“Cố” tiêu hết tiền ngân sách năm, nữ giám đốc ra tòa
Mặc dù công tác biên soạn sách chưa đâu vào đâu, song bà Hường vẫn chỉ đạo thuộc cấp và ký thanh lý hợp đồng để rút tiền ngân sách. Việc làm này đã khiến nữ giám đốc trung tâm dân số “thân bại danh liệt”.
Nữ Giám đốc Trung tâm Dân số Hoàng Thị Bích Hường cùng đồng phạm
tại phiên xử
Chỉ bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, thế nên khi ra tòa vào sáng qua (19-3), nữ Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Dân số – Bộ Y tế (gọi tắt là Trung tâm Dân số) Hoàng Thị Bích Hường (SN 1960, trú ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa) vẫn phần nào giữ được vẻ “oai vệ” của cấp lãnh đạo. Bị cáo này bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo khoản 1, Điều 281-BLHS.
“Sát cánh” với bà Hường tại phiên tòa còn có các thuộc cấp gồm: Trần Thị Bích Thủy (SN 1974) – Kế toán trưởng; Bùi Quang Tám (SN 1962) – Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính; Trần Quang Khánh (SN 1983) – cán bộ Phòng Tổ chức hành chính và Trần Văn Yên (SN 1979, trú ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa) – Giám đốc Công ty CP Thương mại và Giấy in Hoàng Phát (gọi tắt là Công ty Hoàng Phát). Tất cả cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò giúp sức cho nữ Giám đốc Trung tâm Dân số…
Nội dung vụ án cho thấy, tháng 7-2012, Trung tâm Dân số được Bộ Y tế giao nhiệm vụ thực hiện Đề án 32 của Bộ này với việc biên soạn, phát hành 3.000 cuốn cẩm nang “ Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe”, kinh phí dự kiến là 300 triệu đồng và với điều kiện phải hoàn tất trong tháng 12-2012. Thực hiện Đề án, bà Hường đã phân công công việc cụ thể cho Phòng Tổ chức hành chính quản trị do Bùi Quang Tám phụ trách và Phòng Kế hoạch tài chính kế toán do Trần Thị Bích Thủy đảm nhiệm. Trong quá trình triển khai Đề án 32, Giám đốc Trung tâm Dân số đã ký hợp đồng với các chuyên gia biên soạn đề cương tổng quát, đề cương chi tiết và biên dịch tài liệu nước ngoài để hoàn thiện đề cương cuốn cẩm nang đệ trình Bộ Y tế thẩm định phê duyệt.
Video đang HOT
Song song với công tác chuẩn bị tài liệu, đề cương, 2 thuộc cấp của bà Hường là Tám và Thủy cũng đã tham mưu cho bà lựa chọn đối tác in ấn. Theo đó, bà Hường đã đứng ra ký hợp đồng in 3.000 cuốn cẩm nang “Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe” với Công ty Hoàng Phát do Trần Văn Yên làm đại diện với tổng giá trị 228 triệu đồng. Mặc dù tiến độ công tác biên soạn, in ấn cuốn cẩm nang chưa đâu vào đâu, nhưng do lo sợ năm tài chính sắp kết thúc sẽ bị thu hồi vốn nên bà Hường đã bàn bạc, rồi quyết định ký khống thanh lý hợp đồng với đối tác.
Với việc hợp thức hóa hồ sơ như nêu trên, Trung tâm Dân số đã nhanh chóng rút được toàn bộ số tiền 300 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước, trong đó Công ty Hoàng Phát nhận được 228 triệu đồng, khi chưa hoàn thành nghĩa vụ in ấn. Sự việc còn tiếp tục lắt léo hơn, bởi bà Hường lập tức yêu cầu Yên giao lại cho Trung tâm Dân số 128 triệu đồng với cam kết khi nào in ấn xong cẩm nang thì Công ty Hoàng Phát sẽ được thanh toán đầy đủ kinh phí. Nhận được sự đồng ý của Giám đốc Công ty Hoàng Phát, Hường sai Trần Quang Khánh đến nhận tiền. Tuy nhiên khi mang tiền về cho “sếp”, Khánh đã cất giữ lại 20 triệu đồng vào tủ cá nhân mà không hề gặp phải sự phản đối nào từ nữ giám đốc. Sau này khi vụ việc bị phanh phui, bà Hường cùng thuộc cấp đã tự nguyện giao nộp lại toàn bộ số tiền ngân sách đã nhận khống. Cũng chính vì sự khuất tất, nhập nhèm của một số cán bộ Trung tâm Dân số này nên phải tới tháng 6-2014, Bộ Y tế mới phát hành được cuốn cẩm nang “Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe”.
Quá trình xét xử, bị cáo Hường cùng đồng phạm đều khai nhận hành vi cố ý làm trái quy định do lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bản thân, đồng thời cùng nhau khẳng định không hề có bất kỳ tư lợi gì trong vụ in ấn này. Xét hành vi của các bị cáo đã phạm vào Điều 281- BLHS, song thành khẩn khai nhận tội và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định chỉ tuyên phạt Hoàng Thị Bích Hường 15 tháng tù, cho hưởng án treo. Với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực, các bị cáo liên quan cũng lần lượt phải nhận từ 12 tháng đến 13 tháng tù, hưởng án treo.
Theo_An ninh thủ đô
Cố ý làm trái, cựu Giám đốc Trung tâm Dân số - Y tế lĩnh án
Vi phạm trong việc phát hành 3.000 cuốn cẩm nang trong đề án của Bộ Y tế, các bị cáo là lãnh đạo Trung tâm Đào tạo dân số phải hầu tòa.
Ngày 19/3, TAND Hà Nội xét xử bị cáo Hoàng Thị Bích Hường (1960, cựu Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ Dân số - Y tế, Bộ Y tế và đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản ký kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đồng phạm của bị cáo Hường là Bùi Quang Tám (SN 1962 - Phó trưởng Phòng Tổ chức- Hành chính; Trần Thị Bích Thủy (SN 1974 - Phó trưởng Phòng Đào tạo bồi dưỡng; Trần Quang Khánh (SN 1984, cán bộ Phòng Tổ chức- Hành chính và Trần Văn Yên (SN 1979 - cựu Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại giấy in Hoàng Phát.
Các bị cáo tại phiên tòa
Theo cáo trạng, Trung tâm Đào tạo cán bộ Dân số - Y tế có nhiệm vụ thực hiện "Đề án Phát triển nghề, công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011- 2020", trong đó có việc biên soạn, phát hành 3.000 cuốn "Biên soạn và phát hành Cẩm nang về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe cho cho cán bộ lãnh đạo và các cơ sở trong ngành". Bộ Y tế đã giao Hường thực hiện việc này.
Nhận nhiệm vụ được giao, Hường đã phân công các phòng chức năng ban hành kế hoạch thực hiện các nội dung công việc của Đề án, ký hợp đồng với các chuyên gia biên soạn đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, biên dịch tài liệu nước ngoài để xây dựng đề cương Cẩm nang trình Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt.
Tám và Thủy đã tham mưu giúp Hường lựa chọn đơn vị in ấn là Công ty cổ phần Thương mại giấy in Hoàng Phát do Yên làm Giám đốc kinh doanh đại diện để ký hợp đồng in ấn 3.000 cuốn Cẩm nang với giá tiền gần 230 triệu đồng.
Khi tài chính năm 2012 sắp hết, do Cẩm nang chưa được Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt để in ấn theo kế hoạch nên Tám và Thủy báo cáo đề xuất với Hường làm thủ tục thanh lý hợp đồng đã ký kết trong việc in ấn để hoàn thành thủ tục rút tiền ngân sách đã được phê duyệt để khỏi bị thu hồi.
Hường đồng ý và cùng với đồng phạm hoàn tất các thủ tục hợp đồng, các chứng từ thanh lý hợp đồng, các chứng từ kế toán để rút số tiền ngân sách cấp cho việc biên soạn, phát hành cẩm nang với tổng số tiền 300 triệu đồng, trong đó số tiền đã chuyển cho Công ty cổ phần Thương mại giấy in Hoàng Phát 228 triệu đồng.
Sau khi chuyển tiền cho công ty, Thủy gặp Yên đề nghị chuyển lại cho Trung tâm Đào tạo cán bộ Dân số - Y tế giữ 128 triệu đồng, khi thực hiện in ấn xong thì trung tâm sẽ chuyển lại.
Yên đồng ý và đã giao lại cho Khánh số tiền 128 triệu đồng. Nhận tiền về, Khánh giao lại cho Thủy giữ hơn 100 triệu đồng, Khánh giữ 20 triệu đồng ở tủ cá nhân tại Trung tâm Đào tạo cán bộ Dân số - Y tế.
Khi cơ quan điều tra phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong việc biên soạn, phát hành 3.000 cuốn Cẩm nang, Thủy, Khánh và Yên đã tự nguyện giao nộp số tiền đã giữ.
Ngày 26/6/2014, Trung tâm Đào tạo cán bộ Dân số - Y tế đã thực hiện xong việc biên soạn, phát hành 3.000 cuốn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo Đề án của Bộ Y tế.
Xác định hành vi của các bị cáo là phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo 15 tháng tù giam. 4 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 12 - 13 tháng tù nhưng cho hưởng án treo./.
Việt Đức
Theo_VOV
Nữ giám đốc chiếm đoạt hơn 22 tỉ đồng của Agribank Ngày 24/11, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Nam Phương (ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Qua công tác quản lý doanh nghiệp trên địa bàn, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội...