‘Có tiền đi du lịch sang chảnh mà không đem theo ý thức thì nên ở nhà’
Trước nhiều câu chuyện về hành xử kém ở nơi công cộng, nhất là khi đi du lịch, nhiều dân mạng đồng tình rằng mỗi người nên tự có ý thức, dù là sử dụng dịch vụ có trả tiền.
Nhóm thanh niên thuê villa ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) để nghỉ dưỡng, sau đó ra đi bỏ lại “ bãi chiến trường” từ vỏ lon bia, nước uống vương vãi trên sàn nhà đến đống thức ăn thừa gói trong chăn vứt ngoài ban công.
Nhóm bạn trẻ vô tư ném vỏ cốc nước ngọt và bỏng ngô rơi vãi tại rạp chiếu phim ở Hà Nội, rồi thản nhiên nói “sẽ có nhân viên dọn” khi được nhắc nhở.
Căn phòng đầy đủ tiện nghi của một khách sạn ở Đà Nẵng ngập ngụa trong vỏ lon, túi nylon… sau khi khách thuê rời đi khiến dân mạng ái ngại cho những người phải dọn dẹp.
Từ bãi biển, đường phố, nơi làm việc cho đến phòng khách sạn – dường như hành động xả rác có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Và chủ nhân của việc làm này dĩ nhiên bị đám đông ngoài cuộc “ném đá”, cho rằng “có tiền đi du lịch mà không có tiền mua ý thức”.
Tuy nhiên, một số ít coi hành động xả rác là đương nhiên, bởi “bỏ tiền ra mua dịch vụ thì có quyền làm mọi thứ”.
Hình ảnh căn villa bừa bộn, bị xả rác bừa bãi ở Quảng Ninh khiến nhiều dân mạng bức xúc. Ảnh: Rio Nguyễn.
“Mua mâm phải đâm cho thủng”
Chứng kiến những hình ảnh xấu xí của người Việt khi đi du lịch, tài khoản Nguyễn Cường chia sẻ: “Đành rằng chúng ta bỏ tiền đi nghỉ dưỡng để được phục vụ và trải nghiệm dịch vụ, nhưng hãy tội nghiệp cho người lao công dọn dẹp”.
Nguyễn Hiền (25 tuổi, Thanh Hoá) – nữ nhân viên dọn phòng – chia sẻ việc thường xuyên phải lau dọn những phòng nghỉ, khách sạn như “bãi chiến trường”.
Vỏ nước ngọt, bỏng ngô bị các bạn trẻ vứt bừa bãi trong rạp chiếu phim. Ảnh: Kim Chi.
Cô viết: “Ít ai biết rằng, để làm những công việc trên, ngành dịch vụ chúng tôi phải qua đào tạo trường lớp, có bằng cấp mới có thể vào làm việc. Với thời gian làm việc 2 năm, tôi chưa gặp được một người khách Việt ngăn nắp, lịch sự và tip cho phục vụ phòng”.
Chia sẻ của nữ nhân viên này nhận được nhiều sự đồng tình, song cũng có một số ý kiến phản đối.
Trần Tiến (30 tuổi, Hà Nội) cho rằng người ta bỏ tiền ra mua dịch vụ để hưởng thụ thì họ có quyền làm mọi thứ mình muốn, kể cả quyền được xả rác. Còn nhân viên dọn phòng, làm công ăn lương thì dọn rác là chuyện đương nhiên, không có gì phải kêu ca hay phàn nàn.
Thậm chí thành viên Hoa Cỏ May đặt câu hỏi: “Thế không lẽ bỏ tiền ra thuê villa xong ăn uống ngủ nghỉ phải tự dọn à?”.
Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ cho việc “bỏ tiền là có quyền xả rác” chỉ là số ít. Phần lớn những quan điểm bao biện cho hành vi bất chấp văn hóa, văn minh đều bị lên án.
“Vậy cứ có tiền là vô ý thức à?”, “Cứ đóng tiền là có quyền quăng rác ra đường phải không?”… là những ý kiến phản đối việc trả tiền là có quyền được xả rác.
Làm sạch phòng nghỉ, khách sạn hay rạp chiếu phim là trách nhiệm của nhân viên dọn phòng. Tuy nhiên, bạn Kim Dung cho rằng nếu chúng ta có ý thức bỏ rác đúng chỗ thì sẽ phần nào giảm tải lượng công việc cho những người lao công. Đây cũng là cách để hình thành thói quen giữ vệ sinh chung, xây dựng cuộc sống văn minh.
“Những người làm nghề dịch vụ như tôi đều ý thức được công việc đang làm. Tuy nhiên tôi muốn nhận được sự cảm thông và thấu hiểu nhiều hơn từ phía khách hàng”, người này nói.
Độc giả Nguyễn Hoàng (26 tuổi, Hà Nội) cho rằng xét về lý khách hàng không sai vì không có quy định nào yêu cầu họ phải giữ gìn vệ sinh trong phòng.
“Việc dọn phòng, xếp chăn màn vốn không phải việc khách phải làm. Nhưng xét trên khía cạnh ‘tình’ và cách ứng xử, chúng ta có thể làm những việc đơn giản nhất như vứt rác vào sọt. Những hành động đó giúp chúng ta trở nên lịch thiệp hơn”, người này nêu quan điểm.
Nickname Minh Phương bình luận: “Đã đến lúc tâm lý ‘mua mâm phải đâm cho thủng’ cần được đào thải. Bởi tâm lý này sẽ dẫn đến thói quen xấu. Khi thói quen trở nên khó bỏ, những điều bạn nghĩ rằng chỉ là chuyện nhỏ sẽ biến hình ảnh của bạn trở nên ‘kém sang’ hơn”.
Ác mộng của nhiều nước
Không chỉ tại Việt Nam, những hành động “xấu xí” khi sinh hoạt ở nơi công cộng, nhất là tại các điểm du lịch của một bộ phận người dân cũng trở thành nỗi ác mộng của nhiều nước trên thế giới.
Dù bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ, chủ nhân những hành vi này vẫn bị nhiều người lên án vì thể hiện ý thức kém.
Giữa tháng 9 năm ngoái, trong chuyến du lịch đến Nhật Bản, 3 nữ sinh viên Trung Quốc đã thuê một căn hộ thông qua ứng dụng cho thuê phòng trung gian. Sau 5 ngày cư trú, nhóm nữ sinh rời đi và để lại căn hộ ngập trong “núi” rác.
Chủ sở hữu rất tức giận khi nhận lại căn hộ này. Loạt ảnh được ông ghi lại cho thấy nhà cửa lộn xộn, rác trong phòng chất thành từng đống, đồ dùng cáu bẩn và nhiều thứ bị thất lạc.
Không chỉ vậy, nhóm nữ sinh này còn viết, vẽ nhiều hình ảnh thô tục vào cuốn sổ hướng dẫn dành cho khách.
Sau khi được chia sẻ lên mạng, hành động vô ý thức của 3 cô gái vấp phải làn sóng chỉ trích của nhiều người. Theo Toutiao News, chủ căn hộ đã yêu cầu nhóm sinh viên trả gấp đôi chi phí dọn dẹp song bị từ chối.
Video đang HOT
Hình ảnh căn hộ tại Nhật Bản được sử dụng bởi nhóm nữ sinh viên Trung Quốc sau 5 ngày. Ảnh: Weibo.
3 cô gái bao biện rằng không tìm thấy thùng rác trong căn hộ và bản thân “không có nghĩa vụ phải dọn dẹp vì đó không phải nhà của mình”.
“Chúng tôi trả tiền để đến đấy ở, không phải để dọn dẹp. Đó không phải nhà của chúng tôi. Chúng tôi không cần dọn sạch nơi đó”, một người nói.
Sau khi chủ căn hộ đáp lại bằng bức ảnh chụp 3 thùng rác ở ban công, nhóm nữ sinh viên đành xin lỗi và phải trả cho chủ nhà 6.666 yên (khoảng 60 USD).
Theo South China Morning Post, dựa vào hình ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội, các công ty du lịch đã lên danh sách một số quốc gia “nổi tiếng” có người dân hành xử kém ở nơi công cộng khi đi du lịch.
Theo đó, những quốc gia được “điểm mặt” gồm Trung Quốc, Anh, Đức, Mỹ, Israel và Nga. Trong khi các khách Trung Quốc thường bị bắt gặp gây gổ, tấn công phi hành đoàn hay đi vệ sinh bừa bãi, người Đức lại nổi tiếng với việc uống bia quá đà và phóng bạt mạng ngoài đường.
Trung Quốc ban hành nhiều hướng dẫn, quy định người dân về cách ứng xử ở nơi công cộng khi đi du lịch. Tranh: Lau Ka Kuen.
Liên tục mất điểm với bạn bè quốc tế bởi ý thức kém của một bộ phận người dân, năm 2013, chính phủ Trung Quốc phải ban hành các quy định và hướng dẫn người dân khi đi du lịch nước ngoài để giải quyết vấn đề này.
Theo đó, người dân phải tuân thủ trật tự công cộng và các chuẩn mực đạo đức xã hội khi đi du lịch, tôn trọng phong tục, văn hóa, tín ngưỡng của địa phương, bảo vệ môi trường và không gây tổn hại đến các di sản, công trình xây dựng ở khu du lịch.
Trước đó, Tổng cục Du lịch Trung Quốc cũng ban hành cuốn sách dài 64 trang hướng dẫn người dân về các lưu ý khi du lịch nước ngoài.
Cuốn sách này chỉ ra những điều “không nên làm” ở nơi công cộng như: khạc nhổ, cởi giày và tất, đi tiểu tiện hay ra ngoài với trang phục, cơ thể không sạch sẽ.
Theo Zing
Những kiểu khách du lịch "tạo nghiệp" cứ đi tới đâu là khiến người khác "dị ứng" tới đó, bạn đã từng thấy chưa?
Có đủ thứ trò để làm khi đặt chân đến các địa điểm du lịch, trình "tạo nghiệp" của những "vị khách không mời mà đến" này quả là không có đối thủ!
Đi du lịch sang một quốc gia hay mảnh đất khác nói chung, bạn như chính thức trở thành một vị khách trong nhà người ta. Nếu biết cách cư xử đúng mực, bạn sẽ được chào đón và tiếp đãi nồng nhiệt. Ngược lại, nếu không biết điều chỉnh những hành vi của bản thân, bạn sẽ ngay lập tức được gắn mác "những vị khách không mời mà đến" khiến người dân tại nơi đó "dị ứng" vô cùng.
Đời có người này người nọ, thế nên sẽ luôn tồn tại một vài "con sâu làm rầu nồi canh" gây mất hình tượng của cộng đồng đam mê du lịch chân chính. Ngay bên dưới đây chính là những kiểu người "tạo nghiệp" điển hình khi đi du lịch mà bạn thường bắt gặp hoặc nghe nói đến nhất!
Ảnh: Jasper Loh
1. Xả rác bừa bãi cứ như ở nhà mình!
Nếu là một người yêu du lịch chân chính, hẳn các bạn phải biết đến câu khẩu hiệu vô cùng quen thuộc: "Không lấy gì đi ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân". Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng thuộc nằm lòng điều này và đã không ít lần, vì ý thức kém của một số thành phần mà cụm từ "phượt thủ" luôn gắn liền với rất nhiều điều tiêu cực.
Cụm từ "phượt thủ" luôn gắn liền với nhiều điều tai tiếng cũng là vì một số "con sâu làm rầu nồi canh" như thế này!
Thùng rác hay cả biển cảnh báo cũng chẳng hề hấn gì với những du khách đã quen tay xả rác. (Ảnh: Tham Ht)
Câu chuyện xả rác khi đi du lịch không chỉ là vấn đề đáng nhức nhối hàng đầu trên thế giới mà ngay tại Việt Nam mình đây cũng luôn gây tranh cãi mọi lúc mọi nơi. Bạn còn nhớ "bãi tập kết rác lớn nhất Tây Nguyên" - thành phố Đà Lạt sau chuỗi ngày nghỉ lễ Tết, cuối tuần? Còn nhớ những hình ảnh không đẹp mắt gần đây nhất về các "phượt thủ" tiện tay vứt áo mưa ven đường? Câu chuyện xả rác có nói mãi cũng chẳng thể nào chấm dứt được. Chi bằng tự bản thân mỗi người chúng ta có ý thức hơn để không bị liệt vào nhóm "những kẻ tạo nghiệp số 1 khi đi du lịch".
Đà Lạt không vốn là thành phố ngàn hoa, nay lại còn được mệnh danh là "thành phố triệu tấn rác" sau những cuộc vui chơi, nghỉ dưỡng của các du khách phương xa.
Một khi bản thân mỗi người không tự nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường thì câu chuyện xả rác vẫn là vấn đề nan giải khó có hồi kết!
2. "Sống ảo" bất chấp thời gian và không gian!
Đi du lịch và chụp hình sống ảo từ lâu luôn là hai khái niệm đi đôi với nhau khó có thể tách rời. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi bạn được lưu giữ lại từng khoảnh khắc trong chuyến đi của mình để về chia sẻ cho bạn bè, người thân những cái hay, cái đẹp của nơi mình từng đặt chân qua.
Đi du lịch, chụp hình sống ảo là chuyện bình thường nếu như mỗi du khách biết chú ý đến những người xung quanh.
Ảnh: Jasper Loh
Tốn bao nhiêu tiền bạc và thời gian để đi đến một vùng đất mới, thay vì tận hưởng, nghỉ ngơi, tìm hiểu các thứ thì một số người chỉ biết lấy đam mê sống ảo làm động lực chính mà bất chấp nhiều hậu quả. Kết quả là những bức hình, dù xấu hay đẹp được mang về chỉ để "cúng" trên mạng xã hội, mang lại sự khó chịu cho nhiều người xung quanh, thậm chí là những hậu quả đáng tiếc.
Gần đây nhất, câu chuyện bức xúc về một cô gái cứ "đứng lì" ở cổng một nhà hàng tại Hội An để chụp hình sống ảo, chắn luôn cả đường vào của đoàn du khách khác, lại còn lớn giọng quát mắng đã nhận về lượng "gạch đá" không hề nhỏ từ cư dân mạng.
Một chú cá heo con đã chết sau khi bị khách du lịch đưa lên bờ để chụp ảnh selfie tại bãi biển resort Santa Teresita tại Buenos Aires (Argentina) hồi đầu tháng 2 năm nay.
Xuất hiện trong bức ảnh với tư thế ngửa người ra phía ngoài đoàn tàu đang chạy cực kỳ nguy hiểm, nhiều cặp travel blogger bị cư dân mạng lên án dữ dội.
Vì vốn lấy "sống ảo" làm niềm đam mê khó cưỡng lại, thế nên một hệ lụy khác thường xảy đến chính là việc "chỉnh ảnh quá lố". Nấu ăn, thêm mắm dặm muối còn có thể lố tay được cơ mà, huống hồ gì là chỉnh ảnh! Bạn sẽ chẳng tài nào nhận ra nổi cảnh đẹp mà người ta đang thể hiện trong bức hình là ở chỗ nào, vì bầu trời đã ngả sang một màu rất khác lạ và những sự vật không liên quan như khinh khí cầu, đàn chim, đốm sáng, tuyết trắng,... vốn không nên xuất hiện, giờ lại lấn át luôn cả con người!
Chỉnh ảnh quá đà khiến người khác hoang mang trước độ "thật" của các địa điểm du lịch cũng là một hình thức "tạo nghiệp" diễn ra như cơm bữa! Trong ảnh chính là "bộ mặt thật" của "tiểu Venice Đà Lạt" gây tranh cãi ầm ầm trên mạng thời gian trước.
3. Thích viết, vẽ bậy dù chẳng có tí hoa tay nào!
Nghệ thuật đường phố từ lâu đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch trên khắp mọi nơi. Tuy nhiên, ranh giới giữa "nghệ thuật" và "phá hoại của công" thì không phải ai cũng phân biệt được.
Nhiều người không phân biệt được đâu là "nghệ thuật" và đâu là "phá hoại"! (Ảnh: Jasper Loh)
Nhiều người dù không phải là "họa sĩ", chẳng sở hữu đủ hoa tay và cả ý thức đã không ngừng góp phần phá hủy những hình ảnh vốn đẹp của nhiều địa điểm du lịch nơi học đặt chân qua. Nhẹ thì viết bậy bằng bút xoá, nặng hơn thì dùng hẳn vật nhọn khắc lên công trình nổi tiếng để thể hiện tình yêu "ngôn tình" dành cho nhau. Nhìn vào những hình ảnh này mà chỉ biết thở dài ngao ngán trước ý thức quá kém của một bộ phận giới trẻ.
Bức tường vàng Cối Xay Gió siêu nổi tiếng ở Đà Lạt một thời gian trước cũng xuất hiện những hình vẽ chi chít của một "họa sĩ ẩn danh" nào đó!
Mới đây nhất, đoạn clip ghi lại hình ảnh 1 nam thanh niên dán logo lên tấm biển báo mang tên địa danh đèo Khau Phạ (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) được đăng tải lên Facebook khiến cộng đồng mạng hết sức bất bình.
Người đàn ông "vô tư" nhất năm khi dùng bút xóa vẽ bậy lên bàn tay Phật ở Cầu Vàng nổi tiếng Đà Nẵng rồi chụp ảnh selfie gây bức xúc cộng đồng du lịch thời gian trước.
Những "tuyên ngôn tình yêu" hết sức vô duyên của các cặp đôi là thứ dễ bắt gặp nhất tại nhiều địa danh du lịch nổi tiếng.
Một khách du lịch Trung Quốc khắc tên lên công trình điêu khắc ngàn năm tuổi của Ai Cập.
Nhật Bản truy tìm người viết chữ tiếng Việt lên di tích quốc gia thuộc thành cổ Yonaga vào tháng 11/2018. Trên ảnh là dòng chữ tiếng Việt "A.Hào". (Ảnh: Asahi)
4. Đang yên đang lành, "tiện tay cầm nhầm"?
Khi đặt chân đến một vùng đất mới, chúng ta thật dễ dàng bị hấp dẫn bởi những món đồ, những thứ độc đáo, dễ thương mà chỉ nơi đó mới có. Thế nhưng đó không nên được xem là lý do khiến nhiều thành phần thích "chôm chỉa" có cớ làm "dậy sóng" cộng đồng yêu du lịch chân chính như thời gian gần đây. Có thể thấy rằng, những khách du lịch theo kiểu "hai ngón" này luôn dễ bị mê đắm bởi tất cả mọi thứ trong tầm mắt của mình và họ sẽ có thể tìm đủ mọi cách để "vớ" vài món về nhà, cho dù điều đó là bất hợp pháp.
Bị hấp dẫn trước những cái đẹp mắt, nhiều du khách xấu tính sẵn sàng "chôm chỉa" những thứ không thuộc về mình! (Ảnh: Jasper Loh)
Mới đây nhất có thể kể đến trường hợp cặp nam nữ tại Đà Lạt đã có hành vi "cầm nhầm" chú chó corgi 25 ngày tuổi ở Gâu Garden, gây "dậy sóng" cả nhất cộng đồng mạng.
Trước đó, không ít lần cư dân mạng đã chụp lại được nhiều bức ảnh các nhóm bạn trẻ đi phượt và tiện tay hái luôn những bông hoa mà họ thấy đẹp tại các địa điểm đặt chân đến. Thậm chí sau khi thỏa đam mê sống ảo, những người này sẵn sàng để lại "tàn tích" ngay bên vệ đường.
Trước đây, một giảng viên đại học ở Trung Quốc đã mang trộm 10 mảnh san hô tự ý bẻ gãy từ rặng san hô bên trong khu bảo tồn thiên nhiên đảo Vi Châu (Trung Quốc) vào tháng 2/2019.
5. Vốn là "công chúa", "tiểu thư" nhưng lại thích đi du lịch?
Đi du lịch, dù biết chuyện tiền bạc cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng, ai có nhiều tiền thì sẽ có quyền được đòi hỏi, yêu cầu những dịch vụ tương xứng nhất. Thế nhưng, không phải du khách nào cũng đủ tinh tế và có cách cư xử đúng đắn với chính đồng tiền mà mình bỏ ra. Thay vào đó, họ sẽ luôn tự cho rằng bản thân mình vốn là "công chúa", "tiểu thư", phải được đối đãi đúng ý thì mới vừa lòng hả dạ.
Luôn muốn được đối đãi như "bà hoàng", nhiều du khách cũng bị "dị ứng" không kém khi xách vali đến vùng đất khác. (Ảnh: Jasper Loh)
Nói đâu xa, gần đây nhất trong một group kín trên Facebook vừa xuất hiện bài đăng của cô bạn có tên là H.T bày tỏ thái độ không hài lòng và kêu gọi tẩy chay một khách sạn ở Đà Lạt với lý do: Khách sạn không thể đáp ứng những yêu cầu phát sinh của cô như xin nhận phòng sớm trước 2 tiếng, đặt phòng 4 người để 5 người ở. Cuối cùng chốt lại, cô cho rằng khách sạn này đã đưa ra luật lệ quá cứng nhắc với khách và quyết định "bóc phốt" không thương tiếc nhằm kêu gọi mọi người né xa.
Những tưởng câu chuyện của cô nàng sẽ được cảm thông, ai ngờ lại khiến dân tình "phản pháo" kịch liệt vì lối sống "tiểu thư", "công chúa" và luôn bắt người khác phải "lách luật" để chiều lòng mình dù là đến một miền đất lạ.
Câu chuyện gần đây về một cô "tiểu thư" đi du lịch Đà Lạt khiến nhiều cư dân mạng ném đá gay gắt. (Ảnh minh họa)
6. Thích "tạo nét" bằng việc la hét, khỏa thân và làm lố khi đi du lịch
Đi du lịch, việc bản thân cảm thấy phấn khích khi được đặt chân đến ghé thăm các địa danh mình từng ao ước là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, một số người lại rất thích "tạo nét" bằng việc tự biến mình thành "cái loa di động" khi cứ la hét to gây chú ý tại các địa điểm du lịch như "em chưa có người yêu, em còn sợ ế đây này, ai hốt em đi!" Thậm chí, một số du khách "cao tay" hơn còn... lột sạch quần áo trên mình để chụp ảnh khiến người xung quanh vô cùng bức xúc và "dị ứng".
Những du khách "thử một lần chơi lớn xem thiên hạ có trầm trồ" kiểu này cũng bị ghét không kém! (Ảnh: Jasper Loh)
Hai du khách người Mỹ khoe mông phản cảm ở ngôi chùa danh tiếng Wat Arun (Thái Lan) và nhanh chóng bị công an nước này bắt ngay sau đó.
Vào năm 2015, tàn tích cổ Machu Pichu nổi tiếng ở Peru từng trở thành "khán giả" bất đắc dĩ cho show khỏa thân của một số du khách thích "tạo nét".
Các nam thanh niên Pháp "thử một lần chơi lớn xem ai có trầm trồ"bằng cách khỏa thân ở quần thể Angkor Wat (Campuchia) vào năm 2015 khiến dư luận nước này phẫn nộ. (Ảnh: Cambodia Expats Online)
Theo Helino
Tấm ảnh chàng trai ngủ giữa đống đồ đạc cùng thức ăn thừa ngổn ngang khiến dân mạng choáng váng, lời giải thích phía sau càng gây bất ngờ Mặc cho đồ đạc cùng thức ăn thừa vứt ngổn ngang, bề bộn khắp phòng, chàng trai trẻ vẫn thản nhiên ôm chăn nằm ngủ. Anh chàng này chia sẻ cũng vì tính ở bẩn của mình mà đến giờ anh vẫn chưa có người yêu. Tuy nhiên, tâm sự thật sau đó lại càng gây bất ngờ. Câu chuyện nam thanh niên...