Có thật chế phẩm sinh học ngăn ngừa được dịch tả lợn châu Phi?
Thực tiễn sản xuất ở nhiều trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn cho thấy, áp dụng đúng nguyên tắc an toàn sinh học trong chăn nuôi, bổ sung thêm các chế phẩm vi sinh để tăng sức đề kháng cho lợn đang là giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đã có những trang trại vẫn bình an vô sự ngay trong bão dịch.
Bình yên trong “bão”
Trang trại chăn nuôi 200 con lợn của ông Lê Viết Thể, thôn Địch Trung, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) nằm ngay trong khu dân cư đông đúc, với một nơi đất chật người đông như Phương Đình, việc có một khu chăn nuôi tập trung, biệt lập quả không hề đơn giản.
Ông Lê Viết Thể (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) phối trộn chế phẩm vi sinh trong thức ăn chăn nuôi. Ảnh: A.T
Vậy nhưng, điều kỳ lạ là, dù chuồng trại ngay sau nhà nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không cảm thấy có mùi “đặc trưng” của nghề chăn nuôi lợn. Hỏi ông Thể bí quyết, ông bảo, nhờ ông sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi nên khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm mùi hôi.
Đặc biệt, trang trại của ông vẫn bình yên sau “bão” dịch tả lợn châu Phi quét qua xã Phương Đình, khiến 50% tổng đàn lợn của xã buộc phải tiêu hủy, nhiều gia đình lâm vào tình trạng khánh kiệt.
“Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở địa phương không còn cách nào khác, tôi phải bảo vệ bằng được đàn lợn của mình bằng cách biện pháp an toàn sinh học. Theo đó, chuồng trại được quây kín để tránh chuột, bụi bặm, người lạ tuyệt đối không được vào chuồng trại; định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại hàng tuần; riêng hệ thống nước làm mát cũng được tôi pha thêm thuốc tiêu độc khử trùng phun 24/24 giờ để tăng thêm hàng rào bảo vệ đàn lợn” – ông Thể chia sẻ.
Bên cạnh đó, để tăng sức khỏe cho đàn lợn, từ đó có khả năng chống chịu sự tấn công của virus, vào các ngày nắng nóng, ông tăng cường các chất điện giải vào thức ăn của lợn; bổ sung các loại vitamin; nguồn nước sử dụng là nước sạch từ nhà máy.
Hiệu quả thấy rõ
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), thực tế cho thấy, một số mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn lên men sinh học tại Hưng Yên, Hà Nội, Thừa Thiên – Huế cho thấy, mặc dù nằm trong vùng dịch nhưng sử dụng thức ăn có bổ sung men vi sinh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học đàn lợn của các hộ thử nghiệm vẫn an toàn, trong khi nhiều hộ đã phải tiêu hủy lợn.
Video đang HOT
Chăn nuôi an toàn sinh học đang là một giải pháp căn cơ, quan trọng để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Đơn cử như mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ của Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm sử dụng chế phẩm vi sinh ủ vào thức ăn trong thời gian từ 36-48 giờ trước khi cho ăn và trộn vào đệm lót nền (không rửa chuồng nuôi) đồng thời đưa chế phẩm vào phun trong không gian chuồng nuôi, kết quả cho thấy, trong khi nhiều hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh và chết thì toàn bộ lợn của 15 hộ chăn nuôi theo mô hình của Quế Lâm không bị nhiễm dịch.
“Bên cạnh đó, chuồng nuôi không có mùi hôi, tiết kiệm nước và rửa chuồng; tận dụng được toàn bộ phân, nước tiểu lợn làm phân hữu cơ cho cây trồng. Điều quan trọng hơn là, chăn nuôi theo quy trình này, lợn hầu như không phải dùng kháng sinh, đảm bảo sản phẩm an toàn” – ông Dương nói.
Bà Lưu Thủy Trâm – Phó Giám đốc Công ty Bio Spring cho biết, qua thử nghiệm, chế phẩm vi sinh probiotic của Bio Spring góp phần giảm tỷ lệ tiêu tốn thức ăn từ 5 – 6%; giảm tỷ lệ chết và làm tăng sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi.
“Những tác động của các chế phẩm vi sinh có thể không nhìn thấy ngay trước mắt nhưng sau cả quá trình chăn nuôi nếu áp dụng tốt vấn đề an toàn sinh học, cộng với bổ sung các chế phẩm vi sinh thì sẽ thấy hiệu quả chăn nuôi vượt trội, điều quan trọng là sản phẩm thịt áp dụng theo quy trình này rất đảm bảo, không có tồn dư kháng sinh” – bà Trâm nói.
Cũng theo bà Trâm, chi phí bổ sung các chế phẩm vi sinh rất thấp, chỉ 50 – 60 đồng/kg thức ăn, tính ra trong cả chu kỳ nuôi của một con lợn, chi phí cho chế phẩm vi sinh chỉ 15.000 – 20.000 đồng.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, chăn nuôi an toàn sinh học đang là một giải pháp căn cơ, quan trọng để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, góp phần ngăn được sự phát tán của dịch, hạn chế kháng sinh, giúp nâng cao chất lượng thịt.
Theo nhận định: Dù có kết quả ban đầu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả vững chắc nào cho thấy, việc sử dụng các chế phẩm sinh học có thể ngăn ngừa được dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng. Việc một số mô hình áp dụng giải pháp trên mới dừng ở diện thử nghiệm hẹp.
Theo Danviet
Thịt lợn nhập khẩu giá 23.000 đ/kg có đảm bảo chất lượng?
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho biết, hiện tại, sản lượng thịt nhập khẩu chưa thấy những tác động rõ rệt đối với thị trường trong nước, nhưng về lâu dài cần có giải pháp kiểm soát chặt hơn để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như quyền lợi người chăn nuôi.
Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 62/63 tỉnh, thành phố, khiến tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 15%, điều này dẫn đến nguy cơ thiếu thịt lợn vào các tháng cuối năm. Nhận định của ông về thực trạng này như thế nào?
- Sau khi bùng phát vào đầu tháng 2/2019, càn quét qua các tỉnh, thành, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu dịu bớt ở một số địa phương. Tuy vậy, diễn biến của dịch vẫn còn khá phức tạp, khi dịch không chỉ xuất hiện ở những trại chăn nuôi nhỏ lẻ, mà ngay cả một số trại lớn cũng bị. Tại Đồng Nai đã ghi nhận tình trạng này.
Giá thịt lợn nhập có loại chỉ 23.000 đồng/kg. Ảnh: I.T
Nếu tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, việc thiếu thịt lợn trong thời gian tới không còn là nguy cơ, mà nó đang dần hiện hữu. Sau nhiều ngày giá giảm thê thảm, hiện, giá lợn hơi đang có những diễn biến khá tích cực. Tại miền Bắc, giá lợn hơi đã trên 45.000 đồng/kg, còn tại miền Nam cũng đã đạt 35.000 đồng/kg. Theo tôi, đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, giá lợn hơi còn tăng cao hơn nữa, có thể đạt 50.000 - 55.000 đồng/kg.
Vấn đề đặt ra là: Làm sao đảm bảo được nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm, tránh tăng giá đột biến.
Trên thực tế, nhận định tình hình thịt lợn sẽ có nguy cơ thiếu hụt, Bộ NNPTNT đã có chủ trương mở rộng các đối tượng vật nuôi khác để bù lại lượng thiếu hụt từ thịt lợn như chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản. 6 tháng đầu năm 2019, chúng ta đã làm rất tốt điều này, khi quy mô chăn nuôi gia cầm đã tăng 7,5%, quy mô đàn bò tăng 2,9%. Dự kiến đến hết năm 2019, đàn gia cầm tăng 10%, đàn bò tăng 6,7%, nguồn thiếu hụt từ thịt lợn chắc chắn sẽ được giải quyết.
Tuy nhiên, do thói quen tiêu dùng của người Việt, thịt lợn vẫn chiếm chủ yếu trong cơ cấu bữa ăn, nhu cầu sử dụng thịt lợn sẽ cao. Do đó, ngoài biện pháp cấp bù thực phẩm khác, phải tìm cách tái đàn để cấp bù đàn lợn đã bị mất do dịch tả lợn châu Phi.
Theo tôi, trong thời gian tới, nếu có chính sách điều hành giá, cộng với tái đàn hợp lý, lượng thịt lợn trong sẽ không thiếu mà giá cả sẽ được cải thiện đáng kể, chắc chắn mức giá trên 50.000 đồng/kg lợn hơi là có thể đạt được.
Mức giá này cũng là hợp lý ở thời điểm này, bởi người nông dân đã quá vất vả chống chọi với dịch, giờ là lúc họ lấy lại những gì đã mất, vì chi phí chống dịch khiến giá thành sản xuất sẽ tăng cao hơn. Hiện, giá lợn hơi của Việt Nam đang thấp nhất khu vực, trong khi giá lợn ở Trung Quốc, Campuchia đều trên 60.000 đồng/kg.
Hiện nay, các địa phương vẫn đang cân nhắc việc khuyến cáo người dân tái đàn lợn sau dịch. Vậy theo ông, làm sao để người dân tái đàn hiệu quả?
- Bộ NNPTNT cũng đã có những quy định rất rõ về tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, khu vực vừa bị dịch nhất quyết không được tái đàn ở thời điểm này, chúng ta chỉ nên tái đàn ở những vùng chưa có dịch.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch bệnh phải được duy trì ở mức độ cao, không nên quá bi quan, vì hiện tại vẫn còn 85% đàn lợn, cần phải áp dụng tổng lực các giải pháp để duy trì được đàn.
Theo đó, các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng nghiêm túc các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, bên cạnh đó, có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Có một diễn biến đáng chú ý trên thị trường thịt lợn 6 tháng đầu năm 2019 là lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến. Liệu điều này có tác động đến ngành chăn nuôi trong nước không, thưa ông?
- Đúng là 6 tháng đầu năm 2019, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đột biến, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, đạt trên 8.000 tấn. Nếu so sánh con số 8.000 tấn thịt lợn nhập khẩu với sản lượng thịt lợn hơi của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn thì không phải là con số quá lớn. Những tác động của thịt nhập khẩu lên thị trường thịt lợn cũng chưa rõ ràng.
Nhưng về lâu dài, theo tôi, cần tăng cường kiểm soát lượng thịt lợn nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, cộng với độ mở của thị trường ngày càng lớn. Nếu không kiểm soát để nhập ồ ạt, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước.
Trong số lượng thịt nhập khẩu, ngoài một số loại thịt cao cấp cũng có một số loại không phải chính phẩm như chân giò, thịt vụn giá rất rẻ, chỉ hơn 23.000 đồng/kg. Điều tôi lo ngại là liệu những sản phẩm thịt nhập có đảm bảo chất lượng không, thời hạn sử dụng như thế nào hay lại là loại cận date. Nếu để những loại thực phẩm này tràn về, không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi, mà sức khỏe người tiêu dùng cũng bị đe dọa.
Điều cốt lõi vẫn là chủ động chăn nuôi trong nước với chất lượng, giá cả phải chăng để phục vụ cho thị trường nội địa, đồng thời đảm bảo cuộc sống của người chăn nuôi.
Xin cảm ơn ông!
Thịt thăn lợn, cốt lết lợn hiệu Iberico (đông lạnh, chưa chế biến) từ Pháp giá 16 EUR (FCA, cảng Cát Lái TP.HCM); tương đương 417.000 đồng/kg.
Thịt filet lợn hiệu Iberico (đông lạnh, chưa chế biến) từ Pháp giá 14 EUR (FCA, cảng Cát Lái TP.HCM), tương đương 385.000 đồng/kg.
Chân lợn, tai lợn, đuôi lợn từ Mỹ giá 1 USD/kg (FCR, cảng ICD Phước Long TP.HCM), tương đương 23.238 đồng/kg.
Chân giò cắt khúc từ Úc giá 1 USD/kg (FCR, cảng ICD Phước Long TP.HCM), tương đương 23.238 đồng/kg.
Phụ phẩm lợn đông lạnh có xương-xương sườn lợn (FROZEN PORK RIBLETS) hiệu Skiba từ Ba Lan giá 1 USD/kg (CIF, cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu), tương đương 23.238 đồng/kg
Theo Danviet
Mất 3,3 triệu con lợn, chấp nhận sống chung với dịch tả lợn châu Phi Hiện dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 62/63 tỉnh thành, khiến 3,3 triệu con lợn bị tiêu hủy. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đã đến lúc cần xác định "sống chung" với dịch bệnh này, đồng thời coi an toàn sinh học là cánh cửa duy nhất có thể chặn nguồn lây lan của virus. "Sống chung" với...