Cô thư ký nguy hiểm
Tôi có gia đình vợ con rồi, nhưng cô ấy lại tỏ ra mến mộ thái quá, vô tư lấy hình con trai nhỏ của tôi làm avatar trên trang cá nhân.
Tôi là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ, có một cô thư ký trẻ trung mà tính tình dễ chịu, giỏi công việc, giúp tôi nhiều lắm, không chê vào đâu được.
Tôi có gia đình vợ con rồi, nhưng cô ấy lại tỏ ra mến mộ thái quá, vô tư lấy hình con trai nhỏ của tôi làm avatar trên trang cá nhân. Còn có bữa đưa cả hình cô có tôi lấp ló xa xa trong một hoạt động của công ty.
Vài người để ý, có xì xào bảo cô đó “mê” tôi chị ạ! Có bữa, tôi lo quá vì vợ tôi hay ghen nên tôi nghiêm túc bảo cô không nên làm thế, phải chấm dứt ngay các hành động gây hiểu lầm.
Cô buồn và giận liền xin nghỉ, làm cho rối tung hết cả việc chung, khiến tôi lại phải năn nỉ nói cô đi làm trở lại. Cô bảo vì thằng con anh dễ thương. Nhiều người còm hỏi: “Con em đây hả?” cô cũng cứ lấp lửng vậy.
Tôi rất lo vợ tôi biết được và lúc đó thì không gì biện hộ được cho những hành vi kỳ quặc của cô ấy.
Theo chị tôi có nên lo lắng quá như vậy không và nên làm gì?
Nguyễn Đ.A. (TP.HCM)
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Thân gửi anh Đ.A.,
Tôi nghĩ anh nên… lo sợ chính mình trước rồi mới đến lo… vợ biết. Người đáng phải “sợ” ở đây là chính anh. Về lý lẽ đã rõ: liệu anh có thể chẳng thấy lay động gì trước cô gái trẻ, lại giỏi, và gần gũi sát cánh hằng ngày như vậy được không?
Liệu nỗi sợ này là sợ mình sẽ… té hay không (vì thói thường là các anh hay… té chứ khó đứng vững). Nhắm thấy mình… ắt hẳn sẽ té, mà muốn bảo vệ gia đình, thì phải chuyển cô sang việc khác, hoặc cô muốn thôi việc cũng phải chịu. Vì như vậy sẽ “cứu nước cứu nhà cả đôi đường” đó anh.
Bây giờ các giám đốc giỏi và quyết tâm xây sự nghiệp họ tỉnh lắm. Kinh doanh đương đầu bao rủi ro thách thức thương trường, lại còn mê muội cô thư ký nữa thì doanh nghiệp sụm là cái chắc.
Nhiều người trải đời cho biết, kết quả tất yếu đang chờ cảnh cô thư ký lộng quyền tác oai, chia bè kéo cánh, người trong công ty coi thường sếp, thấy “ghét con yêu tinh” và sẽ loạn, chưa kể cuộc chiến giữa sếp bà và yêu tinh, sinh thêm đám “thám tử” ở cơ quan theo dõi để báo cáo sếp bà, gây nhiều phát sinh. Trong khi quản trị hiện đại người ta phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gìn giữ từng chút, làm ăn cực khổ mới mong đứng vững.
Đó là về phần anh. Nếu vững tin mình trong sáng, phải cấm cô ấy làm vậy. Bảo cho cô hay làm vậy vừa hiểu lầm vừa phạm luật đấy, đâu được phép lấy hình ai đưa lên Facebook của mình (thậm chí ở đây có thể… gây hậu quả nghiêm trọng).
Nếu cô này chỉ giỡn chơi, bảo cho cô biết và ngưng ngay.
Nếu là một gia đình êm ấm và vợ chồng tin yêu nhau, anh có thể kể cho vợ biết. Để khi vợ nghe được lời xì xào… vọng về từ công ty (tất sẽ có ngày đó) thì cô ấy đã hiểu rồi.
Khi nghe chồng kể, ngay người vợ hiền nhất cũng sẽ có cách “điều tra”, đừng hỏi tôi cách nào nhé. Vì phụ nữ sẽ có nhiều cách. Người biết nghe “nguồn” tử tế thì cộng với sự hiểu chồng – sẽ chỉ thêm ý tứ giữ gìn hạnh phúc. Còn chị nào gia đình lỏng lẻo, lại nghe lời bọn “thám tử xấu”, thì càng làm gia đình tan vỡ thêm.
Tôi tin và mong anh giữ được sự sáng suốt và gia đình hạnh phúc.
Xưa kia 'thét ra lửa', về già lại sợ con
Xã hội tiến lên văn minh chả thấy đâu, chỉ thấy cha mẹ già 'lộ ra hết' cái lạc hậu... Thế nên vợ chồng tôi rất sợ con về nhà.
Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng tôi chưa đến mức già yếu lú lẫn, vẫn tự lo được cho mình, nhưng bà xã trước đây "thét ra lửa" nay sợ con lắm.
Mỗi lần con ở thành phố về, bả lo lắm, tính toán ăn gì mua gì đã đành, bả còn bắt tôi dọn dẹp nhà cửa. Rồi đó thành một dịp bả xài xể tôi. Nào là tác phong sinh hoạt bừa bãi, cái gì cũng trữ trong nhà như... sạp ve chai. Riết rồi chính tôi cũng... sợ con về nhà.
Con đi xa làm ăn vất vả, vậy chúng tôi ở nhà không vất vả sao? Mong con về vui vẻ, con có dịp chăm sóc cha mẹ già đâu không thấy, mình đâm ra sợ hãi, đảo lộn sinh hoạt là sao? Tôi nói vậy thì bà bảo, thế mới biết chỉ đàn bà thương con hết lòng, chả có ai nghĩ đến mình, chỉ mong con được vui vẻ.
Rồi bà bảo tôi ích kỷ chị ạ. Xã hội tiến lên văn minh chả thấy đâu, thấy cha mẹ già "lộ ra hết" cái lạc hậu, mà già rồi làm sao sửa? Mong chị tiếp xúc nhiều, có kinh nghiệm gì hay trao đổi với tôi. Kính chúc chị sức khỏe.
Phạm Văn Tú (Đồng Nai)
Ảnh minh họa
Kính gửi bác Tú,
Cũng có nhiều người gặp chuyện như bác, khiến tôi nghĩ đến việc thay đổi như một xu hướng cuộc sống hiện nay. Nhiều người lớn (chứ chưa cần... già) đã mắc "bệnh sợ con". Các mẹ "bỉm sữa" nhìn quán xuyến quyền uy thế chứ cũng... không thoát nỗi sợ này. Ý thích của con như là mệnh lệnh với họ vậy, phải cố xoay xở đáp ứng cho được.
Lý lẽ là: con cái chúng ta cũng... khổ lắm, cha mẹ không thương con thì thương ai bây giờ? Nhất là mấy đứa phải sống xa cha mẹ, chả có ai lo cho, vậy chiều nó là hợp lý.
Các nhà nghiên cứu còn gọi thế hệ chúng nó là "nõn nà tự kiêu", thế hệ... bấm bấm công nghệ sành sỏi. Lớn chút chúng thích có phòng riêng, mỗi khi người lớn ra vào tùy tiện, chúng còn... lườm nguýt vì xâm phạm riêng tư. Có khách đến bắt ra chào là khổ lắm. Có đứa đồ đạc bừa bộn, mẹ lừa lúc nó đi vắng, lẻn vào phòng dọn, về nhà nó la toáng lên "mẹ làm lung tung hết đồ của con, tìm muốn chết! Lần sau đừng có mà... tùy tiện vậy nữa nha".
Nhiều thói quen do môi trường sống và do chính chúng ta đã tạo ra cho con.
Những đứa ở nông thôn như con của bác, sau lớn lên, trưởng thành, quen nếp sống đô thị, khi về nhà đã không chịu nổi thói quen ở nhà. Người già lại còn trái tính, lú lẫn nữa. Con nó cho ăn, không chịu, bị ép ăn thì cằn nhằn "phức tạp quá", thấy... khổ vì được chăm sóc.
Bác nên thấy vợ bác, cũng già đi rồi, nhưng vất vả vì lo làm đẹp lòng con ở xa về, nên có lúc cáu kỉnh nặng nhẹ. Cần được thông cảm, mỗi người nỗ lực cố sống sạch sẽ ngăn nắp đón con về cho con vui. Nhưng đến nỗi bác gái phải "quy kết lên án chồng" thì hơi quá, ít nghĩ sâu xa.
Trong các cuộc trò chuyện với con cái ở xa về, nên cho chúng biết những cái khó của cha mẹ - chứ không chỉ cố làm đẹp lòng con, cứ về "xả hơi" rồi ba mẹ lo hết. Cũng nên vui vẻ cho con biết, các anh chị sau này cũng sẽ thế, là người già sửa sai không... nhanh được, nhiều "bệnh"- kể cả bệnh... phi lý.
Thí dụ như ai chả biết ăn được là tốt, nhưng với người sợ ăn, có khi cần sự thông cảm và hỗ trợ, chứ đừng có... dọa hay giận.
Bác chỉ cần không cãi, "tỏ ra ủng hộ chủ trương" là bác gái vui. Kính chúc hai bác sức khỏe.
Tôi luôn sợ bị người khác bỏ rơi Tôi 18 tuổi, là nữ. Từ khi còn nhỏ, tôi rất sợ bị bỏ rơi. Đó là điều tôi vừa nhận ra gần đây. Không hiểu vì sao, nhưng đó gần như là phản ứng tự nhiên của tôi. Tôi luôn sợ mọi người sẽ ghét mình. Khi học mẫu giáo, tôi không dám phản kháng khi có bất cứ ai hiểu lầm...