Có tình trạng “liên minh báo chí” nhũng nhiễu doanh nghiệp
Có tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến quy định của pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng. Thậm chí, có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp…
Sáng 26.12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc nhằm tổng kết công tác năm 2017 triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – đánh giá năm qua, đội ngũ làm báo đã không ngại khó khăn, có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió, đưa tin về những sự kiện quan trọng của đất nước, vượt qua sự đe dọa của thế lực xấu, đối xử không công bằng của các cơ quan chức năng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (người thứ tư, từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. (Ảnh: H.V)
Tuy nhiên, theo ông Thưởng, báo chí năm qua cũng có hạn chế thiếu sót, một số khuyết điểm có biểu hiện nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng uy tín báo chí như: Xa rời tôn chỉ mục đích, vi phạm giấy phép hoạt động, nhất là trong lĩnh vực báo điện tử. Khuynh hướng giật gân, câu khách, dễ dài trong trích nguồn, xào lại tin bài báo khác là phổ biến. Những hạn chế thiếu sót trong công tác chỉ đạo định hướng của cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa được khắc phục hiệu quả, tháo gỡ kịp thời.
Vai trò của nhiều cơ quan chủ quản còn mờ nhạt, không quan tâm đào tạo đội ngũ báo chí. Các văn bản quy định pháp luật về xử phạt chưa đủ sức răn đe. Những vấn đề như quản lý văn phòng đại diện, quản lý phóng viên thường trú, lằn ranh giữa tạp chí điện tử và báo điện tử, tên miền báo điện tử, tạp chí điện tử có phù hợp với tôn chỉ mục đích không… là những vấn đề còn rất bất cập và cần tính toán căn cơ để giải quyết một cách hiệu quả.
Video đang HOT
Ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ TT&TT – phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: H.V)
Ông Thưởng chỉ đạo, năm 2018 báo chí cần tập trung thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị gắn với nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết 12 của Đảng, các nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên tất cả các mặt. Trong đó, tăng cường xây dựng, chính đốn Đảng để đấu tranh phòng chống, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tăng cường, nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí, vai trò của cơ quan chủ quản, tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ mục đích.
Đánh giá tình hình hoạt động báo chí năm 2017, ông Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ TT&TT – cho biết, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiệm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, phản ánh kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Toàn cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018. (Ảnh: H.V)
Cùng với những ưu điểm trên, báo chí vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế gây bức xúc trong xã hội như tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến quy định của pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng; tình trạng “suy đoán có tội” phát triển trong báo chí hiện nay gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…
Thậm chí, có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ép ký hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông và gỡ, sửa bài sau khi đăng một cách tùy tiện, vụ lợi. Cá biệt, có một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một số phóng viên, nhà báo, biên tập viên… lợi dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm đi ngược với quan điểm của báo, ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan thông tin không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, đăng tải nhiều thông tin về mặt trái của xã hội; vi phạm về quảng cáo vẫn xảy ra, mặc dù đã giảm đáng kể so với các năm trước.
Báo cáo của Ban tổ chức cho biết, cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo (trung ương 86, địa phương 99) và 664 tạp chí (trung ương 530, địa phương 134). Về báo điện tử: Hiện có 195 cơ quan báo chí điện tử được cấp phép và 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp… Về phát thanh, truyền hình: Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với 281 kênh phát hành, truyền hình được cấp phép. Năm 2017, cả nước có 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng hơn 13 triệu thuê bao (tăng gần 1 triệu thuê bao so với năm 2016) và tổng doanh thu năm 2017 ước đạt gần 8.000 tỷ đồng.”Những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử và các phương tiện truyền thông trên mạng Internet… khiến số lượng phát hành, quảng cáo của báo in giảm nhiều, ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ quan báo in. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, vẫn còn nhiều cơ quan báo chí duy trì được nguồn thu, tăng trưởng ổn định, đảm bảo đời sống cho đội ngũ người làm báo”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết.
Theo Danviet
Nhiều vấn đề xuất hiện đầy trên mạng nhưng cán bộ vẫn nói "bí mật, nhạy cảm"
Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết, nhiều vấn đề xuất hiện đầy trên mạng nhưng cơ quan chức năng lấy lý do bí mật, nhạy cảm nên không dám gửi nhanh cho báo chí. "Tôi thấy việc này phải điều chỉnh, thay đổi", ông Thưởng nói.
Ngày 25/12, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết, ngành tuyên giáo cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên giáo để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và đất nước trong tình hình hiện nay.
Theo ông Thưởng, đội ngũ làm công tác tuyên giáo phải nhanh nhạy hơn trong tình hình công nghệ thông tin và tri thức nhân loại phát triển như vũ bão, tác động tích cực lẫn tiêu cực đến xu hướng vận động của xã hội.
Người đứng đầu ngành tuyên giáo đánh giá, sự phát triển thông tin như thời gian qua cho thấy lợi thế thuộc về người nhanh nhạy và chiếm lĩnh trên trận địa thông tin. Điều này đúng ở cả phạm vi quốc tế, quốc gia, ở lĩnh vực chính trị lẫn kinh tế, xã hội...
Từ những vấn đề thực tiễn hiện nay, ông Võ Văn Thưởng cho rằng người làm công tác tuyên giáo phải tích cực đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng. Qua đó, khắc phục tình trạng đi theo, chạy theo, nói lại trong định hướng thông tin.
Theo ông Thưởng, mạng xã hội tác động đến con người, làm cho con người nhạy cảm, dễ bị tổn thương và ở một khía cạnh nào đó làm cho con người có vẻ vô cảm và nhẫn tâm hơn. Nếu nói nặng nói nhẹ với nhau bên ngoài thì khó nhưng trên mạng người ta lại sẵn sàng "ném đá" nhau bằng những từ ngữ báng bổ.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu đội ngũ tuyên giáo phải rút ngắn thời gian kiểm tra, xác định các thông tin trên mạng xã hội. Theo ông, ở nhiều lĩnh vực, cơ quan chức năng cứ lấy lý do bí mật, nhạy cảm nên không dám gửi nhanh cho báo chí.
"Nhiều vấn đề xuất hiện đầy trên mạng nhưng chúng ta lấy lý do bí mật, nhạy cảm nên không dám gửi nhanh cho báo chí... Tôi thấy việc này phải điều chỉnh, thay đổi", ông Thưởng nói.
Trưởng Ban Tuyên giao Trung ương cho biết, ông thường nghe cán bộ than phiền quá nhiều thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. "Tôi băn khoăn, lo lắng là các cán bộ, đảng viên của mình đi tìm kiếm thông tin xấu nhiều quá, làm phức tạp thêm tình hình", ông Thưởng nói.
Để nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, ngành tuyên giáo cần tổ chức lực lượng thật khoa học, kết nối rộng rãi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội để phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động trí tuệ, tâm huyết xã hội vào công tác tuyên giáo.
Ông Thưởng gợi ý, hàng ngày mỗi cán bộ sử dụng smarphone chia sẻ thông tin tốt, huy động được 10-20% người sử dụng mạng cùng làm công tác tuyên giáo thì kết quả sẽ tốt hơn.
Quốc Anh
Theo Dantri
Vì sao công an xã nghỉ việc nhiều đến thế? Chỉ nội một tỉnh, trong 3 năm mà có đến ngót nghét 50 công an xã xin thôi việc thì không hiểu trên cả nước con số này là bao nhiêu? Hôm rồi, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ...