Có tấm áo này, mưa đá to bằng bi ve nông dân Mộc Châu vẫn yên tâm bảo vệ vườn mận hậu
Nhiều năm gần đây, mưa đá thường xảy ra trên địa bàn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho những người trồng mận hậu.
Nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, người trồng mận hậu đã tìm ra bí quyết chống lại mưa đá.
Từ lâu sản phẩm mận hậu được trồng ở cao nguyên Mộc Châu – nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây mận hậu, đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa nghèo.
Mưa đá từng gây thiệt hại 80 – 90% quả mận hậu
Cây mận hậu được trồng tập trung chủ yếu tại 8 xã, thị trấn của huyện Mộc Châu, trong đó nhiều nhất là thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu, xã Tân Lập, xã Mường Sang, Phiêng Luông và xã Chiềng Sơn.
Những trận mưa đá thất thường gây thiệt hại từ 80 – 90% quả mận hậu. Ảnh: PV.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng NNPTNT huyện Mộc Châu cho biết: Do thời tiết thay đổi nên 5 năm trở lại đây xuất hiện nhiều trận mưa đá, đặc biệt có những trận mưa đá có kích cỡ to bằng quả mận hậu. Thậm chí, nhiều trận mưa đá có lượng đá rất dày và thời gian mưa đá kéo dài.
“Thời điểm mưa đá thường xảy ra vào lúc mận đang ra quả bằng viên bi ve hoặc trước thời điểm mận chuẩn bị thu hoạch 1 tháng. Sau những trận mưa đá, các vườn mận của người dân bị thiệt hại rất nặng. Do vậy, huyện đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân đầu tư hệ thống lưới phủ để chống mưa đá, sương muối cho cây trồng, nhất là đối với diện tích trồng mận”, ông Thành nói.
Video đang HOT
Sau khi mưa đá làm 4 ha mận hậu của gia đình rụng đầy gốc, ông Nguyễn Tiến Dũng, tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu đã tìm ra bí quyết chống mưa đá cho mận hậu, đó là mắc lưới cho vườn mận. Ảnh: Anh Đức.
Tại huyện Mộc Châu, có nhiều vườn mận đang vào thời điểm ra quả hoặc chuẩn bị thu hoạch khi gặp phải mưa đá thì coi như thất thu.
Lượng quả mận hậu trên cây bị thiệt hại từ 80 – 90%, số quả còn sót lại trên cây khoảng 10 – 20%. Những quả này, quả thì bị xước xát, quả bị thối, quả thì bị sẹo. Thậm chí, sau trận mưa đá trước đó cây chưa kịp hồi sinh thì lại gánh chịu các trận mưa đá tiếp theo.
Đến nay, có khoảng 300 ha mận hậu của người nông dân Mộc Châu đã được phủ lưới chống mưa đá. Ảnh: Tuấn Linh.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Dũng, tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu – hộ tiên phong tìm ra bí quyết chống mưa đá cho mận hậu, thông tin: Nhờ trồng mận, hàng trăm hộ dân ở Mộc Châu phất lên thành triệu phú, tỷ phú. Nhưng mấy năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, mật độ xuất hiện mưa đá dày hơn khiến nông dân trở tay không kịp.
“Năm 2018, 4 ha mận hậu của gia đình tôi được mùa, quả sai trĩu cành. Cứ nghĩ rằng sau thu hoạch sẽ bỏ túi tiền tỷ, nào ngờ sau một trận mưa đá, quả rụng đầy gốc. Năm đó, mận nhà thất thu, phải bù lỗ chi phí vật tư… Sau lần đó, tôi xuống Hà Nội tìm tòi, tham khảo các mô hình và đã nghĩ ra cách mắc lưới cho mận. Đến nay, đã có nhiề u hộ trồng mận làm theo”, ông Dũng cho biết.
Nông dân trồng mận sáng tạo ra cách chống mưa đá
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng NNPTNT huyện Mộc Châu cho biết thêm: Do chi phí đầu tư hệ thống lưới chống mưa đá cho mỗi ha mận khá cao (khoảng 40 triệu đồng) nên toàn huyện có 4.000 ha mận thì đến nay mới có vài trăm ha được người trồng mận đầu tư hệ thống lưới chống mưa đá.
Ông Lường Văn Quỳnh, bản Nà Bó 1, xã Mường Sang đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để phủ lưới chống mưa đá cho 5 ha mận của gia đình. Ảnh: Tuấn Linh.
Qua thực tế cho thấy, mưa đá chủ yếu xuất hiện từ khu vực thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông Trường Mộc Châu và các xã Mường Sang, Đông Sang, Tân Lập. Do vậy, đa phần diện tích lưới được mắc để chống mưa đá cho cây mận nằm ở địa bàn các thị trấn và xã nói trên.
Ông Lường Văn Quỳnh, bản Nà Bó 1, xã Mường Sang cho biết: “Cũng bởi thiệt hại về kinh tế do mưa đá gây ra cho diện tích mận quá lớn nên các hộ trồng mận chúng tôi đã tự chủ động lên mạng tìm hiểu và tham quan các mô hình dưới xuôi. Sau đó, mới tự nghĩ ra được cách phòng mưa đá cho cây mận bằng cách phủ lưới lên phía trên cây”.
Gia đình ông Quỳnh hiện có 8 ha mận nhưng mới chỉ đầu tư hệ thống lưới chống mưa đá cho 5 ha với kinh phí hơn 300 triệu đồng. Còn lại 3 ha chưa đầu tư được hệ thống lưới bởi kinh phí gia đình hạn hẹp nên trong thời gian tới sẽ đầu tư thêm.
Việc mắc lưới chống mưa đá sẽ giảm được 80% thiệt hại cho cây mận. Ảnh: Tuấn Linh.
“Sau khi mắc lưới chống mưa đá cho cây mận tôi thấy rất hiệu quả, có thể giảm được 80% thiệt hại. Năm ngoái, nhờ đầu tư hệ thống lưới chống mưa đá nên mận có mẫu mã đẹp, quả to, gia đình thu lãi 7.000 đồng/kg mận. Ngay như hôm 27/3 vừa qua trên địa bàn xảy ra mưa đá nhưng nhờ có lưới nên quả mận đang cho thu hoạch không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Quỳnh phấn khởi.
Những nông dân trồng mận ở Mộc Châu cho biết, hệ thống lưới dùng để phòng chống mưa đá có thể sử dụng được từ 6 năm trở lên. Mỗi gốc mận có một chiếc cọc sắt to bằng cổ tay dài từ 5m đến 6m để chống giữ hệ thống lưới được phủ phía trên cây mận.
Thừa Thiên Huế xuất hiện liên tiếp 2 trận mưa đá
Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, hai trận mưa đá liên tiếp xuất hiện tại huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), nhiều viên đá to bằng đầu ngón tay.
Chiều 26/3, ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, 2 trận mưa đá liên tiếp xảy ra tại huyện A Lưới (tập trung tại khu vực Bốt Đỏ, thị trấn A Lưới và xã Bắc Sơn).
Trận thứ nhất xảy ra trong 7 phút, từ 14h50 phút đến 14h57 và trận thứ 2 kéo dài 4 phút, từ 15h02 đến 15h06.
Hai trận mưa đá liên tiếp xuất hiện tại huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), nhiều viên đá to bằng đầu ngón tay. Nguồn: Trang Thông tin Phòng chống thiên tai.
Kích thước lớn nhất hạt mưa đá 23mm, kích thước nhỏ nhất 5mm. Trọng lượng trung bình hạt mưa đá 0,6 gram. Đi kèm mưa đá là gió giật mạnh nhất là 15m/s, gió trung bình 10m/s.
Một người dân ở xã Hương Lâm cho biết khi đang ở nhà thì trời nổi cơn giông kèm sấm sét. Ngay sau đó, đá bắn liên tiếp vào mái tôn, bắn cả vào thềm nhà, viên đá to bằng đầu ngón tay.
Kích thước lớn nhất hạt mưa đá xảy ra ở A Lưới, Thừa Thiên Huế là 23mm, kích thước nhỏ nhất 5mm.
Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa đá hình thành từ các đám mây đối lưu.
Qua theo dõi trên ảnh radar thời tiết và số liệu quan trắc cho thấy mây đối lưu phát triển gây mưa giông tại huyện A Lưới và Nam Đông.
Miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường xảy ra mưa đá vào các tháng 3-4 và 9-10, khi thời tiết chuyển mùa từ lạnh sang nóng và ngược lại.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cũng cảnh báo đêm nay và ngày mai, không khí lạnh sẽ tràn đến miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Do nền nhiệt khu vực đang cao, phổ biến 32-34 độ, nên dễ gây ra sự xung đột, làm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá.
Các tỉnh miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ mưa dông, đề phòng lũ quét, sạt lở đất Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên mực 1.500 m, đêm 23/3, phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 50 mm. Quốc lộ...