Cố “thằng chống gậy”: Chỉ là ngụy biện!
Bạn đọc kiến nghị phải có luật riêng nhằm “điều chỉnh” những người muốn cố có con trai.
Trước đề xuất hỗ trợ cho gia đình sinh con một bề là gái nhằm điều chỉnh tình trạng mất cân bằng giới tính, dư luận xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Tiền bạc không phải vấn đề
Bạn đọc hau..@gmail.com nhận định: “Việc sinh con trai hay gái đối với các gia đình gần như là không có vấn đề gì. Tuy nhiên áp lực xã hội đã tạo cho các gia đình và xã hội ngày càng sâu sắc việc trọng nam khinh nữ. Chính sách sinh con gái được hỗ trợ tiền và các vấn đề khác đi kèm càng thấy sinh con gái bất bình đẳng”.
Giãi bày tâm sự của người trong cuộc, độc giả Trần Đình Dũng có địa chỉ tranvan…@gmail.comviết: “Bản thân tôi cũng như nhiều bạn của tôi sinh con một bề (hai gái) đều thấy rằng, sự tủi thân của chúng tôi không phải vì thiếu tiền mà vấn đề là ở chỗ “không có con nối dõi tông đường”. Sự thực thì trong số chúng tôi, nhiều người rất giàu có, nên tiền bạc không phải là vấn đề, xin đừng lấy tiền bạc để khuyến khích sinh con gái rồi lãng phí tiền thuế của dân”.
Đồng tình với ý kiến này, độc giả buffalo…@gmail.com viết: “Người ta còn không màng tới chức tước, danh vọng để cố sinh con trai bằng được, đừng nói tới chuyện thưởng vài triệu đồng mà đòi thay đổi… Phải chi người ta tự quyết định được giới tính hay sao ấy?”.
Cần xóa bỏ định kiến xã hội về gia đình sinh con một bề là gái (Ảnh minh họa)
Phản hồi trước ý kiến cho rằng, một khi được chính phủ, quan tâm, động viên, thì người sinh con gái không còn lý do gì mà phải mặc cảm nữa, bạn đọc xuanminh…@gmail.com viết: “Không có con trai mà vẫn được ngồi chiếu trên ư? Cứ thử về các miền quê mà xem ngồi chiếu nào. Hay chỉ đơn giản trong bàn nhậu các anh em có toàn con gái sẽ bị chê trách như thế nào?”
Là một trong những người phản đối ngay từ khi ý tưởng hỗ trợ cho gia đình sinh con một bề là gái mới “trình làng”, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nhận định: “Chuyện sinh con trai hay con gái cũng có phải gia đình muốn là được đâu! Ý tưởng trên không những không làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước một cách không cần thiết.”
Cố “thằng chống gậy”: Chỉ là ngụy biện!
Xuất phát từ tập tục, nếp nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, độc giả Nguyễn Văn Tuấn phân tích: Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, trước đây đã có hàng thế kỷ chìm trong lạc hậu. Là một nước nông nghiệp nên các gia đình đều rất cần sức lao động để phục vụ công việc đồng áng và đương nhiên con trai là một thế mạnh.
Cũng vì đặc thù người Việt nam hay có thói thích “đè” người khác nên các gia đình nhiều con trai thường hay lấn lướt các gia đình có nhiều con gái, sự phân biệt này được nhấn mạnh hơn tại các sự kiện cỗ bàn, hiếu, hỉ ở thôn quê nhằm khẳng định sức mạnh của phái nam.
Video đang HOT
Chuyện sinh con trai hay con gái không phải cứ muốn là được
Một vấn đề nữa trong tư tưởng nông nghiệp là tính sở hữu: Con gái khi về nhà chồng, nhà gái mất đi một nguồn lao động, của nả bố mẹ làm ra sau này không muốn con nhà khác được hưởng nên nếu có con trai thì không phải chia cho người ngoài huyết thống.
“Tất cả những điều ấy tạo thành tư tưởng lạc hậu tồn tại bấy lâu nay, và những người lạc hậu thường ngụy biện rằng đẻ con trai để có người nối dõi tông đường, có thằng “chống gậy”. nhưng chính họ cũng chỉ biết nói chứ không giải thích được. Thực ra là vẫn luôn sợ tiền nhà mình chạy sang túi con nhà người khác.” độc giả Nguyễn Văn Tuấn viết. Từ đây, bạn đọc này cho rằng, việc can thiệp bằng chính sách xã hội là điều rất quan trọng và cần thiết để thay đổi cách nghĩ của một bộ phận lớn trong xã hội Việt nam.
Tương tự, bạn đọc từ địa chỉ ngoclan…@gmail.com viết: “Chuyện đi kiếm con trai nối dõi tông đường chỉ là lối biện hộ của những người cha thiếu ý thức, có tính trăng hoa và những người phụ nữ không tốt muốn chiếm đoạt gia đình của người khác bằng phương pháp có vẻ truyền thống này mà thôi.”
Theo bạn đọc từ địa chỉ buivanvan…@gmail.com, muốn xã hội có sự công bằng, bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, cần phải có luật “đánh” vào tiềm thức những người muốn cố có con trai. “Cần có quy định: Khi trưởng thành, lập gia đình, dù con gái hay con trai, tài sản của bố mẹ phải được chia như nhau. Gái hay trai cũng được huởng như nhau. Khi khả năng tài chính có hạn, những cặp vợ chồng không muốn con mình phải khổ. họ phải nghĩ xem mình có lên tiếp tục đẻ hay dừng lại” bạn đọc này viết.
Theo 24h
Sinh con gái, vẫn "ngồi chiếu trên"
Xưa nay người đẻ con gái vẫn bị người đời chê bai, gièm pha. Tuy nhiên, một khi đã được chính phủ, nhà nước quan tâm, động viên, thì không còn lý do gì mà phải mặc cảm nữa...
TS Nguyễn Thiên Trưởng, Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Việt Nam, trao đổi với phóng viên về kế hoạch hỗ trợ cho gia đình sinh con một bề là gái.
Ông đánh giá thế nào về đề xuất thực hiện việc hỗ trợ những gia đình sinh con một bề là gái trong Đề án can thiệp giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính của Bộ Y Tế?
Với giải pháp được đặc biệt chú ý là thực hiện việc hỗ trợ những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách, trong dư luận hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau, người ủng hộ, người băn khoăn, người lại phản đối... Tuy nhiên, theo tôi tất cả ý kiến đó chỉ nên để làm tham khảo để khi đề án được chính thức phê duyệt sẽ khả thi hơn.
Bộ Y tế đã hoàn tất đề án đề xuất can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020 cho gia đình sinh con một bề gái và thực hiện tốt chính sách dân số.
Với Đề án này, gia đình sinh từ 1- 2 con là gái, không sinh thêm con thứ 3 sẽ được nhà nước hỗ trợ. Hiện Bộ Y tế đang dự tính trình Chính phủ phê duyệt Đề án.
Qua nhiều năm kinh nghiệm làm công tác dân số, KHHGĐ, tôi cho rằng Đề án của Bộ lần này có cơ sở. Thực tế sau 50 năm triển khai chương trình KHHGĐ, tới nay khi được hỏi, vẫn còn khoảng 30% gia đình muốn sinh con trai. Như vậy cho thấy hậu quả rõ ràng nếu cặp vợ chồng này cứ tiếp tục lựa chọn giới tính để sinh đẻ thì tình tạng mất cân bằng giới tính càng báo động hơn.
Lâu nay chúng ta cũng ra sức hô hào, tuyên truyền nhằm thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng vẫn chưa thành công bởi nếp suy nghĩ này đã ăn sâu vào nếp nghĩ người dân hàng ngàn năm nay.
Kinh nghiệm một số nước như Hàn Quốc, Nam Triều Tiên cho thấy, để thay đổi tâm lý trên, họ đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao vị thế của người con gái trong gia đình và ngoài xã hội. Tới nay, những biện pháp này đã đem lại hiệu quả, trong đó có chuyện dùng chính sách hỗ trợ trẻ em gái.
TS Nguyễn Thiên Trưởng, Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam
Như vậy, Việt Nam không phải là nước đầu tiên áp dụng biện pháp này?
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Y Tế lại đưa ra giải pháp này. Ở đây, chúng ta nên nhìn nhận lại góc độ văn hóa trong dân số KHHGĐ.Việc hỗ trợ hoặc khuyến khích gia đình sinh con một bề là gái không sinh thêm con, càng làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội, và khẳng định sinh con gái không những không kém hơn mà còn tốt hơn sinh con trai.
Xưa nay người đẻ con gái vẫn bị người đời chê bai, gièm pha. Tuy nhiên, một khi anh đã được chính phủ, nhà nước quan tâm, động viên, thì không còn lý do gì mà phải mặc cảm nữa.
Ngay cả vùng nông thôn, nơi còn lưu cữu những định kiến khắc nghiệt thì một khi vai trò vị thế của con gái được nhà nước trân trọng, tôn vinh... người bố ra giữa làng cũng không còn bị phân biệt chiếu trên, chiếu dưới.
Xét về mặt kinh tế, nhìn chung gia đình sinh con gái một bề thường giàu hơn những gia đình sinh con trai. Như vậy tiền bạc ở đây không phải là vấn đề?
Nói là có hỗ trợ nhưng suy cho cùng chỉ mang tính chất tượng trưng. Tiền bạc không phải là thứ quyết định, điều mà gia đình sinh con gái một bề cần là được xã hội động viên, trọng vọng, tôn vinh vì đã không sinh thêm con, không làm khó cho đất nước.
Cũng có ý kiến cho rằng được hỗ trợ vì tôi sinh con là một sự sỉ nhục. Tuy nhiên, theo tôi, đó chỉ là ý kiến cá nhân chứ không thể đại diện cho cả số đông. Địa vị người con gái trong xã hội được nâng lên, mới là động lực chính để thay đổi nhận thức lâu nay của con người.
Tuy quy định hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái chưa được phê duyệt nhưng đã được áp dụng tại một số địa phương... Điển hình là tỉnh Thái Bình trong mấy năm gần đây đã linh hoạt áp dụng biện pháp này dưới hình thức tặng quà cho gia đình sinh con một bề là gái mà không sinh thêm con thứ 3. Dù chỉ là những món quà nhỏ như cái quạt, tặng kèm theo bằng khen gia đình thực hiện tốt công tác dân số KHHGĐ, nhưng cũng đã tạo hiệu ứng xã hội rất tốt.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ hỗ trợ bé gái mà không hỗ trợ bé trai sẽ tạo ra sự bất bình đẳng?
Không thể nói thế được. Hiện nay, chính phủ nhiều nước cũng đang dành ưu tiên cho nữ giới bước vào chính trường, nhiều vị trí lãnh đạo cũng ưu tiên phụ nữ; nhiều trường học cũng dành suất học bổng cho phụ nữ...Tất cả đều chứng tỏ đó không phải bất bình đẳng mà là đang tiến tới bình đẳng. Dành sự ưu tiên, trân trọng và tôn vinh phụ nữ, chính là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao vị thế của giới này trog xã hội.
Vậy ông nghĩ sao về ý kiến phản đối việc hỗ trợ vì cho rằng gây lãng phí cho ngân sách mà không mang lại hiệu quả?
Đây chỉ là một trong những giải pháp được thực hiện đồng loạt nhằm giảm mất cân bằng giới tính. Tôi cho rằng đây là giải pháp sáng tạo. Không phải chỉ có Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã làm.
Quan điểm của tôi là mọi động tác nhằm hướng tới đích tốt đẹp thì nên ủng hộ, còn hơn không làm gì cả chỉ biết ngồi kêu: "bây giờ phải làm thế nào?"...
Để đánh giá có hiệu quả hay không thì cần phải thời gian. Tuy nhiên, với thực trạng của Việt Nam hiện nay, nếu không tích cực làm tất cả biện pháp có thể thì tình trạng mất cân bằng giới tĩnh sẽ tiếp tục kéo dài vết trượt tới mốc nguy hiểm, kéo theo nhiều hệ lụy về xã hội. Khi đó, để giải quyết được quyết vấn đề này, nhà nước sẽ phải chi khoản tốn kém hơn rất nhiều so với nguồn thực hiện giải pháp ngay từ bây giờ.
Cuối cùng, xin hỏi ông với tư cách là người cha trong gia đình. Đã bao giờ ông chịu sức ép sinh con trai nối dõi dòng họ?
(Cười...) Tôi có 2 con, một trai, một gái. Tuy nhiên con trai tôi lấy vợ mới chỉ sinh được một cháu gái. Cũng có lần, con trai tôi hỏi, nhỡ đứa thứ hai là con gái thì sao? Tôi bảo không vấn đề gì, bây giờ người ta nói có con gái thì sướng tới chết còn có con trai chết mới sướng, con ạ!
Bà Mandeep K. O'Brien, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam:
Hiện nay, toàn Châu Á đang "thiếu hụt" tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng sự thật là thách thức này rất rõ ràng và đang ngày càng tăng lên. Tỷ số giới tính khi sinh đã tăng từ 106.2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 111.9 bé trai trên 100 bé gái năm 2011 và xu hướng rõ rệt này tiếp tục gia tăng.
Có một bằng chứng cụ thể ở châu Á và Việt nam cho thấy rằng mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính trước khi sinh, do những chuẩn mực văn hóa có từ lâu đời về việc ưa thích con trai và đánh giá thấp giá trị trẻ em gái.
Theo 24h
Báo động mất cân bằng giới tính Ngày 27.12, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Ngãi cho biết tình hình mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh tại Quảng Ngãi đang ở mức báo động. Nếu như năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh tại Quảng Ngãi là 115 bé trai/ 100 bé gái thì đến năm 2012 đã tăng lên...