Cô sinh viên không tay mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em
Mỗi năm đến hè, cô sinh viên năm 3 Lê Thi Thắm (Trường Đại học Hồng Đức) – người không có 2 cánh tay từ khi lọt lòng mẹ, lại chuẩn bị bài vở, ngồi dạy miệt mài cho các em trong xóm nghèo.
Đã 3 năm nay, chứng kiến sự việc, nhiều người trong xóm lấy làm biết ơn và khâm phục ý chí phi thường của cô sinh viên nghèo, vượt khó.
Lọt lòng đã không có tay
Tới gia đình em Lê Thị Thắm (tại xã Đông Tân, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) vào buổi chiều hè đầu tháng 8, khi cô đang say sưa dạy tiếng Anh cho vài đứa trẻ. Hỏi ra mới hay, đây là lớp học tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ trong xóm nghèo Đoàn Kết.
Đã 3 năm nay, cứ vào dịp hè, em Lê Thị Thắm lại mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho những đứa trẻ nghèo trong xóm. Ảnh: Q.D
Trong căn nhà nhỏ chừng vài chục mét vuông, bà Nguyễn Thị Tình (mẹ em Thắm) vừa rót nước mới khách vừa kể: “3 năm nay rồi, cứ vào hè là nhà thành lớp học. Ban đầu, tôi phản đối, vì sợ sức khỏe Thắm yếu, sợ không làm nổi, nhưng nhiều lần con năn nỉ và quyết tâm, tôi cũng mềm lòng và đồng ý cho Thắm dạy”- bà Tình nói.
Bà Tình cho biết thêm, Thắm dù đã bước sang tuổi 21, nhưng em chỉ nặng 21kg. Ngoài không có 2 cánh tay từ khi lọt lòng, Thắm còn mang rất nhiều căn bệnh. Cột sống của em bị cong vẹo, ruột bị tắc, gai khớp háng, suy nhược cơ thể nặng. Vậy nên, sức khỏe em khá yếu.
“Đều đặn, tháng nào Thắm cũng phải đi điều trị định kỳ tại Hà Nội. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn nên em không thể nằm điều trị dài ngày, mà chỉ mua thuốc về nhà uống” – bà Tình tâm sự.
Mỗi lúc rảnh rỗi, bà Nguyễn Thị Tình lại ngồi cạnh động viên, an ủi con gái. Ảnh: Q.D
Theo bà Tình, Thắm dù không có tay, nhưng đôi chân của em khá linh hoạt, làm được nhiều việc cho bản thân và gia đình, vì vậy mọi người trong nhà cũng có phần an tâm. Trong suốt 12 năm học, Thắm luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến của trường.
Video đang HOT
Năm 2016, Thắm tham gia kỳ thi THPT Quốc gia xét tuyển đại học, cảm phục trước nghị lực học tập của Thắm, Trường Đại học Hồng Đức đã quyết định tuyển đặc cách, giúp em thực hiện ước mơ; trở thành cô giáo dạy tiếng Anh trong tương lai.
Mở lớp để được gần trẻ
Kể về ước mơ của mình, cô sinh viên Lê Thị Thắm cho biết, ước mơ em ấp ủ là trở thành một cô giáo. Sau khi bước vào giảng đường đại học, biết đây là bước đệm để mình thực hiện ước mơ, nên em đã cố gắng để hoàn thành thật tốt các chương trình nhà trường đề ra.
Ước mơ cháy bỏng của Thắm là trở thành cô giáo. Ảnh: Q.D
“Kể từ năm nhất, mỗi dịp nghỉ hè về nhà, em đều xin gia đình mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho mấy đứa trẻ trong xóm. Việc đấy, giúp em có thể nâng cao kiên thức, nghiệp vụ và giúp các em nhỏ không có điều kiện để đi học thêm, được bồi dưỡng kiến thức”- Thắm chia sẻ.
Theo Thắm, ban đầu, lớp học em mở ra cũng chỉ có 5 đến 6 em nhỏ theo học. Sau đó, nhiều người biết đến và đưa các cháu đến nhờ dạy. Đến nay, lớp học của Thắm đã phải chia ra 2 ca/ngày, với số lượng hơn chục em. “Gọi là lớp học cho vui thôi, chứ thực chất, các em đến, không có bàn ghế nên ngồi học ngày tại chiếc giường của cô”.
Chị Nguyễn Thị Khánh (trú cùng xóm Đoàn Kết, xã Đông Tân) cho biết, kể từ ngày cô Thắm dạy thêm tiếng Anh miễn phí cho cậu con trai là Nguyễn Trung Hiếu, cháu đã tiến bộ rõ rệt, trong 2 năm học, Hiếu luôn đạt điểm cao môn tiếng Anh và là học sinh giỏi của trường.
“Cô Thắm dạy thêm không thu tiền khiến chúng tôi vô cùng cảm ơn, tuy nhiên, nhiều khi thấy cô thiệt thòi, bệnh tật, thỉnh thoảng gia đình có gì ngon cũng mang sang biếu cô để bồi bổ sức khỏe” – chị Khánh nói.
Dù chịu nhiều thiệt thòi, Thắm luôn thể hiện tinh thần lạc quan, hăng say làm việc. “Với em giờ đây, hạnh phúc là ngày ngày được dạy các em nhỏ trong xóm, giúp các em tiến bộ, đạt kết quả cao trong học tập. Mong sao trong thời gian tới, em sẽ có bộ bàn ghế để các em nhỏ ngồi học tử tế hơn” – Thắm chia sẻ.
Theo Quách Du (Lao Động)
Bên trong túp lều của gã giang hồ cứu chục đôi sinh viên tình tự đêm vắng
Chúng tôi hỏi anh Minh, trong đời anh có yêu một cô gái nào không? Không ngập ngừng, anh nói ngay, 'đến giờ này tôi chưa yêu ai cả'.
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM nằm ở phường Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) và phường Đông Hòa (TX Dĩ An, Bình Dương). Những năm trước, nơi đây hoang vắng. Khi màn đêm buông xuống, tội phạm ra sức hoành hành. Gã giang hồ trượng nghĩa Minh 'cô đơn' tiếp tục trải lòng với phóng viên về cuộc đời mình.
Bắt cướp
'Trong suốt thời gian ở trường bắn, tôi sống với nghề lượm ve chai. Qua Làng Đại học Quốc gia TP.HCM cũng sống bằng nghề cũ. Thời đó, ve chai có giá lắm. Tôi lượm một ngày bán có thể sống được vài ngày.
Mỗi ngày tôi xách bao đi quanh khu vực chỉ một lát là đầy bao. Năm 2004, một hôm trong lúc đang lượm ve chai tôi phát hiện có một cặp nam nữ đang ngồi trò chuyện trong chỗ khuất. Cả hai đang vui vẻ thì bất ngờ từ phía sau, hai thanh niên đánh mạnh vào người nam và bắt người này phải đưa đồ, đưa tiền. Cô gái sợ quá đứng về một phía. Không chần chừ, tôi nhào vô đánh mạnh vào tên cướp. Tên còn lại dùng dao chém vào tay tôi rồi cả 2 tẩu thoát. Cặp nam nữ thoát nạn nhanh chóng bỏ chạy để lại tôi với cánh tay đầy máu'.
Kể đến đây, anh đưa cho tôi xem vết sẹo rồi nói, 'không phải một vết này đâu. Trên tay, trên lưng, ở chân tôi chi chít vết chém nhưng mà trời thương nên tất cả đều lành nhanh chóng.
Tôi đã giải cứu được nhiều người bị cướp trong các trường hợp tương tự như thế. Đa số đều là sinh viên đưa nhau đến nơi vắng vẻ trò chuyện.
Chiếc giường nơi anh ngủ. Bên cạnh là bằng khen về những việc anh đã làm.
Một lần khác, trong đoạn đường vắng, 3 thanh niên đi bộ đã uy hiếp, cướp tài sản 2 sinh viên. Tôi phát hiện, chúng hoảng sợ tháo chạy và tôi bắt được một tên giao cho công an.
Nhiều lần như vậy nếu không có tôi, chắc chắn các sinh viên trở thành nạn nhân của chúng. Một trường hợp đáng nhớ nhất cách nay mấy năm, lúc ấy đã 23h tôi đứng ở ngã tư phát hiện có hai tên đi xe chạy về hướng cổng 2.
Phát hiện có một cặp nam nữ đang ngồi tâm sự, một tên nhảy xuống. Ánh đèn của tôi rọi vào làm chúng hoảng sợ bỏ đi, nhưng sau đó, một cặp khác lại lao đến. Một tên nhảy xuống, kề dao vào cổ anh thanh niên. Tên còn lại lục túi lấy tiền và điện thoại.
Tôi nhào tới, không ngờ trên tay hắn có cây súng điện. Hắn chích tôi. Tôi dùng khả năng của mình lôi được hắn đi ra đường. Hắn vùng vẫy rồi thoát được nên chạy mất. Tôi vào bên trong, tên cầm dao sợ hãi vụt chạy bỏ xe lại. Tôi hô hoán nam sinh viên lên xe của hắn chạy ra ngoài báo bảo vệ. Rất đông công an, dân phòng được huy động lùng sục và kết quả, 2 tên bị bắt', anh Minh nhớ lại.
Anh cho biết, 'Một ngày của tôi làm việc tới khuya. Bất kể trường hợp nào cầu cứu, tôi đều ra tay giúp đỡ. Tôi chưa từ chối một ai và cũng nhờ vậy mà nhiều người thoát được những chuyện không may. Tôi mong sao cứ được khỏe mãi để có thể giúp được nhiều người. Cũng may, trời nuôi trời dưỡng đến nay tôi chưa lần nào bị bệnh nặng cả'.
Túp lều cô quạnh dưới lùm cây
Chúng tôi hỏi anh Minh, trong đời anh có yêu một cô gái nào không? Không ngập ngừng, anh nói ngay, 'đến giờ này tôi chưa yêu ai cả'. 'Anh nghĩ xem, tôi có gì để yêu người ta và người ta yêu tôi. Nhà cửa không, học thức không, tài sản không. Nói chung là tôi không có một điều kiện nào để yêu và được yêu. Thì thôi, một mình hơn 50 năm nay cũng đã sao đâu. Người ta gọi tôi là Minh cô đơn mà', anh nói, giọng có chút bùi ngùi, chút xót xa.
Chúng tôi đi theo anh để thăm nơi anh ở. Vượt qua gần 300m đường mòn, túp lều của anh ẩn dưới một lùm cây. Gọi là túp lều bởi không còn từ gì để có thể định hình được nơi anh ở. Không cửa nẻo, không tiện nghi. Chỉ một tấm bạt trải dài che cho một chiếc giường bên dưới. Dụng cụ đồ đạc ngổn ngang ...
Túp lều của anh Minh.
Anh cho biết, anh ngụ tại đây đã hơn 5 năm. Chỗ anh ở, nằm cạnh một miếu thờ. Xung quanh hoang vu vắng vẻ và ít người qua lại. Nhưng đêm nào cũng thế, cứ nửa đêm là anh trở về tìm giấc ngủ . Anh nói, anh ngủ rất ngon. Ở đây, không ai phá phách anh cả.
Chúng tôi nhìn bếp của anh. Tro củi vun đầy nhưng một ngày anh chỉ nấu cơm một lần cho cả 3 bữa. 'Vậy cho tiện anh à. Ăn sao cũng được, miễn qua ngày là vui rồi. Trước đây khi mới về đây cực lắm. Phải góp cả chục tấm áo mưa mới che được chỗ ngủ. Nhóm Kết nối yêu thương đã tặng cho tôi tấm bạt này đó. Nhờ vậy, giấc ngủ ấm hơn', anh Minh cười nói.
Anh cho biết, anh có 8 giấy khen nhưng vì không có tủ đựng, để ở ngoài nên có cái hư có cái rách. Giờ chỉ còn 2 cái. Chúng tôi nhìn vào. Giật mình, tấm giấy khen của Đại tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc công an Bình Dương nêu rõ công trạng của anh: Đã có tinh thần dũng cảm truy bắt các đối tượng cướp tài sản tại phường Đông Hòa, TX Dĩ An. Một giấy khen khác của ông Mai Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG TP.HCM cũng cùng lý do tương tự.
Anh cho biết, anh không có giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu, không nhà cửa. Anh chỉ ở trong căn chòi đó hy vọng đến cuối đời. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều quan tâm đến anh. Anh cho tôi xem phát ngôn của Thiếu tá Dương Đình Thanh -Trưởng Công an phường Đông Hòa đăng trên báo Công An TP.HCM ngày 7/6/2019.
Qua đó, Thiếu tá Thanh xác nhận anh là người làm nhiều việc thiện và tích cực đấu tranh chống tội phạm. Anh là một quần chúng năng nổ ở địa phương nên CA phường sẽ báo cáo lên cấp trên để có giải pháp giúp đỡ...
Chiều ngày 30/7/2019, PV báo VietNamNet đã trực tiếp đến UBND phường Đông Hòa với mục đích tìm hiều thêm về trường hợp anh Minh cô đơn. Tại đây, một cán bộ phường cho biết, chỉ có Chủ tịch phường mới được trả lời báo chí nhưng chủ tịch đã đi họp, không có ở cơ quan. Chúng tôi đã để lại câu hỏi. Vị cán bộ này tiếp nhận và hứa sẽ chuyển cho chủ tịch để có câu trả lời sớm nhất.
Trần Chánh Nghĩa
Theo vietnamnet
Luật Phòng chống tác hại rượu bia: 'Bàn tay sắt' ngăn chặn ma men gây họa cho xã hội Có lẽ ít có đạo luật nào mà có hành trình từ khi thai nghén đến lúc được thông qua trắc trở đến vậy. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra từ chốn nghị trường cho đến quán trà đá ven đường xung quanh những điều khoản của đạo luật này. Nhưng rốt cuộc thì quyền lợi và sự an toàn...