Cơ sở giáo dục tư thục lao đao trong “bão” Covid-19
Không có nguồn thu trong khi vẫn duy trì những khoản chi cố định, nhiều cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn Thanh Hóa đang rơi vào tình cảnh lao đao.
Dịch Covid-19 bùng phát, học sinh (HS) nghỉ học kéo dài nhiều tháng, không có nguồn thu và nguồn quỹ dự phòng… trong khi nhiều khoản vẫn phải chi trả khiến nhiều trường tư thục rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn.
“Tiến thoái lưỡng nan”!
Trung tâm Ngoại ngữ Golden Key, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) được thành lập từ năm 2010, hiện có gần 30 lao động, trong có có 17 giáo viên (GV) đứng lớp gồm cả GV người Việt Nam và GV nước ngoài. Gần 3 tháng HS nghỉ học, Trung tâm hoàn toàn không có nguồn thu.
Ngoài tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, nhiều loại phí dịch vụ cố định để duy trì Trung tâm cũng như trả tiền cho GV và người lao động là một khoản tiền lớn.
Nhiều trung tâm ngoại ngữ rơi vào cảnh lao đao khi HS nghỉ học.
Lãnh đạo trường này cho biết, đối với những GV người Việt, Trung tâm chỉ có thể đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), còn tiền đứng lớp, lương hàng tháng thì phải cắt hoàn toàn vì không có nguồn. Còn riêng GV người nước ngoài thì phải trả thêm tiền ăn, ở, đi lại cho họ, mỗi người khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Đối với 4 cơ sở thuộc hệ thống nhóm trẻ tư thục song ngữ thực hành Talent Kids (TP Thanh Hóa), khi HS tạm nghỉ học, không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và những chi phí khác như bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh… nên chủ đầu tư đã không thể trả lương cho cán bộ, nhân viên, GV. Do vậy, đã có 2 GV xin thôi việc.
Bà Lê Thị Nguyệt, chủ đầu tư Hệ thống nhóm trẻ tư thục song ngữ thực hành Talent Kids cho hay: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ lương cho người lao động trong thời gian nghỉ học nhưng được thực hiện vào thời gian sau khi HS quay trở lại học, bởi khi đó mới có nguồn thu. Tuy nhiên, nếu thời gian HS nghỉ học vẫn tiếp tục kéo dài thì chúng tôi cũng không biết được điều gì sẽ xảy ra”.
Vay ngân hàng trả lương, đóng BHXH cho GV!
Video đang HOT
Tính đến hết học kỳ I, năm học 2019-2020, Trường Mầm non Búp Sen Xanh (TP Thanh Hóa) có 21 nhóm lớp với hơn 480 trẻ.
Ông Lê Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, đơn vị đầu tư Trường Mầm non Búp Sen Xanh, cho biết: “Ngoài nguồn thu từ học phí, chúng tôi không có nguồn nào khác để đưa vào quỹ dự trữ tài chính. Hiện, chúng tôi đang phải đi vay ngân hàng để đóng BHXH và chi trả chế độ phụ cấp theo quy định của luật lao động cho 60 cán bộ, GV, nhân viên”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, vừa qua, trong báo cáo nhanh về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhà trường đã đề xuất với phòng GD&ĐT thành phố, UBND thành phố và UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét có hướng hỗ trợ để giúp nhà trường giải quyết khó khăn trong thời gian HS tạm nghỉ học.
Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) vẫn chi trả lương và BHXH cho người lao động nhưng cũng chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 4/2020, nếu tiếp tục sẽ phải vay ngân hàng.
Đối với Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa), lãnh đạo trường này vẫn bảo đảm trả lương và các khoản bảo hiểm cho hơn 100 cán bộ, GV và nhân viên, tuy nhiên, việc này được lãnh đạo cho biết chỉ có thể cáng đáng đến tháng 4/2020.
“Nếu sang tháng 5 dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi phải tính đến việc vay ngân hàng để bảo đảm lương cho cán bộ, GV, nhân viên. Mong muốn của nhà trường trong trường hợp này là ngân hàng sẽ hỗ trợ vay ưu đãi cho nhà trường để vượt qua khó khăn” – bà Lê Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga nói.
Theo tìm hiểu, chung cảnh ngộ phải đi vay ngân hàng để trả lương, đóng BHXH hay chỉ hỗ trợ đóng BHXH cho người lao động không chỉ xảy ra ở Trường Đông Bắc Ga hay Búp Sen Xanh mà ở hầu hết các cơ sở tư thục trên địa bàn Thanh Hóa.
Được biết, về số lượng, cơ sở giáo dục tư thục, tính riêng địa bàn TP Thanh Hóa, có 16 trường mầm non, 2 trường liên cấp, 4 trường tiểu học, 47 công ty có trung tâm dạy học ngoại ngữ cùng rất nhiều các nhóm trông giữ trẻ.
Liên quan đến tình trạng trên, Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân như: miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và quý II, năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập; Xem xét miễn BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ GV, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và quý II, năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
Bình Minh
Hà Nội: Gần 17 nghìn giáo viên nghỉ không lương, xoay đủ nghề kiếm sống mùa dịch
Gói nem bán online, làm shipper, "nail" dạo... là những công việc được nhiều giáo viên mầm non ở Hà Nội làm kiếm tiền trong mùa nghỉ dịch Covid-19.
Hơn 2 kỳ trả lương trôi qua nhưng hàng chục nghìn thầy cô giáo vẫn không nhận được đồng lương nào khi nhà trường đóng cửa. Số giáo viên này, theo thống kê mới nhất của Hà Nội, hiện gần 17.000 người.
Cô giáo Thương (phải) cuốn nem để bán trong thời gian nghỉ tránh dịch. Ảnh NVCC
Làm nail, cuốn nem.. khi trường đóng cửa
Những ngày này, trang mạng cá nhân của cô Thương Thương - giáo viên một trường mầm non tư thục ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - ngập tràn hình ảnh những chiếc nem rán trông ngon mắt, hấp dẫn. Phụ huynh có con học ở lớp cô có lẽ là những thực khách đầu tiên ủng hộ sản phẩm, chỉ với 5.000đ mỗi chiếc nem và được ship nóng hổi tận nơi.
Nữ giáo viên có đôi mắt sáng, toát lên vẻ nhanh nhẹn và lạc quan, chia sẻ, hôm nào mát trời, cô được khách đặt cả trăm cái nem, khiến cô phải nhờ mẹ "cứu". Cuốn xong và rán sơ, Thương lại tất tả lái xe máy đi giao cho khách. Hai tháng rồi, tin nhắn báo lương vẫn im lìm, đồng nghĩa với việc tài khoản lương trắng xóa hoàn toàn.
"Chị hiệu trưởng gọi điện cho chúng tôi, giọng buồn bã lắm, bảo như ngồi trên lửa vì cả 3 cơ sở đều thuê biệt thự, giá thuê nhà rất cao trong khi trường đóng cửa hai tháng nay rồi. Chị nói sẽ cố gắng hỗ trợ mỗi cô một chút, nhưng quả thật, cầm tiền của chị chúng tôi không đành lòng. Cố gắng kiếm thêm một thứ gì đó để làm rồi bán, giáo viên mầm non khéo tay lắm nên kiểu gì cũng không đói được đâu", Thương tếu táo.
Một đồng nghiệp của Thương, trước thì ngày đi làm, tối về có hiệu làm móng chân tay nhỏ để tăng thu nhập. Ngày nghỉ tránh dịch, cả trường học và tiệm nail đóng cửa, cô đành nhận làm shipper giao hàng. "Thi thoảng có khách gọi tới tận nhà để làm, nhưng tôi rất hạn chế để tránh nguy cơ lây nhiễm, dù cũng muốn có thêm đồng ra đồng vào. Nhưng thôi, nghĩ đi nghĩ lại, giữ cho mình và mọi người vẫn hơn, chi tiêu dè sẻn lại một chút, thi thoảng làm chân shipper, mỗi ngày cũng được vài chục một trăm chứ không ít, mùa dịch hóa ra nghề này lại thành "hot" - nữ giáo viên lạc quan chia sẻ.
Câu chuyện của cô giáo Thương và đồng nghiệp của mình chỉ là rất ít trong số hàng chục nghìn giáo viên khắp Hà Nội, đang mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến nay đã gần 3 tháng. Khéo tay và chịu khó bán đồ ăn online cũng chỉ là cách đắp đổi từng ngày, nhưng không phải ai cũng có thể năng động và có điều kiện để làm điều đó.
Cô giáo Ngân An, một giáo viên mầm non tư thục ở quận Nam Từ Liêm, cho biết, 3 tháng nay chỉ ở nhà trông con, cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương công chức của chồng. "Con tôi còn bé, không có người trông, ông bà lại nhiều tuổi chẳng nhờ cậy được, đành ngậm ngùi chấp nhận cảnh không lương và ưu tiên chăm sóc con. Cả nhà tiêu trong đồng lương của chồng, đành bớt chút cá, chút thịt trên mâm cơm để đủ tiêu, rồi cũng qua hết! Giờ chúng tôi cố gắng cầm cự, chỉ mong dịch qua nhanh để còn trở lại trường với các con, nghỉ dạy lâu cũng nhớ các con nhiều", cô An trải lòng.
Cấp bách kiến nghị hỗ trợ
Trong văn bản gửi Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mới đây, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu những con số giật mình. Toàn Hà Nội hiện có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập (trong đó 358 cơ sở mầm non, 2.696 nhóm trẻ; 46 trường tiểu học; 22 trường THCS và 103 trường THPT), với gần 45.000 người đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Số giáo viên nghỉ hoàn toàn không lương ở các cấp có khoảng gần 17.000 người, riêng giáo viên mầm non là hơn 10.000 cô giáo. Ngoài ra, khoảng 14.000 giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập chỉ được hỗ trợ dưới 50% lương và 14.000 người được hưởng 50% lương.
Ảnh minh họa
Trong nỗ lực tự thân hỗ trợ giáo viên, trên 120 trường ngoài công lập đang phải hỗ trợ 100% lương cho giáo viên, nhân viên. Trong số này có 83 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 6 trường THCS và 20 trường THPT. Có gần 160 trường từ mầm non đến THPT thuộc khối ngoài công lập đang cố gắng để hỗ trợ 50% lương cho giáo viên, nhân viên. Nhưng vẫn có gần 50 trường không có kinh phí để hỗ trợ lương cho giáo viên, nhân viên. Một số trường chỉ có thể hỗ trợ một phần. Thậm chí có 42 trường không hỗ trợ lương cho cán bộ giáo viên, nhân viên.
Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị thành phố hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt là những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn phải thuê nhà, con nhỏ, sức khỏe yếu... Đồng thời, miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và II năm 2020.
Bên cạnh đó, giáo dục Hà Nội cũng kiến nghị hỗ trợ chủ cơ sở ngoài công lập, theo hướng được vay ưu đãi lãi suất 0% với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác).
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội gói hỗ trợ 62.000 tỉ giúp người nghèo chống dịch Covid-19
Khẩn trương thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã ký báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có 6 nhóm đối tượng được Chính phủ đề nghị hỗ trợ, trong đó có nhóm đối tượng liên quan đến giáo viên đang nghỉ không lương. Gói hỗ trợ an sinh ước tính 62.000 tỉ đồng, dự kiến có khoảng 20 triệu người sẽ được thụ hưởng. Được biết, sáng nay (8/4), Thường vụ Quốc hội thảo luận về nội dung này và sớm thông qua phương án hỗ trợ, phần nào giúp người lao động vượt qua đại dịch.
Nhật Lam
Cắt giảm lương, giáo viên chật vật qua ngày Học sinh nghỉ học nhiều tháng liền khiến hàng ngàn trường ngoài công lập mất nguồn thu buộc phải giảm, thậm chí cắt lương giáo viên Hà Nội hiện có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập với 45.642 giáo viên và nhân viên. Trong số này, có gần 40.000 người phải giảm lương, thậm chí cắt hẳn. Trường tìm đủ cách...