Cờ thủ vác dao đi ‘hòa giải’ sau ván cờ tướng
“Bị cáo nghĩ gì khi rút dao đâm anh Ngọc?”, “Khi thấy người nhà anh Ngọc chạy đến can ngăn, bị cáo tưởng nhầm mình sắp bị đánh “hội đồng” nên rút dao ra quơ quơ…”
“Cờ thủ” mất trật tự 3 lần bị đánh đập nên ấm ức “mang dao đi hòa giải” (Ảnh minh họa)
“Quá tam ba bận”
Một ngày giữa tháng 3/2014, tiết trời buổi sáng âm u càng khiến cho phiên tòa xét xử vụ án “ giết người” ở trụ sở TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế thêm phần lạnh lẽo. Gia đình phía bị hại rước di ảnh nạn nhân đến tòa, khăn tang áo trắng toát cả một góc phòng. Dù người thân đã mất hơn nửa năm, nhưng nỗi đau đớn vẫn hiện rõ trên từng khuôn mặt. Phía gia đình bị cáo, bốn đứa trẻ lít nhít, trong đồng phục học sinh ngồi nép vào mẹ ở hàng ghế thân nhân bị cáo. Những gương mặt ngây thơ lọt thỏm ngơ ngác giữa khán phòng ken kín người dự khán.
Bị cáo là Phan Văn Đi (SN 1978, ngụ khu định cư Phú Hiệp, phường Phú Hiệp, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Sinh ra trong gia đình đông anh em, mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc nhỏ, Đi sống với chị gái; học hết lớp năm đã phải ra đời kiếm sống bằng nghề phụ xe tải. Được 5 năm, Đi chuyển qua nghề tài xế chạy tuyến Huế – Lao Bảo. Năm 2000, Đi lập gia đình và có 4 con gái, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ nhất 5 tuổi.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong lúc Phan Văn Đi đang chơi cờ với anh Lê Văn Nguyên (SN 1979, ở cùng khu định cư) và tranh cãi về một nước cờ thì Hồ Văn Ngọc (SN 1982, ngụ Lô A25 cùng khu định cư) đến vô cớ sừng sộ nói: “Bây đừng đánh cờ nữa, ồn ào quá”. Vì Đi đưa mắt nhìn nên Ngọc “dọa”: “Mi nhìn tau thì tau ném bàn cờ”. Khi Đi trả lời: “Mi làm chi dữ rứa”, Ngọc liền xông vào đánh Đi nhưng anh này đỡ được. Mọi người can ngăn, Đi bỏ về nhưng nửa chừng thì quay trở lại quán xem phim.
Thấy Đi ngồi xem phim trong quán, Ngọc tiếp tục đến đánh Đi nhưng lại được mọi người can. Lần thứ hai Đi bỏ về. Một lúc, Đi lại quay trở lại quán cùng một con dao giấu trong túi quần. Ngồi trong quán chừng vài phút thì Ngọc đến tiếp tục nắm cổ áo và dùng tay đánh. Quá trình xô xát, Đi dùng con dao để trong túi đâm vào ngực Ngọc một nhát rồi rút dao bỏ chạy về nhà. Thủ phạm điện báo cho công an và mang con dao đến công an phường tự thú. Kết luận giám định pháp y, nạn nhân tử vong vì sốc mất máu do vết thương ngực hở.
Video đang HOT
Dáng người ốm yếu, đứng ủ rũ nơi vành móng ngựa, bị cáo khai trước tòa rằng, trước nay bị cáo và nạn nhân vốn không hề có xích mích. Bị cáo vẫn thường đến quán cà phê gần nhà chơi cờ và xem phim. Hôm xảy ra án mạng, cả hai lần bị đánh, bị cáo đều nhịn, không đánh trả và bỏ về, đến lần thứ ba, nạn nhân vẫn tiếp tục đến gây sự, bị cáo không kiềm chế được mới xảy ra việc đáng tiếc.
“Vì sao liên tục bị đánh mà vẫn quay lại quán?”. “Dạ xưa nay bị cáo chưa hề gây gổ với ai. Giờ xảy ra xô xát bị cáo thấy xấu hổ với bản thân và gia đình. Bị cáo sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn và tình nghĩa xóm giềng nên quay lại để giảng hòa”, bị cáo trả lời, giọng run run. “Vì sao đi giảng hòa lại mang theo dao?”. “Bị cáo mang theo dao chỉ có ý định tự vệ, nếu tiếp tục bị đánh sẽ mang ra “dọa” để “giải vây”, không ngờ lỡ tay giết người”. Chủ tọa lắc đầu, bác bỏ lời biện minh của bị cáo: “Không ai lại mang dao đi giảng hòa cả”.
“Bị cáo nghĩ gì khi rút dao đâm anh Ngọc?”. Bị cáo Đi lại đáp lí nhí: “Khi thấy người nhà anh Ngọc chạy đến can ngăn, bị cáo tưởng nhầm mình sắp bị đánh “hội đồng” nên rút dao ra quơ quơ hòng thoát thân”.
Ông Ngô Hùng, anh rể bị hại cho biết, trước khi vụ việc đáng tiếc xảy ra, ông là người đã chạy đến để can ngăn. “Trong hai lần xô xát trước, tui cũng đã ra can. Lần thứ ba này tui cũng chạy ra, dự định là để can ngăn như lần trước chứ không phải chạy đến để vào hùa đánh hội đồng như anh Đi lầm tưởng”.
Trong khi Đi can tội giết người, phải đứng trước vành móng ngựa, thì người ngồi chơi cờ với Đi là Lê Văn Nguyên lại ngồi ghế nhân chứng. Anh Nguyên cho biết:”Nghe nạn nhân nói chơi cờ ồn ào quá, nên tôi bảo ồn ào thì không chơi nữa và bỏ về nhà, sự việc sau đó thế nào, tôi hoàn toàn không biết”. Câu trả lời của anh Nguyên khiến nhiều người có mặt tại phiên tòa ra chiều tán thưởng: “Giá như bị cáo biết nhẫn nhịn hơn chút nữa thì đâu có những thảm cảnh như hôm nay”. Người khác lại thở dài: “Giá như bị hại cũng đừng “anh chị” như thế, thì đâu đến nỗi mất mạng, để người thân phải chịu bao mất mát đau khổ”.
Ván cờ oan nghiệt
Giờ nghị án, bị cáo Đi được đưa vào phòng cách ly. Tuy nhiên, cảnh sát làm nhiệm vụ đồng ý cho người thân của bị cáo được vào gặp. Họ vội vã len qua đám đông. Trong khi người vợ run run dắt 3 đứa con đến bên chồng thì một người thân hối hả đi tìm đứa còn lại. Vài phút sau, người này đẩy đứa trẻ về phía bố, nói gấp gáp “nhanh nhanh vào gặp bố kẻo hết giờ con ơi”. Dù được chuyện trò nhưng cả gia đình gồm 6 người chả thiết nói gì, chỉ ôm nhau khóc. Đứa nhỏ nhất ngồi lọt thỏm trong lòng bố, hai mắt đỏ hoe, tay mân mê đôi bàn tay xương xẩu của bố giờ đã bị chiếc còng lạnh ngắt khóa chặt. Người bố mặt mày hốc hác, nước mắt nhạt nhòa, tranh thủ thời gian ít ỏi để ôm từng đứa con vào lòng. Những lời dặn dò của người cha can tội giết người chìm trong dòng nước mắt. Nhìn cảnh ấy, nhiều người cảm thấy ngậm ngùi.
Chị gái Đi cho biết, em trai mình là lao động chính trong gia đình gồm sáu người. Kinh tế cũng thuộc diện khó khăn. Con đông, lại còn nhỏ nên vợ Đi trước nay chỉ ở nhà chăm con. Từ ngày chồng bị bắt, người phụ nữ tội nghiệp vừa chăm con, vừa ra ngoài bươn chải kiếm sống. “Thằng Đi ở trong trại nhưng biết vợ nó không có tiền, nên nhờ anh em trong gia đình giúp đỡ để bồi thường cho người ta. Vợ chú ấy gom góp tất cả cũng chỉ được 2 triệu đồng, tui cho mượn thêm 13 triệu nữa rồi mang sang bồi thường cho nhà người ta. Mạng người là quan trọng, bao nhiêu tiền cũng không đền bù nổi. Nhưng mình nghèo quá, nên cũng chả có nhiều để đưa nhà bên ấy”. Chị gái Đi thở dài, mắt ươn ướt; “Giờ chú ấy đi tù, vợ con ở nhà nheo nhóc, chẳng biết nương tựa vào ai”.
Tòa tuyên phạt bị cáo 15 năm tù giam. Được nói lời sau cùng, bị cáo run lật bật, một tay nắm chặt vành móng ngựa, tay còn lại đưa lên quệt nước mắt. Giọng rời rạc bị cáo nói trong nghẹn ngào: “Mong pháp luật khoan dung, xử cho mức án nhẹ, để bị cáo sớm trở về với gia đình. Bị cáo có đàn con nhỏ, giờ đi tù, không biết vợ con phải sống làm răng…”.
Phiên tòa kết thúc. Chiếc “xe tù” đã mất bóng sau ngã rẽ đầu tiên, trong dòng người xuôi ngược. Vậy nhưng người thân của hai bên bị cáo và bị hại vẫn còn đứng lại chưa chịu về. Chị gái nạn nhân mặt hằm hằm: “Bao nhiêu năm tù cũng chỉ là ở tù, phải tử hình tui mới cam tâm. Chứ em tui chết oan uổng quá”. Đứa con trai nạn nhân mới mười tuổi, mặc áo tang, đầu chít khăn tang, hai tay bưng di ảnh cha đứng nép ở góc tường trong khi người lớn “hội ý” để đưa đơn kháng cáo. Những cơn gió lạnh lẽo quét qua khiến mặt đứa nhỏ thêm tím tái. Phía bên kia sân tòa, vợ bị cáo khóc ngất khi nghe bản án của chồng. Những người thân trong gia đình vây quanh, dìu chị ra khỏi tòa, bốn đứa con ngơ ngác, lếch thếch theo sau.
Quả là bài học xương máu trong ứng xử hằng ngày. Mọi mâu thuẫn, dù lớn hay nhỏ, giải quyết bằng bạo lực đều là không hay.
Theo Xahoi
Xuất hiện nhiều vụ giả danh cán bộ thuế để chiếm đoạt tài sản
Chiều 19.2, thượng tá Trần Đức Lệ, Trưởng Công an phường Thuận Hòa (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) đã xác nhận trên địa bàn có xuất hiện 2 phụ nữ giả danh cán bộ thuế để lừa lấy tiền, quần áo... tại các shop bán hàng. Cơ quan công an đang điều tra, chưa bắt được thủ phạm.
Em Nguyễn Thị Kiều Thu (20 tuổi, trú 8 B Tôn Thất Thiệp, TP.Huế) nhân viên bán hàng của Shop Sôcoola kể lại quá trình bị 2 "nữ quái" lừa để lấy tài sản
Trước đó, liên tiếp trong nhiều ngày trên địa bàn phường Thuận Hòa đã xảy ra vụ các shop hàng bị 2 "nữ quái" giả danh cán bộ thuế đến lừa đảo để lấy cắp tiền, áo quần, vàng và cả điện thoại di động.
Nguyễn Thị Thanh Đức (19 tuổi, nhân viên bán hàng của Shop Vintage, ở địa chỉ 52 đường Nguyễn Trãi, phường Thuận Hòa) kể: Vào khoảng 10 giờ ngày 16.2, trong lúc chị đang ngồi trông quán thì thấy có hai người phụ nữ trạc tuổi từ 30 đến 35 bước vào xưng danh là cán bộ ngành thuế, đồng thời quát mắng to tiếng là "phải cất hàng Trung Quốc vào đi không là bị phạt nặng đó".
Lúc đó một trong hai người xưng tên là Hồng vỗ vai Thanh Đức rồi cả hai tiến về phía quầy thu tiền yêu cầu Đức phải nộp 480.000 đồng tiền thuế, sau đó Đức đưa tất cả tiền trong quầy bán hàng gồm 2 triệu đồng tiền mặt và cả sợi dây chuyền vàng đang đeo trên cổ của Đức cũng tháo ra đưa luôn.
"Quả thật khi đưa tiền và vàng cho hai chị lạ mặt kia em không kiểm soát được bản thân. Khoảng 2 phút sau khi hai người phụ nữ đó bỏ đi thì lúc đó em mới tỉnh ra và biết mình vừa bị lừa", Thanh Đức kể.
Tương tự, vào khoảng 11 giờ cùng ngày 16.2 tại Shop Sôcôla (số 98 đường Thạch Hãn, TP.Huế) cũng xảy ra trình trạng lừa gạt tương tự. Sau khi vào quán, 2 nữ quái đã quát mắng nhân viên bán hàng là em Nguyễn Thị Kiều Thu (20 tuổi, trú 8B, Tôn Thất Thiệp, TP.Huế) và xưng danh là thanh tra thuế đi kiểm tra rồi buộc Kiều Thu phải đóng 480.000 đồng tiền thuế rồi lấy thêm 7 quần jean, 3 áo lót, 11 quần lót, 200.000 đồng tiền mặt, một điện thoại Nokia mà Kiều Thu đang sử dụng. Tổng trị giá tài sản là 3,9 triệu đồng.
"Em cũng không biết vì sao mình đưa tiền và đưa điện thoại cho hai chị đó. Đến lúc họ ra cửa hàng em mới tỉnh và điện báo cho chủ quán thì mới biết mình đã bị lừa", Kiều Thu nói.
Sau khi nhận được trình báo của các chủ shop bán hàng, Công an phường Thuận Hòa (TP.Huế) đã ra thông báo gởi đến các cơ sở chủ kinh doanh trên địa bàn phường nếu phát hiện 2 phụ nữ trạc tuổi từ 30 đến 35 mặc áo khoát màu xám và đen đi xe máy hiệu Excitrer thì bí mật thông báo kịp thời cho công an.
Theo TNO
Bị cáo bật khóc vì lòng bao dung của bị hại Trong hầu hết phiên tòa lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị hại luôn hừng hực phẫn nộ với bị cáo, nhưng trong phiên xử Nguyễn Đình Châu tại TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế thì lại trái ngược. ảnh minh họa Theo hồ sơ, từ năm 2008 đến đầu năm 2012, Châu lợi dụng việc hành nghề môi giới bất động...