Có thương hiệu, nông sản vẫn “bí” đầu ra
Trong những năm qua, bên cạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng cao, Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 27 nhãn hiệu tập thể cho các mặt hàng nông – lâm – thủy sản. Song dù có nhãn hiệu, thương hiệu, nhiều mặt hàng vẫn “bí” đầu ra.
Thủy sản Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) có tiếng trên thị trường song hầu như chỉ được tiêu thụ qua kênh truyền thống. Ảnh: Hải Anh
80% tự tiêu thụ
Gạo Bồ Nâu Thanh Văn (Thanh Oai) vốn là loại gạo đặc sản dùng để “tiến vua”. Năm 2012, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Văn tổ chức khôi phục giống lúa này, diện tích gần 400ha/vụ. Nhằm bảo tồn giống gạo quý cũng như để sản phẩm đứng vững trên thị trường, năm 2013, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND xã Thanh Văn gửi hồ sơ tới Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và được đơn vị này cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt thương hiệu: “Hàng hóa nông sản sạch, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”. Theo ông Nguyễn Huy Oánh – Chủ tịch UBND xã Thanh Văn: Thời gian đầu khi mới có nhãn hiệu, gạo Bồ Nâu được bán nhiều hơn trên thị trường với giá ổn định từ 17.000 đến 20.000 đồng/kg nhưng chủ yếu do HTX tự kết nối với thương lái, còn doanh nghiệp đứng ra bao tiêu rất ít. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm có nhãn hiệu, tình hình tiêu thụ lại trở nên khó khăn, thậm chí có lúc còn “ế” bởi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn khác.
Video đang HOT
Không chỉ riêng gạo Bồ Nâu, nhiều nông sản của Hà Nội cũng rơi vào tình trạng “ế ẩm”. Ông Phùng Quốc Lượng – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và kinh doanh Đồng Thái (Ba Vì) cho biết: Khoai lang Đồng Thái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2013. Hiện mỗi năm, HTX thu mua khoảng 30 tấn. Khoai lang Đồng Thái cũng đã vào các sạp hàng rau quả sạch tại một số chợ lớn ở Hà Nội, tuy nhiên, so với sản lượng 4.000 tấn mỗi năm thì lượng tiêu thụ được trong các đại lý lớn ở Hà Nội vẫn rất ít. Đa phần nông dân, HTX phải tự tìm “mối” tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội cho rằng: Khá nhiều nông sản có nhãn hiệu, thương hiệu bị đánh đồng với những nông sản thường nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hiện, chỉ có khoảng 20% nông sản an toàn được các doanh nghiệp, siêu thị “đỡ đầu”.
Chưa thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá, nông nghiệp Hà Nội đang đi vào “quỹ đạo” sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Đến nay, lĩnh vực trồng trọt đã hình thành được 157 cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện ngoại thành; 170ha cây ăn quả và trên 80ha chè VietGAP, hơn 5.000ha RAT được quản lý… Ở lĩnh vực chăn nuôi, đã hình thành rõ nét 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.232 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Toàn thành phố đã xây dựng được 11 chuỗi liên kết sản phẩm RAT, 21 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng được 27 nhãn hiệu tập thể cho nông sản. Tuy nhiên, việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn với nhau còn hạn chế, chủ yếu theo hình thức “mạnh ai, nấy chạy”… Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối vẫn chạy theo lợi ích trước mắt, không thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất và trà trộn sản phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ, gây mất niềm tin với người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, nông sản có nhãn hiệu vẫn khó khăn trong tiêu thụ là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất với doanh nghiệp phân phối. Đồng thời, một lượng lớn nông sản thực phẩm an toàn vẫn được tiêu thụ qua các kênh truyền thống nên giá bán chưa cao và chưa mang tính bền vững. Chính vì thế, việc tạo cơ chế cho tổ chức liên kết chuỗi đang là vấn đề hết sức cấp thiết.
Theo_Hà Nội Mới
Khôi phục thương hiệu chè Long Phú
Từ những nương chè bị bỏ quên hàng chục năm, HTX Long Phú, xã Hòa Thạch (Quốc Oai) đã xây dựng thành công mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Vùng chè Long Phú đã trở thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho nhiều doanh nghiệp chế biến cả nước.
Thu hái chè tại Hợp tác xã Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Ảnh: Anh Tuấn
Theo chân Giám đốc HTX Long Phú Lê Đình Long đến thăm nương chè rộng hơn 10ha được sản xuất theo mô hình VietGAP mới thấy không khí tất bật của nông dân trồng chè. Ông Long cho biết, chè Long Phú vốn nổi tiếng một thời được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Sau khi khối Đông Âu tan rã, việc tiêu thụ chè Long Phú trở nên khó khăn.
Đặc biệt, từ sau khi Công ty Chè Long Phú không thu mua chè cho nông dân thì sản xuất chè tại Long Phú gần như đình trệ. Nhiều năm trở lại đây, chè Long Phú sản xuất chủ yếu để phục vụ nhân dân địa phương dưới dạng chè tươi. Phần lớn các nương chè được trồng từ năm 1988 đến nay đã già cỗi, năng suất, chất lượng kém. Tuy nhiên, nghề trồng chè vẫn là nguồn thu nhập của người dân địa phương. Cách đây gần 3 năm, HTX Long Phú ra đời với 228 hộ trồng chè - tiền thân là công nhân Nhà máy Chè Long Phú với mục đích củng cố lại diện tích trồng chè.
Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết: Vùng chè Long Phú vốn có truyền thống từ lâu nhưng do nhiều năm không được thâm canh, cải tạo nên chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện đề án "Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè sạch an toàn của TP Hà Nội", năm 2014, Trung tâm phối hợp với UBND xã Hòa Thạch, HTX Long Phú triển khai mô hình sản xuất chè an toàn. Năm 2016, Trung tâm đã xây dựng thành công mô hình trồng mới, cải tạo giống chè già cỗi với diện tích 4ha và mô hình trồng 10ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trương Văn Hồng, xã Hòa Thạch cho biết: Hạch toán kinh tế cho thấy, mô hình sản xuất chè VietGAP cho năng suất chè khô trung bình đạt 1,5 tấn/ha/năm, giá trị đạt 225.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với chè sản xuất đại trà. "Điều quan trọng là khi tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn các khâu kỹ thuật, từ chăm sóc đến thu hái cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; được hướng dẫn các biện pháp xử lý tránh tồn dư thuốc trừ sâu trên sản phẩm. Người trồng chè cảm thấy yên tâm, còn người thu mua thì hài lòng với chất lượng chè thương phẩm. Đây là thuận lợi để chúng tôi tiếp tục nhân rộng và sản xuất chè an toàn" - ông Hồng cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Chè Kim Anh, Long Phú hoàn toàn có thể phát triển trở thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất chè tại Thái Nguyên tìm nguồn nguyên liệu từ các vùng chè Hà Nội. "Nếu nông dân Long Phú cam kết sản xuất chè sạch, an toàn, có chứng nhận, Công ty sẵn sàng thu mua sản phẩm cho nông dân" - ông Nguyễn Quốc Anh khẳng định.
Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Toàn huyện có hơn 300ha sản xuất chè, Long Phú chiếm 180ha. Đến nay thương hiệu chè Long Phú dần được khôi phục trên thị trường qua mô hình sản xuất chè VietGAP. Hiện sản phẩm chè Long Phú hoàn thành các thủ tục để gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, trong tháng 6 sẽ công bố. Đây không chỉ là thành công của HTX Long Phú mà còn là bước phát triển đột phá cho kinh tế huyện Quốc Oai nói chung và người trồng chè Long Phú nói riêng.
Theo_Hà Nội Mới
Chọn mua két sắt loại nào tốt, an toàn? Két sắt là vật dụng phổ biến không những tại công ty, siêu thị hay cửa hàng mà ngay tại gia đình cũng thường mua két sắt để bảo vệ tài sản. Nên mua két sắt ở đâu uy tin? Mua ket săt loại nào an toàn nhất, tốt nhất? Đây có lẽ là nhưng câu hỏi mà nhiều người có nhu cầu...