Cơ sở chế biến lâm sản “đầu độc” nguồn nước
Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính, các cơ sở chế biến lâm sản cũng đã hứa không xả thải ra môi trường; tuy nhiên thực tế những cơ sở này vẫn ngang nhiên xả chất thải độc hại xuống sông.
Hai cơ sở chế biến lâm sản vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường là Cơ sở chế biến lâm sản Sơn Lâm và Cơ sở sản xuất đũa và bột giấy của Hợp tác xã Thành Phát, ở xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.
Hệ thống xả thải của Cơ sở chế biến lâm sản Sơn Lâm.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, cả hai cở sở này chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định của pháp luật.
Trong đó, Cơ sở chế biến lâm sản Sơn Lâm hoạt động được 5 năm nay. Mỗi tháng cơ sở này sản xuất 120 tấn bột giấy, 20 tấn đũa ăn một từ nguyên liệu tre luồng. Cơ sở này có 3 bể ngâm bột giấy, mỗi bể khoảng 55 – 60m3. Mỗi lần Cơ sở này xả khoảng 50m3 lượng nước thải độc hại ra môi trường.
Cứ một tuần, nước thải từ khâu ngâm ủ bột giấy của cơ sở chế biến lâm sản Sơn Lâm lại được xả ra môi trường một lần. Nguồn nước từ cơ sở này có màu đen kịt, chứa hóa chất độc hại được xả qua rãnh nổi, rồi chảy trực tiếp ra sông Đằn.
Qua quan sát, hệ thống dẫn nước thải tại cơ sở Sơn Lâm là một cống thải được thiết kế có chủ ý. Điều đáng nói là nguồn nước Sông Đằn chảy ra đập Bái Thượng, hòa vào dòng nước sông Chu, chảy về phía hạ lưu, cung cấp nước sản xuất cho các nhà máy nước trên địa bàn thành phố Thanh Hóa, để sản xuất nước sinh hoạt cho người dân thành phố Thanh Hóa và các đô thị vệ tinh.
Nguồn nước thải bị ô nhiễm nghiêm trọng vẫn được xả thẳng vào nước sông.
Video đang HOT
Trên địa bàn xã Tân Thành còn có Cơ sở sản xuất đũa và bột giấy của Hợp tác xã Thành Phát cũng đang hoạt động. Hợp tác xã này lấy nguồn nước sông Đằn phục vụ sản xuất. Sau đó, nước thải chưa qua xử lý đúng quy trình từ đây lại đổ xuống sông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Ông Hà Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Xã đã nhiều lần kiểm tra, đề nghị Chủ tịch UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính hai cơ sở trên, yêu cầu hai cơ sở chế biến lâm sản này không được xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường”.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã lấy mẫu nước thải của các Cơ sở nêu trên để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường; lập biên bản, yêu cầu các cơ sở dừng ngay việc xả nước thải độc hại chưa xử lý ra sông Đằn.
Dù đã bị nhắc nhở nhiều lần nhưng các cơ sở vẫn cố tình vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã báo cáo UBND tỉnh ra quyết định tạm dừng hoạt động ngâm ủ bột giấy của các cơ sở trong vòng 3 tháng kể từ ngày 15/3, để xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Theo đó, các cơ sở này chỉ được hoạt động trở lại khi đã hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và được UBND tỉnh cho phép, nhưng hiện hai cơ sở này vẫn hoạt động và đang xả nước thải có hóa chất độc hại trực tiếp xuống sông Đằn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Duy Tuyên
Theo Dantri
Từ vụ bắt cóc trẻ sơ sinh, lần ra đường dây mua bán trẻ em
Từ lời khai của Lê Thị Bích Trâm (25 tuổi, ngụ quận 7, kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV quận 7 hồi tháng 1/2014), công an đã lần ra 1 đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn ở TPHCM.
Sau hơn 2 tháng bị bắt giam, Trâm đã khai nhận việc bắt cóc bé sơ sinh ở Bệnh viện quận 7, TPHCM là để mang bán lấy tiền cho chồng trả nợ cá độ bóng đá chứ không phải mang về nuôi như lời khai ban đầu.
Lộ chân tướng "mẹ mìn"
Liên quan đến vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện quận 7 vào sáng 9/1/2014. Mới đây, cơ quan điều tra công an quận 7, TPHCM cho biết, Lê Thị Bích Trâm đã khai nhận việc bắt cóc bé Trương Minh Hoài (1 ngày tuổi, con của chị Nguyễn Thị Minh Tâm) là để mang đi bán lấy tiền cho chồng trả nợ cá độ bóng đá chứ không phải mang về nuôi như lời khai ban đầu.
Lê Thị Bích Trâm tại cơ quan công an
Trâm khai nhận, trước đó trong thời gian làm việc ở Hợp tác xã vận tải xe buýt 26, Trâm có quen với Vũ Tiến Lông (27 tuổi, ở huyện Bình Chánh). Tháng 4/2013, Trâm kết hôn với Lông, nhưng do Lông thua cá độ bóng đá, nợ nần chồng chất, khi đó Trâm lại nghỉ làm điều hành xe buýt và tình cờ quen được Phạm Tuấn Phương (52 tuổi, quê tỉnh Đắk Nông, tạm trú quận Tân Phú) chạy xe ôm trước bệnh viện Từ Dũ.
Trong lúc trò chuyện, Phương có gợi ý cho Trâm về việc nếu biết ai có trẻ sơ sinh mang bán thì giới thiệu cho Phương để Phương giới thiệu người mua kiếm tiền cò.
Chiều 8/1, Trâm đã trà trộn vào khoa hậu sản của Bệnh viện quận 7 để tìm cơ hội bắt cóc trẻ sơ sinh. Đến sáng 9/1, Trâm đã ra tay bắt cóc cháu bé Trương Minh Hoài rồi thuê nhiều cuốc xe ôm để về nhà chồng ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Sau khi xảy ra vụ việc, Công an quận 7, đã huy động 100% lực lượng vào cuộc truy bắt, đến trưa 13/1 thì đối tượng Trâm đã bị bắt giữ.
Tại cơ quan công an, bước đầu Trâm khai do bị sảy thai. Sợ chồng bỏ nên Trâm tìm cách bắt bé Hoài về nói là con do mình sinh để được gia đình chồng yêu thương. Căn cứ vào lời khai ban đầu này, công an quận 7 đã khởi tố Trâm về hành vi chiếm đoạt trái phép trẻ em. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau khi bị bắt giữ, Trâm đã khai nhận lại với cơ quan điều tra, mục đích Trâm bắt cóc bé Hoài để bán lấy tiền cho Lông trả nợ.
Lần ra đường dây buôn bán trẻ em
Từ lời khai của Trâm, công an quận 7 xác định, Phạm Tấn Phương là mắt xích rất quan trọng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh, các trinh sát đã đeo bám, tiếp cận đối tượng này. Trinh sát đã hóa trang, đóng giả vai có người nhà sắp sinh con và muốn bán để tiếp cận Phương.
Từ đó, trinh sát phát hiện Phương thường tiếp xúc với Trần Ngọc Quỳ (tự Phóng, 44 tuổi, ngụ quận Tân Phú) và Ngô Thị Lan (tự Hồng, 44 tuổi, ngụ quận 1).
Một nguồn tin mật báo cho biết, chiều 27/2/2014, các đối tượng Quỳ, Lan sẽ thực hiện một vụ mua bán trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, quận 10. Các trinh sát của công an quận 7 phối hợp cùng trinh sát PC45 đã phục kích tại đây.
Lúc 17h chiều 27/2, Hai đối tượng Võ Thị Kiều Trang (26 tuổi, quê Quảng Ngãi) và Võ Văn Viễn (44 tuổi, ở quận Gò Vấp) đang thực hiện giao dịch bán con của mình cho Lan và Quỳ thì bị các trinh sát ập vào bắt giữ.
Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ em vừa bị công an triệt phá
Lần lượt 3 đối tượng khác là Tưởng Đình Thương (35 tuổi, tạm trú quận 10), Phạm Tuấn Phương (52 tuổi, tạm trú quận Tân Phú) và Trần Thiện Nhân (44 tuổi, sống lang thang ở quận 1) đều bị bắt giữ.
Ngay Sau đó 7 đối tượng trong đường dây này đã bị công an khởi tố về hành vi "mua bán trẻ em".
Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.
Đình Thảo
Theo dantri
Bé 4 tuổi hoảng loạn vì bị mẹ hiệu trưởng dùng dép tát vào mặt? Chỉ vì ăn vào bị ói ra, một cháu bé 4 tuổi ở trường mầm non đã bị mẹ ruột của hiệu trưởng trường này dùng dép tát vào mặt, khiến cháu bé bị xuất huyết giác mạc và kết mạc. Chuyện xảy ra ở trường mầm non tư thục Tuổi Hồng, xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)....