Cờ thống nhất tung bay trên bán đảo Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc đã khởi động chiến dịch treo cờ thống nhất ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Triều Tiên, để thể hiện mong ước hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày mai 27/4 sẽ thành công tốt đẹp.
Lá cờ bán đảo Triều Tiên được treo dọc biên giới liên Triều trước hội nghị thượng đỉnh. (Ảnh: Yonhap)
Ủy ban Thực hiện Tuyên bố chung liên Triều của Hàn Quốc ngày 25/4 đã tiến hành cắm cờ dọc tuyến đường ở thành phố biên giới Paju, phía bắc thủ đô Seoul. Các lá cờ thống nhất liên Triều được cắm dọc đoạn đường kéo dài 3km từ cầu Tongil đến làng đình chiến Panmunjom – nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên.
Trước đó, ngày 22/4, Phòng Giáo dục tại thành phố Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang (Hàn Quốc) cũng đã treo cờ thống nhất cạnh quốc kỳ. Lá cờ thống nhất cũng được treo lên tại những cơ quan khác ở 18 khu vực của tỉnh này.
Chính quyền thành phố Gwangju, tây nam Hàn Quốc cũng treo băng-rôn in cờ thống nhất để thể hiện mong muốn hội nghị thành công. Từ đầu tháng này, tất cả các tàu thuyền đánh cá từ Baengnyeong, Yeonpyeong và 3 đảo khác gần lãnh hải Triều Tiên đều treo cờ in hình bán đảo Triều Tiên.
Video đang HOT
Trong khi đó, dự kiến vào ngày hội nghị thượng đỉnh 27/4, thành viên của 24 nhóm dân sự sẽ tạo thành một hàng dài khoảng 200 người cầm lá cờ thống nhất quanh Trung tâm báo chí của hội nghị liên Triều đặt tại khu triển lãm Kintex.
Lá cờ có nền trắng và ở giữa in bán đảo Triều Tiên màu xanh để thể hiện cho mong ước hòa giải, thống nhất liên Triều. Lá cờ này được Triều Tiên và Hàn Quốc thống nhất lập ra để dùng khi đội tuyển của hai bên cùng thi đấu tại các sự kiện thể thao quốc tế. Lá cờ được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1991.
Việc cắm cờ thống nhất diễn ra chỉ hai ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Nhà Hòa Bình ở làng đình chiến thuộc lãnh thổ phía Hàn Quốc.
“Chúng tôi hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ đưa ra một quyết định dứt khoát và tạo nên một bước ngoặt lịch sử. Tôi hy vọng, hội nghị sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai bên và tiến tới tái thống nhất”, Lee Sun-kyung, người đứng đầu Ủy ban Thực hiện Tuyên bố chung liên Triều, cho biết.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm qua cho biết, các công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã hoàn tất. Hình ảnh đầu tiên trong phòng hội nghị cho thấy ở giữa phòng là một chiếc bàn bầu dục lớn với 14 ghế ngồi. Bức tường trong căn phòng được trang trí bằng tranh có in hình núi Geumgang – biểu tượng của sự hòa giải và hợp tác liên Triều.
Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều thứ 3 kể từ năm 2000 và là một phần trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hội nghị nếu thành công sẽ mở đường cho hội nghị Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến vào cuối tháng sau hoặc đầu tháng 6.
Minh Phương
Theo Dantri
Tổng thống Hàn Quốc: Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa vô điều kiện
Seoul cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết như yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc.
Tên lửa Triều Tiên trong một lễ diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
"Tôi không nghĩ việc phi hạt nhân hóa sẽ mang ý nghĩa khác nhau đối với cả Hàn Quốc và Triều Tiên. Triều Tiên bày tỏ sự sẵn lòng đối với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trước lãnh đạo của các công ty truyền thông hôm 19/4.
"Họ không đặt ra bất kỳ điều kiện nào khiến Mỹ không thể chấp nhận được, bao gồm yêu cầu rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tất cả những gì họ mong muốn là chấm dứt chính sách thù địch chống lại Triều Tiên và tiếp theo đó là sự bảo đảm về an ninh", Tổng thống Moon cho biết thêm.
Triều Tiên từ trước đến nay vẫn luôn tìm cách bảo vệ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, cho rằng đây là biện pháp răn đe cần thiết trước các động thái thù địch của Mỹ. Trong khi đó, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi này.
Để chấp nhận từ bỏ tham vọng hạt nhân, Triều Tiên nhiều lần đặt điều kiện cho Mỹ về việc rút các lực lượng quân sự ra khỏi bán đảo Triều Tiên cũng như dỡ bỏ cái gọi là ô răn đe hạt nhân đối với Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ hiện vẫn triển khai 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc và đây được xem là di sản của giai đoạn chiến tranh liên Triều (1950-1953).
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Hàn Quốc được đưa ra ngay trước khi bắt đầu cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 27/4 tới tại Khu phi quân sự liên Triều. Sau cuộc gặp này, ông Kim Jong-un được cho là tiếp tục dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống đương nhiệm của Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hàn Quốc ngày 18/4 tuyên bố nước này đang xem xét việc chuyển từ thỏa thuận đình chiến sang hiệp ước hòa bình với Triều Tiên trước thềm cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong quan hệ song phương vì về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do chưa ký hiệp ước hòa bình sau chiến tranh liên Triều.
Thành Đạt
Theo Dantri
Lời thú nhận của binh sĩ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc Binh sĩ Triều Tiên, người liều lĩnh băng qua "mưa" đạn để trốn sang bên kia biên giới liên Triều hồi cuối năm ngoái, được cho là đã thú nhận có hành vi giết người khi còn ở quê nhà. Binh sĩ đứng canh gác ở Khu vực phi quân sự DMZ. (Ảnh: Yonhap) Nhật báo Dong-A Ilbo của Hàn Quốc dẫn nguồn...