Cơ thể thiếu nước rất dễ sinh bệnh
Nước uống duy trì cuộc sống cho con người và là điều kiện cần thiết cho sự sống còn của tất cả các sinh vật trên địa cầu.
Nước chiếm khoảng 70% khối lượng của cơ thể con người và là một thành phần quan trọng của quá trình trao đổi chất, là dung môi cho nhiều chất hòa tan trong cơ thể. Con người cần uống khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày để tốt cho sức khỏe và cần lưu ý uống nước hợp vệ sinh, tốt nhất là nước đun sôi để nguội.
Ai cũng rất cần uống đủ nước vì cơ thể thường xuyên mất nước khi hoạt động.
Nguyên nhân cơ thể mất nước
Việc cơ thể mất nước xảy ra rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Tùy vào độ tuổi, giới tính, cường độ hoạt động, nhiệt độ, thời tiết mà nhu cầu nước và tình trạng mất nước khác nhau. Cơ thể có thể mất nước do thời tiết quá nóng hoặc do bệnh (tiêu chảy, sốt…) hay do mải làm việc mà quên uống nước. Một thống kê ở châu Âu cho thấy hầu hết trẻ em không uống đủ nước, nhất là khi trẻ đến trường và có 75%-80% người cao tuổi không uống đủ nước.
Nếu uống không đủ nước thì các rối loạn sau đây sẽ rất dễ xảy ra:
Rối loạn ở bộ não
85% não của chúng ta là nước, nếu não thiếu nước thì ta rất dễ bị tử vong. Chính não giữ vai trò điều khiển lượng nước trong cơ thể, nếu cảm thấy thiếu nước thì bộ não sẽ “rút” nước từ các bộ phận khác trong cơ thể về não để nuôi sống nó. Điều này giúp cho não sống được nhưng các bộ phận khác sẽ bị trục trặc. Khi thiếu nước, não báo hiệu cho ta thông qua cảm giác khát. Khi thiếu nước trầm trọng, ta không chỉ có cảm giác khát mà còn bị nhức đầu kèm theo chóng mặt, choáng váng.
Khi trời nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao, mồ hôi bắt đầu tiết ra để thực hiện vai trò làm mát nhằm hạ thân nhiệt. Nếu uống quá ít nước thì sẽ không có đủ nước để tản nhiệt cho cơ thể, có thể tăng thân nhiệt và bị các trạng thái như choáng váng, chóng mặt, sốc nhiệt đưa đến ngất xỉu…
Cần uống đủ nước vì cơ thể thường xuyên mất nước khi hoạt động (Ảnh minh họa)
Thận hoạt động chập chờn
Thận có chức năng bài tiết các chất trong cơ thể và nước là một thành phần không thể thiếu giúp thận hoạt động tốt. Nếu uống thiếu nước, việc đi tiểu sẽ giảm, nhiều giờ không mắc tiểu và khi tiểu nước có màu sậm. Nếu uống không đủ nước, thận sẽ dễ bị nhiễm độc tố và dễ bị nhiễm trùng đường tiểu. Uống đủ nước giúp đi tiểu nhiều, vừa làm loãng số vi khuẩn nhiễm vừa làm sạch lớp thượng bì của hệ niệu, giảm bề mặt bám dính nên vi khuẩn khó tồn tại gây nhiễm trùng. Uống không đủ nước cũng dễ bị sỏi thận. Do nước tiểu ít, nồng độ oxalate canxi cao gấp nhiều lần nồng độ hòa tan, thế là chất này kết tủa tạo thành sỏi thận oxalate canxi – loại sỏi hệ niệu thường gặp nhất.
Tim hoạt động rất khó khăn
Video đang HOT
Thiếu nước, máu trong cơ thể trở nên đậm đặc hơn và làm tim khó đẩy máu đi khắp cơ thể. Tim phải tạo áp lực mạnh hơn để đẩy máu nên có thể dẫn đến tăng huyết áp.
Thiếu nước cũng dẫn đến rối loạn hằng số nội môi, tức áp suất thẩm thấu của máu không còn ổn định, đưa đến rối loạn cân bằng các chất điện giải trong cơ thể như natri, kali, canxi… và rối loạn kiềm toan (máu không còn trung tính mà có tính axít hay tính kiềm). Đương nhiên, rối loạn chất điện giải và kiềm toan sẽ ảnh hưởng xấu với sức khỏe.
Bị táo bón
Ruột trong cơ thể chúng ta cần có nước để đẩy thức ăn đi nhanh, riêng ruột già cần có nước để đẩy phân đi. Có thể xem nước là thứ bôi trơn đường tiêu hóa để mọi thứ lưu thông trơn tru. Nếu thiếu nước, phân đọng lại ở ruột già và khô đi làm chúng ta bị rối loạn gọi là táo bón. Khi bị táo bón, chất độc bị kẹt trong ruột già sẽ ngấm ngược trở lại vào máu gây nhiễm độc. Do đó, chúng ta cần phải uống đủ nước để không bị táo bón (kết hợp với ăn nhiều chất xơ như rau cải, trái cây).
Nhan sắc có thể tàn phai
Nhan sắc không thể toàn vẹn nếu da khô. Nhiều phụ nữ tốn rất nhiều tiền để mua mỹ phẩm “xịn” chăm sóc da song trớ trêu là họ không uống đủ nước hằng ngày. Cần ghi nhận nguyên tắc đầu tiên giúp da tươi tắn, khỏe mạnh là uống đủ nước. Ở giai đoạn đầu của thiếu nước là da bị khô do không đủ nước để da giữ ẩm bề mặt. Mồ hôi và sự bay hơi thường xuyên ở da vừa làm sạch da vừa mang chất độc, chất thải ra khỏi cơ thể. Thiếu nước thì da bị khô, không đủ chức năng làm việc vừa kể.
Nhan sắc cũng khó vẹn toàn khi các mô cơ không giữ được sự săn chắc và linh hoạt. Các mô cơ chứa khoảng 70% là nước. Thiếu nước khoảng 4% sẽ làm giảm sức mạnh cơ bắp đến 12%. Sức mạnh của cơ bắp giảm đi thì người đẹp dễ lâm vào cảnh có “sắc” mà không có “hồn”.
Không để thiếu nước ngay cả khi đang ngủ
Ta nên uống nước đủ và rải đều trong ngày: Một ly sau khi thức dậy, uống nhiều ly trong ngày và một ly nữa khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp cơ thể luôn trong trạng thái hoạt động tốt, không bị thiếu nước ngay cả khi chúng ta đang ngủ. Nếu bạn tập thể dục hay vận động nặng thì nên uống nhiều nước hơn bình thường vì lúc đó cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn, cần bổ sung đủ nước. Tránh việc uống quá nhiều nước ở thời điểm nào đó không có lợi.
Theo Nld
5 thực phẩm bạn nên ăn để bổ sung nước cho cơ thể tốt nhất
Cách tốt nhất để giữ cho cơ thể bạn không bị mất nước là bổ sung nước từ các loại trái cây. Vậy bạn nên chọn những loại trái cây nhiều nước nào?
Dưới đây là 5 loại thực phẩm cực kì nhiều nước mà bạn nên ăn trong mùa hè để bổ sung nước cho cơ thể.
1. Cần tây
Hàm lượng nước: 95,4%
Ảnh minh họa
Giống như tất cả các loại thực phẩm có nhiều nước, cần tây có rất ít calo (chỉ 6 calo mỗi cuống) và nhiều chất xơ. Do đó, bên cạnh việc cung cấp nước cho cơ thể, ăn cần tây còn giúp kiềm chế sự thèm ăn của bạn và thân thiện với kế hoạch giảm cân mà bạn đang thực hiện.
Cần tây có chứa axit folic và vitamin A, C và K. Nhờ vào hàm lượng nước cao, cần tây có thể trung hòa acid dạ dày và thường được khuyến cáo như là một phương thuốc tự nhiên cho chứng ợ nóng và trào ngược axit.
2. Cu cai
Hàm lượng nước: 95,3%
Ảnh minh họa
Ngoài hàm lượng nước cao, củ cải còn chứa rất nhiều vitamin C, vitamin A (đặc biệt là ở lá), vitamin B9, sắt, kali, magiê, axit folic và betaine... đặc biệt là trong củ cải đỏ.
Ngoài ra, củ cải còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, như beta-carotene và betacyanins... giúp giám sát sự phát triển của tế bào bất thường, ngăn ngừa khối u phát triển và đề phòng các bệnh ung thư như ung thư vú, tuyến tiền liệt, phổi, ruột kết và ung thư thận. Một số hợp chất trong củ cải đường giúp trung hòa các độc tố và thải độc trong nước tiểu.
3. Ớt xanh
Hàm lượng nước: 93,9%
Ảnh minh họa
Ớt chuông là một trong những thực phẩm có hàm lượng nước cao, trong đó chứa nhiều nước nhất là ớt xanh, cao hơn cả ớt đỏ và ớt vàng (chứa khoảng 92% nước). Cũng như các loại ớt chuông khác, ớt chuông xanh cũng có hàm lượng vitamin C kỷ lục. Cứ 100g ớt có chứa 120mg vitamin C (cao gấp 2,5 lần so với cam). Ngoài vitamin C, ớt chuông cũng rất giàu vitamin A, protid, đường, canxi, photpho, sắt, beta-caroten, vitamin B1, B2...
Loại thực phẩm này cũng giàu chất xơ, ít calo nên rất có lợi cho bạn trong mùa hè. Tuy nhiên, những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc mắc bệnh về đường ruột thì không nên ăn ớt sống mà phải gọt vỏ, nấu chín, ăn với một lượng vừa phải.
4. Khế
Hàm lượng nước: 91,4%
Ảnh minh họa
Loại trái cây nhiệt đới này có 2 vị là ngọt và chua. Vị chua của khế là do các axít hữu cơ tạo ra, có từ 800 - 1250mg/100 g khế, trong đó từ 300 - 500 mg axit oxalic, 300 - 430 mg axit tartric,140 - 220 mg axit succinic, 100 - 130 mg axit citric... Khế chua có tác dụng chữa bệnh nhiều hơn khế ngọt.
Quả khế giàu các vitamin và muối khoáng như kali, magie, photpho... và các axit nêu trên nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Ngoài ra, khế rất giàu vitamin C, ăn một quả khế nhỏ có thể cung cấp 1/3 lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, da dẻ tươi nhuận, trẻ lâu.
Lưu ý: Những người có vấn đề về thận nên tránh ăn khể vì mức độ axit oxalic trong khế khá cao, sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của thận, dễ gây sỏi thận
5. Dâu tây
Hàm lượng nước: 91,0%
Ảnh minh họa
Quả dâu tây còn đặc biệt chứa nhiều vitamin C hơn cả cam và bưởi. Bổ sung nhiều vitamin C từ quả dâu tây sẽ giúp bạn hạn chế được quá trình tạo nếp nhăn và khô da do tuổi tác vì dưỡng chất vitamin C trong quả dâu tây sẽ giúp tiêu diệt các tế bào gốc tự do này, quá trình tổng hợp collagen lại được tiếp tục để duy trì vẻ đẹp cho da.
Một kết quả nghiên cứu do trường Y tế cộng đồng Harvard, Mỹ, thực hiện cho thấy các chất chống oxy hóa và những chất hóa học từ thực vật được tìm thấy trong dâu tây có thể làm giảm chứng viêm tại các khớp, vốn là nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp và còn dẫn tới bệnh tim.
Hơn nữa, quả dâu tây còn chứa nhiều chất xơ nên có lợi cho hoạt động tiêu hóa, kiểm soát cân nặng của bạn.
Theo Trí Thức Trẻ
Thủ phạm khiến mẹ thêm đau đớn khi đẻ Nằm ngửa, sợ hãi, dùng phương pháp kích đẻ sẽ khiến ca sinh nở của mẹ thêm đau đớn hơn. Không có ai trải qua giây phút "vượt cạn" gian nan mà lại không cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, có một số mẹo nhỏ có thể giúp giảm bớt cơn đau và khó chịu cho sản phụ khi sinh nở. Dưới đây...