Cô ruột Kim Jong-un xuất hiện trên truyền hình
Cô ruột lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay tái xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước trong một bộ phim tài liệu.
Bà Kim Kyong-hui, cô ruột của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Bà Kim Kyong-hui, 68 tuổi, cô của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, em gái ông Kim Jong-il, hôm nay một lần nữa xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước trong bộ phim tài liệu được phát lại. Điều này giúp củng cố nhận định cho rằng bà không hề bị loại bỏ khỏi tầng lớp quyền lực của đất nước, bất chấp việc ông Jang Song-thaek, người chồng quá cố của bà, bị hành quyết hồi năm ngoái, theo Yonhap.
Bà Kim đã không xuất hiện trước công chúng từ tháng 12 năm ngoái, sau khi chồng bà bị xử tử với tội danh phản quốc. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy bà trên truyền hình là vào ngày 29/4. Khi đó, đài truyền hình trung ương Triều Tiên phát một bộ phim tài liệu về nỗ lực của ông Kim Jong-un nhằm thúc đẩy sự phát triển của thể thao. Trong phim, bà được phát hiện đứng cạnh cháu trai tại một sân vận động bóng đá.
Video đang HOT
Những suy đoán về việc cô của ông Kim Jong-un bị tước bỏ quyền lực lan truyền khi đài truyền hình thay thế những cảnh quay của bà trong bộ phim tài liệu khác phát sóng ngày 15/4. Bình Nhưỡng thường thể hiện việc loại trừ những thành viên cấp cao của chính phủ bằng cách xóa bỏ các hình ảnh liên quan đến họ.
Bà Kim Kyong-hui, cựu bí thư cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, hiện tại được cho là đã rút khỏi cương vị của mình do các vấn đề sức khỏe. Hồi đầu tháng, một nguồn thạo tin khẳng định một bác sĩ tim mạch người Mỹ gốc Hàn đã tới Bình Nhưỡng để điều trị cho bà. Động thái này làm gia tăng nghi vấn rằng bà đang lâm vào tình trạng nguy kịch.
Ông Kim Jong-un, hơn một tháng nay, cũng không xuất hiện trước công chúng. Hôm 10/10, tên của ông không có trong danh sách những người tới viếng lăng hai nhà lãnh đạo quá cố họ Kim nhân kỷ niệm ngày thành lập đảng. Ông chưa từng bỏ lỡ sự kiện này kể từ khi lên nắm quyền. Nhiều đồn đoán quanh sự biến mất của ông liên tục được đưa ra từ lúc ông vắng mặt.
Vũ Hoàng
Theo Vnexpress
Snowden: Mỹ có điệp viên chìm theo dõi Trung Quốc
Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã triển khai các chương trình tại Trung Quốc, sử dụng những điệp viên bí mật cũng như xâm nhập các mạng lưới và thiết bị thông qua "sự phá hoại về vật chất", tài liệu mật của cựu điệp viên Snowden khẳng định.
Cựu điệp viên CIA Edward Snowden
Thông tin được tờ The Intercept đăng tải. Theo đó các tài liệu của cựu điệp viên CIA hé lộ cho thấy, NSA đã triển khai một dự án có mật danh là Sentry Eagle, một tập hợp các chương trình nhạy cảm được thiết kế để "bảo vệ không gian mạng của Mỹ".
Sentry Eagle, vốn được đưa vào hoạt động từ khoảng năm 2004 và có khả năng còn hoạt động đến năm 2012, được tạo thành từ ít nhất 6 chương trình gồm: Sentry Hawk có nhiệm vụ do thám mạng, Sentry Falcon để phòng thủ mạng máy tính, Sentry Osprey, phối hợp giữa CIA và các cơ quan tình báo khác; Sentry Raven nhằm phá vỡ các hệ thống mã hóa, Sentry Condor dành cho việc vận hành và tấn công các máy tính, và Sentry Owl là chương trình có sự hợp tác với các công ty tư nhân.
Các tài liệu về Sentry Eagle miêu tả chương trình này như một phần của những "bí mật cốt lõi" của NSA, nằm trên đỉnh của hệ thống phân loại an ninh quốc gia gồm 6 cấp của Mỹ, cao hơn cả cấp độ "tối mật". Các chi tiết về những hoạt động bí mật cốt lõi được cho là chỉ được tiết lộ trong một nhóm nhỏ quan chức bên ngoài NSA, và phải được sự phê chuẩn của một trong số một vài quan chức tình báo cấp cao nhất, bao gồm cả giám đốc NSA.
Một trong những phát hiện gây bất ngờ hơn từ tài liệu do Snowden công bố đó là, bên cạnh việc đột nhập từ xa các máy tính và mạng máy tính của nước ngoài, NSA được tin là đã hợp tác với CIA và các cơ quan tình báo khác, để thực hiện những chiến dịch "tình báo con người", trong khuôn khổ chương trình Sentry Osprey.
Theo một trong những tài liệu tóm tắt, bộ phận Khai thác mục tiêu của NSA, hay TAREX, triển khai các điệp viên để hỗ trợ các chiến dịch tình báo khắp thế giới của họ, và các điệp viên được "tích hợp" với các chiến dịch của CIA, FBI và Cục tình báo quốc phòng.
Các nước được liệt kê là mục tiêu của TAREX bao gồm Hàn Quốc, Đức và Trung Quốc, vốn là những nước có nhiều nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn. Cụ thể là Trung Quốc được xác định là mục tiêu then chốt của các hoạt động tình báo Mỹ.
Tài liệu cũng cho thấy chính phủ Mỹ chi hàng trăm triệu USD cho các công nghệ để vượt qua hệ thống mã hóa thương mại, và NSA hoạt động bên trong các công ty nước ngoài để đột nhập và các mạng máy tính mà các quốc gia nơi công ty đó đóng trụ sở không hề hay biết.
Thanh Tùng
Theo Want China Times
Trung Quốc phóng 2 vệ tinh mang "mục đích quân sự" Vệ tinh cảm biến từ xa Dao Cảm 21 cùng vệ tinh thí nghiêm Thiên Thác 2 mà Trung Quốc phóng từ tỉnh Thái Nguyên hôm 8/9 vừa qua có thể mang theo các ứng dụng quân sự, như giám sát trên biển. Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc mang theo vệ tinh Dao cảm 21 Thông tin được đăng tải trên...