Cổ tích về bóng đêm
Hễ Bóng Đêm buồn và muốn khóc, Ánh Sáng sẽ lại đến và lau khô những giọt nước mắt ấy, để Bóng Đêm không còn cô đơn, buồn bã nữa.
Ngày xưa, xưa thật là xưa, khi Bóng Đêm chiếm toàn bộ trái đất, Bóng Đêm tự cho mình là độc tôn, là duy nhất.
Thời gian dần trôi, bên cạnh Bóng Đêm còn có Ánh Sáng mặt trời, Ánh Sáng của những vì sao le lói. Bóng Đêm bây giờ không là duy nhất nữa. Phải chia sẻ khoảng không gian sống cho một kẻ có tên là Ánh Sáng.
Thế là Bóng Đêm rất ghét Ánh Sáng, ghét nhiều đến nỗi, Bóng Đêm chẳng thèm để ý đến Ánh Sáng nữa. Hễ ở đâu có Ánh Sáng thì Bóng Đêm quay lưng đi, chẳng cần nhìn làm gì, chẳng cần tiếp xúc với cái luồng sáng chói chang ấy.
Bóng Đêm là thế, có gì đó cô độc và lạnh lùng, vì muôn loài bây giờ chỉ thích Ánh Sáng thôi. Muôn loài vui chơi, đùa giỡn, sinh hoạt và lao động cùng Ánh Sáng. Còn khi Bóng Đêm đến, muôn loài chỉ muốn ngủ hoặc ngồi nhìn ngắm mà chẳng hề vui đùa với Bóng Đêm. Thế là đêm thật buồn, thật cô độc và lạnh lẽo. Từ khi Ánh Sáng xuất hiện, Bóng Đêm ghét Ánh Sáng, giận Ánh Sáng lắm, giờ đây Bóng Đêm tuyệt giao hổng thèm chơi với Ánh Sáng luôn và cũng chả thèm chơi với muôn loài. Mặc kệ, Bóng Đêm sẽ một mình lặng lẽ, sẽ chỉ chơi đùa, cô độc một mình Bóng Đêm thôi.
Một ngày mưa, khi Ánh Sáng bắt đầu le lói, cho đến khi tàn hẳn, thì mưa vẫn cứ rơi rơi hoài, chả hiểu nước đâu mà lắm thế. Đợi khi Ánh Sáng khuất xa, Bóng Đêm bước ra trong màn mưa đêm ảm đạm như thế, loanh quanh phủ đầy vạn vật, đột nhiên Bóng Đêm nghe tiếng khóc của một đứa trẻ…
Bóng Đêm chẳng quan tâm, ừ thì thế nào đứa bé ấy cũng đang khóc vì đang sợ Bóng Đêm đó sao. Cũng có thể nó khóc vì Ánh Sáng bỏ đi đấy, vì cả cơn mưa hôm nay. Bóng Đêm lầm lì ngắm nhìn đứa bé đang ngồi khóc ấy, sao mà đứa trẻ ấy cô độc thế nhỉ, đêm tối mà khóc thì chắc đi lạc rồi, chắc vì cả lạnh nữa, đêm thì bao giờ cũng lạnh mà. Mãi suy nghĩ vẩn vơ về đứa bé, Bóng Đêm không biết đứa bé đang nhìn mình chăm chăm. Đây là lần đầu tiên có người dám nhìn Bóng Đêm, làm sao mà nhìn thấy được, làm sao nhìn khi xung quanh Bóng Đêm chỉ đặc một màu đen đáng sợ.
Bóng Đêm quát:
- Không sợ đêm tối sao mà nhìn ta, ngươi đang khóc vì Ánh Sáng bỏ ngươi lại đúng không? Vì luyến tiếc đúng không?
Video đang HOT
Đứa bé vẫn khóc, nhưng cố gắng nói rằng:
- Bóng Đêm chẳng đáng sợ đâu, mà cũng chẳng khóc vì Ánh Sáng, em ghét Ánh Sáng nên em mới khóc thế này, sao đêm tối không dài mãi ra, sao Bóng Đêm không là vinh viễn, em khóc vì đêm tối trời mưa và chẳng muốn về nhà, vì muốn ngồi mãi với Bóng Đêm thế này! Để khóc thoải mái hơn!
Rồi chợt đứa bé la lớn “Ối”, đứa bé đang chảy máu, chắc mưa tuôn xát vào vết thương. Bóng Đêm mủi lòng, bé thế kia mà sao nói thích đêm tối, lạ không. Có ai thích Bóng Đêm bao giờ?
Bóng Đêm đến bên cạnh đứa bé, nhìn vết thương, nhìn những giọt nước mắt nhỏ nhoi giữa màn mưa lạnh. Ôm đứa bé vào lòng, Bóng Đêm im lặng.
Đứa bé bắt đầu thút thít và nói:
- Em không muốn trời sáng, vì không muốn mọi người nhìn thấy vết thương trên người em, em ghét Ánh Sáng vì Ánh Sáng làm mọi người chê cười em, trong Ánh Sáng em phải không được khóc, khóc thì bị chê cười, chế nhạo, xấu hổ lắm. Trong Ánh Sáng em phải cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng em vẫn chỉ là đứa trẻ thôi mà… Chẳng có điều gì của Ánh Sáng làm em vui cả. Trong Ánh Sáng người ta sẽ dễ dàng nhận ra em và mang cho em những vết thương lớn nhỏ, mà thế thì, mẹ sẽ nhìn thấy, mẹ sẽ đau lòng lắm.
À, Bóng Đêm hiểu rồi, Ánh Sáng làm lòng đứa bé đau đớn, nên nó cần đêm tối để giấu mình. Khi bị tổn thương thì nó trốn vào một góc thật kín, thật tối, để không ai biết, không ai nhìn thấy, và dùng Bóng Đêm để an ủi sự yếu đuối của chính mình. Bóng Đêm trầm ngâm, không dưng Bóng Đêm thấy lòng mình buồn buồn, đứa bé khóc mãi thế này, đêm tối lạnh lắm, vết thương sẽ đau hơn… Và rồi, lần đầu tiên Bóng Đêm nhớ đến Ánh Sáng. Muốn Ánh Sáng đến mau để đưa đứa trẻ này về, soi đường cho nó, soi rõ vết thương để mẹ nó chăm sóc.
Bóng Đêm dùng hết sức làm cho màn đêm dịu dàng hơn, để đứa trẻ nằm ngủ… rồi dùng cái cell phone mà Ánh Sáng cho (Ánh Sáng bảo có lúc ngủ quên thì gọi dậy, hoặc tiện liên lạc, Bóng Đêm mà thèm gì cái cell phone, nhưng giờ là lúc cần thiết).
- Alô, Ánh Sáng hả? Đừng ngủ nữa, đến ngay với Bóng Đêm!
Quái lạ thật, lần đầu tiên nghe giọng Bóng Đêm, gì mà dịu dàng thế, mà hiền nữa, đâu như Ánh Sáng, hay bị nói rằng giọng dở tệ, thì giọng Ánh Sáng buổi sáng phải khác buổi trưa, khác buổi chiều chứ đêm thì có một buổi thôi mà.
Ánh Sáng vội đến, mang luồng sáng le lói đến cạnh đứa bé, một chút ấm áp, xua cơn mưa kì quặc. Đứa bé khẽ co mình ngủ tiếp .
Bóng Đêm nhìn Ánh Sáng nói:
- Hãy soi đường cho đứa bé về với mẹ, soi cho vết thương chảy máu kia khô lại và liền sẹo lại mau mau nghen.
Rồi Bóng Đêm từ từ quay lưng bỏ đi, Ánh Sáng nhìn theo và nói:
- Là đứa trẻ thì được quyền có sự che chở, muôn loài vạn vật cũng thế. Đừng vì mình là Bóng Đêm, không ai trông thấy mà tưởng mình không cần che chở, hãy gọi cho Ánh Sáng khi đêm quá dài và lòng trống rỗng, ai cũng yêu Bóng Đêm cả, vì chỉ có đêm tối người ta mới biết yêu quí nhau hơn, đêm tối là ngọn nguồn của yêu thương. Con người ai cũng có một góc tối nào đó trong lòng mình, chính nơi này người ta biết làm sống lại những niềm vui của cuộc đời. Chẳng bao giờ Bóng Đêm cô độc cả, biết không?
Bóng Đêm im lặng, mường tượng như Bóng Đêm khóc, vì Ánh Sáng thấy từ khóe mắt Bóng Đêm có những giọt nước mắt rơi ra mà. Mà tại sao Bóng Đêm khóc thì có lẽ chỉ có Ánh Sáng biết mà thôi, những giọt nước mắt ấy long lanh trong những tia sáng ban mai. (Mà sau này người ta gọi những giọt nước mắt ấy là những giọt sương).
Buổi sớm ấy chung quanh đứa trẻ là những hạt sương đêm lấp lánh, rồi Ánh Sáng khẽ khàng hôn nhẹ, và lau khô những giọt nước mắt của Bóng Đêm.
Và ngày nào cũng thế, hễ Bóng Đêm buồn và muốn khóc, Ánh Sáng sẽ lại đến và lau khô những giọt nước mắt ấy, để Bóng Đêm không còn cô đơn, buồn bã nữa.
Có những câu chuyện là ước mơ của chính người kể, và ai cũng mong muốn sau đêm tối ta sẽ được an ủi, yêu thương vào ngày hôm sau. Nếu muốn được an ủi, yêu thưong hãy sống chân thành với cảm xúc của chính mình.
Theo Guu
Ánh nến
Cuộc sống cũng vậy mỗi chúng ta là một ngọn nến, sống để đóng góp cho cuộc đời. Hãy cháy hết mình với đam mê, khát vọng cống hiến của bạn, mặc kệ mọi người có để ý tới sự đóng góp của bạn hay không.
Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt ở giữa phòng. Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng. Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã mang lại ánh sáng cho cả căn phòng. Mọi người đều trầm trồ: "Ồ, nến sáng quá, thật may, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì mất". Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh.
... Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ram lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình: "Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?!". Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm.
Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau: "Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?". Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện vì tầm quan trọng của mình. Nhưng bõng một người đề nghị: "Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu". Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được một chiếc đèn dầu." Đèn dầu được thắp lên còn ngọn nến đang cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ.
Ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi...
... Bởi vì nó là ngọn nến.
Cuộc sống cũng vậy mỗi chúng ta là một ngọn nến, sống để đóng góp cho cuộc đời. Hãy cháy hết mình với đam mê, khát vọng cống hiến của bạn, mặc kệ mọi người có để ý tới sự đóng góp của bạn hay không.
Sống là để cho đi và chia sẻ... sống là để không hổ thẹn với chính mình.
Theo Guu
Hãy thắp lên một que diêm Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ bé như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy. Một bữa tối tại vận động trường Los Angeles, Mỹ, một diễn giả nồi tiếng - ông John Keller, được mời thuyết trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại...