Cơ quan y tế Isarel nhấn mạnh chưa ghi nhận sự liên quan giữa vaccine ngừa COVID-19 và các ca tử vong sau tiêm
Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế (HPRA) của Israel cho biết cơ quan này đã tiến hành kiểm tra và không tìm thấy sự liên quan nào giữa vaccine ngừa COVID-19 và các trường hợp tử vong sau khi tiêm các loại vaccine này.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Givatayim, Israel, ngày 19/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người phát ngôn của HPRA khẳng định: “Chưa ghi nhận mối quan hệ nguyên nhân – kết quả của việc tiêm phòng COVID-19 trong bất kỳ trường hợp nào”.
Sau khi tiếp nhận các báo cáo nghi ngờ tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, HPRA đã kiểm tra 101 trường hợp tử vong sau khi tiêm một trong số các loại vaccine đã được cấp phép, các ca tử vong có độ tuổi trung bình là 81. HPRA cho biết thời gian từ khi tiêm phòng cho tới lúc tử vong ở các trường hợp này dao động từ 1 đến 81 ngày và chỉ vì có một ca tử vong trong giai đoạn sau tiêm vaccine không đồng nghĩa hai điều này có mối quan hệ nhân quả.
Đại diện HPRA nhấn mạnh: “Các báo cáo mô tả một ca tử vong được xem xét một cách kỹ lưỡng. Có thể lường trước rằng các trường hợp hợp tử vong do biến chứng của bệnh lý nền hoặc các nguyên nhân tự nhiên sẽ tiếp tục xảy ra, kể cả sau khi tiêm chủng. Điều này không có nghĩa là vaccine gây tử vong”.
Trả lời phỏng vấn báo Irish Times, phát ngôn viên của HPRA cho biết các báo cáo riêng lẻ về các tác dụng phụ rất hiếm khi đủ để xác định được nguyên nhân tử vong. Điều cốt yếu là phải kiểm tra toàn bộ dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu từ hệ thống báo cáo tự nguyện cũng như tổng hợp nhiều tài liệu, nghiên cứu dịch tễ học và thử nghiệm lâm sàng để đưa ra kết luận chắc chắn về bất kỳ mối quan hệ nhân quả nào.
Đại diện HPRA nhấn mạnh thêm rằng cũng giống như tất cả các loại thuốc, một số người sẽ gặp tác dụng phụ sau tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, vaccine phòng bệnh đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, trong đó ghi nhận phần lớn các tác dụng phụ từ mức nhẹ cho đến trung bình. Lợi ích của việc tiêm phòng COVID-19 “rõ ràng và vượt trội so với các tác dụng phụ tiềm ẩn”.
Indonesia dự kiến sử dụng vaccine ngừa COVID-19 nội địa
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 9/2, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận rằng vaccine ngừa COVID-19 Merah Putih (Đỏ Trắng) do nước này phát triển sẽ được sử dụng cho mũi nhắc lại và cho trẻ em từ 3-6 tuổi.
Vaccine Merah Putih cũng đã được thử nghiệm trên biến thể COVID-19 Delta. Ảnh: nasional.kontan.co.id
Phát biểu trong lễ khởi động thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine Merah Putih tại một bệnh viện ở tỉnh Đông Java, Bộ trưởng Budi cho biết hiện không có nhiều loại vaccine có thể sử dụng cho trẻ em, ngoài Sinovac và Pfizer. Ngoài ra, ông Budi khẳng định chính quyền cũng sẽ xem xét tài trợ vaccine Merah Putih cho một số quốc gia, trong đó có các quốc gia châu Phi. Theo ông Budi, việc phân phối vaccine tại châu Phi đang diễn ra chậm, trong khi một số loại vaccine như Moderna và Pfizer cần có các cơ sở hậu cần phức tạp do phải được bảo quản ở nhiệt độ từ -25 đến -28 độ C.
Bộ trưởng Budi xác nhận rằng Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã nhất trí với kế hoạch tài trợ vaccine Merah Putih cho một số quốc gia, qua đó mở rộng phạm vi sử dụng loại vaccine nội địa này ra quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, ông Budi lưu ý rằng mặc dù có kế hoạch lạc quan song trước hết chính quyền cần đăng ký vaccine Merah Putih với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thử nghiệm lâm sàng và tiêm tăng cường trước khi loại vaccine này có thể được đưa vào sử dụng rộng rãi và được sử dụng để viện trợ cho các nước châu Phi.
Israel bãi bỏ quy định 'Thẻ Xanh' tại hầu hết các điểm công cộng Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, kể từ ngày 7/2, Israel đã bãi bỏ quy định xuất trình "Thẻ Xanh", tức chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, tại hầu hết các tụ điểm công cộng như nhà hàng, rạp hát, phòng tập thể thao, khách sạn..., chỉ duy trì quy định này đối với vũ trường và các sự kiện...