tình hình rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện, báo cáo về quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan...
Theo Dantri
"Không đưa "nghĩa vụ thay thế" vào Hiến pháp" Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với báo chí bên lề Quốc hội về việc nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng "nghĩa vụ thay thế" bằng cách nộp tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: "Không quy đinh nghia vu thay thê vao...