Có thể mất cơ hội làm mẹ nếu mắc ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh. Là căn bệnh có thể điều trị hiệu quả, tuy nhiên nếu chủ quan, phát hiện muộn, ung thư cổ tử cung không chỉ khiến điều trị tốn kém, mất đi cơ hội làm mẹ, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bệnh ung thư gặp thứ 2 ở phụ nữ
Ths BS Nguyễn Thị Minh Thanh – Phó Trưởng Khoa khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) chia sẻ về ca bệnh mắc ung thư cổ tử cung từ khi còn rất trẻ của cô gái 23 tuổi (Quốc Oai, Hà Nội). Sau một thời gian ra máu khi quan hệ tình dục, cô gái trẻ đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám. Sau khi khám, các bác sĩ phát hiện cô bị nhiễm vi rút HPV tuýp 16 và đã có tổn thương biểu mô vảy mức độ cao.
“Bệnh nhân nữ còn rất trẻ, mắc bệnh ở giai đoạn đầu, chuẩn bị cưới, chưa có con nên chúng tôi đã phải cân nhắc khi điều trị cho bệnh nhân, để sau này bệnh nhân vẫn có thể mang thai. May mắn, do mắc bệnh ở giai đoạn đầu, nên sau khi được xử lý tổn thương tại chỗ, cắt cổ tử cung sau 3 tháng bệnh nhân đã mang thai. Ngay khi có thai, bác sĩ đã phải khâu cổ tử cung để phòng nguy cơ xẩy thai cho bệnh nhân”, BS Thanh nói.
Theo BS Thanh, trước đây người ta thường nghĩ 40 – 50 mới có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Trên thực tế, mọi phụ nữ đều có nguy cơ khi họ bắt đầu có quan hệ tình dục. Đây là căn bệnh phổ biến thứ hai ở phụ nữ Việt độ tuổi 15 – 44.
Điều nguy hiểm là các dấu hiệu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm rất mơ hồ, hầu như không có biểu hiện. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể biểu hiện mệt mỏi, quan hệ tình dục ra máu, kém ăn, sụt cân nhưng ít người nghĩ đến ung thư cổ tử cung, không đi khám sớm.
Đừng ngại khám phụ khoa, sàng lọc ung thư
Theo BS Thanh, một thực tế đáng buồn là rất nhiều chị em e ngại khi đi khám phụ khoa. Nhiều người quan niệm “đang yên đang lành” sao bỗng dưng đi khám. Họ chỉ đến viện khi đã bắt đầu có dấu hiệu như ra máu khi quan hệ tình dục, khi bị mắc bệnh lý viêm đường sinh dục dẫn đến khí hư nhiều, rong kinh… rồi “tiện thể” khám khi bác sĩ tư vấn.
BS Thanh tư vấn cho bệnh nhân tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
BS Thanh chia sẻ trường hợp thai phụ 32 tuần đến BV Phụ sản Hà Nội khám vì thấy ra máu bất thường, sợ động thai nhưng khi khám, các bác sĩ không phát hiện nguy cơ nào từ thai nhi. Thai phụ rất ái ngại khi bác sĩ muốn thăm khám phụ khoa, do lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Đúng như nghi ngờ, khi khám bác sĩ phát hiện cổ tử cung của bệnh nhân có tổ chức sùi, bấm sinh thiết và cho kết quả ung thư cổ tử cung giai đoạn 2.
Bệnh nhân được chỉ định chờ thai đến 34 tuần bác sĩ chủ động mổ lấy thai và can thiệp chữa trị ung thư cổ tử cung cho thai phụ.
BS Thanh dẫn chứng thêm, số liệu trong tháng 4/2018 tại Khoa khám chuyên sâu sản phụ khoa (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) có gần 500 trường hợp sàng lọc vi rút HPV, trong đó có 29 ca dương tính với chủng HPV tuýp nguy cơ cao, ngoài ra là các bệnh phụ khoa khác. Dù đại đa số bệnh nhân khi đến khám vì một dấu hiệu khác không nghĩ đến nguy cơ ung thư cổ tử cung”, BS Thanh nói.
Trong khi đó, vi rút HPV là một mối nguy hiểm thầm lặng bởi đến 80% phụ nữ nhiễm HPV một lần trong đời. Ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra và có đến hơn 100 chủng vi rút HPV, nhưng có 4 chủng được “nhận diện” nguy hiểm là chủng 16 và 18 là tác nhân gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung; chủng 6 và 11 dẫn đến 90% trường hợp mụn có sinh dục. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm HPV không chỉ qua quan hệ tình dục mà qua tiếp xúc tình dục, vật dùng, lây từ mẹ sang con.
Video đang HOT
“Nhiễm HPV từ 10 – 15 năm sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên vấn đề không ai biết mình nhiễm HPV từ khi nào,HPV tồn tại dai dẳng, có thể thành tế bào ung thư, vì thế, việc khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư, xét nghiệm HPV là rất quan trọng để theo dõi. Khi phát hiện HPV dương tính với tuýp nguy cơ không phải là gây ung thư ngay, mà là cơ sở để bệnh nhân được theo dõi, tiên lượng bệnh. Khi phát hiện có thể sản sinh tế bào ung thư sẽ được can thiệp sớm ngay ở giai đoạn tiền ung thư”, BS Thanh nói.
Nếu ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, khu trú tại chỗ tỷ lệ điều trị thành công 93%. Tuy nhiên, khi ung thư phát hiện ở giai đoạn trễ thì tỷ lệ trị khỏi chỉ 15%.
BS Thanh lưu ý thêm, tỉ lệ nhiễm HPV dương tính ở người trẻ đào thải khá nhiều, nhưng từ trên 35 trở đi, giai đoạn đó tồn tại dai dẳng, có thể trở thành tế bào ung thư. Lúc này phải tầm soát tế bào thường xuyên hơn, định kỳ hơn.
Bởi vậy, các chị em phụ nữ cần tạo thói quen đi khám sức khỏe sản phụ khoa định kỳ hằng năm và làm xét nghiệm tìm tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP). Đây là xét nghiệm tìm kiếm những tế bào tiền ung thư trong cổ tử cung, là những tế bào bắt đầu có những biến đối đầu tiên và chúng ta có thể bắt đầu tầm soát xét nghiệm này từ tuổi 21.
Ngoài xét nghiệm PAP, nên làm thêm xét nghiệm tìm vi rút HPV ở cổ tử cung (HPV test) vì đây là nguyên nhân chính gây nên ung thư cổ tử cung. Nếu xét nghiệm PAP bình thường, nguy cơ biến đổi tế bào để xuất hiện ung thư cổ tử cung là rất thấp. Nếu cả hai xét nghiệm bình thường thì chỉ cần làm lại các xét nghiệm sau mỗi 3 năm.
Ngoài ra, bệnh ung thư cổ tử cung đã có thể phòng ngừa với vắc xin phòng cả 4 tuýp nguy cơ của vi rút HPV dành cho phụ nữ từ 9-26 tuổi. Vì vậy, trẻ em gái từ khi chưa có quan hệ tình dục, bắt đầu tròn 9 tuổi đã có thể tiêm để phòng nguy cơ.
BS Thanh lưu ý thêm, hiện nhiều phụ nữ có sai lầm rằng đã quan hệ tình dục, hoặc đã nhiễm vi rút HPV không cần tiêm vắc xin nữa. Thực tế, vi rút HPV có nhiều chủng nên việc tiêm vắc xin vẫn rất cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi các chủng HPV khác. Hiện tại, hiệu quả vắc xin đến 99% phòng nhiễm 4 tuýp HPV nguy hiểm nhất. Song song với việc tiêm vắc xin, bạn cũng nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm PAP để tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Tiêm phòng ngừa ung thư cổ tử cung: những thông tin nhất định con gái phải biết
Để phòng tránh ung thư cổ tử cung hiệu quả, hãy lưu ý ngay những điều dưới đây.
Tiêm phòng là cách ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất
Ung thư cổ tử cung là bệnh mà tế bào ung thư xuất hiện ở phần nối giữa tử cung và âm đạo. Đây là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, được xếp vào một trong những bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ.
Mỗi năm, trên thế giới có hơn 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca rơi vào tử vong. Ở Việt Nam, căn bệnh này cũng được cảnh báo là vô cùng nguy hiểm. Mỗi ngày, ở nước ta có thêm 14 ca mắc mới, trong đó có khoảng 7 ca tử vong.
Trong hội thảo "Vắc xin HPV, nhìn lại 10 năm an toàn và hiệu lực cộng đồng" do Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Viện Pasteur TP.HCM tổ chức ngày 18/3/2018, các chuyên gia, bác sĩ đã đưa ra những ý kiến về căn bệnh này.
Theo đó, cách phòng ngừa đơn giản và hiệu quả nhất chính là tiêm vaccine ngăn ngừa virus HPV. Vì thế, con gái nên chú ý hơn đến vấn đề này.
Những thông tin nhất định phải biết về tiêm phòng ngừa virus HPV
1. Độ tuổi tiêm vaccine tốt nhất
Vaccine ngừa virus HPV được Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng vào năm 2008. Loại vaccine này được khuyến cáo tiêm cho nữ giới ở độ tuổi từ 9 - 26, tốt nhất là khoảng 11 - 12 tuổi.
Tuy nhiên, nếu qua 26 tuổi, các bác sĩ khuyên chúng ta vẫn nên tiêm bởi không phải ai cũng đã từng nhiễm virus. Virus có rất nhiều tuýp khác nhau, rất ít người nhiễm đồng thời nhiều tuýp, việc tiêm vaccine lúc này còn nhằm phòng nhiễm tuýp còn lại, tránh bị ảnh hưởng cùng lúc của nhiều tuýp.
2. Người quan hệ tình dục rồi có nên tiêm không?
Cũng theo khuyến cáo của các bác sĩ, việc tiêm vaccine ngừa virus HPV nên diễn ra trước khi quan hệ tình dục để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, người đã quan hệ tình dục rồi thì vẫn nên tiêm bởi không phải ai quan hệ tình dục rồi cũng bị nhiễm virus ngay.
Nếu chưa nhiễm virus thì hiệu quả phòng bệnh vẫn tương đương người chưa quan hệ tình dục, còn nếu nhiễm virus rồi thì vẫn có hiệu quả phòng được tuýp chưa nhiễm.
3. Giá cả tiêm vaccine phòng ngừa virus HPV?
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại vaccine ngừa virus HPV với mức giá như sau:
- Cervarix: vaccine có chứa 2 tuýp gây bệnh ung thư cổ tử cung, giá khoảng 850 - 950k/mũi, tùy từng cơ sở tiêm chủng.
- Gardasil: vaccine có chứa 2 tuýp gây ung thư và 2 tuýp gây bệnh khác như sùi mào gà, mụn cóc sinh dục, giá khoảng 1,3 triệu - 1,5 triệu/mũi, tùy từng cơ sở tiêm chủng.
Cả hai loại đều tiêm 03 mũi trong 6 tháng.
4. Tiêm vaccine ngừa virus HPV ở đâu?
*Hà Nội:
- Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng (131 Lò Đúc, Hai Bà Trưng).
- Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa).
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (số 1 Yecxanh, Hai Bà Trưng).
*TP. Hồ Chí Minh:
- Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh (số 215 Hồng Bàng, P.11, Quận 5).
- Viện Paster Tp. Hồ Chí Minh (số 252 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3).
*Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể liên hệ với phòng khám sản phụ khoa hoặc bất cứ phòng khám đa khoa nào để được hướng dẫn chi tiết hơn.
5. Tiêm vaccine xong thì khi nào nên có thai?
- Trong thời gian tiêm ngừa, bác sĩ khuyến cáo không được có hoạt động quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm HPV khi cơ thể chưa tạo được hệ miễn dịch bảo vệ đầy đủ.
- Chỉ nên có thai sau mũi tiêm thứ 3 ít nhất là 1 tháng.
Lưu ý: Bên cạnh việc tiêm vaccine, chúng ta cũng cần lưu ý một số điểm để phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả hơn như có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng phù hợp, thường xuyên vận động, tập luyện, khám sức khoẻ định kỳ... Các bạn có thể xem chi tiết tại đây nhé!
Chi Anh
Theo Trí Thức Trẻ
Phòng thí nghiệm Mỹ chẩn đoán ung thư sai cho 208 phụ nữ Ireland? Bê bối liên quan tới kết quả tầm soát ung thư không chính xác của một phòng thí nghiệm Mỹ có thể là nguyên nhân khiến ít nhất 17 phụ nữ tử vong vừa bùng lên tại Ireland. Bà Vicki Phelan - Ảnh: IRISH TIMES Theo trang Medscape, chương trình tầm soát ung thư CervicalCheck năm 2008 do chính phủ Ireland tài trợ...